Vẻ mặt phấn khởi của ông Trịnh Vĩnh Bình sau khi rời khỏi một phiên tòa xét xử cuối tháng Tám
Nhà báo tài chính Phan Thế Hải nhận định chính phủ VN phải rút ra một số bài học từ sau vụ kiện thế kỷ với doanh nhân Việt kiều Trịnh Vĩnh Bình.
Trước đó, hôm 30/8 tại buổi họp báo chính phủ thường niên, Việt Nam lần đầu tiên thừa nhận bị doanh nhân Việt kiều Trịnh Vĩnh Bình kiện 1,25 tỷ đôla.
Phó thủ tướng Mai Tiến Dũng không nói rõ chi tiết của vụ kiện nhưng thừa nhận: "Đây là vấn đề bảo hộ đầu tư. Một cơ quan nào vi phạm hoặc không thực hiện đúng cam kết thì nhà đầu tư nước ngoài đều kiện chính phủ, chứ không phải kiện địa phương đấy."
"Quan điểm của chính phủ, thủ tướng là sẽ tạo môi trường, kinh doanh bình đẳng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hiện tòa quốc tế đang xem xét với việc tranh chấp vi phạm thỏa thuận nên chúng ta phải đợi thôi," ông Mai Tiến Dũng kết luận.
1976: Vượt biên đến Hà Lan
1980s: Trở thành doanh nhân thành đạt tại Hà Lan và được mệnh danh 'vua chả giò'
1990: Trở về Việt Nam đầu tư
1996: Bị chính quyền Bà Rịa Vũng Tàu kết tội "vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai", bị tịch thu tài sản, đất đai
Từng bị tạm giam và quản chế .
1999: Bị kết án 11 năm tù.
2000: Vượt biên sang Campuchia, trở về Hà Lan khi được tại ngoại
2005: Kiện trước Tòa Trọng tài Quốc tế Stockhom
2006: Thỏa thuận ngoài tòa với chính phủ Việt Nam tại Singapore
2015: Kiện chính phủ Việt Nam tại Tòa trọng tài Quốc tế lần hai
2017: Tòa Trọng tài Quốc tế xét xử tại Paris
Qua vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình, nhà báo Phan Thế Hải cho rằng người nước ngoài cũng sẽ hiểu Việt Nam hơn - "một quốc gia với một nền pháp quyền vị thành niên. Luật lệ nhiều nhưng hiểu biết về luật lệ rất hạn chế."
Đồng thời, người Việt Nam cũng sẽ hiểu hơn về luật pháp nước ngoài, ông Phan Thế Hải nói.
"Họ sẽ hiểu hơn rằng nhà nước được làm gì và không được làm gì với công dân của mình, hơn thế là với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài."
Bài học cho chính phủ Việt Nam
Cũng theo nhà báo Thế Hải, chính phủ Việt Nam nên rút ra ba bài học sau:
· "Bài học thứ nhất theo tôi đó là về nhà nước pháp quyền. Nhà nước chỉ có thể ứng xử với công dân, với các pháp nhân thông qua các chứng lý mà họ thu thập được, thông qua các hành vi của họ chứ không phải là thông qua sự ngụy tạo của một nhóm lợi ích nào đó. Hơn thế là việc phải tôn trọng luật pháp, ứng xử theo các chuẩn mực của luật pháp.
· "Bài học thứ hai là minh bạch thông tin: Giờ đây với sự phát triển của mạng xã hội, mọi thông tin đều có cơ hội đến với công chúng. Dân chúng biết, các nhà đầu tư trong nước biết, nước ngoài biết, anh không thể ngụy tạo, không thể tạo dựng chứng lý để khép tội cho ai đó khi họ không có tội.
· "Bài học thứ ba là sự chân thành trong hợp tác. Muốn phát triển, việc mở cửa, thu hút đầu tư phải thật thà, chân thành, không thủ đoạn, không theo kiểu: Trên rải thảm, dưới rải đinh. Khi không chân thành, người ta sẽ không đến với anh, hoặc nếu đến họ đều ứng xử với mình theo cách đó."
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.