Bạn ăn chúng, mặc chúng, đặt chúng trong bình để ngắm - nhưng liệu bạn khai thác hết tiềm năng của chúng?
Theo các nhà nghiên cứu tại Vườn thực vật Hoàng gia Kew ở Anh, còn nhiều cách để chúng ta có thể khai thác được sức mạnh của thực vật. Từ việc chữa cháy cho đến ngăn nạn đói, dưới đây là bốn cách lạ thường mà thực vật có thể cách mạng hóa thế giới của chúng ta.
Siêu thực vật lai giống
Rau chúng ta ăn trong bữa ăn tối được trồng trên nông trại. Nhưng theo dự án "Cây trồng hoang dã (CWR)", những cây trồng nông trại này có họ hàng trong hoang dã - điều này có nghĩa là thực vật chúng ta ăn cũng tiến hóa theo cách sói tiến hóa thành chó nuôi.
Nhưng những họ hàng sống hoang dã của chúng đã tiến hoá khá xa trong khả năng chống chịu sâu hại, bệnh tật, sự mặn hoá của đất cũng như thay đổi khí hậu.
Đó là lý do tại sao các nhà nhân giống cây trồng đang lai tạo những cây trồng hoang dã này với cây trồng trong nhà để làm cho chúng khỏe mạnh như người họ hàng của mình, trong khi vẫn đem lại cho chúng ta những lợi ích có được từ cây trồng thuần hóa, chẳng hạn như năng suất cao.
Đây là một kế hoạch có phạm vi toàn cầu.
Các quốc gia có số thực vật hoang dã cao nhất là Brazil, Trung cộng và Ấn Độ, trong khi các quốc gia có mật độ cây trồng cao nhất là Azerbaijan, Bồ Đào Nha và Hy Lạp.
Việc lai tạo các giống cây hoang với các loại cây đã được thuần dưỡng có thể giúp tạo ra những giống cây mới có khả năng siêu việt, kháng cự được sâu bệnh
Tuy nhiên, dù những cây trồng hoang dã đã phổ biến khắp toàn cầu, chúng vẫn bị đe dọa bởi một loạt nhiều yếu tố đối trong môi trường, hầu hết là do sự xâm nhập của con người, thông qua thay đổi sử dụng đất, hiện tượng ấm lên toàn cầu, ô nhiễm, chiến tranh và nông nghiệp.
Ngân hàng hạt giống Thiên niên kỷ của Vườn thực vật Hoàng gia Kew đang làm việc cùng với các đối tác điều hành những chương trình gây giống trên khắp thế giới và bảo vệ những họ hàng hoang dã này trong vài năm tới.
Dùng thực vật làm thuốc
Đây không phải là điều gì đó mới mẻ - việc dùng thực vật làm thuốc đã được biết đến từ thời cổ xưa. Nhưng liệu chúng ta có đang quá chậm trong việc nhận ra những cách dùng mới?
Hơn 28.000 loài thực vật hiện đang được dùng để chữa bệnh, nhưng chưa đến 16% trong số đó được nhắc đến trong các ấn phẩm thường kỳ về dược. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính giá trị ngành công nghiệp dược phẩm trên nền tảng thực vật vào năm 2012 lên đến 83 tỷ đô la.
Ngành công nghiệp này đang ngày càng trở nên phổ biến; ở Đức, khoảng 90% dân số sử dụng các loại thuốc thảo dược bắt nguồn từ thực vật như cây hoàng mao địa và tỏi.
Nhưng một vấn đề lớn là việc các lãnh đạo ngành y tế muốn ngăn chặn sự gia tăng các sản phẩm không an toàn hoặc giả mạo xâm nhập thị trường; Việc thiếu cẩn trọng, dễ dãi, lười biếng khi áp dụng các phương pháp xác minh khiến nhiều tên thảo dược bị lẫn lộn với những cái tên có âm tương tự và bệnh nhân rốt cuộc lại dùng thuốc không thích hợp (hoặc có khả năng gây tử vong).
Trung cộng là một trong những quốc gia đang cố ngăn chặn việc này. Vào tháng 12/2016, các quan chức chính phủ Trung cộng đã đưa các loại thuốc cổ truyền vào hệ thống chăm sóc sức khoẻ của họ cho đến năm 2020, đồng thời trình bày chi tiết phần minh họa và mô tả của thực vật gốc để ngăn chặn bất kỳ sự nhầm lẫn nào xảy ra trong tương lai.
Nếu muốn phát huy hết tiềm năng trong y dược của thực vật, nhân loại cần tìm nguồn cung cấp từ các nguồn tài nguyên bền vững, nuôi trồng chúng, đưa ra quy trình truy xuất nguồn đáng tin cậy và đảm bảo kiểm soát chất lượng hiệu quả hơn.
Chuối chứa steroid
Thật ra thì đây không hẳn là chuối. Giống chuối enset là một thành viên của họ chuối đã được trồng ở Ethiopia trong hàng chục nghìn năm - người Ethiopia thực tế đã có hơn 200 tên cho nó - và nó có một số công dụng khác nhau.
Chuối enset, một loạt cây được trồng ở Ethiopia từ hàng ngàn năm nay, có thể được trồng đại trà và thu hoạch để sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau
Ngoài việc là một cây trồng chủ yếu ở Châu Phi, nó có thể dùng làm dây thừng, thuốc, chỗ ở, thức ăn chăn nuôi và quần áo, chưa kể đến việc nó còn cung cấp môi trường vi khí hậu lý tưởng cho cây cà phê phát triển. Nó chịu được hạn hán, mưa lớn và ngập lụt.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu xem liệu có nơi nào khác có thể trồng giống cây thích nghi thông minh với khí hậu này, đặc biệt là ở các khu vực khác ở châu Phi và ở những quốc gia phải đối mặt với nạn đói.
Một mét vuông cây trồng này cung cấp thực phẩm cho nhiều người hơn hầu hết các loại ngũ cốc khác. Nó còn được làm thành ba loại thực phẩm: Bột nhão chua, súp và các món cháo, và củ luộc tương tự như khoai tây.
Nhưng trước tiên, họ sẽ phải tìm ra cách để thu thập hạt giống của nó - tại thời điểm này, nông dân lấy giâm cành từ cây để trồng thêm, điều này có nghĩa là không ai thực sự biết cây enset đã được thụ phấn như thế nào. Tuy nhiên, một khi họ khám phá ra bí mật của loại chuối siêu phàm này thì những ích lợi mà nó mang lại là vô cùng to lớn.
Cây chống cháy
Các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm cách thức để tạo ra những giống cây 'siêu thực vật' có khả năng giúp ngăn ngừa cháy rừng, giải quyết nạn đối, hạn hán, hỏa hoạn và nhiều nguy cơ khác nữa
Tính dễ bắt lửa của thực vật thật sự quan trọng khi bạn nghĩ đến cháy rừng và sức tàn phá mà chúng gây ra về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Nó có thể xảy ra vì tình trạng nghèo nàn xét về tính đa dạng cây trồng và cũng bởi vì các thực vật không có nguồn gốc tự nhiên hoàn toàn không thích nghi kịp thời với khí hậu của nơi trồng mới. Nhưng lửa là một quá trình bình thường và quan trọng ở một số hệ sinh thái.
Vườn thực vật Hoàng gia Kew đang tìm cách xác định các chủng thực vật dễ cháy và phác thảo những quần thể có thể đương đầu cháy rừng. Chúng có thể được sử dụng như những yếu tố ngắt lửa tự nhiên và làm giảm lượng tài nguyên quan trọng bị đốt cháy.
Những cây có khả năng chịu được sự gia tăng tần suất cháy trong tương lai là những loài có vỏ dày hơn, khả năng nảy mầm nhanh và có những trái hình nón nở muộn; cũng giống như phượng hoàng tái sinh từ tro tàn, những trái hình nón này sẽ phát tán hạt mà khi lửa đốt cháy lớp nhựa bảo vệ bên ngoài thì những hạt này sẽ thoát ra ngoài không khí, nhằm bảo đảm sự sống còn của giống loài ở nơi khác.
Sophia Smith Gale
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.