Không còn cần thiết
dựa trên "những đồng thuận" để giải quyết "những khác biệt"
nữa! Hoa Kỳ đang mạnh, Trung Cộng đang yếu! Hãy đối thoại (với Trung Cộng) như
kẻ mạnh.
Tất cả những nhận định
trước đây về chuyến đi của Chủ-tịch Tập Cận Bình sang Hoa Kỳ điều sai lầm và
thiếu cập nhật.
Đúng là đã có rất
nhiều bất đồng giữa Hoa Kỳ và một Trung Cộng ngày một ngang bướng.
Tuy nhiên,
chính phủ của Tổng Thống Obama không còn cần thiết phải tìm kiếm "những điểm
tương đồng" để thương thảo về "những điểm khác biệt,” như suy luận hiện
có (của giới ngoại giao chính trị) tại thủ đô Washington DC. Hơn thế nữa, Tòa Bạch
Ốc có thể bỏ ngoài tai những lời khuyên của Zhu Feng (Chu Phong) làm việc cho đại
học Peking, đăng trên hãng thông tấn AP (Associated Press) rằng cả hai quốc gia
cần phải nhường nhịn lẫn nhau. Thật ra, Washington nên buộc Trung Cộng phải chiều
theo lập trường của mình.
Tâm lý lâu nay cho rằng
Hoa Kỳ phải chiều chuộng một Trung Cộng không ngừng lớn mạnh - đã không còn
đúng với thực tế nữa, khi mà đảng Cộng Sản cầm quyền Trung Cộng đang bận phải đối
phó với khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ mùa xuân nắm 1989 đến nay. Kể từ
trung tuần tháng Sáu, Trung Cộng đã lộ ra những dấu hiệu suy sụp nghiêm trọng.
Thị trường chứng khoán đổ vỡ, tiền tệ bị phá giá, nền kinh tế phát triển với chỉ
số rất thấp, thậm chí gần như không phát triển.
Kinh tế là động cơ của
sức mạnh Trung Cộng, nhưng bây giờ động cơ này dường như đang bị hư hại. Và thật
là bi thảm cho giới chiến lược gia cầm quyền Trung Cộng, mọi biện pháp đề ra
không ngăn chặn nổi tốc độ lao xuống hố quá nhanh của đất nước. Năm lần hạ thấp
lãi xuất kể từ tháng Mười Một năm ngoái và bốn lần hạ thấp tỷ lệ tiền tệ dự trữ
trong ngân hàng kể từ tháng Hai năm nay chẳng đem đến một hiệu quả nào cả cho
việc kích thích phát triển kinh tế. Dùng tài chánh kích thích kinh tế được đề
ra, cốt lõi là vì nhu cầu tiền tệ trong nền kinh tế Trung Cộng đang suy giảm.
Gia tăng ngân sách
chi tiêu có thể gia tăng sản xuất hay tổng sản lượng nội địa, đó là lý do tại
sao, Bắc Kinh sẵn sàng gia tăng ngân sách lần nữa. Tuy nhiên, không có một
chuyên gia nào lạc quan về điều này cả, và giới cầm quyền cảm thấy ngượng ngùng
khi buộc phải kéo dài chính sách gia tăng ngân sách chi tiêu của họ. Đơn giản
là vì mọi người điều biết Trung Cộng không cần xây thêm một thành phố mới vắng
tanh không người ở nữa (ghost city) cũng như không cần xây thêm hệ thống xe điện
ngầm cao tốc đi đến những nơi mà chẳng có ai ở.
Và sự gia tăng chi
tiêu của chính phủ chỉ khiến chồng chất thêm nỗi lo lắng về nợ của chính phủ (nợ
công) mà thôi. Vào tháng Sáu năm 2014, viện nghiên cứu kinh tế toàn cầu
McKinsey thừa nhận tỷ lệ giữa nợ công và tổng sản lượng quốc dân (GDP) của Trung
Cộng lên đến 282 phần trăm nhưng con số tỷ lệ này chắc chắn bây giờ phải cao
hơn. Trên thực tế, con số này có thể gần 350 phần trăm khi mà mọi sổ sách được
minh bạch và tổng sản Lượng quốc dân được tính toán cho chính xác.
Cũng cùng lúc đó,
hai kế sách kinh tế khác của chinh phủ (Trung Cộng) tan thành mây khói: nâng
giá thị trường chứng khoán một cách bừa bãi vào mùa Thu năm ngoái và phá giá
Nhân Dân tệ một cách ngu xuẩn vào tháng Tám năm nay.
Chỉ còn có một điều
duy nhất mà đảng Cộng Sản cầm quyền Trung Cộng có thể làm trong lúc này để duy
trì phát triển kinh tế là cải cách cấu trúc kinh tế. Tuy nhiên, thay đổi này
khó xảy ra vì những phe nhóm lợi ích đầy quyền lực trong đảng cầm quyền ngăn cản,
dù sao, quan điểm của Tập Cận Bình rất thụ động, sặc mùi bảo thủ của Mao.
Kể từ khi nắm được
quyền hành, Tập đang đi ngược lại quan điểm của Đặng Tiểu Bình là "cải
cách và mở cửa".
Thí dụ, họ Tập đã hạn
chế đầu tư ngoại quốc vào Trung Cộng, kết hợp sát nhập các đại công ty quốc
doanh tạo ra độc quyền tuyệt đối và gia tăng hổ trợ vốn nhà nước cho những đại
công ty quốc doanh này.
Họ Tập đã khống chế
thị trường tài chánh để nâng giá chứng khoán và tiền tệ. Mục tiêu của họ Tập, lồng
trong thành ngữ "giấc mơ Trung Cộng", vẽ vời một viễn ảnh Trung Cộng
hùng mạnh, đi kèm là hệ thống kinh tế quốc doanh độc quyền, không dễ dàng chấp
nhận mọi khuynh hướng cải cách kinh tế theo hướng thị trường tự do cạnh tranh.
Và ngay cả khi họ Tập
tiến hành cải cách một cách đúng đắn thì cũng còn lâu lắm nền kinh tế mới phục
hồi, mà trên thực tế, tăng trưởng chỉ lẹt bẹt, không phải 7 phần trăm như loan
báo. Tại Bắc Kinh, giới cầm quyền thừa nhận không chính thức tăng trưởng kinh tế
chỉ vào 2.2 phần trăm mà thôi.
Người dân Trung Cộng
đang mất niềm tin vào khả năng của Tập Cận Bình và người điều hành kinh tế của
ông, Thủ Tướng Lý Khắc Cường, người đang dò dẫm tìm các đối sách để chấp vá che
đậy tình huống.
Họ Tập và họ Lý cần phải
hành động gấp rút vì Trung Cộng đang thất thoát dòng chảy thặng dư ngoại tệ của
mình ra nước ngoài nghiêm trọng. Wind Information, một hãng phân tích dữ liệu
hàng đầu của Trung Cộng, gần đây thông báo rằng mỗi tháng có khoảng 135 tỷ Mỹ
kim bị chuyển ra nước ngoài. Tạp chí Financial Times thừa nhận rằng chỉ tính
riêng tháng Tám, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã phải tốn gần 20 tỷ Mỹ kim chi phí mỗi
ngày để ngăn cản dòng chảy ngoại tệ, và rất có thể, nếu không có thu nhập ngoại
tệ vào, thì trữ lượng ngoại tệ dành cho trao đổi tiền tệ của Trung Cộng sẽ cạn
kiệt trong vòng một năm.
Mặc dù giới chuyên
gia cho rằng những khó khăn về kinh tế của Trung Cộng chỉ là tạm thời nhưng nhà
cầm quyền Bắc Kinh đã không còn một biện pháp nào mới mẻ nữa để cứu vãn tình thế
và Tập Cận Bình đang đẩy Trung Cộng đi vào ngõ cụt với một tương lai vô cùng ảm
đạm. Trường hợp khả quan sáng sủa nhất có thể xảy ra là Trung Cộng chỉ chịu đựng
hai thập kỷ suy thoái hoặc suy kiệt kinh tế trầm kha như Nhật Bản đã từng trải
qua từ những năm 1990 cho đến 10 năm đầu của thể kỷ XXI.
Khả năng dễ thấy xảy
ra đối với nền kinh tế Trung Cộng sẽ tồi tệ hơn trường hợp khả quan đã nêu
trên. Giới lãnh đạo Trung Cộng không muốn nhìn thấy nền kinh tế của đất nước tự
điều chỉnh- nói một cách khác, thoát ra khỏi sự quản lý độc quyền trực tiếp từ
trung ương.
Sự khủng hoảng kinh tế của Trung Cộng trước đó, theo Cục Thống Kê
Quốc Gia, là vào năm 1976, năm mà Mao Trạch Đông đã từ trần. Họ Tập, một người
tin tưởng vào sự cần thiết và vai trò quan trọng của Đảng Cộng Sản trong mọi
lãnh vực xã hội, sẽ ngăn cản tự do hóa nền kinh tế cho đến khi nào ông ấy không
còn quyền lực nữa. Khi mà Tập Cận Bình không còn quyền lực, cơ chế kinh tế quản
trị từ trung ương do ông thúc đẩy ủng hộ sẽ sụp đổ không thể cản. Kinh tế Trung
Cộng đang ở vào giai đoạn vô cùng khó khăn nguy hiểm giống như kinh tế toàn cầu
vào những năm 1930, suy kiệt trầm kha và thu hẹp kép dài nhiều năm.
Trong tình huống như
vậy, Trung Cộng cần Hoa Kỳ nhiều hơn là nước Hoa Kỳ cần Trung Cộng, cho nên đây
là thời điểm rất tốt cho Washington dằn mặt Tập Cận Bình để cho ông ấy biết thế
nào là sức mạnh của Hoa Kỳ nếu họ Tập cứ tiếp tục hung hãn.
Thí dụ như
Washington có thể trừng phạt Trung Cộng nếu bị Trung Cộng làm cho phật lòng. Họ
Tập có thể giận dữ và tru tréo phản đối, nhưng Hoa Kỳ có khả năng loại bỏ ông
ta. Trung Cộng không còn đủ mạnh để đối chọi với Hoa Kỳ.
Lãnh đạo Trung Cộng
vẫn thường ngoan cố cứng đầu nhưng nước Mỹ hồi sinh hùng mạnh có đủ sức mạnh để
ép buộc họ hành xử theo mong muốn của nước Mỹ. Nếu nước Mỹ không chịu sử dụng
thế thượng phong ngay từ bây giờ thì là một sự sai lầm lớn về chiến lược.
Trong nhiều năm qua,
các nhà lãnh đạo Trung Cộng đinh ninh rằng người Mỹ có khuynh hướng nhìn nhận
nước Mỹ rất yếu đuối, và trong thực tế, thái độ của Hoa Kỳ đối với Trung Cộng
ngày nay giống đối với Liên Xô trong thời kỳ Nixon, Ford, và Carter. Trong khi
những người khác khiếp sợ trước sức mạnh của Liên Xô, Tổng thống Reagan lại nhận
ra sự yếu đuối của Liên Xô. Sự tự tin khi cho rằng Moscow quá sa sút đã khiến
Reagan sử dụng sức mạnh của Mỹ vô cùng hiệu quả.
Lúc này là lúc phải
nói cho Tập Cận Bình biết rằng người Mỹ bây giờ nhận ra đất nước của họ là một
quốc gia rất hùng mạnh và họ Tập đang ở vị trí của một kẻ yếu không thể chống lại
sức mạnh của Hoa Kỳ và cộng đồng thế giới.
Gordon G. Chang
Nguyễn Trọng Dân_lược
dịch
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.