Sau
hàng mấy chục năm làm ăn kiếm tiền thật suôn sẻ, nghề làm chủ tiệm Nail của
người Việt tại Hoa Kỳ hiện đang đối diện với hai vấn đề khó khăn mà lâu nay
chưa từng thấy xảy ra: Thứ nhất là những đợt kiểm tra của cơ quan lao động khắp
nơi trên nước Mỹ, khiến hàng loạt chủ tiệm lớn nhỏ đã và đang bị phạt vạ nặng
nề do vi phạm luật lao động. Thứ hai, là những vụ thợ Nail hợp nhau kiện chủ ra
tòa để đòi bồi thường, cũng vì những vi phạm liên quan đến luật lệ lao động.
Trước những thử thách này, nghề Nail của người Việt ở Mỹ quả thật đang trong
một giai đoạn vô cùng cam go mà giới chủ tiệm cần phải chuẩn bị về mọi mặt để
có thể sống còn.
Những vụ phạt vạ của cơ quan lao động
Năm
2012 vừa qua, Bộ Lao Ðộng liên bang Hoa Kỳ đã phát động chiến dịch mở những
cuộc kiểm tra không báo trước nhắm vào các tiệm Nail trên nước Mỹ, và chọn vùng
Seattle của tiểu bang Washington làm nơi xuất phát. Tiếp theo đó, cơ quan lao
động tại hầu hết các tiểu bang cũng đã và đang liên tục kiểm tra việc thi hành
luật lệ lao động tại các tiệm Nail. Bên cạnh rất nhiều tiệm Nail đã bị phạt vạ
vì dùng mẫu 1099-Misc để trả lương cho thợ không phải thật sự là “independent
contractor,” một số chủ tiệm Nail cũng bị phạt vì không làm bảng chiết tính mức
lương và giờ làm việc (itemized wage statements) theo đúng luật lao động mỗi
khi chia tiền hoặc trả lương cho thợ làm trong tiệm. Ðây cũng là vi phạm mà rất
nhiều cơ sở tiểu thương có thuê người làm công như tiệm Nail, nhà hàng, tiệm
massage, tiệm may, v.v... thường mắc phải do sự phức tạp của luật lệ lao động
mà kể cả những chuyên viên phụ trách thuế vụ hay kế toán cho các cơ sở tiểu
thương cũng không hiểu rõ, bởi vì luật lao động không nằm trong lãnh vực chuyên
môn của giới này. Số tiền phạt từ vi phạm vừa kể trên có thể rất nặng, được cơ
quan lao động ấn định dựa trên tổng số lần mà cơ sở tiểu thương đó đã trả tiền
công cho mỗi nhân viên mà không có bảng chiết tính lương bổng theo đúng luật lệ
hiện hành, tính chung cho đến ngày bị phạt. Một trường hợp điển hình là vào năm
2009, tiệm massage “New Life Acupuncture” tại thành phố Arcadia miền Nam California đã bị cơ quan lao
động phạt $1.83 triệu Mỹ kim cũng vì không làm bảng chiết tính mỗi khi chia
tiền cho những người thợ làm công việc massage trong tiệm!
Ngoài
việc kiểm tra việc thi hành luật lệ lao động, Bộ Lao Ðộng liên bang Hoa Kỳ và
cơ quan lao động tại các tiểu bang cũng thường xuyên kêu gọi người làm công hãy
khiếu nại khi chủ nhân vi phạm luật lao động, và sẽ được giúp đòi lại tiền
lương mà chủ đã không trả theo đúng luật định. Vì vậy, nhiều tiệm Nail sở dĩ bị
cơ quan lao động kiểm tra và phạt vạ trong thời gian gần đây là vì bị thợ làm
trong tiệm khiếu nại, đặc biệt là khi có chuyện bất hòa với chủ tiệm. Và nguyên
nhân của hầu hết những vụ khiếu nại cũng là do chủ tiệm không hiểu rõ luật lệ lao
động mà ra.
Hiện tượng thợ Nail kiện chủ tiệm
Tại
Hoa Kỳ, các doanh nghiệp dầu lớn hay nhỏ có thuê mướn người làm công đều bị
ràng buộc bởi nhiều thứ luật lệ lao động rất phức tạp, mà chủ yếu là các điều
khoản liên quan đến vấn đề lương bổng và phúc lợi của người làm công quy định
bởi Ðạo luật Tiêu Chuẩn Lao Ðộng Công Bằng “The Fair Labor Standards Act” và
luật lao động của tiểu bang sở tại. Chủ nhân các doanh nghiệp nếu không hiểu rõ
luật lệ trong vấn đề này, ngoài việc bị phạt vạ hay bị truy tố bởi cơ quan lao
động, còn có thể bị những người làm công khiếu nại với cơ quan lao động, hay
thậm chí thưa kiện ra tòa để đòi bồi thường.
Trên
thực tế thì các doanh nghiệp lớn với phương tiện tài chánh dồi dào, thường được
sự cố vấn chuyên môn của những luật sư am tường luật lệ lao động nên ít khi có
sự vi phạm. Thêm vào đó, để ngăn ngừa và đối phó những vụ thưa kiện của người
làm công liên quan đến luật lao động, mỗi doanh nghiệp lớn cũng đều có soạn
thảo những quy định cụ thể về điều kiện, thời giờ làm việc, lương bổng và phúc
lợi của người làm công, và đôi bên cũng thường có những thỏa thuận để xác nhận
rõ ràng mọi thứ trên giấy trắng mực đen. Hơn nữa, nếu có bị người làm công thưa
kiện thì các doanh nghiệp lớn cũng sẽ dư thừa tiền bạc để thuê những tổ hợp luật
sư hùng hậu mà chống đỡ hay trấn áp phía đi kiện. Vì lẽ trên đây, chủ những
doanh nghiệp nhỏ có thuê người làm công, do thiếu sự hiểu biết chính xác về các
luật lệ phức tạp nên thường bị phạt vạ trong những vụ kiểm tra của cơ quan lao
động, và cũng rất dễ bị người làm khiếu nại hoặc thưa kiện, nhất là khi có xảy
ra chuyện bất hòa.
Ðiều đáng quan ngại là trong thời gian gần đây, cùng với sự
kiện cơ quan lao động gia tăng kiểm tra việc thi hành luật lệ lao động tại các
tiệm Nail, những vụ thợ Nail kiện chủ tiệm liên quan đến luật lao động cũng đã
và đang xảy ra ngày càng thêm nhiều.
Hiện
tượng thợ Nail kiện chủ tiệm có lẽ bắt nguồn từ vụ bà Susan Kim kiện tiệm Nail
“167 Nail Plaza” tại New York hồi năm 2007 đòi bồi thường tiền lương giờ phụ
trội (overtime pay), và do đã sa thải bà vì yêu cầu được giờ nghỉ để ăn trưa.
Trong vụ kiện nói trên, bà Kim chỉ đòi bồi thường $150,000 nhưng tòa án đã buộc
chủ tiệm phải trả cho bà Kim đến $182,000. Tiếp theo thắng lợi của bà Kim,
những tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý cho người thiểu số tại nhiều nơi
ở Mỹ đã liên tiếp giúp cho thợ Nail khởi kiện rất nhiều chủ tiệm phạm luật lao
động để đòi tiền bồi thường. Và từ đó đến nay, những vụ thợ Nail kiện chủ tiệm
liên quan đến vấn đề lương bổng và quyền lợi lao động đã lan rộng khắp Hoa Kỳ,
đặc biệt là trong thời gian mấy năm gần đây.
Một
vài điển hình là trong năm 2012, tiệm Nail “Cindy's Total Care” tại New York đã bị tòa buộc
bồi thường $235,920 cho một số thợ Nail vì đã vi phạm luật lệ trong vấn đề
lương bổng. Cũng tại New York, chủ các tiệm “Babi Nails” bị 6 người thợ Nail là
di dân gốc Á Châu kiện ra tòa vì không trả lương đúng luật lao động, và cũng
phải bồi thường gần $250,000. Vừa qua, hệ thống các tiệm Nail “Natalie Salon”
tại vùng vịnh San Francisco, California do người Việt làm chủ đã bị nhiều thợ
Nail kiện ra tòa vì có sự tranh chấp về lương bổng và quyền lợi lao động. Mặc
dầu không nhận lỗi, “Natalie Salon” vào mùa Hè năm 2013 đã phải trả $750,000
cho các thợ Nail để dàn xếp vụ kiện kéo dài quá tốn kém.
Từ
vài năm qua, do phần đông thợ Nail là phụ nữ gốc thiểu số không rành Anh ngữ,
nhiều tổ chức bênh vực quyền lợi lao động cho thợ Nail cũng đã lần lượt được
hình thành tại một số tiểu bang. Thêm vào đó, ngày càng có nhiều tổ hợp luật sư
cũng sẵn sàng giúp người làm công kiện chủ nhân các cơ sở tiểu thương phạm luật
lao động, mà đặc biệt là tiệm Nail hay nhà hàng, và chỉ lấy thù lao sau khi đòi
được tiền bồi thường. Theo sự tìm hiểu riêng của chúng tôi, tại các nơi ở khắp
Hoa Kỳ hiện có nhiều vụ thợ Nail kiện chủ tiệm vì phạm luật lao động còn đang
trong vòng tranh tụng tại tòa án.
Vì đâu nên nỗi?
Trước
đây, phần đông chủ tiệm Nail người Việt do ít bị kiểm tra nên rất lơ là và thậm
chí không hề quan tâm tìm hiểu các luật lệ lao động áp dụng trong ngành nghề
của mình. Kể từ khi hàng loạt chủ tiệm tại các tiểu bang bị phạt vạ nặng nề qua
những đợt kiểm tra ồ ạt của cơ quan lao động nhắm vào tiệm Nail trong mấy năm
vừa qua, một số chủ tiệm đã bắt đầu cảnh giác và tìm cách để tránh bị phạt vạ.
Tuy nhiên, vì nghề Nail bị chi phối cùng lúc bởi nhiều thứ luật lệ khác nhau,
và do tính phức tạp của các luật lệ này cùng với những lắt léo trong vấn đề ăn
chia và cách thức trả tiền cho thợ, muốn hợp lệ với luật lao động trong vấn đề
lương bổng của thợ Nail là một việc không đơn giản như một số chủ tiệm vẫn
thường chủ quan.
Gần
đây nhiều chủ tiệm Nail tại các tiểu bang có liên lạc với chúng tôi để tìm hiểu
thông tin. Qua đó, chúng tôi nhận thấy hầu hết đều có những hiểu biết sai lệch
trong vấn đề lương bổng của thợ Nail. Ðiều vô cùng đáng tiếc và nguy hại là
phần đông chủ tiệm Nail đều lo bận rộn kiếm tiền, và chỉ thấy cái lợi nhỏ trước
mắt chứ không cần biết đến cái hại lớn đi kèm. Rất ít có ai hiểu rằng phải tìm
hiểu luật lệ để sớm sửa đổi và có sự chuẩn bị, bởi nếu tình trạng vi phạm càng
kéo dài, chủ tiệm sẽ càng bị phạt nặng hơn khi bị kiểm tra, và cũng khó mà đối
phó khi bị thợ thưa kiện.
Trong
tình hình như vừa kể trên, và do sự hiểu biết sai lệch về các luật lệ lao động
cùng với sự chủ quan hay tánh thụ động của nhiều người trong giới chủ tiệm
Nail, người ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy các vụ phạt vạ của cơ quan lao
động, cũng như những vụ khiếu nại hoặc thưa kiện trong vấn đề lương bổng và
quyền lợi lao động của thợ Nail, rồi đây sẽ còn xảy ra nhiều hơn nữa trong thời
gian sắp đến.
Ðể
có sự hiểu biết về các luật lệ hiện hành liên quan đến nghề Nail ở Mỹ, hãy tìm
đọc sách “Luật Pháp & Nghề Nail tại Hoa Kỳ” biên soạn bởi Tiến Sĩ Luật Khoa
Tom Huỳnh, là người đã được đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (Voice of America) phỏng vấn
về các luật lệ liên quan đến nghề làm Nail tại Mỹ.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.