Mọi khát vọng xây dựng nền kinh tế vượt Pháp, vượt Nhật sau khi Đảng Cộng sản thống nhất đất nước dưới tên gọi Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã làm cho dân chúng đói rét đến độ phải xách bị gậy đi ăn xin khắp thế giới.
Khẩu hiệu "đổi mới hay chết" đã biến Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa đói rét thành kiểu tư bản man dại với hai nhóm sung túc và xác xơ đang cố đào bới tài nguyên quốc gia để giàu sang phi-nhân-tính, hoặc bòn mót cho được miếng cơm hàng ngày.
Trong tư thế độc quyền lãnh đạo, Đảng Cộng sản liên tục tung ra những khẩu hiệu mị dân như Con Rồng Cất cánh, Đi ra Biển lớn, Quốc gia Kỹ nghệ vào năm 2020.
Nhưng, Rồng chưa bay mà cánh đã gãy; vẫn đi ra Biển lớn bằng thuyền thúng; câu chuyện kỹ-nghệ-hoá dậm chân ở mức làm thuê và bán tháo tài nguyên đất nước.
Từ năm 1972, Trung cộng phát triển mọi mặt, ngoại trừ lĩnh vực chính trị, nhờ được Hoa Kỳ cư xử như một "đối tác chiến lược" cùng sự phụ hoạ của cộng đồng quốc tế.
Chủ tịch Tập Cận Bình tóm thâu ba chức vụ quan trọng nhất: Chủ tịch Nước, Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Quân uỷ Trung ương từ năm 2013 nên huỷ bỏ đường lối "Ẩn mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình để công khai thực hiện chính sách bành trướng, bá quyền của Chủ nghĩa Đại Hán khắp thế giới trên mọi lĩnh vực.
Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Hoa lần thứ 19 hồi giữa năm 2017, Tập Cận Bình tuyên bố mô hình Xã hội chủ nghĩa Đặc sắc Trung cộng phải được các quốc gia trên thế giới noi theo. Trung cộng sẽ lãnh đạo nền kinh tế toàn cầu!
Kiểu hù doạ chiến tranh của Tập Cận Bình đã làm cho Tổng thống Barack Obama chùn bước tạo điều kiện cho Trung cộng chiếm ưu thế quân sự, ngoại giao lẫn kinh tế trên thế giới.
Dư luận quốc tế giật mình. Đặc biệt, trong Thông điệp Liên bang đầu năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã xác định Trung cộng và Nga là "đối thủ chiến lược".
Trump công khai hai mặt trận chính: bao vây Trung cộng bằng Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà nền tảng là liên minh quân sự Hoa Kỳ-Nhật Bản-Ấn Độ-Úc Đại Lợi, và chính sách Chống lại Thương mại bất-bình-đẳng.
Dù muốn hay không, Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong cơn bão quân sự, kinh tế đang thành hình tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tiếc thay, giới lãnh đạo Việt Nam vẫn sống trong ảo tưởng "đi dây giữa hai cường quốc" để thủ lợi.
Tác giả Đỗ Thanh Hải thuộc Học Viện Ngoại giao Việt Nam tại Hà Nội đã có một bài dài trên Pacific Review 2-2018 xác định chính sách ngoại giao của Việt Nam với Việt Nam là "vừa hợp tác vừa đấu tranh" nên tránh đối đầu trực diện với Bắc Kinh mà tìm cách chung sống và thủ lợi.
Kể từ khi hình thành năm 1930 cho tới nay, ĐCSVN chưa bao giờ thực sự có đường lối ngoại giao độc lập mà lệ thuộc hoàn toàn vào Liên Xô hoặc Trung cộng.
Tất cả các Tuyên bố chung giữa các lãnh đạo cao cấp Việt-Trung không có dòng chữ nào mang ý nghĩa "đấu tranh" mà chỉ toàn "hợp tác toàn diện".
Nào ai dám nói các Hiệp định Phân định Biên giới Việt-Trung năm 1999 và Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000 mà phía Việt Nam không bị mất đất, mất biển, ngoại trừ ĐCS Việt Nam.
Năm 2013, mặc dù được Manila yêu cầu và giới chuyên gia quốc tế khuyến khích, nhưng, CSVN nhất quyết không tham gia vụ Phi Luật Tân kiện Trung cộng ra trước Toà án Trọng tài Thường trực về Luật Biển (PCA).
Năm 2014, Trung cộng đưa Giàn khoan HD-981 được hơn 100 tàu bè các loại hộ tống vào thăm dò trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Hà Nội đã phái một số tàu Hải Cảnh gây xung đột trên Biển. Phải chăng, Hà Nội và Bắc Kinh cố tình tạo ra một biến cố để cộng đồng quốc tế xao lãng đến hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo ở Trường Sa (Spratly Islands, Nam Sa)? Lực lượng Hải Cảnh Việt Nam không hề bảo vệ ngư dân tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa mà sao lại quá quan tâm tới HD-981?
Sau Phán quyết của PCA ngày 12-07-2016 đã cung cấp cho các quốc gia duyên hải Đông Nam Á (Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Brunei, Indonesia, Tân Gia Ba) một công cụ pháp lý để bảo vệ và duy trì quyền-chủ-quyền trên Biển Nam Trung Hoa.
Nhưng, Hà Nội vẫn không thực tình đòi Bắc Kinh phải tôn trọng, bất chấp sự khuyên nhủ của giới chuyên gia quốc tế mà còn tăng cường khả năng phòng thủ (trang bị hoả tiễn lưu động Exorcet, nối dài phi đạo trên đảo nhỏ Trường Sa) tạo cớ cho Bắc Kinh quân-sự-hoá toàn bộ Biển Nam Trung Hoa.
Đáng lẽ, Hà Nội phải đơn phương ra tuyên bố, như Tân Gia Ba đã làm, khi Tuyên bố chung của ASEAN lãng tránh việc đòi Bắc Kinh tôn trọng và thực thi phán quyết PCA.
Hà Nội tuyên bố có đầy đủ chứng cứ về chủ quyền Hoàng Sa mà chưa bao giờ đòi Bắc Kinh phải đàm phán về chủ quyền. Muốn PCA hoặc Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) thụ lý vụ án cần phải chứng minh đã cạn kiệt giải pháp thương lượng.
CSVN hy vọng rất nhiều nên thất vọng não nề khi Chính phủ Trump rút khỏi Thoả ước Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi mới chân ướt, chân ráo bước vào Toà Bạch Ốc.
TPP không được lưỡng viện Quốc hội Mỹ ủng hộ nên việc phê chuẩn khó thành dù cho còn ở trong thời Obama.
Hà Nội chẳng hiểu hoặc cố tình che đậy những hoạt động kinh tế phi pháp khi tạo điều kiện cho Bắc Kinh khống chế nền kinh tế Việt Nam trong lĩnh vực quốc doanh lẫn tư nhân.
Bộ Thương mại Mỹ áp thuế chống bán phá giá thép của Việt Nam lên tới 531% hoặc 238% vì xuất xứ từ Trung cộng. Mỹ có thể trừng phạt thêm các loại hàng hoá khác nếu Hà Nội chưa thức tỉnh.
CSVN kiêu hãnh vì biết đi dây giữa hai cường quốc. Nhưng, chính sách quốc phòng "Ba Không" chẳng bảo đảm an ninh, biển và đảo lọt dần vào tay Trung cộng. Mối đe doạ quân sự từ Trung cộng làm Việt Nam ngột ngạt mà chưa biết tắt thở lúc nào!
Ngược lại, Tân Gia Ba cho phép Hoa Kỳ đồn trú tại quân cảng Changi một Hải đội Khu trục hạm số 7 kèm theo các Cận duyên hạm tác chiến (LCS) có trách nhiệm hỗ trợ chính sách an ninh hàng hải trên Biển Đông kể từ năm 2012. Các phi cơ hải tuần của Mỹ cũng được phép sử dụng lãnh thổ Tân Gia Ba để giám sát mọi hoạt động trên Biển Nam Trung Hoa.
Cuối năm 2017, Tân Gia Ba và Ấn Độ đã ký Hiệp ước Hợp tác Quốc phòng Sửa đổi nhằm tăng cường hợp tác an ninh hàng hải.
Với cương vị Chủ tịch Luân phiên ASEAN trong năm 2018, Tân Gia Ba đang có cuộc họp với các ngoại trưởng trong ba ngày kể từ 4 tháng 2 năm 2018 nhằm thảo luận việc phát triển Cộng đồng ASEAN và đẩy mạnh hợp tác kinh tế trong khu vực.
Tân Gia Ba cũng lên kết hoạch tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Australia tại Sydney vào tháng 3-2018.
Bắc Kinh không thể điều khiển Tân Gia Ba như đối với các nước khác nên đã thông qua Tờ Hoàn Cầu Thời báo để cảnh cáo Thủ tướng Lý Hiển Long về nhu cầu cân bằng mối quan hệ giữa Trung cộng và Ấn độ, cũng như giữa Trung cộng và Hoa Kỳ.
Kinh tế Việt Nam bị Bắc Kinh khống chế đến độ phải vơ vét tài nguyên thiên nhiên để bán, cho con dân đi làm thuê khắp thế giới cũng chưa đủ trang trải cho bộ máy nhà nước cồng kềnh và lãng phí nên chỉ còn cách bán đất, bán nước.
Từ năm 2016, CSVN đã bán vốn của hàng tá tổng công ty quan trọng của nền kinh tế, nhưng, thu ngân sách nhà nước năm 2017 vẫn bị hụt 3% khiến một quan chức trong Uỷ ban Ngân sách Quốc hội phải than: "Cứ như thế này thì nhiệm kỳ sau (2020-) chẳng còn gì để bán".
Tân Gia Ba phát triển, thịnh vượng và an ninh nhờ biết các đi dây hợp lý giữa hai đại cường Hoa Kỳ và Trung cộng mà vẫn giữ được tư thế độc lập thực sự. Ngược lại, chẳng ai trên thế giới tin Việt Nam giữ được tư thế độc lập.
Cơn bão quân sự và kinh tế đang tràn tới Châu Á nên mỗi quốc gia cần phải chọn thế đứng thích hợp nếu không muốn bị thổi bay đi hoặc tan tác.
Đại-Dương
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.