Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có thể bị ảnh hưởng khi Mỹ cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống 21%.
Luật thuế mới được Quốc hội Mỹ thông qua trước kỳ Giáng sinh vừa qua có thể sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam, theo cảnh báo của các chuyên gia kinh tế trong nước.
Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các nhà đầu tư Mỹ có thể sẽ quay trở lại Mỹ để hưởng lợi từ việc cắt giảm sâu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
Luật thuế mới của Mỹ được Tổng thống Donald Trump ký ban hành hôm 22/12/2017 cho phép giảm thuế TNDN từ 35% xuống còn 21%. Bên cạnh đó các khoản đầu tư nước ngoài của các nhà đầu tư Mỹ mà chuyển về nước cũng chỉ bị đánh thuế 10.5%.
Điều này dẫn đến lo ngại rằng các doanh nghiệp của Mỹ lâu nay hoạt động ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam, sẽ chuyển tiền về nước thay vì giữ lại để tái đầu tư, theo nhận định của TS Vũ Viết Ngoạn, tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, với Tuổi Trẻ.
Việc cắt giảm thuế TNDN của Mỹ, theo TS kinh tế Phạm Đỗ Chí, sẽ làm cho các hãng giảm đầu tư ra ngoài nước Mỹ và bớt gia công sản xuất hàng hóa ở nước ngoài.
Tổng thống Donald Trump ký ban hành luật thuế mới hôm 22/12/2017.
“(Các doanh nghiệp) sẽ đem về Mỹ để sản xuất vì thuế ở đây rất thấp. Ví dụ, ở Ireland sản xuất có lời vì thuế bên đó là 12% nhưng bây giờ giảm thuế rất mạnh từ 35% xuống 21% thì các hãng sẽ đem tiền lời từ thuế về đây để đầu tư.”
Chính phủ của Tổng thống Trump hy vọng luật thuế mới sẽ khuyến khích các doanh nghiệp chuyển về Mỹ và tạo công ăn việc làm thêm cho người Mỹ. Đây cũng là lời hứa của ông Trump với các cử tri Mỹ khi còn trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2016.
Kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nếu nhiều doanh nghiệp Mỹ theo xu hướng này, theo TS Ngoạn.
Kinh tế gia Lê Đăng Doanh cho rằng việc cảnh báo này là cần thiết cho những người điều hành nền kinh tế Việt Nam.
“Theo tôi đấy là một lo ngại có căn cứ. Như chúng ta thấy là tập đoàn Apple sau khi có mức (thuế) thay đổi, họ đã quyết định chuyển một phần lớn vốn của họ về Hoa Kỳ và hy vọng tạo thêm công ăn việc làm và được hưởng lợi," theo TS Doanh. "Với xu thế này cần phải tiếp tục theo dõi một cách rất cẩn trọng xem luồng vốn của Hoa Kỳ chảy trở lại Hoa Kỳ và luồng vốn của các tập đoàn khác đổ xô vào đầu tư ở Hoa Kỳ sẽ diễn ra đến mức độ nào.”
Trong tháng 1/2018, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã giảm mạnh, theo TS Doanh, cựu viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). Ông nhận định, luật thuế mới của Mỹ với “động lực để thu được lợi nhuận tối đa với một mức thuế xuất thấp sẽ tác động đến luồng vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.”
Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Phúc lo ngại dòng vốn FDI sẽ rút khỏi Việt Nam vì tác động của chính sách cải tổ thuế của Mỹ.
Việt Nam được coi là rất thành công trong việc thu hút vốn FDI. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2014 cho thấy Việt Nam luôn giữ được FDI ở mức 10-12 tỷ USD mỗi năm trong những năm đầu thế kỷ 21 và đạt 15.8 tỷ USD vào năm 2016.
Nhưng điều đáng lo ngại hơn, theo TS Ngoạn – người dẫn đầu tổ tư vấn – nhận định với Tuổi Trẻ rằng khả năng một số nước phát triển có thể giảm thuế để cạnh tranh với Mỹ và làn sóng này sẽ ảnh hưởng không nhỏ nên cần phải theo dõi.
Theo TS Ngoạn, Trung cộng đã hành động kịp thời sau khi Mỹ có động thái như nêu trên. Đó là khuyến khích doanh nghiệp của Mỹ có vốn tái đầu tư sẽ được miễn thuế.
Trái lại, nếu các nhà đầu tư chuyển vốn ra ngoài Trung cộng, họ tuyên bố sẽ có những biện pháp kiểm soát ngoại tệ nhằm hạn chế việc thoái vốn.
Hiện mức thuế TNDN phổ thông ở Việt Nam là 20%, vẫn thấp hơn 1% so với mức thuế mới của Mỹ đánh vào thu nhập của các doanh nghiệp. Nhưng theo các chuyên gia, môi trường đầu tư ở Việt Nam còn nhiều bất cập và nạn tham nhũng tràn lan đang làm nản lòng những nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó môi trường kinh doanh của Mỹ rất khác với Việt Nam vì nó ổn định và công khai minh bạch rõ ràng hơn, theo TS Doanh.
"Nỗ lực ngay bây giờ là Việt Nam cần cải cách để cải thiện môi trường đầu tư bằng cách phải xây dựng kết cấu hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực."
Khoảng 66% doanh nghiệp tại Việt Nam phải trả phí bôi trơn cho quan chức địa phương, theo khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 vừa công bố tuần qua.
Phí bôi trơn, theo TS Doanh, là một trong những điều làm cản trở các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Theo khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2016, có khoảng 66% doanh nghiệp phải chấp nhận những khoản chi không chính thức cho các quan chức địa phương để giúp việc kinh doanh thuận tiện.
Việt Nam đứng thứ 113 trên 176 nước trong bảng xếp hạng về chỉ số tham nhũng của Transparency International.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.