Phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Dạo gần đây, người
Sài Gòn có một địa điểm vui chơi công cộng mới: phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ở đây, từ
sáng tới khuya, lúc nào cũng thấy người qua kẻ lại, tấp nập nhộn nhịp vô cùng.
Từ người lớn đến trẻ con, những cặp đôi dập dìu, cứ thi nhau làm kiểu chụp hình
tự sướng, giữa dòng người đi bộ ngược xuôi suốt chiều dài con đường Nguyễn Huệ.
Có lần hẹn gặp một người bạn
thân từ hồi đại học, tôi ca cẩm về tình hình xã hội Việt Nam đang kém đi, nào
thất nghiệp, thu nhập thấp, nào lạm phát, xuất khẩu kém… thế là cô bạn tôi bổng
nổi doá mà bảo rằng tôi suy nghĩ tiêu cực, không biết hài lòng với những gì đã
có.
Cô ấy dẫn chứng rằng Việt Nam mới thoát khỏi chiến tranh vài mươi năm, mà
đã có… phố đi bộ, ngay tại khu trung tâm thành phố thế này. Cô cao hứng tiếp tục
lý lẽ rằng con đường đi bộ này làm mới bộ mặt Sài Gòn, sành điệu hơn, sáng sủa
hơn. Lúc đó tôi cũng tạch. Chẳng phải vì tôi đồng ý với bạn mình, mà bởi vì lý
lẽ của cô ấy làm tôi suy nghĩ dài hơn cả con đường ấy.
Một phố đi bộ thế này, hẳn
là khiến người dân Sài Gòn thấy… nở mặt nở mày lắm. Cũng đúng, vì dân chúng có
nơi để đi bộ, để chụp hình, hẹn hò nhau ngay tại trung tâm thành phố thay vì phải
chạy qua khu Phú Mỹ Hưng, quận 7. Xa. Rồi thỉnh thoảng có chương trình
phun nước, loa phát nhạc… Nghĩ tới đó, tôi cười ngượng. Tôi rẽ qua hướng nghĩ tới
cái món nợ công 110 tỷ đô (theo số liệu World Bank) mà chẳng biết khi nào Việt
Nam mới trả hết, rồi tôi nghĩ tới người nông dân Việt Nam trồng ra bao nhiêu
hoa trái cũng đều bị lái buôn Trung Cộng chèn ép, đến độ mất giá phải đổ bỏ
ngoài đồng cho trâu bò ăn, rồi nào là chích ngừa nhầm thuốc làm chết trẻ con, rồi
sách giáo khoa dạy học sinh lòng dũng cảm bằng cách đi qua… miểng chai. Ở xứ
này, hầu như không có lĩnh vực nào mà không có chuyện để than trời. Cái nghèo,
cái khó luôn bủa vây người dân nghèo Việt Nam. Thì thử hỏi, làm sao tôi có thể
huênh hoang vì một cái phố đi bộ Nguyễn Huệ như thế chứ?!
Dĩ nhiên không phải là
không nên vui mừng vì thành phố có thêm một nơi sinh hoạt công cộng cho người
dân, mà tôi cho rằng một con đường đi bộ cũng là xa xỉ phẩm nếu so sánh với
tình trạng thiếu ăn thiếu mặc của đại đa số người dân khắp các tỉnh, thành ở Việt
Nam.
Thừa hưởng một con đường đi bộ chỉ là một bộ phận nhỏ, vốn là tầng lớp thị
dân, trung lưu hay thượng lưu, ở Sài Gòn. Cho nên, tôi nghĩ rằng ta không nên để
cái “bộ mặt” “sang chảnh”, sành điệu ấy che lấp đi những đắn đo về điều kiện sống
cơ bản của đại đa số người dân ở một nước vẫn chưa thoát khỏi cái nghèo, cái
đói như Việt Nam.
Mặt khác, tôi thấy lo. Lo
vì những thành phần có học thức, được xem là tiến bộ và có tri thức như cô bạn
tôi hoặc như tôi đây đang thụ hưởng những vật chất và tiện ích “văn minh” vốn
chỉ tập trung ở những thành phố lớn như Sài Gòn, thì lại quên đi rằng đấy không
phải là mẫu số chung cho cả một đất nước. Ta dường như bị xao nhãng khỏi những
tiêu cực khác của xã hội bởi sự hoành tráng của một con phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ như lớp son phấn được tô điểm cho gương mặt của một cô gái
trẻ. Nhưng chớ nên quên rằng, cái giá trị cốt lõi vẫn nằm ở sức khoẻ, tri thức,
hay tâm hồn của cô gái ấy.
Tôi không phủ nhận sự cần
thiết của cái chỉnh chu, tươm tất của trung tâm thành phố bậc nhất đất nước như
Sài Gòn. Nhưng điều đó không thể là sự ưu tiên, hay là cái bóng phủ mờ những thực
trạng tiêu cực còn đầy rẫy của xã hội Việt Nam, vốn có khoảng cách khác biệt rất
lớn giữa các vùng miền. Nếu có thể, chúng ta nên nhìn xa hơn, nhìn rộng hơn những
gì đang bày ra trước mắt, nhất là những thông tin được cập nhật hàng ngày qua đủ
mọi phương tiện truyền thông. Để rồi chúng ta có thể thấy được chiều sâu của những
vấn đề bất cập của sự phát triển xã hội. Để ta thấy được rằng mỗi câu chuyện, mỗi
thực trạng đều có nhiều tầng nhiều lớp ý nghĩa, hơn là cái bề nổi mà ta nhìn thấy
bằng mắt thường.
Cách đây vài tháng, người
dân và báo chí trong nước cũng vừa phản đối công trình tượng đài Bác Hồ 1,400 tỷ
đồng ở Sơn La, vì nó “lãng phí” và “không cần thiết”. Tỉnh Sơn La còn rất
nghèo, chiếm đa số là đồng bào các dân tộc miền núi. Người dân tỉnh vốn còn
không đủ ăn, không đủ mặc, thì số tiền đầu tư nghìn tỷ ấy rõ ràng một điều vô
lý, nếu không muốn nói là phi nghĩa. Thật khập khiểng nếu so sánh công trình phố
đi bộ Nguyễn Huệ (tổng vốn 430 tỷ đồng), với công trình tượng đài Bác Hồ (Lúc đầu
là 1,400 tỷ, về sau được cải chính thành 200 tỷ đồng tổng vốn đầu tư). Thế
nhưng, điểm chung của 2 công trình công cộng này, như được báo chí và các lãnh
đạo các tỉnh thành ấy lý giải, là để góp phần nâng cao diện mạo của tỉnh, thành
phố.
Nếu trong trường hợp tỉnh
Sơn La, chi tiêu quá tay cho công trình tượng đài liền gặp nhiều bàn tán phản đối
từ cộng đồng mạng và báo chí, vậy thì sao chúng ta lại thiếu tinh thần phản biện
trong công trình phố đi bộ Nguyễn Huệ? Để rồi tô vẽ nên một xã hội giàu mạnh,
tiến bộ chỉ qua hình ảnh một con phố đi bộ. Cách nhìn này không sai, nhưng mà
phiến diện, như là ếch ngồi đáy giếng (phải, dù chúng ta những người dân thị
thành, luôn cần trong tay chiếc điện thoại thông minh, cập nhật tin tức mọi lúc
mọi nơi nhưng vẫn là ngồi đáy giếng). Vì ta không nhìn xa hơn được cái facebook
của mình, ta lại càng không nhìn xa ra hơn cái Sài Gòn nhộn nhịp, phồn hoa này,
để thấy rằng Sài Gòn, Hà Nội, hay Đà Nẵng, cũng là những trường hợp đặc biệt mà
thôi.
Các thành phố này không thể là điển hình mặt bằng chung của một đất nước.
Và cuối cùng thấy thấy rằng, Đài Loan hay Nam Triều Tiên cũng cùng “trang
lứa” với Việt Nam, vừa kết thúc chiến tranh vỏn vẹn vài mươi năm trước thôi,
nhưng trình độ phát triển xã hội của họ đã không còn đo đếm chỉ bằng một cái phố
đi bộ nào hết…
Cao Huy Huân
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.