Một số trường tiếp tục giữ nguyên-những trường hoặc ý kiến đồng tình việc cho trẻ đến trường từ 6h30 hầu hết đều bị phản đối.
Tuy nhiên, đọc xong hầu hết các lý do phản đối, tôi thấy dường như cả phụ huynh, nhà trường và xã hội đều đang bị mắc vào chỉ vài nguyên nhân trước mắt.
Còn câu trả lời cho tổng thể, nguyên nhân của mọi nguyên nhân thì vẫn núp lùm nằm yên, không thấy ai đả động đến.
Lý do của phụ huynh
-Con tôi đi học thêm bảy tám giờ tối mới về, mới ăn tối làm bài, làm sao dậy sớm nổi?
Phần lớn lý do phản đối việc giữ nguyên giờ học sớm hơn là từ phụ huynh ở thành thị.
Chủ yếu đều dẫn ra việc con đi học thêm đến bảy tám giờ tối cha mẹ mới đón về. Tắm rửa, ăn tối xong, trẻ tiếp tục làm bài tập về nhà.
Bài rất nhiều và nặng nên sớm nhất 10h đêm trẻ mới được đi ngủ. Nếu phải vào lớp từ 6h30 thì cả nhà phải dậy từ 5h sáng.
Trẻ không được ngủ sớm vì phải đi học thêm và thức làm bài tập về nhà.
Suy ra nếu không phải đi học thêm và giảm thời gian làm bài tập về nhà thì trẻ có thể ngủ sớm. Sáng hôm sau có thể dậy sớm khỏe mạnh và minh mẫn để vào lớp lúc 6h30.
Vậy tại sao trẻ phải đi học thêm?
Tại sao vào lớp Một mà chưa biết chữ?
Note: Hình trong là minh họa
Sáng thứ bảy, cặp vợ chồng trẻ hàng xóm nhà tôi dậy sớm, chở con đi. Tưởng ngày nghỉ cả nhà đi ăn sáng xong đưa con ra công viên chơi.
Cơ mà không phải. Ông nhóc 5 tuổi, sang năm mới vào lớp Một, nhưng năm nay cha mẹ đã cho ông đi học thêm.
Tuần hai buổi thứ bảy chủ nhật, ông nhỏ đến nhà cô giáo học a bờ cờ, ò ó o, viết nét sổ nét móc.... Học xong cha mẹ đón về chứ không bán trú.
Học phí?
Một triệu đồng/tháng.
Lớp học tiền tiểu học của các cô giáo tiểu học đều rất đông học trò.
Cả thầy cô và cha mẹ đều không vô can trong việc đó.
Có một số (ít) cha mẹ dứt khoát không cho con đi học thêm trước khi vào lớp Một để tránh gây áp lực quá sớm cho con.
Nhưng chẳng may, bé lại ngồi vào lớp mà hầu hết các bạn đều đã đi học thêm, nên viết chữ viết số vanh vách trước khi đi học chính thức cả.
Số trẻ đã biết chữ trước khi học nhiều hơn số trẻ “tờ giấy trắng”, nên trẻ bị ngơ ngác và lạc lõng.
Cô giáo cũng dạy lướt hoặc tỏ ra khó chịu với việc phải uốn nắn từng nét chữ đầu đời cho trẻ. Bé chán lớp và sợ học.
Càng chán và sợ, bé càng học không tốt, thường bị cô mắng và nhắc cha mẹ kèm thêm cho con.
Thậm chí có thầy cô tiểu học phàn nàn thẳng với cha mẹ tại sao bé đi học lớp Một mà chưa biết chữ (!).
Cha mẹ bấy giờ đâm ra hối hận. Khi bé sau đi học, dứt khoát phải cho đi học chữ ngay từ khi mới đẻ, tránh lặp lại vết xe đổ của anh/chị nó.
Việc học thêm giống như con quái vật có ngoại hình bà tiên, phụ huynh nào cũng biết rằng không nên bắt con học thêm hoặc học thêm quá sớm, nhưng không mấy người thoát được nó.
‘Nếu cô không nâng điểm thì em tự tử’
Bạn tôi dạy môn chính ở trung học phổ thông. Có lần chị cho một học sinh lớp 12 điểm 4 vì bài làm không đạt yêu cầu tối thiểu.
Tối đó, anh học sinh này cùng với bạn gái đến nhà chị, vừa khóc vừa dọa nếu cô không nâng điểm lên cho em thì em tự tử.
Chị bạn tôi không đồng ý và tìm cách khuyên can.
Một bài thi học kỳ chưa là gì cả, em có thể sửa chữa nó trong học kỳ sau, còn nếu em chết thì lý do này rất buồn cười và người thiệt thòi nhất là em, sau đó đến cha mẹ em… v v.
Nhưng đến khi về, anh vẫn đòi tự tử, cô bạn gái thì mếu máo vừa khóc vừa xin giúp người yêu.
Sáng hôm sau, anh học trò vẫn đi học, nói cười bình thường, mặt tươi hơn hớn.
Bạn tôi mặt tỉnh bơ nhưng bụng mừng gần chết. Nói gì nói, nhỡ nó tự tử thật thì tránh sao khỏi tự trách!
Nhưng tối đó, đến lượt mẹ anh tìm đến nhà chị.
-Cô thông cảm, em cũng có chức vụ ở công ty, mà cháu nó học rất giỏi, giờ điểm môn cô thế này cháu không đạt học sinh tiên tiến em nhục với đồng nghiệp ở công ty lắm. Cô vẫn không đồng ý.
Vì sao vấn nạn học thêm dạy thêm vẫn tiếp diễn?
Phụ huynh muốn cho con đi học thêm thường thì vì mấy lý do: một, sợ con học không bằng bạn bè, điểm thi học kỳ không tốt, sẽ ảnh hưởng đến học bạ khi xét tốt nghiệp.
Một số sợ nếu con không đi học thêm ở thầy cô giáo bộ môn sẽ bị trù dập. Một số không ít như mẹ của anh học trò nói trên - sợ con không có thành tích cao để khoe, nở mày nở mặt với người thân.
Thành thử có những đứa trẻ phải đi học thêm cùng lúc hai giáo viên cho một môn học: một giáo viên bộ môn đang dạy trực tiếp ở trường (để không bị trù dập, hoặc được cho biết đề trước mỗi kỳ thi), và một là thầy cô giáo thật sự dạy giỏi môn học đó mà em rất thích, em học để có kiến thức thật sự.
Thậm chí, có những đơn vị Nhà nước, tổ chức Công đoàn còn đặt ra quy định cuối mỗi học kỳ hay năm năm học, phụ huynh có con đạt thành tích học sinh tiên tiến trở lên sẽ được xét Công đoàn viên tiên tiến, có giấy chứng nhận + tiền thưởng.
Nếu con không đạt học sinh tiên tiến trở lên thì cha mẹ bị cắt danh hiệu thi đua này. Tuy nó không ảnh hưởng lắm đến đường thăng tiến nhưng trong các cơ quan Nhà nước, đó cũng là một tiêu chí xét đánh giá.
Học sinh bé cũng thích đi học thêm để được gặp và chơi với bạn. Nhất là những đứa trẻ ở thành phố, nhà khá giả đôi chút.
Ngoài giờ học ở trường, chúng gần như hoàn toàn bị nhốt trong biệt thự, chung cư, hoặc nhà riêng, cha mẹ trăm phần trăm đưa đón, không dám thả con ra ngoài vì sợ bị bắt cóc hay gặp tai nạn.
Còn với giáo viên, dạy thêm để cách để mưu sinh tốt nhất, vì tuy vất vả, bán cháo phổi nhưng vẫn giữ được đôi chút phẩm giá của nghề.
Tuy xã hội đã vùi dập nghề giáo không thương tiếc nhưng hai chữ người thầy vẫn luôn tồn tại sự đáng trọng của nó.
Dạy thêm tốt hơn rất rất nhiều so với việc phải làm yaourt và thức ăn vặt mang đến bán cho học trò ngay tại lớp học, bán hàng online, chạy xe ôm công nghệ…
Bởi vậy ngay trong làng giáo chức cũng có sự phân biệt đẳng cấp rõ rệt. Giáo viên các môn chính như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, hay Anh văn dạy thêm đến khàn hơi.
Ngược lại, giáo viên các môn “phụ” như Sử, Địa, Công dân, Thể dục… chỉ có thể nhìn đồng nghiệp chạy show bạc mặt mà thèm thuồng.
Mặt trái của dạy thêm
Mặt ngược lại cũng rất rõ ràng. Với phụ huynh là tốn tiền, tốn thời gian công sức đưa đón con đi học, cực kỳ mệt nhọc vất vả.
Với giáo viên cũng vậy. Những giáo viên trẻ miệt mài dạy thêm đến mức không còn thời gian dành cho gia đình và bản thân.
Có người trong cùng một ca dạy 2 nhóm trong nhà, nhóm này học lý thuyết thì nhóm kia làm bài tập.
Trẻ học ca cuối ra về đã 9, 10 h đêm, thầy cô ù té ăn vài miếng cơm giữa hai ca rồi ra dạy tiếp.
Gần như chỉ còn đồng tiền làm động lực trợ sức cho họ vượt qua một ngày bốn năm ca dạy chính lẫn phụ.
Họ chỉ còn đủ sức theo đúng những điểm chính trong sách giáo khoa chứ chẳng có thời gian để mở rộng - đào sâu kiến thức hay thậm chí tương tác với học trò, tận hưởng được niềm vui tuyệt vời của sự giáo dục.
Lương của giáo viên Việt Nam đang thấp nhất trong khu vực
Giáo viên mầm non mới ra trường lương từ gần 2,8 triệu đến 3,5 triệu đồng/tháng. Giáo viên tiểu học từ gần 2,8 triệu đến gần 3,9 triệu đồng/tháng.
Giáo viên trung học cơ sở từ 3,2 triệu đến gần 6 triệu đồng/tháng. Giáo viên trung học phổ thông từ gần 3,5 triệu đến 6,5 triệu đồng/tháng (theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP của chính phủ).
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), lương của giáo viên Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng (gồm Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản, Philipines, New Zealand, Australia, Macao, Hong Kong, Indonesia, Đài, Loan, Mỹ, Pháp, Singapore, Trung cộng và Việt Nam) trong một nghiên cứu về lương trung bình của nghề này so với GDP bình quân.
Học sinh Việt Nam sẽ phải thức khuya làm bài cho đến … đời sau
Do vậy, tuy bên ngoài thì thể hiện thái độ không khuyến khích học thêm/dạy thêm, nhưng bên trong thì Bộ Giáo dục luôn luôn ngầm cho phép, hoặc ít nhất là mắt nhắm mắt mở.
Vì đó là cách thức tốt nhất để giáo viên tự lo liệu được đời sống của họ ngoài đồng lương rẻ mạt của Nhà nước.
Là cách họ tự xoay sở trong bão tố cơm áo gạo tiền để trụ lại với nghề, mà Nhà nước không phải bỏ ngân sách ra giải quyết.
Vì là phương kế mưu sinh nên có những giáo viên đã hành xử phi giáo dục để đạt được mục đích hút học sinh học thêm: trù dập, cho điểm thấp, thái độ cư xử xấu với học sinh không đi học thêm với mình; gợi ý thẳng thắn học sinh đi học thêm sẽ được cho biết đề thi trước, trên lớp thì được ưu ái chấm điểm cao…
Chương trình học thì quá nặng chiếm hết thời gian giảng trên lớp nên giáo viên không thể sửa lỗi cho từng học sinh. Điều đó trực tiếp ảnh hưởng đến việc hiểu bài và làm bài thi cuối năm, chưa nói đến hậu quả xa hơn.
Cuối cùng, trong suốt 12 năm học phổ thông gần như trăm phần trăm học sinh đều phải đi học thêm và thức khuya làm bài tập về nhà. Không năm này thì năm khác, không cấp này thì cấp khác, không môn này thì môn khác.
Vì thế câu chuyện lùi hay không lùi giờ đi học của học sinh đâu phải chỉ là chuyện nhà tôi cho con đi ngủ sớm được, nhà chị thì không. Hay thói quen hợp lý của người thành thị là ngày càng thức khuya, do đó không nên ép trẻ dậy sớm… như có “học giả” nào đó nói.
Nguyên nhân cốt lõi là cái mớ bòng bong thu nhập quá thấp-dạy thêm-học thêm-bệnh thành tích-giảm tải chương trình học … mà nhiều đời bộ trưởng Giáo dục vừa qua không giải quyết được.
Cái gốc bệnh tật còn nguyên, lẽ nào những thứ mụn nhọt không nối nhau mọc lên. Xã hội cứ vui như hội vì chẳng khi nào hết chuyện bàn cãi, cứ nay rú lên một chuyện, mai rít lên vì một chuyện khác.
Cứ thế… cho đến muôn đời sau.
Trần Mai