Các bức ảnh chụp người biểu tình giật đổ tượng người lính miền Nam thời Nội chiến Hoa Kỳ gợi nhớ những sự kiện tương tự từng xảy ra.
Nếu bạn thực sự muốn hiểu người khác, đừng nghiên cứu những bức tượng mà họ dựng lên. Hãy nhìn vào những bức tượng mà họ giật đổ.
Hồi 1357, các quan chức địa phương thị trấn Siena vùng Tuscany của Ý biểu quyết dỡ bỏ tác phẩm điêu khắc Thần Vệ nữ khỏa thân, vị thần của người La Mã hiện thân cho vẻ đẹp, tình yêu và sự sinh sản, được đặt tại một đài phun nước công cộng.
Bức tượng từ lâu được người dân địa phương ca tụng là "tuyệt đẹp, một tác phẩm nghệ thuật", nghệ sĩ hồi thế kỷ 14 Lorenzo Ghiberti nói, nhưng thái độ đã thay đổi nhanh chóng sau khi người Siene thua thê thảm nơi trận chiến.
Tin rằng kết cục bại trận là do thần linh trừng phạt vì đã để thị trấn bị dẫn dắt lầm đường lạc lối bởi kẻ quyến rũ tà giáo, ("hẳn là không còn nghi ngờ gì," một bình luận thời đó khẳng định, "về kẻ đã gây ra những thảm bại của chúng ta"), người ta buộc dây vào tượng và bắt đầu giật đổ.
Dẫu các nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật có thể than khóc, coi sự mất đi của tượng Thần Vệ nữ Siene như một mảnh ghép bị mất trong bức tranh về cuộc tiến hóa nghệ thuật, nhưng sự biến mất của nàng là một minh chứng hùng hồn cho ta thấy về những thay đổi tâm lý ở con người.
Nước Mỹ ngày nay đang ở thời điểm đã qua thời cuồng nhiệt văn hóa, muốn xóa bỏ hết tâm lý pha trộn bằng việc bỏ đi hết những bức tượng các hình ảnh về Liên minh miền Nam vốn dễ gây kích động (trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ, phe Liên minh miền Nam chủ trương duy trì chế độ nô lệ, tuyên bố tách khỏi Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và tiến hành giao tranh với Liên bang miền Bắc).
Nhưng không phải ai cũng hài lòng khi chứng khiến làn sóng thay đổi cuốn đi những hình ảnh đại diện cho sự thiếu khoan dung này.
Trong cuộc họp báo gần đây, vào một ngày thứ Ba, Tổng thống Trump tỏ rõ rằng ông cảm thấy việc dỡ bỏ các bức tượng kỷ niệm Liên minh miền Nam là hành động xuyên tạc quá khứ. "Quý vị đang thay đổi lịch sử," ông Trump nói. "Tôi tự hỏi liệu tuần tới có phải là sẽ đến lượt George Washington không, rồi tuần kế theo sẽ là Thomas Jefferson? Quý vị cần phải tự vấn mình xem điều này sẽ dừng lại ở đâu?"
Rồi đến hôm thứ Năm ngay sau đó, ông Trump viết twitt: "Thật buồn khi phải chứng kiến lịch sử và văn hóa của đất nước vĩ đại chúng ta đang bị xé nát với việc dỡ bỏ những bức tượng, những tượng đài đẹp đẽ."
Những bình luận gây tranh cãi của ông được đưa ra trong làn sóng các cuộc bạo động hôm 12/8, khi mà những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng tại Charlottesville, Virginia tụ tập để phản đối việc dỡ bỏ bức tượng vị tướng Liên minh miền Nam, Đại tướng Robert E Lee, và đụng độ với những người biểu tình có ý kiến ngược lại. Một người biểu tình chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã bị giết chết, 19 người khác bị thương.
Trong dư âm các sự kiện tại Charlottesville, những người biểu tình hôm thứ Hai tụ tập tại trụ sở tòa án ở Durham, North Carolina, bày tỏ quan ngại về những căng thẳng chủng tộc âm ỉ và đòi bỏ các tượng đài kỷ niệm liên quan tới Liên minh miền Nam ở thành phố.
Bức tranh Giật đổ Tượng Vua George III, New York City (1859) của họa sĩ Johannes Adam Simon Oertel mô tả một cách lãng mạn hóa sự kiện xảy ra hồi 1776
Các bức ảnh chụp được đăng tải trên truyền thông về những gì xảy ra sau đó, cảnh người biểu tình buộc dây quanh cổ của một bức tượng người lính miền Nam và kéo lê thân tượng đổ sụp xuống nền đất, có sức nghệ thuật đỉnh điểm về văn hóa lật đổ - những khoảnh khắc như được ngưng đọng lại gợi nhớ cảnh bức tượng Felix Dzerzhinsky, người đặt nền móng cho lực lượng công an mật Liên Xô Cheka, bị giật đổ tại Quảng trường Lubyanka hồi 1991, cảnh các phiến quân tấn công tượng Đại tá Muammar Gaddafi tại Tripoli hồi 2011, và cảnh bức tượng Saddam Hussein tại Quảng trường Firdos, Baghdad, bị giật đổ một cách đầy kịch tính hồi năm 2003.
Ông Trump có nói đúng không? Nếu như việc một xã hội loại bỏ những đài tưởng niệm đã hết thời đồng nghĩa với sự thụt lùi về mặt tâm lý, thì liệu có phải là tội lỗi không khi người ta xóa bỏ quá khứ? Hay chúng ta nên coi sự xoá bỏ này giống như việc cắt bỏ những phần chân, tay đã bị hoại thư của cơ thể, tức là điều cần thiết để có thể cứu được mạng sống?
Đây là những câu hỏi mà nước Mỹ cần tự hỏi mình ngay từ những ngày ban đầu, khi mới ra đời.
Vào một ngày hè sục sôi khác hồi 1776, ngay sau khi Tuyên ngôn Độc lập được đọc vang tại New York, đám đông nhiệt huyết hướng về Bowling Green, nơi bức tượng Vua George III do nhà điêu khắc danh tiếng người Anh Joseph Wilton thực hiện vừa được dựng lên trước đó vài năm. Cảm thấy đầy hưng phấn và được truyền nhiệt huyết từ những ngôn từ của bản tuyên ngôn, nhất là sự chỉ trích thái độ cách biệt của hoàng gia Anh, những người ái quốc cuồng nhiệt đã kiếm những sợi dây rồi bắt đầu kéo đổ tượng.
Việc giật đổ tượng một cách nhanh chóng đã trở thành chủ đề nổi tiếng cho các nghệ sĩ Mỹ hồi thế kỷ 19. Việc dỡ ra từng phần thân tượng chì Vua George III, với phần thân và chân tay bị đem tái chế thành đạn, bản thân nó tạo thành sự tự quyết đầy tinh thần yêu nước trong tâm trí dân Mỹ, được William Walcutt thể hiện vào năm 1857 và được họa sĩ người Mỹ gốc Đức Johannes Adam Simon Oertel vẽ lại hai năm sau đó.
Liệu cơn bão Bowling Green vốn làm dấy lên những hành động đả phá trên suốt các vùng thuộc địa muốn xóa bỏ các biểu tượng của quyền lực cai trị hoàng gia Anh, có phải là điều then chốt trong việc định hình tâm lý Mỹ hay không vẫn là vấn đề đang được tranh cãi.
Bình luận về việc giật đổ bức tượng Vua George III. George Washington từng cảnh báo rằng những hành động như vậy lý tưởng nhất là nên được "để cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện", nhưng ông cũng ca ngợi Sons of Liberty (một tổ chức hoạt động ngầm, chủ trương bảo vệ quyền của những người mới tới khai phá nước Mỹ và chống lại việc chính quyền Anh áp thuế lên Mỹ) về lòng nhiệt thành của họ.
Đặt bên cạnh những bức ảnh chụp người lính Liên minh miền Nam bị đổ sụp tại Durham, North Carolina, những hình ảnh gợi lại cảnh giật đổ tượng Vua George III nhắc nhở chúng ta rằng bản sắc dân tộc gồm cả những gì dân tộc đó còn lẫn những gì không còn nữa.
Kelly Grovier
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.