Nhưng khi tiền thuê nhà tăng vọt từ 2.600 đô la lên 5.200 đô la mỗi tháng hồi tháng 4, nữ diễn viên này thấy quá sức với mình.
"Tiền thuê nhà hàng tháng hiện tại của tôi sẽ tăng từ 866 đô lên 1.733 đô la - tăng gần 900 đô. Phản ứng đầu tiên của tôi là sốc, và sau đó tôi ngay lập tức nhận ra là không thể lựa chọn gia hạn hợp đồng thuê nhà ở đây được," cô nói. "Tôi cảm thấy khá tức giận và bất lực."
Odioso, vốn làm cả công việc pha chế rượu bên cạnh diễn xuất, làm việc tại Starbucks trong suốt dịch Covid, nói rằng cô "đã phải rất vất vả kiếm tiền sau khi chỉ làm các việc dịch vụ trong suốt đại dịch trong khi tiền điện nước và chi phí sinh hoạt hàng ngày tăng ở thành phố".
Nhưng vào tháng 5, gánh nặng tài chính trở nên quá sức: cô rời New York và chuyển đến Cleveland, Ohio, nơi có mức sống rẻ hơn và hiện cô sống với bạn trai.
Trong nhiều tháng, giá thuê ở New York đã bùng nổ, sau khi giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay trong thời đại dịch.
Điều này đã khiến hàng ngàn người thuê nhà trôi dạt - và nhiều người trong số họ khó lòng trụ vững về tài chính.
Chuyện này không chỉ xảy ra ở các trung tâm đô thị lớn như New York: trên khắp nước Mỹ, giá thuê đã tăng kỷ lục 11,3% trong năm ngoái.
Xu hướng đáng báo động này cũng xảy ra ở nhiều thành phố trên toàn thế giới. Vấn đề lớn nhất là gì? Các chuyên gia và phân tích gia lo ngại nó có thể chỉ trở nên tồi tệ hơn.
Trả gấp đôi hay thôi
Có một số lý do tại sao rất nhiều người thuê nhà trên khắp thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tiền thuê tăng vọt.
Ở New York, London và các thành phố khác, nhiều căn hộ chỉ đơn giản là bỏ không khi người thuê chấm dứt hợp đồng để chuyển đến vùng ngoại ô rộng rãi hơn sống qua giai đoạn phong tỏa; ví dụ, dân số New York giảm hơn 4% do làn sóng di cư trong đại dịch - khiến giá thuê tụt xuống và chủ nhà tranh nhau.
Vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021, nhiều chủ nhà ở New York đã mời chào rất nhiều quyền lợi cho người thuê nhà, như bớt tiền thuê hàng tháng, vài tháng ở miễn phí, miễn phí môi giới hoặc các khoản ưu đãi khác.
Nhờ vậy mà Shea Long, nhân viên phát triển phần mềm, nhận thấy mình có thể thuê nhà mà không cần bạn ở ghép khi anh bước sang tuổi 30.
Anh chuyển đến căn hộ một phòng ngủ ở trung tâm Manhattan đầu năm ngoái và trả 2.150 đô la tiền thuê mỗi tháng. Anh biết rằng anh được giá như thế do các chủ nhà giảm giá thuê hàng loạt trong bối cảnh đại dịch để giữ người thuê ở lại trong lúc nhiều người khác rời thành phố vào lúc cao điểm Covid-19.
Rồi đến tháng 4/2022, khi anh vào cổng thanh toán trực tuyến như thường lệ để trả tiền nhà, một tin nhắn xuất hiện: bắt đầu từ tháng 6, anh sẽ phải trả 3.650 đô la.
Tất nhiên, mức giá thuê mới là thực tế mà anh nuốt không trôi, nhưng Long cảm thấy anh không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải ở lại, sau khi tính đến chi phí di chuyển, tiền đặt cọc mới, tiền thuê tháng đầu tiên và nhiều khoản khác nữa.
Anh cũng muốn tránh nỗi lo vô cùng phải tìm chỗ ở mới mà thậm chí còn không có, vì lượng phòng trống đang ở mức thấp nhất ở New York kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008.
"Nó không đáng để chịu biết bao căng thẳng" bởi nếu tính gộp lại tất cả thì những chi phí đó hầu như không thấp hơn mức tăng 60% tiền thuê, anh nói. "Lúc này, tôi đang cân nhắc kiếm người ở ghép trở lại, vì tiền thuê nhà đang gặm nhấm vào khoản tiết kiệm hưu trí 401(k) của tôi."
Vấn đề nan giải của Long nhiều người dân New York cũng đang đối mặt, do chuyển đến căn hộ rẻ hơn vào lúc này không đơn giản như lướt xem danh mục quảng cáo của các đại lý bất động sản. Người thuê nhà thường không thể chuyển đi về cả tài chính lẫn hậu cần nếu họ muốn ở lại trong thành phố, đẩy họ vào hoàn cảnh không tránh khỏi là họ bị buộc phải chi trả ở mức vượt quá khả năng.
Đó cũng là trường hợp của nhân viên kế toán 29 tuổi Andy Ward, vốn chuyển đến một phòng tích hợp (studio flat) ở Brooklyn vào năm ngoái và trả 2.100 đô la mỗi tháng, với một tháng ở miễn phí - ưu đãi do đại dịch.
Vào tháng 4/2022, khi nhận được email tự động yêu cầu anh ký hợp đồng gia hạn thuê nhà, Ward nhận được tin giờ đây anh phải trả thêm 400 đô la mỗi tháng.
Sam Chandan, giáo sư tài chính tại Đại học New York ở New York, và là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tài chính Bất động sản, nói những người thuê nhà cảm thấy bị bóp nghẹt nhất là nhóm "dân đi làm thuê nhà", hay "giá thuê vừa phải và chịu nổi đối với giáo viên, lính cứu hỏa, cảnh sát". Vì vậy, họ không chỉ không đủ sức ở căn hộ hiện tại, mà còn có thể bị đẩy ra khỏi thành phố luôn.
Và mặc dù cuộc sống ở thành phố lớn luôn thiên về người giàu, một số người lo ngại khủng hoảng này có thể khiến dân lao động phải đi thuê nhà sẽ mất chỗ ở, nghĩa là có thể chỉ có tầng lớp đặc quyền nào đó mới có thể sống ở các thành phố lớn.
'Họ không lay chuyển'
Tiền thuê nhà tăng như thế này là điều mà không bất kỳ thành phố nào như New York từng chứng kiến, các chuyên gia nói.
"Tốc độ tăng tiền thuê nhà đã thực sự nhanh hơn bất cứ điều gì chúng ta thấy trong thời gian qua," Chandan nói. "Trong nhiều trường hợp, tiền thuê nhà đã tăng nhanh hơn thu nhập gia đình trung bình."
Điều chủ yếu thúc đẩy sự tăng giá này là nhiều người đã đổ xô trở lại các thành phố trên toàn thế giới, Chandan giải thích; ví dụ, bây giờ nhiều người đang chuyển đến New York hơn so với trước đại dịch.
Theo chính quyền địa phương, việc công sở và trường học mở cửa trở lại có vai trò lớn khiến mọi người chuyển đến New York, cũng như việc phục hồi của khung cảnh nghệ thuật và giải trí, như sân khấu Broadway.
"Gió đã xoay chiều. Chúng ta đi từ chỗ tiền thuê tăng mạnh thực sự trước đại dịch, rồi tụt dốc và giờ đây là phục hồi." Giá thuê tăng, lượng nhà cho thuê ít đi và cạnh tranh trở nên gay gắt. Đơn giản là không có đủ nhà để chuyển tới chuyển lui, và ai trả giá cao nhất và nhanh nhất sẽ thắng.
Lạm phát cũng là một yếu tố, các chuyên gia nói, vì hiện tượng kinh tế này đẩy giá nhà lên, khiến những ai muốn mua nhà thì nay không mua được. Do đó, họ tiếp tục ở thuê, và điều này khiến số lượng nhà cho thuê ít đi và giá thuê cao.
Và giờ đây, chiến thuật thông thường mà người thuê nhà thủ sẵn để đạt được thỏa thuận với chủ nhà không thực sự hiệu quả trong tình hình này.
"Trong hoàn cảnh bình thường, chủ nhà luôn muốn giữ người thuê đáng tin cậy hơn là bỏ trống căn phòng của họ trong vài tuần hay vài tháng và trải qua quá trình kiếm người thuê mới và có thể phải trả tiền cho bên môi giới để giúp họ," Josh Clark, kinh tế gia cao cấp tại Zillow, công ty môi giới bất động sản ở Mỹ, cho biết. Nhưng bây giờ, nếu người thuê hiện tại không có khả năng hay không muốn trả theo mức giá chủ nhà đòi, họ biết sẽ có người chịu trả. Bỏ công kiếm người thuê mới là xứng đáng."
Khi Ward tìm lời khuyên làm sao xoay sở khi tiền thuê nhà tăng trên một nhóm Facebook của New York, anh nói lời khuyên áp đảo là 'phải mặc cả'. Anh nghe theo, nhưng không đạt được tiến bộ với chủ nhà. "Họ không lay chuyển chút nào," anh nói.
Khi Ward hỏi tại sao tiền thuê lại tăng dữ vậy, anh nói "lý do mà họ đưa ra là chỉ vì, đơn giản 'đó là tiêu chuẩn thị trường'."
Cũng như Long, Ward đã cân nhắc chi phí chuyển đi so với cái giá ở lại, và anh quyết định là mình không có lựa chọn nào khác ngoài việc ở yên đó và chấp nhận bị tăng giá. "Tôi không có tiền để chuyển đi ngay bây giờ," anh nói. "Tôi bị kẹt."
Sắp tới sẽ là gì?
Và có vẻ giá thuê sẽ còn tăng. Công ty cho vay thế chấp Fannie Mae của Mỹ dự đoán trong một khảo sát hồi tháng 3 rằng 67% người thuê nhà ở Mỹ sẽ còn bị tăng tiếp tiền nhà vào năm 2022.
Để bảo vệ người thuê nhà tốt hơn, Chandan nói cần làm nhiều hơn ở cấp độ chính sách, mặc dù đó là tiến trình gian nan: ví dụ, hồi năm 2020 Berlin đã thông qua đạo luật hạn mức tiền thuê nhà, nhưng tòa án tối cao của Đức đã nhanh chóng bác nó một năm sau đó, coi đó là vi hiến.
Nhưng vì ông tin đây là vấn đề cung cầu, Chandan nói thêm một giải pháp nữa là chuyển đổi tất cả văn phòng đó bị bỏ trống trong 2 năm qua thành nhà ở.
Mặc dù động thái như vậy là tốn kém và mất thời gian đối với các thành phố như New York, các nhà nghiên cứu ước tính nó có thể tạo ra tới 14.000 căn hộ mới; thành phố đã có biện pháp tương tự với văn phòng bỏ trống ở Hạ Manhattan trong những năm sau vụ 11/9.
Odioso, hiện sống trong nhà mới ở Ohio, nói nhiều người mà cô biết ở New York, những người chưa bị tăng tiền thuê nhà đang chờ đợi tới lượt mình. "Nhiều bạn bè và đồng nghiệp của tôi đang gặp chuyện tương tự là chuyển ra khỏi Manhattan hay New York luôn," cô nói. "Những bạn bè nào của tôi chưa phải gia hạn hợp đồng thuê nhà đang lo chờ xem mình sẽ bị tăng bao nhiêu."
Bryan Lufkin
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.