Gia đình quân thánh chiến và thường dân chạy thoát được tập hơp bên ngoài Baghouz (vùng Deir Ezzor).
Kể từ 18 giờ ngày 10/03/2019, Lực Lượng Dân Chủ Syria bao gồm các chiến binh Kurdistan và Ả Rập, với sự yểm trợ của không lực liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu, đã mở cuộc tấn công vào làng Baghouz gần biên giới với Irak. Đây là cứ địa cuối cùng của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech) tại Syria và Irak. Việc Daech mất đi mảnh đất cuối cùng là điều chắc chắn, nhưng theo giới quan sát, mối đe dọa mà tổ chức khủng bố này đặt ra vẫn tồn tại.
Trước hết, phải nói rằng việc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo không còn đất dụng võ là một sự kiện tích cực trên nhiều bình diện.
Trước hết, Daech đã mất đi một công cụ tuyên truyền, không còn huênh hoang được là mình có lãnh thổ để tuyển mộ người từ khắp nơi. Tổ chức khủng bố này cũng mất đi cơ sở hậu cần, nơi được họ dùng để huấn luyện các chiến binh hay lên kế hoạch phối hợp tấn công ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, Daech cũng mất đi nguồn tài chánh khổng lồ mà chưa một tổ chức khủng bố nào có được, nhờ bán dầu từ các mỏ trong tay họ hay thu thuế trên cư dân trong vùng họ kiểm soát.
Đối với những người sinh sống tại các vùng lãnh thổ bị tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo chiếm đóng trước đây, việc Daech bị đánh đuổi tương đương với một sự giải thoát. Họ không còn bị đe dọa hành quyết hay trừng phạt dã man do luật lệ khắc nghiệt của Daech, và đối với một số nhóm dân thiểu số, không còn bị bắt làm nô lệ tình dục hay bị thảm sát.
Hiểm họa Daech tại Syria và Irak vẫn còn
Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, dù không còn lãnh thổ, hiểm họa Daech không phải là bị hoàn toàn triệt tiêu tại Syria hay Irak. Từ khi bắt đầu bị đẩy lùi từ năm 2017, tổ chức này đã bắt đầu áp dụng trở lại chiến thuật rút vào hoạt động bí mật để chờ thời. Các thành viên « nằm vùng » của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Irak chẳng hạn, đã tiến hành nhiều vụ bắt cóc và giết người rải rác ở nhiều nơi để phá hoại chính quyền Bagdad.
Ngay tại khu vực đông bắc Syria dưới quyền kiểm soát của người Kurdistan Syria, được Mỹ hậu thuẫn, các phần tử nằm vùng của Daech cũng đã thực hiện nhiều vụ đánh bom, trong đó có vụ hạ sát 4 người Mỹ hồi tháng Giêng vừa qua. Giới chức Kurdistan và Hoa Kỳ xác nhận rằng Daech vẫn còn là mối đe dọa ở trong vùng.
Daech vẫn có thể kích động khủng bố ở các nước ngoài vùng
Không chỉ tại Irak và Syria, Daech được cho là vẫn còn khả năng gây hại ở những nước lân cận hay ở các quốc gia phương Tây.
Mới đây, lãnh đạo cơ quan tình báo Anh MI6 đã cảnh báo rằng bị mất lãnh thổ, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo sẽ quay trở lại với chiến thuật tấn công « bất đối xứng ».
Daech vẫn thường xuyên lên tiếng tự nhận là tác giả một số vụ khủng bố ở nhiều quốc gia khác nhau, mặc dù những vụ đó thường được cho là do « những con sói đơn độc » thực hiện, chứ không phải là dưới sự chỉ đạo của Daech.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, Daech đã kêu gọi những người theo họ ở nước ngoài là chủ động tự lên kế hoạch khủng bố, thay vì chỉ tập trung vào những vụ được chỉ đạo từ bên trên với các cán bộ được huấn luyện từ trước.
Ngay từ đầu năm 2018, viên tư lệnh Mỹ phụ trách khu vực Trung Đông đã cảnh báo rằng tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo có một sức chịu đựng bền bỉ và vẫn có khả năng « truyền cảm hứng để kích động tấn công khủng bố ở bên trong cũng như bên ngoài vùng Trung Đông.
Trọng Nghĩa
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.