Sáu giờ sáng ngày 22/1, một quả bom nặng gần 20kg phát nổ trong chợ ở Yala, miền Nam Thái Lan.
Hình ảnh người phụ nữ bất tỉnh bên người thân của mình trên tờ Bangkok Post làm tôi rùng mình tỉnh dậy. Chỉ một tuần trước đó, tôi đang đi bộ trên những con đường nhỏ ở thành phố này.
Một phóng viên Thái ở kênh truyền hình Voice TV21 của Thái nói: "Chẳng người Bangkok nào muốn xuống cực Nam cả. Cậu hãy tưởng tượng nhé, đến cả tiệm 7-Eleven còn có cả boongke tránh bom!" - Một ví von vừa đủ để người ngoài tưởng tượng những gì đang xảy ra ở miền xa ấy.
Pattani, Yala và Narathiwat là ba tỉnh cực Nam Thái Lan, giáp với biên giới là tỉnh Kelantan của Malaysia. Xung đột giữa những người Mã Lai Hồi giáo li khai và chính quyền Thái Lan có một lịch sử kéo dài từ năm 1948, với hàng loạt những cuộc nổ súng, va chạm chết người giữa cảnh sát Hoàng gia Thái và người nổi dậy. Xung đột bắt đầu bùng lên trở lại vào năm 2004, và kéo dài đến tận 14 năm sau, chưa khi nào có hồi kết.
Hai giờ sáng, chuyến tàu từ Bangkok xuống Pattani đột ngột dừng giữa đêm. Bốn sĩ quan quân đội Hoàng gia Thái bước lên tàu, đòi kiểm tra thẻ căn cước của tất cả đàn ông ngồi trong khoang. Mồ hôi nhễ nhại trên trán, anh lính Thái vẫn cố mỉm cười khi yêu cầu khách xô hành lý từ trên cao xuống và mở bung ra xem. Họ chỉ kiểm tra đàn ông có mặc trang phục truyền thống Hồi Giáo, hoặc những cậu thanh niên với sắc da đậm hơn, là dân địa phương ở Pattani.
Chợ đêm ở Betong, Yala, một trung tâm du khách Malaysia thường từ biên giới qua mua sắm, vui chơi, cũng luôn có quân đội trấn giữ
Ngoài cửa tàu, ánh đèn mờ nhạt hắt ra cho biết tôi vừa dừng giữa một cánh đồng trống. Chuyện kiểm tra thất thường trên tàu về miền Nam Thái Lan hay xảy ra; nó báo hiệu ở đầu bên kia của hành trình có sự vụ gì đó. Một năm trước, khi tôi từ Bangkok về Hat Yai, những người lính Thái cũng bước lên khoang thông báo vừa có bom nổ ở ga tàu Yala. Họ phải kiểm tra để truy tìm người của quân nổi dậy.
Những con đường ở Pattani báo hiệu ngay về cảnh huống thành phố này gặp phải: đang tồn tại trong chiến sự. Mọi ngả vào trung tâm đều có bốt của quân đội, với kẽm gai, đinh chặn xe hơi và bốn người lính có vũ trang. Ở nhiều trạm gác lớn, quân đội kiểm tra từng xe hơi ra vào suốt 24 giờ và các boong ke bằng bao cát được đặt dích dắc để buộc xe di chuyển phải giảm tốc lọt vào tầm kiểm soát.
Người bạn phóng viên ở Bangkok nhắc tôi: "Hãy nhớ, không chen vào chỗ nào có đám đông, không lại gần nơi khách du lịch hay tập trung, không đi bên cạnh lính Thái. Họ chính là mục tiêu của các vụ tấn công. Cậu không bao giờ biết được gương mặt của kẻ sẽ tấn công mình đâu." - Chỉ hơn năm trước đó, mấy vụ nổ bom diễn ra cùng một lượt ngay giữa những khu phố du lịch đông đúc ở Pattani và Betong (tỉnh Yala), làm du khách phương Tây hoảng sợ bỏ chạy về Bangkok ngay giữa kỳ nghỉ. Các đại sứ quán phương Tây luôn viết tên ba tỉnh trong các cảnh báo không nên đến tham quan vì sự an toàn của du khách.
Những con đường ở Pattani báo hiệu ngay về cảnh huống thành phố này gặp phải: đang tồn tại trong chiến sự.
Đó là những ngày gần Noel, một quãng bờ sông được chăng đèn thành một mái vòm sáng lấp lánh. Hàng trăm người tụ tập về để vui vầy cùng bạn bè. Không khí bất an có lẽ là điều duy nhất người ta nghe được ở Bangkok.
Rayak, một kỹ sư công nghệ thông tin từ Bangkok về quê làm việc kể: "Khi tôi quyết định từ Bangkok trở về, mọi người đều hỏi tôi đã suy nghĩ kỹ chưa, vì sẽ không có đường quay trở lại đâu. Nhưng tôi về và thấy đó là quyết định đúng, tôi vẫn ổn."
- Bạn có sợ những vụ đánh bom hay chém giết không? - Tôi hỏi.
"Khoảng bốn năm nay, Pattani đã yên ổn hơn. Những vụ đánh bom vẫn xảy ra ở đây, ở kia, nhưng không khi nào ở một chỗ. Trước đó, chúng tôi sẽ không ra đường sau chín giờ tối.
Nhưng giờ thì an toàn. Bạn là người đầu tiên từ Bangkok tôi gặp sau bảy năm qua. Bạn bè tôi không ai dám xuống đây hết. Mỗi lần hẹn gặp, họ sẽ bay xuống Hat Yai và tôi lái xe lên đó để gặp nhau. Mọi người đều nghĩ Yala, Pattani ở giữa những trận bom."
Cuối năm 2017, hãng tin AFP đưa tin bạo lực ở miền Nam Thái Lan giảm xuống với số lượng thấp chưa từng có, chỉ với 674 vụ. Đó có lẽ chính là những gì Rayak nói về bốn năm yên ổn mà cô cảm thấy ở Pattani. Những trấn áp của quân đội Thái dày đặc lên trong khu vực, cũng là một trong những nguyên do khiến quân nổi dậy từ Mặt trận Cách mạng Dân tộc (Barisan Revolusi Nasional, BRN) giảm các vụ tấn công.
Rayak không thích những công sự quân đội giăng đầy các tuyến phố. "Nó làm việc đi lại mỗi ngày phiền toái. Họ quá đông đi. Họ đứng chơi điện thoại, chơi game, chứ có làm gì đâu.
Nhưng... sao đi nữa... thì cũng vì an toàn của thị trấn này" - Một vài người bạn tôi gặp gọi lóng lính quân đội là "boy band" - ban nhạc - để trêu những nhóm binh sĩ tại trạm gác cả ngày cả đêm trong thị trấn. Dù không ưa thích sự hiện diện của họ, đặc biệt với sự khác nhau về tôn giáo Phật giáo - Hồi giáo, người dân như Rayak cũng ngầm hiểu thị trấn của họ an toàn hơn khi những chiếc xe bọc thép trấn giữ thành phố và sẵn sàng cho bất kỳ sự cố gì.
Vài ngày sau đó, tôi đến thị trấn Betong, tỉnh Yala trên chiếc xe Mercedes thời thập niên 1970, một kiểu xe bốn chỗ phổ biến được dùng làm xe khách di chuyển ở khu vực rừng có độ cao cực đoan và hiểm trở. Sau một hồi trò chuyện, người bán hàng tạp hóa ở thị trấn Betong, tỉnh Yala, dắt tôi đi về bến xe bus. Cô nhiệt tình đi theo để phiên dịch giúp tôi tìm xe khi biết tôi muốn đến vườn quốc gia Hala Bala.
Jenny, tên gọi mà cô muốn tôi gọi, than phiền về tình trạng ở thị trấn: "Quân lính không phải người tốt. Tôi không tin họ. Họ làm mọi người sợ. Chẳng ai buôn bán được gì. Và ai biết là ai mới là người đánh bom?" - Jenny nhắc lại một câu hỏi đầy ngờ vực từng được cánh phóng viên ở Bangkok đặt ra sau nhiều sự vụ không tìm ra thủ phạm. Nhưng cũng chính Jenny đã thuyết phục tôi không đến rừng Hala Bala ở khu vực Betong, tỉnh Yala. Cô phiên dịch: "Tài xế nói trên đường tới rừng có giao tranh. Họ sợ súng nên không đi. Nếu đi, bạn phải trả 5.000 baht. Không có taxi nào đến đó đâu."
Cái nhăn mặt của những ông tài xế già lái Mercedes với cái giá đắt tiền nhưng ngán ngẩm hoàn toàn có thể hiểu được. Từ năm 2004, bạo động ở miền Nam Thái Lan đã làm 7.000 người thiệt mạng và hơn 13.000 người bị thương. Ở những trạm cảnh sát, hình ảnh người nổi dậy dán trên bảng truy nã.
Nhiều đơn vị bảo an đi lại trong thị trấn Betong, cảnh sát, bảo vệ, quân đội, cảnh sát chống khủng bố... xuất hiện ngay trong chợ, vào buổi lễ hội ca nhạc. Đêm muộn về, họ lại có buổi thảo luận ngay một khoảng giữa đường với hàng chục người lính vũ trang xếp hàng chờ lệnh.
Ngày đón năm mới ở Betong, Yala, nghe tiếng pháo hoa nở bừng trong thị trấn, tôi nhìn vào các con hẻm khuya, nơi cánh quân nhân vẫn trực giờ canh gác. Lần đầu tiên sau 14 năm, hãng tin AFP viết, năm 2017, cực Nam Thái Lan "chỉ có" 235 người thiệt mạng - con số thấp chưa từng có.
Tôi vẫn tưởng đó sẽ là thời gian yên tĩnh, cho đến khi quả bom phát nổ trong chợ ở Yala ngày 22/1. Một giảng viên đại học từ Songkhla nhận định về cuộc sống của anh: "Bạn không thể biết bom phát nổ khi nào. Người miền Nam đã quen với chuyện đó. Họ phải chấp nhận sống như vậy. Các phe không ai dừng lại. Tất cả người chết chỉ là thường dân..."
Có thêm ba dân thường vừa thiệt mạng khi năm 2018 chỉ vừa bắt đầu.
Khải Đơn
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.