Chúng ta dành thời gian cho mạng xã hội trung bình hai tiếng mỗi ngày
Hiện nay, người trẻ đang dành một lượng thời gian đáng kể hàng ngày trước màn hình.
Số liệu cho thấy độ tuổi 11-15 dành khoảng 6-8 tiếng mỗi ngày trước màn hình, không tính thời gian dành cho bài tập về nhà. Thực tế, trung bình một người trưởng thành ở Anh dành nhiều thời gian cho màn hình hơn là ngủ, theo một nghiên cứu.
Điều này xảy ra từ sớm vì một phần ba trẻ em Anh được tiếp cận máy tính bảng trước khi chúng lên 4.
Không có gì là ngạc nhiên khi thế hệ trẻ nhất hiện nay có thể truy cập mạng xã hội mà những thế hệ lớn hơn đang sử dụng.
Ví dụ như Snapchat rất phổ biến ở tuổn teen. Một khảo sát vào tháng 12/2017 cho biết 70% thiếu niên Mỹ từ 13-18 tuổi đang sử dụng Snapchat. Phần lớn trong số đó đã có tài khoản Instagram. Số liệu ở Anh cũng tương tự.
Hơn 3 tỷ người hiện đã đăng ký mạng xã hội, một số người có nhiều hơn một tài khoản. Một người trưởng thành ở Mỹ dành trung bình khoảng 2-3 tiếng một ngày trên mạng xã hội.
Xu hướng này đang dẫn đến một số tác động đáng lo ngại và các nhà nghiên cứu đang quan tâm đến ảnh hưởng của nó tới các khía cạnh của sức khỏe, gồm cả giấc ngủ.
Chúng ta đang sống trong môi trường mà mạng xã hội rõ ràng có những ảnh hưởng tiêu cực tới giấc ngủ - sức khỏe tinh thần của chúng ta.
Từ khi mạng xã hội phát triển nhanh chóng, ông Brian Primack, giám đốc trung tâm nghiên cứu về truyền thông, công nghệ và sức khỏe ở Đại học Pittsburgh đã bắt đầu quan tâm đến ảnh hưởng của nó tới xã hội.
Cùng với Jessica Levenson, ông xem xét mối quan hệ giữa công nghệ và sức khỏe tinh thần, phân tích mặt tốt và xấu.
Có trên ba tỷ người trên thế giới sử dụng mạng xã hội
Khi phân tích mối liên hệ giữa mạng xã hội và trầm cảm, họ kỳ vọng sẽ có mối quan hệ hai chiều – mạng xã hội có lúc làm giảm trầm cảm, có lúc làm tăng trầm cảm. Kết quả này được biểu diễn dưới dạng đồ thị chữ U.
Tuy nhiên, một khảo sát được thực hiện với gần 2.000 người đã đưa ra những phát hiện bất ngờ. Không có bất kỳ đường cong nào hết, là một đường thẳng, và theo hướng không được mong đợi. Nói theo một cách khác, việc tăng sử dụng mạng xã hội sẽ làm tăng khả năng trầm cảm, tuyệt vọng và cô độc.
“Ở một góc nhìn khách quan, bạn có thể nói: Người đó đang tương tác với bạn bè… Bạn có thể nói, người đó có nhiều quan hệ xã hội và họ rất tích cực. Nhưng chúng tôi phát hiện những người đó có nhiều dấu hiệu của sự cách ly xã hội,” ông Primack nói.
Điều chưa rõ là quan hệ nhân quả: trầm cảm làm tăng việc sử dụng mạng xã hội hay mạng xã hội làm tăng trầm cảm? Ông cho rằng có thể là cả hai, và điều này khiến vấn đề phức tạp hơn. Một người càng trầm cảm thì càng sử dụng nhiều mạng xã hội, điều này làm sức khỏe tinh thần của họ tồi tệ hơn.
Nhưng lại có một ảnh hưởng đáng lo ngại khác.
Nghiên cứu vào tháng 9/2017 được thực hiện với hơn 1.700 người trưởng thành trẻ, ông và đồng nghiệp phát hiện ra rằng với tương tác mạng xã hội, thời điểm sử dụng đóng một vai trò quan trọng.
Tương tác 30 phút trước khi đi ngủ được cho là tác nhân lớn nhất khiến giấc ngủ kém. “Điều này hoàn toàn không liên quan đến tổng thời gian sử dụng trong ngày,” ông nói.
Bạn sẽ ngủ ngon nếu không vào mạng xã hội 30 phút trước khi đi ngủ.
Có rất nhiều nhân tố có thể giải thích điều này. Ánh sáng xanh phát ra từ màn hình làm giảm mức melatonin – chất hóa học giúp chúng ta đi vào giấc ngủ. Cũng có thể là mạng xã hội làm tăng sự lo âu của một người, khiến họ khó đi vào giấc ngủ.
“Suy nghĩ và cảm xúc ám ảnh chúng ta khi ta cố đi ngủ,” ông Primack nói. Hoặc một lý do hiển nhiên hơn là, mạng xã hội làm giảm thời gian chúng ta dành cho giấc ngủ.
Chúng ta biết rằng hoạt động thể chất giúp dễ ngủ. Dành nhiều thời gian cho màn hình máy tính cũng có thể làm giảm thời gian cho các hoạt động thể chất – mối quan hệ xác lập bởi các nhà nghiên cứu.
“Nó làm tăng thời gian ngồi một chỗ trong ngày. Nếu bạn có điện thoại thông minh trong tay, bạn sẽ không duỗi tay hay chuyển động cẳng chân,” ông Aric Sigman, giảng viên về giáo dục sức khỏe trẻ em nói.
Nếu việc sử dụng mạng xã hội làm tăng lo âu và trầm cảm, có thể nó sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nếu bạn đi ngủ nhưng trong tâm trí lại đang so sánh chính mình với những người đăng những hashtag như #mãn nguyện, #cuộc sống hoàn hảo tới những bức ảnh du lịch, bạn có thể tin là cuộc đời mình thật ảm đạm, điều này khiến bạn thấy tồi tệ và khó ngủ hơn.
Mạng xã hội có mối quan hệ với tình trạng gia tăng trầm cảm, lo âu và thiếu ngủ.
Thiếu ngủ sẽ làm sức khỏe tinh thần tồi tệ hơn và dẫn đến vấn đề về sức khỏe tinh thần.
Thiếu ngủ có những ảnh hưởng phụ khác: nó có quan hệ với tăng khả năng bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì, năng lực học tập, phản ứng chậm khi lái xe, hành động liều lĩnh…
Điều tồi tệ hơn là, mất ngủ ảnh hưởng tới người trẻ nhiều nhất, trong lúc vị thành niên thành là độ tuổi thay đổi sinh lý và xã hội có vai trò quan trọng tới sự phát triển.
Vị thành niên cũng cần nhiều thời gian hơn để đi vào giấc ngủ - theo bà Jessica Levenson từ Đại học Pittsburgh. Mạng xã hội ảnh hưởng đến tuổi teen, nhất là gây khó ngủ vào ban đêm, bà nói.
Hiện bà đang lo ngại rằng việc sử dụng mạng xã hội và các nghiên cứu xung quanh nó đang thay đổi quá nhanh để theo kịp.
“Trách nhiệm của chúng tôi là phát hiện các ảnh hưởng, tốt hay xấu,” bà nói. “Chúng tôi chỉ vừa mới bắt đầu nghiên cứu ảnh hưởng của việc sử dụng mạng xã hội. Giáo viên, phụ huynh và bác sỹ cần phải hỏi những đứa trẻ rằng chúng sử dụng thường xuyên như thế nào, khi nào, và cảm xúc ra sao khi sử dụng?”
Chìa khoá để chống lại các tác động tiêu cực của mạng xã hội rõ ràng là phải biết điều tiết.
Ông Sigma nói rằng chúng ta đều nên quản lý thời gian trong ngày, có những thời gian cách xa màn hình, và nên buộc bọn trẻ làm theo. Bậc phụ huynh cần phải cho con cái có những khoảng thời gian ở xa màn hình.
Điều này rất quan trọng vì bọn trẻ chưa đủ phát triển để kiểm soát sự bộc phát của bản thân cũng như ý thức rằng khi nào là đủ, ông giải thích.
Ông Primack đồng ý với quan điểm này. Ông không kêu gọi mọi người dừng sử dụng mạng xã hội, nhưng nói ta cần cân nhắc thời lượng – và thời gian chính xác trong ngày là khi nào.
“Vấn đề là có rất nhiều thứ khiến chúng ta dán mắt vào màn hình, rất khó cưỡng lại,” ông nói.
Với người trưởng thành, nếu bạn còn sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ, và bạn thấy lờ đờ hôm nay, thì đã đến lúc bạn kiểm soát và điều chỉnh lại. Bạn sẽ ngủ ngon hơn khi cách xa điện thoại.
Melissa Hogenboom
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.