Trong loạt phim truyền hình rom-com hồi thập niên 1980, Overboard, nhân vật hư hỏng, ích kỷ của Goldie Hawn bị chấn thương não trong vụ tai nạn trên thuyền buồm.
Ngoài việc mất trí nhớ, vụ tai nạn còn khiến cho tính cách của cô biến đổi một cách tích cực - cô trở thành một người biết chăm sóc, lo lắng cho người khác, và không còn quá coi trọng vật chất như trước.
Việc não bị chấn thương có thể dẫn tới việc thay đổi tính cách như vậy nghe có vẻ hơi quá, nhưng ta hãy thử nhìn vào đời thực của "Bệnh nhân 3534", một phụ nữ ở độ tuổi 70 được phẫu thuật cắt bỏ khối u não, nhưng ca phẫu thuật đã để lại tổn thương ở phía trước não, ở cả hai bên.
Theo ông chồng, người đã bên vợ suốt 58 năm trước khi bà trải qua cuộc phẫu thuật, thì bà là một người có tính cách khá "nghiệt", rất khó tính và hay càu nhàu. Sau cuộc phẫu thuật não, ông nói bà trở nên "vui vẻ hơn, hòa đồng hơn, và nói nhiều hơn bao giờ hết".
"Bệnh nhân 3534" không phải là người duy nhất có sự thay đổi như vậy. Nay có bằng chứng cho thấy ít nhất là trong một lượng nhỏ các bệnh nhân, việc thay đổi tính cách theo hướng tích cực hơn là một thực tế có tồn tại, và điều này dẫn tới một cách đánh giá mới về tác động của tình trạng não bị tổn hại đối với tính cách cá nhân.
Từ lâu nay, chúng ta đã biết rằng việc não bị tổn hại có thể làm thay đổi tính cách con người, nhưng văn học hầu như chỉ tập trung vào những nét xấu đi trong tính cách.
Hãy xét trường hợp nổi tiếng Phineas Gage, một công nhân hỏa xa hồi Thế kỷ 19.
Bạn bè nói rằng ông "không còn là Gage nữa" sau khi bị một thanh sắt rớt trúng đầu, ở phía trước, trong một vụ tai nạn khủng khiếp. Người đàn ông từng rất thông minh, sắc sảo đã trở nên hung hãn và bốc đồng (tuy nhiên theo một số lời kể thì ông sau đó đã vượt qua được những vấn đề này và bắt đầu cuộc đời mới với công việc đánh xe ngựa).
Tương tự như câu chuyện về Gage, có rất nhiều lời kể thời hiện đại về các bệnh nhân bị tổn thương phần não trước, trở nên thay đổi và có những hành vi ứng xử không phù hợp với xã hội, thậm chí có trường hợp trở thành bị tâm thần.
Nhưng bức tranh tiêu cực này "có thể chỉ phản ánh một phần câu chuyện", theo một nghiên cứu gần đây đăng trên tạp chí chuyên về thần kinh học, Neuropsychologia.
Một nhóm nghiên cứu do khoa học gia Marcie King từ Đại học Iowa dẫn đầu phát hiện ra rằng trong số 97 bệnh nhân trước đây từng khỏe mạnh nhưng bị tổn thương vĩnh viễn một khu vực cụ thể ở não, thì 22 người trong số họ có những dấu hiệu cho thấy thay đổi tính cách theo chiều hướng tích cực. Trong số những người còn lại, 54 người thay đổi tính cách theo chiều hướng tiêu cực, và số còn lại không có thay đổi gì.
Những quan sát trên được đưa ra dựa trên việc hỏi chuyện thân nhân hoặc bạn bè thân thiết, đề nghị họ đánh giá về 26 khía cạnh khác nhau trong tính cách của bệnh nhân trước và sau khi bị chấn thương.
Nghiên cứu trước đó cho thấy những cách mà sự tổn hại đối với những vùng cụ thể trong não đôi lúc có thể có những hiệu ứng tích cực.
Chẳng hạn như một nghiên cứu hồi 2007 được thực hiện trên các cựu chiến binh từng tham chiến trong Cuộc chiến Việt Nam cho thấy những người bị tổn thương ở các khu vực được cho là đóng vai trò trong việc phát triển các chứng rối loạn thần kinh sau khi bị sang chấn tâm lý (post-traumatic stress disorder - PTSD) (là các vùng liên quan tới cảm xúc và tới việc ra quyết định) thì ít có khả năng phát triển PTSD.
Nghiên cứu tương tự cho thấy các bệnh nhân bị tổn thương tại một khu vực quan trọng, vùng điều khiển cảm xúc, thì ít nghiêng về khả năng bị trầm cảm hơn.
Tuy nhiên, đây là nghiên cứu mới, lần đầu tiên ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân thay đổi tính cách theo hướng tích cực.
Hãy xem xét tới một ví du khác, "Bệnh nhân 2410", một người đàn ông 30 tuổi cần phẫu thuật sau khi bị chứng phù não. Cả ông lẫn người vợ đều nói rằng trước khi bị chấn thương, ông là người nóng nảy, dễ tức giận. Vậy mà sau khi mổ xong, ông thường hay cười đùa hơn, dễ gần hơn.
Vậy điều gì đang xảy ra? Làm sao mà việc não bị tổn thương lại có thể dẫn tới những hiệu ứng bất ngờ như vậy? Chuyện này có vẻ như không liên quan tới giới tính, tuổi tác, nền tảng giáo dục hay mức độ thông minh của mỗi người. Thay vào đó, có vẻ như nó liên quan tới mức độ khó tính của người đó, chẳng hạn như dễ nổi nóng, hay các thái độ tiêu cực khác, được kết hợp với một kiểu tổn thương não cụ thể nào đó.
Để hiểu rõ hơn điều này, King cùng các đồng nghiệp của mình đã quét não của toàn bộ các bệnh nhân. Họ phát hiện ra rằng những người có thay đổi tính cách theo chiều hướng tích cực hơn so với những người khác nếu như phần bị tổn hại nằm ở hầu hết các vùng não trước, vùng trán, là nơi tiếp nhận thông tin từ bên ngoài và ra quyết định.
Những phương pháp này tuy nhiên lại đang chỉ ở giai đoạn thăm dò, cho nên các tác giả nói rằng cần cẩn trọng. Cách tiếp cận đó chỉ cho phép họ khám phá ra những mô hình tổng quát giữa tổn hại về nào và những thay đổi tính cách mà chúng tạo ra; việc nghiên cứu trong tương lai sẽ giúp xác định chính xác những khu vực nào gắn với những kiểu thay đổi tính cách cụ thể nào.
Trong lúc có những thay đổi tính cách ở một số bệnh nhân được đánh giá là mang tính tích cực, thì điều này cũng không làm giảm bớt mức độ nghiêm trọng của việc não bị tổn thương.
Việc phục hồi hoàn toàn từ cú tổn thương não nghiêm trọng là điều vô cùng hiếm xảy ra. Ngay cả khi bệnh nhân có vẻ như đã ổn về bề ngoài, thì họ vẫn có thể vấp phải những thách thức ẩn giấu kéo dài dai dẳng, chẳng hạn như việc khó tiếp nhận thông tin mới.
Tổn thương não cũng có thể khiến một người trở nên dễ bị tổn thương hơn trước các căn bệnh như mất trí nhớ.
Do vậy, quả là đáng kinh ngạc nếu như việc não bị tổn thương lại có thể dẫn đến việc làm thay đổi tính cách theo chiều hướng tích cực.
Tuy nhiên, điều đó cũng không phải là quá [outlandish] nếu ta biết rằng phẫu thuật não đôi khi được sử dụng như biện pháp cuối cùng để điều trị cho các vấn đề thần kinh, chẳng hạn như với chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (obsessive compulsive disorder - OCD).
Tuy nhiên, như King và các đồng nghiệp ghi nhận, các kỹ thuật hiện đại đang ngày càng được cân nhắc kỹ càng, cẩn trọng hơn, và mục tiêu thường là nhằm giảm bớt mức hoạt động mạnh mẽ quá mức của các mạng thần kinh trong não trong một số điều kiện sức khỏe tâm thần (chẳng hạn như có bằng chứng cho thấy tình trạng trầm cảm gắn liên với sự kết nối quá mức giữa các vùng não trước và các mạng lưới thần kinh đảm nhận phần nhận thức và cảm xúc.)
Việc não có thể được cố tình điều chỉnh theo cách này đem đến cho chúng ta manh mối về việc sự tổn hại ở não đôi khi có thể dẫn đến những thay đổi có lợi.
Trên thực tế, một số mạng nơ-ron mà ngành phẫu thuật tâm thần hiện đại nhắm tới thì lại chính là phần não bị tổn thương ở những bệnh nhân có thay đổi tích cực về tính cách trong nghiên cứu mới của King.
Những kết quả mới phát hiện được cũng bổ trợ cho việc nghiên cứu hệ thần kinh chuyên chịu trách nhiệm về tính cách, gồm cả việc tìm ra rằng những người hướng ngoại thì ít nhạy cảm hơn đối với sự kích thích thần kinh, hoặc những người dễ chấp nhận ý kiến của người khác thì ở các phần não điều khiển cảm xúc tiêu cực của họ có sự hoạt động tích cực hơn.
Sẽ là hợp logic khi cho rằng với việc thay đổi những hệ thần kinh này, cú tổn hại não đôi khi có thể tạo ra những kết cục nghịch lý - thay đổi tính cách theo chiều hướng tích cực.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc lại rằng chấn thương não (gồm cả tình trạng ở thể "nhẹ") luôn cần được điều trị cẩn thận. Ngay cả trong những trường hợp hiếm hoi khi bệnh nhân rõ ràng là có những thay đổi tính cách tích cực thì những khó khăn phức tạp vẫn luôn là một phần trong bức tranh điều trị.
Và trong lúc việc thay đổi tính cách theo hướng có lợi có thể là điều khiến chúng ta phấn khởi, nhưng cũng cần nhớ rằng tính cách mỗi người phản ánh bản chất thực con người chúng ta - bệnh nhân và gia đình, thân nhân của họ sẽ không mấy dễ dàng thích ứng được với sự thay đổi tính cách cá nhân, kể cả khi đó là những thay đổi tích cực.
Việc thay đổi tính cách cá nhân theo chiều hướng tích cực là điều có thể xảy ra, và điều đó cho thấy những gì xảy ra sau tình trạng chấn thương não thì phức tạp hơn, gây ngạc nhiên nhiều hơn so với những gì mà đa số chúng ta nghĩ.
Christian Jarrett
***
Những màn ảo thuật khó tin của thanh niên Việt Nam
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.