Câu hỏi: Gần đây tôi tham dự một sự kiện với sự tham gia diễn thuyết của một
chính trị gia cao cấp.
Điều làm tôi bất ngờ
là nhiều người tham dự liên tục sử dụng điện thoại trong suốt buổi nói chuyện.
Thậm chí một người ở bàn của tôi còn đứng dậy giữa chừng và tuyên bố ông phải
đi dự một cuộc họp khác.
Trừ khi cuộc họp của
ông này là với nguyên thủ quốc gia, hành động đó có thể được xem là vô cùng bất
lịch sự.
Làm sao chúng ta có
thể giữ phép xã giao trong những tình huống như vậy?
Trả lời: Khi nói đến vấn đề cử chỉ xấu trong kinh doanh thì việc bỏ đi giữa
một buổi diễn thuyết thực ra không nghiêm trọng bằng hành vi biển thủ hay hối lộ.
Tuy nhiên, hành động này vẫn không thể chấp nhận được và dễ khiến người liên
quan bị đánh giá.
Việc cắt ngang một sự
kiện cho thấy người đó chỉ nghĩ đến bản thân mình và đây không phải là tính
cách phù hợp với chốn công sở.
Đối với những người
không thể ngưng sử dụng điện thoại, họ là thành viên của một bộ lạc ngày càng
đông - những người bị chôn vùi trong thế giới công nghệ mà hoàn toàn phớt lờ đi
những người khác đang có mặt xung quanh.
Cũng những người này
sẽ lôi điện thoại ra dùng trong các buổi họp công ty, các buổi ăn trưa và các
buổi gặp gỡ giao lưu.
Hành động này gửi đi
một thông điệp rằng: Anh không quan trọng bằng người đang trao đổi email với
tôi.
Vấn đề đạo đức và
phép xã giao là hai yếu tố song hành trong thế giới kinh doanh.
“Cả hai đều là những
quy tắc ứng xử trong đó yêu cầu sự trung thực, liêm chính, trung thành và tôn
trọng người khác,” bà Nancy Liss từ hãng tư vấn NEL Asociates LLC tại New York
nói. Công ty của bà chuyên cung cấp nhân sự và tuyển người cho các doanh nghiệp
mới ra đời.
Đây cũng là lý do
khiến nhiều cuộc phỏng vấn tuyển chọn các vị trí lãnh đạo thường bao gồm cả những
cuộc gặp gỡ trong tình huống đời thường, như một buổi chơi golf hay một bữa tối.
Việc quan sát cách ứng
nhân xử thế của một người ngoài đời thật, ví dụ như cách người đó đối xử với
người bồi bàn hay nhân viên đậu xe, có thể phản ánh rõ đạo đức của chính cá
nhân đó.
Các đề nghị nêu nhận
xét, đánh giá về một ai đó để nhà tuyển dụng tham khảo thường gồm cả câu hỏi về
việc người đó cư xử ra sao trong cuộc sống hàng ngày, bởi điều đó có thể làm hé
lộ tính cách của họ.
Cách ứng xử của những
người tham gia một buổi diễn thuyết cũng nằm trong số những bài kiểm tra đó.
Nếu họ cứ mải mê với
điện thoại của mình hoặc đứng dậy bỏ đi giữa buổi diễn thuyết, điều đó đồng
nghĩa với việc họ thiếu tôn trọng diễn giả và từ đó có nguy cơ hạ thấp uy tín của
chính mình.
Tất nhiên vẫn có một
số trường hợp ngoại lệ, ví dụ như trường hợp khẩn cấp trong công việc lẫn đời
tư, vốn yêu cầu một người nào đó phải gấp rút rời khỏi căn phòng hoặc kiểm
tra điện thoại.
Trong những trường hợp
này, tốt nhất là những người này nên tiến tới gần cửa và đứng cạnh đó nếu họ biết
mình sắp phải rời đi sớm. Nếu thực sự phải dùng điện thoại, hãy cố gắng làm điều
đó trong thời gian ngắn nhất có thể, theo cách lịch sự nhất có thể.
Những người chu đáo
hơn thì sẽ báo trước với những người ngồi cùng bàn (Ví dụ: “Rất xin lỗi vì tôi
phải rút điện thoại ra, tôi đang đợi điện thoại từ y tá ở trường của con”).
Nếu bạn là nhà tổ chức
sự kiện, nên yêu cầu những người đến dự tắt điện thoại và ngồi gần lối ra vào nếu
họ phải rời đi sớm. Bạn có thể viết yêu cầu này trên một tấm biển đặt ngoài bàn
ghi danh tham dự hoặc trong một tuyên bố đưa ra trước buổi diễn thuyết.
Nếu bạn ngồi cạnh một
người bất lịch sự trong một sự kiện nào đó, hãy nhớ rằng đó không phải là một
thời điểm thích hợp để giáo huấn ai đó về cách cư xử, bởi điều đó sẽ chỉ gây
thêm ồn ào trong hội trường. Chỉ cần nhớ rằng bạn đã cảm thấy khó chịu như thế
nào để bản thân bạn không bao giờ hành xử như những người đó.
“Tôi hy vọng rằng
quý ông đột ngột bỏ đi và thu hút sự chú ý về phía mình sẽ không gặp lại bạn
trong một tình huống kinh doanh hay xã giao,” bà Liss nói trong email. “Tôi
nghi rằng thế nào bạn cũng sẽ nhận ra ông ta."
Chana R Schoenberger
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.