Việt Nam là một ngã
tư văn hóa và nghệ thuật của Đông Nam Á mà một trong những nét đặc sắc là tính
phong phú của các loại hình, dạng thức nghệ thuật tiếp nối qua truyền thống và
nhiều thế hệ trong sự cọ xát, tiếp xúc với đa vùng văn hóa ở khu vực.
Ngày nay, cùng với
các phát triển kinh tế, xã hội dân sự là chủ thể đang nắm bắt ngày càng nhiều
những vấn đề di sản, trong lúc bảo tồn những di sản vật chất và phi vật chất vẫn
còn là một thách thức ngày càng to lớn trong một xã hội Việt Nam với nhiều thay
đổi sâu sắc đang diễn ra.
Tác phẩm 'Vô đề' của Lê Võ Tuân được giới thiệu trong cuốn 'Arts du Vietnam' (Nghệ thuật Việt Nam) tại Pháp.
Đó là một vài nhận định
của đại diện nhóm chủ biên cuốn sách "Nghệ thuật Việt Nam", một cuốn
sách có thể được coi là ‘Nhập môn lịch sử nghệ thuật Việt Nam’ ở nước ngoài được
các nhà nghiên cứu Pháp công bố do nhà xuất bản Đại học Rennes, Pháp, phát
hành.
BBC đã có dịp trao đổi
với hai thành viên nhóm chủ biên công trình này, đó là TS. Beatrice Wisniewski,
nhà khảo cổ học và Caroline Herbelin, sử gia nghệ thuật từ Đại học Toulouse 2 -
Jean Jaurès, cả hai đều là các nhà Việt Nam học từ Pháp.
Và câu hỏi đầu tiên
là có nhiều lựa chọn về quốc gia châu Á để nghiên cứu, tại sao nhóm tác giả lại
lựa chọn Việt Nam và nghệ thuật của nước này.
Beatrice Wisniewski:
Công việc của chúng tôi tập trung vào Việt Nam. Caroline Herbelin là một sử gia
nghệ thuật chuyên về thời kỳ thuộc địa, Françoise Dalex làm việc tại Bảo tàng
Quai Branly, là người đã làm việc chặt chẽ với Việt Nam và bản thân tôi là một
nhà khảo cổ học chuyên về truyền thống gốm cổ Việt. Các nghiên cứu về nghệ thuật
Việt Nam đã phát triển rất nhiều trong hai mươi năm qua, với những khám phá to
lớn. Với tư cách các nhà nghiên cứu, đã từ lâu chúng tôi mong muốn các nghiên cứu
về Việt Nam sẽ có thể được trình bày và phổ biến tới một đối tượng rộng rãi
hơn.
Caroline Herbelin:
Liên kết giữa Việt Nam và Pháp có tính chất quan trọng lịch sử. Hội thảo, từ khởi
nguồn cho tới công trình này, là một trong số các sự kiện của năm Pháp-Việt,
năm đánh dấu bốn mươi năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Việt Nam.
Ngoài khía cạnh đánh dấu này, năm nay là một bàn đạp thực sự để làm quen với Việt
Nam và tạo cơ hội để đưa các nhà khoa học Việt Nam và các nhà khoa học nước
ngoài nghiên cứu về Việt Nam tới Pháp.
Đặc thù, bản sắc
BBC: Đâu là nhân tố
mới và đáng chú ý nhất trong công trình này so với các ấn phẩm trước đó ở những
nơi khác về nghệ thuật Việt Nam, theo tự đánh giá của nhóm chủ biên?
Beatrice Wisniewski:
Công trình này có một số nét đặc thù. Nó trình bày lần đầu tiên bằng ngôn ngữ
phương Tây cái nhìn tổng quan về một nghiên cứu mới đây được các nghệ sĩ, diễn
viên trong nước và quốc tế thực hiện tại Việt Nam, từ nghệ thuật cổ xưa nhất
(thời tiền sử) cho đến nghệ thuật gần đây nhất (các nghiên cứu về các nghệ sĩ
đương đại Việt Nam). Dường như việc trình bày tính liên tục trong cách tiếp cận
về nghệ thuật Việt Nam để từ đó tiếp nối sự phong phú của nó là điều quan trọng
đối với chúng tôi. Công trình đã nghiên cứu kỹ sâu sự đa dạng của các yếu tố
đóng vai trò trong sự ra đời, phát triển của các nghệ thuật khác nhau của Việt
Nam, các liên kết với các truyền thống của các vùng xung quanh cũng như với lịch
sử của đất nước.
Hoạt động thiếu nhi
học làm tranh Đông Hồ, ảnh của Nguyễn Thị Thu Hương, giới thiệu trong sách Arts
du Vietnam.
Caroline Herbelin: Mặt
khác, vẫn chưa hề có, ngoại trừ các ấn phẩm bằng tiếng Việt, một công trình có
thể đóng vai trò như là một giới thiệu, nhập môn về lịch sử nghệ thuật Việt
Nam. Đây là cuốn sách duy nhất gần đây trình bày nghệ thuật Việt Nam trong sự
đa dạng của nó, tất cả các loại hình nghệ thuật và tất cả các giai đoạn. Chúng
tôi cũng vui mừng rằng cuốn sách đã có thể giới thiệu các công trình nghiên cứu
của nhiều nhà khoa học đến từ các góc nhìn khác nhau (các nhà khảo cổ, các nhà
sử học, sử học nghệ thuật, các nhà giám tuyển nghệ thuật, từ các nước như Việt
Nam, Pháp, Mỹ, Ý, Singapore). Ý định của chúng tôi cũng là để trình bày quan điểm
và các công trình do chính các nghệ sĩ, diễn viên trong thế giới nghệ thuật,
các chủ phòng trưng bày hoặc các nhà sưu tầm nghệ thuật, các đại diện của xã hội
dân sự thực hiện.
BBC: Đâu là yếu tố
đáng chú ý nhất trong cuốn sách cho thấy rõ nhất bản sắc văn hóa và nghệ thuật
của Việt Nam?
Beatrice Wisniewski:
Theo quan điểm của tôi, yếu tố xuất hiện trong công trình chứng tỏ rõ nhất nghệ
thuật của Việt Nam là sự đa dạng của nghệ thuật và phương pháp tiếp cận. Việt
Nam là một ngã tư ở Đông Nam Á. Chúng ta thấy, trong các bài báo khoa học khác
nhau, sự phong phú vốn thể hiện những trao đổi với các khu vực xung quanh về nghệ
thuật địa phương đã tích hợp, một cách đặc biệt, những ảnh hưởng và các nguồn cảm
hứng đến từ các tiếp xúc cọ xát (văn hóa) với các quốc gia xung quanh.
Caroline Herbelin:
Chúng tôi cũng nhìn thấy cách các nghệ sĩ đương đại nắm bắt bản sắc này dựa trên
đa truyền thống như thế nào. Việt Nam là một ngã tư nghệ thuật nơi mà nghệ thuật
phát triển một cách đặc thù và người ta cảm thấy trong các tác phẩm của các nghệ
sĩ trẻ ý muốn lấy cảm hứng từ "truyền thống" để thực hiện các
sáng tạo mà bao giờ cũng cởi mở hơn, hướng ngoại.
Lựa chọn, thông điệp
BBC: Có thách thức
hay khó khăn chính nào trong lúc lựa chọn chủ đề và đi tới hoàn tất công trình?
Beatrice Wisniewski:
Một trong những khó khăn chính là lựa chọn thế nào trong số nhiều công trình hiện
tại. Nhiều nhà nghiên cứu và các nghệ sĩ đã làm việc trên một loạt các khía cạnh
của nghệ thuật Việt Nam. Chúng tôi đã phải đưa ra sự lựa chọn. Chúng tôi đã cố
gắng trình bày một cái nhìn tổng quan về nghệ thuật của Việt Nam nhưng việc lựa
chọn là không dễ dàng khi xét đến số lượng các nghiên cứu mới rất lý thú, cả
trong khảo cổ học lẫn trong lịch sử nghệ thuật, được tiến hành ở Việt Nam và ở
nước ngoài.
Với sự quan tâm đặc
biệt của chúng tôi tại Việt Nam, ý muốn của chúng tôi trước hết là để cho phép
các diễn viên, nghệ sĩ Việt Nam nghiên cứu về nghệ thuật và khảo cổ học có một
diễn đàn bằng ngôn ngữ Tây phương để giới thiệu công việc của họ. Vấn đề ngôn
ngữ và dịch thuật là một điểm trọng yếu trong việc xuất bản tác phẩm này.
BBC: Gần đây, nhiều
di sản văn hóa trên thế giới đã bị phá hoại (chẳng hạn các sự kiện gần đây nhất
xảy ra ở Afghanistan và Syria), thông điệp quan cuốn sách này tới công chúng là
gì, nếu có?
Caroline Herbelin:
Câu hỏi về di sản văn hóa vừa thú vị, vừa phức tạp. Nếu, tất nhiên, chúng ta chỉ
có thể lên án sự tàn phá gần đây do một thiểu số thực hiện, dựa trên bạo lực và
khiêu khích, điều quan trọng là phải xem xét, đặt câu hỏi trong một cái nhìn rộng
hơn về tự thân các quá trình di sản hóa.
Tác phẩm của Oanh
Phi Phi trưng bày tại môt Gallery nghệ thuật tại Singapore được giới thiệu
trong 'Arts du Vietnam'.
Ví dụ, trong thời kỳ
thực dân của Pháp, ví dụ, vấn đề bảo tồn di sản và nghệ thuật của Việt Nam đã
được mang tính chất chính sách quan trọng. Di sản hóa cho phép, vào thời điểm
đó, bảo tồn các di tích mà bây giờ được coi là dấu mốc quan trọng của bản sắc
Việt Nam.
Hơn nữa, chính sách
di sản này đã tham gia vào sự thống trị thực dân bằng cách cung cấp một ‘luận
điệu’ có tính cách ‘gia trưởng’ về "sứ mệnh khai hóa".
Di sản hóa là một
quá trình chọn lọc theo đúng nghĩa. Câu hỏi đặt ra là: giữ gìn cái gì và cho
ai. Vai trò của các nhà sử học và khoa học trong việc thu thập dữ liệu lịch sử
là điều cần thiết cho công tác bảo tồn.
Vì việc này, điều cần
thiết là phải hiểu các vấn đề chính trị và xã hội liên quan sự di sản hóa này,
mà không đánh mất đi tầm nhìn về nhận thức của người dân trong các quá trình
này mà thường được thể chế hóa và quyết định "từ trên cao".
Điều này dường như với
chúng ta là chìa khóa để đảm bảo bảo tồn các nguồn tài nguyên nghệ thuật một
cách tập thể và được chia sẻ, với ý thức đầy đủ về hậu quả của những tổn thất
cho xã hội ở cấp quốc gia và quốc tế.
Ở Việt Nam, với sự
phát triển kinh tế, chúng ta thấy xã hội dân sự đang nắm bắt càng ngày càng nhiều
những vấn đề di sản, trong khi việc bảo tồn những di sản vật chất và phi vật chất
vẫn còn là một thách thức ngày một to lớn hơn trong một xã hội đang diễn ra những
thay đổi sâu sắc.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.