Lẽ nào nhận thức của con người về thời gian lại liên quan đến tuổi tác? Chúng ta hãy cùng xem các chuyên gia nói gì.
Tờ Huffington Post đưa tin, các chuyên gia cho rằng nhận thức về thời gian của con người sẽ thay đổi đáng kể theo tuổi tác, mọi người sẽ có cảm giác thời gian trôi qua nhanh hơn trong những khoảng thời gian nhất định.
Cô Cindy Lustig, Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Michigan, Hoa Kỳ cho biết nhận thức của mọi người về thời gian như ngày, tháng và năm dường như bị ảnh hưởng bởi quan điểm của bản thân.
Cô nói rằng cảm giác về thời gian của một người cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những ký ức và trải nghiệm. Đối với trẻ em 8 tuổi, một tuần là một phần quan trọng trong cuộc đời của cháu. Nhưng đối với một người 80 tuổi, một tuần chỉ là một phần nhỏ trong cuộc đời của họ, đến mức khiến họ cảm thấy như thời gian trôi qua rất nhanh.
Ký ức sẽ ảnh hưởng đến cảm giác về thời gian
Một người 80 tuổi đã về hưu có thể không có nhiều việc phải làm trong một ngày, nhưng một cháu bé 8 tuổi rõ ràng là sẽ bận rộn với các khóa học ở trường, bài tập về nhà hoặc các hoạt động sau giờ học.
Cô Lustig cho biết, cuộc sống của những người 80 tuổi so với khi 78 hoặc 79 tuổi, dường như không có nhiều sự khác biệt, khi nhìn lại những ngày đã qua, họ có thể nhớ được khá ít sự việc. Trong tình huống đó, họ sẽ cảm thấy thời gian trôi qua khá nhanh.
Nói cách khác, khi có những ngày hoặc tuần nào đó giống nhau, bộ não của mọi người sẽ đem những thời gian này hợp nhất lại. Đối với một người 80 tuổi, mỗi ngày đều làm cùng những sự việc giống nhau, thì thời gian cả năm sẽ được hợp nhất lại trong não của họ. Vì vậy, họ sẽ cảm thấy thời gian trôi rất nhanh.
Ngược lại, nếu trong một ngày, bạn gặp được điều gì đó mới mẻ hoặc thú vị, như vậy sẽ làm cho ngày đó trở nên đặc biệt. Lúc đó, trong tâm trí mọi người sẽ phân biệt ngày này với những ngày khác.
Thay đổi thói quen có thể ảnh hưởng đến cảm giác về thời gian
Ông Adrian Bejan, Giáo sư Kỹ thuật Cơ khí tại Đại học Duke và là tác giả cuốn sách “Time And Beauty: Why Time Flies And Beauty Never Dies” (Tạm dịch: “Thời gian và vẻ đẹp: Tại sao thời gian trôi nhanh mà vẻ đẹp không bao giờ chết”) cho biết: “Bộ não của chúng ta được thiết kế để ghi lại những sự thay đổi.”
Trẻ em thực hiện rất nhiều hoạt động trong ngày, điều đó khiến các em cảm thấy mình có khá nhiều thời gian. Vì vậy, khi một người nhớ lại tuổi thơ của mình, có thể sẽ cảm thấy thời gian trôi qua khá chậm.
Điều tương tự cũng xảy ra với người lớn, cô Lustig nói. Khi bạn nhớ về khoảng thời gian nào đó đầy ắp những trải nghiệm mới, bạn sẽ cảm thấy như đoạn thời gian đó trôi qua khá chậm. Nếu không được tiếp xúc với những điều mới mẻ trong cuộc sống, bạn sẽ cảm thấy thời gian trôi qua nhanh hơn.
Làm sao để khiến thời gian trôi chậm hơn?
Mặc dù không thể làm thời gian trôi chậm lại, nhưng có thể làm một số điều để khiến bản thân cảm thấy thời gian trôi qua chậm hơn.
Ông Bejan nói rằng rất nhiều người cao tuổi đã đặt câu hỏi làm thế nào để thời gian trôi chậm lại, “bởi vì mọi người đều muốn sống lâu hơn một chút, vậy nên họ muốn tận dụng thời gian để làm nhiều việc hơn hoặc làm điều gì đó tốt đẹp.”
Ông Bejan nói rằng, có một cách để khiến bản thân cảm thấy thời gian trôi qua chậm hơn, đó chính là trải nghiệm điều gì đó mới mẻ ngoài những hoạt động thường ngày.
Ví dụ, bạn có thể chọn một sở thích thời thơ ấu (chẳng hạn như khiêu vũ hoặc chơi violon), tham gia một lớp học nấu ăn hoặc đi du lịch đến những nơi chưa từng đến, ông Bejan nói. Học những điều mới cũng có thể khiến mọi người cảm thấy thời gian trôi qua chậm hơn.
Ông Bejan bổ sung thêm rằng, cuộc sống mỗi ngày trôi qua đều giống nhau có thể khiến bạn cảm thấy thời gian trôi qua rất nhanh.
Cô Lustig nói rằng: “Chúng ta không biết mình có bao nhiêu thời gian, nhưng điều thú vị là chúng ta lại có thể kiểm soát được cách bản thân thể nghiệm đối với thời gian như thế nào. Vì vậy, tôi khuyến khích mọi người hãy tận dụng thời gian mà mình có.”
Trần Tuấn Thôn _ Xuân Hoàng
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.