Giúp đỡ người khác cũng chính là cơ hội giúp chúng ta phát triển bản thân mình. Phong cách sống hào phóng giúp ta thăng khởi sức khỏe tinh thần và đạt đến cảnh giới của một cuộc sống viên mãn.
Hào phóng chính là một phong cách sống
Từ điển tiếng anh Cambridge định nghĩa hào phóng chính là “sẵn lòng giúp đỡ hoặc hỗ trợ, đặc biệt là hơn cả mức độ bình thường hay vượt mong đợi.”
Người có tánh hào phóng sẽ cho đi những gì họ có thể, đó có thể là thời gian, công sức, hoặc những hành động, những lời nói khích lệ. Chân thành quan tâm đến người khác, họ chỉ nghĩ đến việc cho đi và giúp đỡ. Người rộng lượng sở hữu một nhân cách cao quý.
Bản chất con người thường có xu hướng khép chặt lòng mình, do đó đôi bàn tay để giúp đỡ người khác cũng như thế. Chúng ta có thể dư thừa thứ chúng ta thích nhưng không có nhu cầu, và khi chúng ta thấy người khác đang thiếu thứ đó, liệu ta có thể mở rộng lòng mình và chia sẻ thứ đó không? Việc này tương tự như một thử thách cho tấm lòng của chúng ta, nhưng gần như chúng ta đều được nhận lại một sự thoả mãn sâu sắc [khi thực hiện điều ấy.]
Làm thế nào để trở thành một người hào phóng, đặc biệt là hiện nay rất nhiều người trong chúng ta đang mất việc, còn giá cả của những món hàng lại leo thang chóng mặt, từ thực phẩm đến xăng dầu, cho đến việc sửa chữa nhà cửa? Đây không phải là vấn đề thuộc về vật chất; nó là vấn đề của tấm lòng.
Những đáp đền cho tánh hào phóng
Một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Positive Psychology vào tháng Sáu, đã phát hiện rằng khi chúng ta trao cho người khác nhiều hơn, chúng ta sẽ [nhận lại được] nhiều hạnh phúc hơn khi chúng ta chỉ tiêu tiền cho bản thân mình. Đức tính hào sảng, rộng lượng kích hoạt phần đại não liên hệ với niềm hân hoan, sự tin tưởng và sự nối kết xã hội.
Đó là một phần của nguyên nhân tại sao khi bạn rộng rãi [với người khác], bạn lại cảm thấy thật sự tuyệt vời. Chúng ta có thêm nhiều cơ hội để phát triển những mối quan hệ có ý nghĩa bởi vì tánh hào phóng của bạn đồng nghĩa sự dễ mến. Luôn biết ơn là cách sống của những người có tâm hồn rộng mở. Sự rộng rãi, hào phóng sẽ phát triển lòng biết ơn, điều này cũng mang đến cho chúng ta những lợi ích về sức khỏe, trong đó có việc cải thiện chức năng tim mạch và hệ miễn dịch.
Sự trân trọng và niềm hân hoan của chúng ta sẽ thúc đẩy cho những người khác cũng làm điều tương tự. Thậm chí một lời “cảm ơn” đơn giản cũng có thể lan truyền sự rộng lượng, hào sảng cho người chúng ta đang cảm ơn. Những người nhìn thấy hoặc nghe thấy cũng nhận được khích lệ về việc trao đi và biết ơn nhiều hơn. Và sự rộng lượng sẽ được nhân rộng ra, giúp chúng ta và những người trong cuộc đời ta hạnh phúc hơn và vơi dần nỗi cô đơn.
Khi chúng ta trao đi thời gian hay công sức của mình, chắc chắn rằng phước lành sẽ đến với chúng ta. Hệ thống này luôn vận hành như thế, cũng giống như trọng lực vậy. Trong cuộc đời mình, tôi đã nhiều lần chứng kiến nguyên lý vận hành này ngay tại nơi làm việc. Dẫu rằng người ta có thể khước từ hoặc không chú tâm đến phước lành này khi nó xảy đến, nhưng nó vẫn sẽ đến.
Thật thần kỳ phải không? Có lẽ vậy. Liệu điều này có thuộc về phạm trù tâm linh không? Tôi nghĩ vậy.
Tánh hào phóng và những mối quan hệ vững bền
Tánh hào phóng cần thiết cho những mối quan hệ thật sự tốt đẹp. Nếu chúng ta chân thành quan tâm đến ai đó, trái tim của chúng ta sẽ hướng về họ. Chúng ta muốn biểu thị lời khen dành cho họ, không chỉ ở phương diện vật chất, mà còn từ góc độ trí và tâm. Họ cần điều gì? Họ thích điều gì? Chúng ta có thể làm cuộc đời họ dễ chịu hơn bằng cách nào?
Giống như sắt dũa nên sắt, chúng ta trui rèn lẫn nhau qua việc chia sẻ những suy nghĩ, ý tưởng và nhận định từ những mối quan hệ của ta. Cách lý giải của người bạn hoặc người bạn đời so với cách lý giải của chúng ta về một vấn đề hay một tình huống có thể khá khác biệt nhau. Tuy nhiên, bằng cách cởi mở chia sẻ, mỗi chúng ta đều có thêm cho mình nhiều kiến thức, và đâu đó cũng có thể nhận ra nhiều góc độ tích cực hơn là khi thiếu đi quan điểm của người khác.
Bạn hãy nên đặt nguyên lý cơ bản này vào trung tâm của các mối quan hệ, đó là: Hãy đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn được đối xử.
Hãy hình dung mối quan hệ của bạn sẽ phát triển tốt đẹp như thế nào nếu ai cũng đều thực hành theo nguyên lý này. Vấn đề càng trở nên trầm trọng nếu một hoặc cả hai bên đều quên rằng mình cần cư xử rộng lượng với đối phương và, họ đang không đối xử với nhau như cách mà mình muốn được đối xử.
Trao đi chính là nhận lại, và chúng ta cần huấn luyện bộ não của mình chú ý điều này. Chúng ta có thể lùi một bước, nhường chỗ cho những cách ứng xử sẽ tác động tích cực đến cuộc đời người khác. Chúng ta cần biết suy nghĩ cho người khác và chủ động trong việc trao đi của mình, và biết rằng chúng ta đang tạo ra điều khác biệt không chỉ cho cuộc đời của người khác, mà cho cả cuộc đời của chính mình.
Donna Martelli _ Thiên Minh
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.