Hý kịch, trong tiếng Thái gọi là "Ngiew" (đọc hơi giống chữ 'Nghiu' trong tiếng Việt), một loại hình ca kịch cổ của Trung cộng đã được trình diễn ở Thái Lan từ hơn một thế kỷ qua, hiện đang bị những hình thức giải trí hiện đại lấn át.
Ngày nay, các vở hý kịch chỉ còn được trình diễn trên sân khấu tại các đền thờ Trung Hoa, với nhóm khán giả đa phần là người Thái gốc Hoa lớn tuổi.
Hý kịch cũng dần nhạt nhòa trong trí nhớ của lớp trẻ.
Thutchai Opthong, biệt danh là Tong, 54 tuổi, là ông bầu của gánh hý kịch Sai Yong Hong.
Ông nói trước đây, mỗi gánh hát có trên 100 diễn viên, và mỗi suất diễn thu hút hàng ngàn khán giả tới xem.
Nay, mỗi đêm chỉ còn vài trăm khán giả, và diễn viên mỗi đoàn cũng chỉ vài chục người.
Đoàn của ông đang chuẩn bị biểu diễn tại đền thờ Trung Hoa tại Phalpphla Cha, Bangkok.
Khoảng 100 chiếc ghế nhựa đỏ được bày ra, mà vẫn còn nhiều ghế trống tuy đã sắp tới giờ diễn.
"Trông thật khác, như trắng với đen vậy," ông nói, ý muốn so sánh cảnh tượng trước mắt với thời hoàng kim trước đây.
Hý kịch Trung Hoa đang lụi tàn qua mỗi năm.
"Trước đây có 30 gánh hát, mà nay chỉ còn độ mười thôi," ông nói, và cho biết thêm là các loại hình ca kịch khác của Trung Hoa cũng đang chịu chung số phận.
Số các đoàn biểu diễn từng ở mức hơn 100 nhóm khác nhau, nay đã giảm đi 70-80%.
Thutchai tin rằng sự tàn lụi của loại hình nghệ thuật này là do người Thái không hiểu nội dung các vở diễn.
Các gánh hát tồn tại được chỉ nhờ vào các lễ hội được tổ chức tại các đền thờ cúng những vị thần Trung Hoa. "Nếu không còn đền thờ Trung Hoa nào nữa là chúng tôi sẽ giải tán," ông nói.
Du nhập từ Trung cộng, đào tạo ở Thái Lan
Các loại hình ca kịch của Trung Hoa du nhập vào Thái Lan hồi cuối thời Vua Narai của Vương quốc Ayutthaya (khoảng cuối Thế kỷ 17), theo hồ sơ lưu trữ của nhà ngoại giao người Pháp Simon de la Loubre.
Thutchai thì nói rằng các thương nhân người Hoa tới Thái Lan làm ăn buôn bán, và thế là Ngiew đã theo chân họ.
Lúc ban đầu, người Hoa không đem cả gánh hát vào theo mà chỉ gồm một số diễn viên giỏi.
Sau đó họ tìm thêm các diễn viên khác ở Thái Lan, những người như Thutchai.
Mẹ của Thutchai là người Thái gốc Hoa, còn cha ông là người Thái theo Hồi giáo.
Mối quan hệ của hai người không được cả hai bên gia đình chấp nhận.
Cuộc hôn nhân đổ vỡ do mẹ ông nghiện rượu và cờ bạc. Cuộc đời ông trở nên bấp bênh từ khi ông mới bảy tuổi.
"Mẹ nói với tôi, 'Tong à, con phải đi sống với gánh hát Ngiew'. Tôi thì ngây thơ, chả hiểu bà nói gì," ông kể.
"Mẹ bán tôi lấy 5.000 baht Thái (khoảng 160 đô la Mỹ). Bà giữ được 4.500 baht sau khi bị kẻ môi giới trừ đi mất 500 baht."
Trong gánh hát của Thutchai cũng có nhiều số phận tương tự. Chẳng hạn như vợ ông, nay cũng là một diễn viên trong đoàn, bị đem bán cho một gánh hát khi bà mới 6 tuổi, với cái giá 3.000 baht.
"Mẹ bán tôi được 5.000 baht, nhưng sau khi theo nghề Ngiew, giá của tôi đã tăng lên tới gần 2 triệu baht," ông cười, và cảm ơn số phận đã cho ông theo nghề này.
"Về mặt tâm linh, hý kịch Trung Hoa với tôi là thần phật. Tôi kiếm được tiền, nuôi sống được gia đình."
"Tôi có một ngôi nhà, một gia đình êm ấm. Tôi có một cuộc đời tốt đẹp, nhờ vào nghề nghiệp của mình," ông nói.
"Nghề này dạy tôi phải chân thành, phải ngay thẳng. Và, như mẹ từng dạy tôi, 'phải biết ơn người khác'."
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.