Vào trưa ngày 4-3-2019, Guaido đã trở về nước sau chuyến đi dài ngày kể từ 23-2-2019.
Mặc dù trước đó Maduro đe dọa sẽ bắt Guaido khi đặt chân xuống sân bay nhưng nỗ lực này hoàn toàn thất bại bởi nhóm đông người ủng hộ đã bảo vệ anh. Sau đó đám đông đã tổ chức biểu tình diễn hành từ sân bay về trung tâm, nơi có hàng vạn người đang chờ đón.
Anh Guaido nói:" Argentina, Brazil, Colombia, Paraguay và Ecuador hứa sẽ giúp đỡ chúng ta và tôi bảo họ hãy tin tưởng vào chúng ta."
"Chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ cho người dân của chúng tôi, mặc dù kẻ chiếm đoạt (Maduro) đã chặn đường. Nhưng chúng sẽ không thể ngăn được những người dũng cảm này trên đường phố."
Juan Guaido đi qua cửa kiểm soát tại sân bay Maiquetia ở Caracas trước đó.
Juan Guaido hát quốc ca với sự hỗ trợ ở bên đường cao tốc
***
Lãnh đạo đối lập Venezuela về nước bất chấp đe dọa sẽ bị bắt
Ông Guaido phát biểu tại một cuộc biểu tình chống chính phủ ở Caracas
Lãnh đạo Venezuela Juan Guaido về đến sân bay Caracas hôm 4/3 sau khi vi phạm một lệnh cấm ra nước ngoài do tòa án áp đặt với việc viếng thăm một số quốc gia Mỹ Latin để tranh thủ sự ủng hộ cho chiến dịch lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro.
Những chi tiết của chuyến đi về của ông Guaido được giữ kín. Ông xuất hiện ở sân bay quốc tế Maiquetia mà không báo trước và gặp gỡ đại sứ các nước châu Âu tại sảnh đến, theo lời các nhân chứng.
Trước đó ông tuyên bố sẽ quay về để lãnh đạo các cuộc biểu tình trong dịp lễ Carnival vào ngày 4/3 và 5/3 và vài trăm ủng hộ viên phe đối lập đã tập trung ở quận Las Mercedes ở thủ đô Caracas để chờ đợi ông.
“Quay trở lại đất nước yêu dấu của chúng ta! Venezuela, chúng tôi vừa mới đi qua cửa xuất nhập cảnh và giờ đây chúng tôi hướng đến nơi có đồng bào của chúng ta,” ông Guaido viết trên Twitter sau khi đến sân bay.
Việc ông Guaido trở lại quê nhà có thể trở thành điểm xung đột kế tiếp trong cuộc đối đầu với Tổng thống Maduro vào lúc ông Guaido tìm cách duy trì thời cơ và thúc đẩy những nước ủng hộ ông tiếp tục cô lập hơn nữa chính phủ xã hội chủ nghĩa của ông Maduro. Hầu hết các nước phương Tây đã công nhận ông Guaido là nguyên thủ chính đáng của Venezuela.
Khả năng ông bị bắt giữ có thể khiến cho phe đối lập làm nổi bật cách chính quyền Maduro đàn áp đối thủ chính trị và khiến cho Hoa Kỳ áp đặt những lệnh trừng phạt còn hà khắc hơn nữa. Tuy nhiên, nếu ông Guaido bị bắt thì việc này cũng sẽ làm cho phe đối lập mất đi một nhân vật lãnh đạo công khai vốn đã đem lại đoàn kết sau nhiều năm đấu đá nội bộ.
“Khi tôi về tới, cho dù nhà độc tài có đi con đường nào đi nữa, chúng ta sẽ vẫn tiếp tục,” ông Guaido phát biểu trong một thông điệp ghi âm sẵn được đăng trên tài khoản Twitter của ông vào sớm ngày 4/3.
Ông Guaido đã bí mật rời Venezuela đi Colombia hôm 23/2 để điều phối các nỗ lực đưa viện trợ nhân đạo vào Venezuela hầu giảm bớt tình trạng thiếu hụt thực phẩm và thuốc men lan rộng.
Chuyến đi này đã vi phạm lệnh cấm của Tòa án Tối cao.
Quân đội đã chặn các đoàn xe tải chở viện trợ đến từ Colombia, dẫn đến xung đột khiến ít nhất 6 người thiệt mạng dọc theo biên giới với Brazil, các tổ chức nhân quyền cho biết.
Từ Colombia, ông Guaido ghé Argentina, Brazil, Ecuador và Paraguay để tranh thủ thêm sự ủng hộ cho chính phủ chuyển tiếp trước khi tổ chức bầu cử tự do và công bằng.
Hôm 3/3, ông đã đáp máy bay từ thị trấn Salinas ven biển của Ecuador, nhưng kể từ đó đã không xuất hiện công khai.
Đại sứ từ một số nước châu Âu đã có mặt tại sân bay Maiquetia của thủ đô Caracas. Đại sứ Tây Ban Nha cho biết họ đã được mời tới để chào đón Guaido.
Tổng thống Maduro, người gọi ông Guaido là ‘bù nhìn của Mỹ đi kêu gọi đảo chính’ và bác bỏ có khủng hoảng nhân đạo ở Venezuela, đã nói rằng việc bắt giữ ông Guaido tùy thuộc vào hệ thống tư pháp.
“Ông ta không thể đi rồi về. Ông ấy phải đối mặt công lý và công lý đã cấm ông ta rời đất nước,” ông Maduro phát biểu với kênh ABC News hồi tuần trước.
Những người biểu tình ở Caracas, nhiều người trong số họ mặc đồ trắng và phất cờ Venezuela, nói rằng nếu ông Guaido bị bắt giữ thì sẽ có thêm những cuộc biểu tình mới. “Nếu chế độ này còn một chút lương tâm nào thì họ không nên bắt giữ ông Guaido bởi vì nhân dân thật sự sẽ không thể nào chấp nhận điều đó,” ông Franklin Lopez, một người dân 60 tuổi, nói.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.