Ông Albert Speer (thứ
hai từ trái sang) là người sát cánh cùng Adolf Hitler
Nước Đức có hai
Albert Speer. Cùng nổi tiếng, cùng họ, cùng tên. Hơn nữa chính là cha và con.
Đầu tiên nói về người
cha.
Nhắc đến Đế chế Đức
phát xít không thể không nhắc đến người bạn đồng hành của thủ lĩnh Quốc xã
Adolf Hitler này. Albert Speer cha gia nhập Đảng phát xít ngay từ năm 1931 khi
Đảng này còn chưa lên nắm quyền, đồng thời là một trong những người cuối cùng
không bỏ Hitler trong bão lửa của đại pháo, xe tăng cùng hai triệu quân Nga
đang rùng rùng nghiền nát Berlin tháng 4/1945.
Mô hình khổng lồ về
việc thiết kế một Đại Berlin, một Berlin của Germania hùng vĩ cho xứng tầm một
cường quốc hùng mạnh đặt chính giữa văn phòng quốc trưởng Đức là sáng tạo của
Albert Speer. Những trại tù được thiết kế lại cũng do những đề xuất của
Speer...
Về chức vụ Albert
Speer cha không chỉ là một kiến trúc sư thông thường. Ông đảm nhận vị trí rất
quan trọng về phía Đức trong cuộc Đại chiến thế giới thứ hai - Bộ trưởng Bộ
trang bị và cung cấp chiến tranh. Nôm na là nạp đạn từ khẩu tiểu liên MP 40, đến
cung cấp thủy lôi cho tầu ngầm, đại bác Krupp, hoàn thiện máy bay, tên lửa.
Bộ máy chiến tranh
phát xít vận hành cỗ máy khổng lồ hủy diệt nhân loại nhờ người chăm sóc, tra dầu
mỡ Albert Speer tận tụy. Tại toà án Nuremberg 1945, Speer bị kết án 20 năm tù.
Bản án khiến nhiều người ngạc nhiên cho đó là quá nhẹ. Bốn năm Đại chiến cỗ máy
này giết chết 9 triệu người Đức và 57 triệu binh lính và dân thường tại các
nước có chiến sự.
Sau đó Albert Speer
bị nhốt ở nhà tù Spandau cẩn mật nhất nước Đức, thuộc phạm vi kiểm soát của
Anh phía Tây Berlin cùng với Rudolf Hese. Speer chỉ được tự do vào năm 1966.
Không một chút ân xá hay giảm án.
Quyển sách của
Albert Speer "Trong trái tim Đế chế thứ ba" có những dòng rất thẳng
thắn: "Tôi làm tất cả cho con người vĩ đại chinh phục địa cầu."
Ngay tại Toà án
Nuremberg kết tội diệt chủng tướng lĩnh và thành viên quốc xã, Albert Speer đã
nói về chuyến viếng thăm ngày 22.4.1945 và tâm tình Hitler bộc bạch sẽ tự tử để
không rơi vào tay Nga và mong muốn thân thể sẽ được hỏa thiêu.
Speer nói: "Tôi
nhận thấy nghĩa vụ của mình lúc đó là không thể đào thoát như một kẻ hèn
nhát... ".
Rất nhiều nhân chứng
đã viết Hiler tiễn Albert Speer với những giọt lệ trong khóe mắt. Một tuần sau
cuộc gặp Albert Speer, Hitler tự tử.
Người dựng kỳ đài
Albert Speer cũng được
tặng thưởng Huy chương danh dự với nhành liễu vàng trong trọng trách đứng đầu
Đoàn Thanh niên Hitler.
Năm 1937 cũng chính
Hitler tự tay trao tặng Biểu tượng vàng của Đảng quốc xã cho Albert Speer.
Nguyên soái Đức phát
xít Erhard Milch có viết trong hồi ký thuật lại chính Speer đã nói: "Quốc
trưởng (chỉ Hitler) ôm đít tao này này", khi nhận lệnh của thủ lĩnh quốc
xã thúc giục đẩy nhanh guồng máy chiến tranh. Văng tục, phạm húy vua mà không bị
trảm.
Albert Speer cha
chính là người dựng kỳ đài Nuremberg được mô tả như " Thánh đường của ánh
sáng" cho biểu diễu hành lịch sử với 340.000 đảng viên của Đảng quốc xã dễ
dàng thấy trong bộ phim tài liệu của Leni Riefenstahl.
Ở ta có Nguyễn Hữu
Đang cũng là người dựng kỳ đài ngày Tuyên Ngôn độc lập 2/9 năm 1945. Ông Hồ Chí
Minh đã nói: "Việc này khó mới giao cho chú. "
Speer bị người chiến
thắng nhốt tù. Nguyễn Hữu Đang thì bị chính đồng chí với mình kết án.
Xem ra cái chuyện xây xiếc những cái tương tự
chẳng mang phúc.
Nguyễn Hữu Đang tài
nhưng hậu vận xấu cũng như Speer. Ai đời xây cái lễ đài cao chót vót cho người
ngoài ngẩn cổ ngắm, phận mình về già cúi mặt nhặt vỏ bao thuốc lá để đổi con rắn,
con nhái trẻ con kiếm về sống qua ngày.
Không biết khi cái
loa truyền thanh treo đầu cành đa vang vang "cờ pha máu chiến thắng mang hồn
nước ..." của Văn Cao, Nguyễn Hữu Đang có rơi nước mắt không?
Lý lịch và hộ khẩu
Kể chuyện người vì
muốn nói chuyện ta. Gần đây có chuyện Bùi Kiều Nhi lúc đầu không được nhận vào
Học viện Chính trị Công An nhân dân mặc dù thi đạt kết quả 29 điểm cho ba môn.
Việt Nam vẫn áp dụng thang điểm 10, khác với nhiều nước châu Âu chấm theo bảng
số 20/20.
Kiều Nhi khẩn nài,
viết thư lên Bộ Công An hứa hẹn mang tài học phục vụ nước nhà. Báo chí trong nước
bàn ra, bàn vào. Cuối cùng cũng đâu vào đấy với chữ "chiếu cố".
Đếm các chuyện kể
trên đời, khó chuyện nào tỉ dụ sâu sắc và buồn bã về những luận điểm và chính
sách vẫn còn đeo ở Việt Nam như vậy. Chính sách Hộ khẩu có từ thời Tần Thủy
Hoàng 210 năm trước Công Nguyên hiện chỉ còn áp dụng tại Trung Cộng, Bắc Triều
Tiên và Việt Nam. Chính sách ấy thực chất là buộc chân người dân. Cộng với
chính sách lý lịch thì tất cả những câu đại loại "mọi người sinh ra đều có
quyền bình đẳng, quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc" chỉ là sáo rỗng.
Nếu chỉ vì một
"lỗi lầm" của một người cha 20 năm trước, "lỗi lầm" của một
người mẹ phải giấu con vì thẹn một cái lý lịch, cái thẳng lưng quá không luồn cửa
sau với anh công an hộ tịch để chạy một cái khuyên son như thời phong kiến thì
công đèn sách cũng chỉ công cốc. Con sãi ở chùa lại quét lá đa. Đời này con người
vẫn còn thích đầy đọa nhau, đẩy nhau vào chốn dối trá, dồn nhau vào cái thấp
hèn van xin, khóc lóc?
Chắc người Việt ai
chẳng biết Nguyễn Du và thân phận trôi nổi nàng Kiều lầu xanh phiêu bạt 15 năm
có lẻ. Có ai làm cha, làm mẹ muốn con phải bán mình chuộc cha trong một xã hội
"đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi"? Chẳng có và muôn đời chẳng có. Cái
tên Kiều Nhi nhắc điều gì?
Một danh tài như
Nguyễn Du, chết không khép được mắt, ra đi với câu trăng trối:" Ba trăm
năm nữa ai người khóc Tố Như ?". Oan khiên đập vào mắt, nuốt oan trái vào
lòng, ra đi gói trọn dăm chữ ấy của danh nhân dân tộc lẽ nào không gợn lên chút
suy nghĩ cho những thế hệ này và những thế hệ mai sau ở Việt Nam?
Cái án 9 tháng tù treo của cha em Kiều Nhi - cô Kiều bé nhỏ - có công bằng và thuyết phục?
Người Việt vốn hiền,
chẳng dẫm vào chân ít ai nổi đóa. Vậy cái tội "chống lại người thi hành
công vụ" nguồn căn thế nào ? Ông Đoàn Văn Vươn kháng cự lại những cảnh
sát, công an cưỡng chế là do đâu? Nguồn sống bị chặn, đường ra không có, không
khơi sông, cấm chợ dân sống làm sao?
Một trong những người
chịu trách nhiệm phá án lại là em ruột của tội đồ Dương Trí Dũng, kẻ hiện còn
thụ án tột khung vì ăn cắp tài sản đất nước. Ông em vừa lên chức sau vụ Đoàn
Văn Vươn lại bị lọt lon, vào tù nhanh như đi thang máy vì bất chấp pháp luật,
bất chấp lệnh truy nã cố tình giúp anh đào tẩu.
Biểu tượng Thần công
lý là người phụ nữ bịt mắt với cái cân dùng đo việc đời không theo cái tình mà
quên phép nước ai mà tin? Chính những người cộng sản đã dùng hình tượng
"tức nước vỡ bờ" cho phong trào đấu tranh chống thực dân của dân tộc
Việt Nam.
Vậy cái thang nấc về
lý lịch, loại bỏ đến nhiều loại người trong xã hội không được học các trường Đại
học lớn, không được ra nước ngoài…chẳng khác dành sẵn mỗi người một cũi cùng với
tờ khai sinh.
Biết rằng chỉ người
tài mới dùng được người tài. Song đến bây giờ cứ tù mù thế, bao giờ mới khá. Vẫn
chỉ là chọn cái tròn trĩnh, cái cúi đầu, cái ngậm miệng, cái bè, cái đảng. Đến
khi nào mới hình thành cơ chế xét chọn bình đẳng, biết dùng người tài để thay đổi
đất nước, để mà hé ra cạnh tranh với đời. Để câu truyền miệng trong dân
"Thằng khôn thì đã vượt biên, chỉ còn một lũ vừa điên vừa khùng" chỉ
còn thoảng một nụ cười thời xa vắng.
Albert Speer con
Ấy "vòng trần
ai, ai dễ biết ai" ở cái trời Tây này không rắc rối lắm.
Tôi biết một gia
đình. Họ là thế hệ thứ nhất sang lập nghiệp ở Pháp. Người cha sang từ một đất
nước cộng sản, nói ngôn ngữ Moliere như lột da. Nhưng con gái ông học rất giỏi,
được tự chọn trường, phần chỉ dành cho những em đứng số 1, số 2 và số 3 trong
trường. Em đã chọn vào trường Condorcet, nơi có những học sinh được biết đến
như vua Bảo Đại, Tổng thống Paul Doumer và rất nhiều tên tuổi nổi danh nước
Pháp. Chưa thi hết lớp cuối em đã đỗ kỳ thi năng khiếu của 3 trường Kiến Trúc
và đang theo học một trong những trường Đại học này. Mấy ông Tây bà đầm chẳng
có câu nào hỏi bố mày làm gì. "Đời cua, cua máy. Đời cáy, cáy đào".
Rõ thế.
Và bây giờ hãy nói về
thế hệ Albert Speer con.
Albert Speer con
sinh năm 1934. Ông đoạt giải kiến trúc Quốc tế 1964, nghĩa là trong khi người
cha tai tiếng còn đang ở trong tù. Ông dạy tại Đại Học kiến trúc Kaiserlautern.
Nhà mình thế này chắc phán: "Rau nào sâu ấy. Cho nó gõ đầu trẻ thì trao nó
quyền làm bố, làm mẹ dạy dỗ con cái chúng tôi theo con đường phản dân hại nước
của thằng cha nó à?"
Hội Chợ quốc tế được
tổ chức tại Đức năm 2000 là đồ án của Albert Speer con. Hội chợ này có lịch sử
từ thế kỷ 19 ở Anh năm 1851 lần đó khai truơng tại Hanover ngay sau khi bức tường
Berlin sụp đổ. Hội chợ mở đầu thiên niên kỷ mới với tiêu chí Eine Neue Welt
entsteht, tạm dịch là Một thế giới mới xuất hiện đi cùng với khẩu hiệu hiền
lành Con người - Thiên nhiên - Kỹ thuật. Ông cũng được gọi trong các công trình
hoành tráng và có uy tín trong kiến trúc như Cite international Shanghai, Thế Vận
hội Bắc Kinh.
Ông còn đang hoàn
thiện hồ sơ thiết kế cho đồ án khổng lồ chuẩn bị cho thành phố Munchen đăng cai
Thế vận hội mùa đông năm 2018. Nước của bà Merkel như thế. Ngay mấy nước nạn
nhân phát xít cũng chẳng ai làm cái chuyện "chu di tam tộc", kêu tẩy
chay cái ông Albert Speer không đổi cả họ để tránh bị ném đá.
'Tượng vàng Thánh
Gióng'
Khi Đài truyền hình
Việt Nam còn vinh danh 179 cá nhân, chiến sĩ thi đua, tập thể tiên tiến năm
2015 tôi đọc thấy những dòng được viết ghi lại nguyên văn trên báo Lao Động:
"Họ là những tấm
gương thực sự tỏa sáng, có sức lan tỏa sâu rộng với xã hội, xứng đáng là những
tập thể, cá nhân được nhân dân, đất nước ghi nhận và có sức lan tỏa lớn."
ông Huỳnh (phải) 13
tuổi đã trở thành “thánh”
Băn khoăn thấy cái
tên thầy cúng Phan Bá Huỳnh "lan tỏa" và được nhận "tượng vàng
Thánh Gióng" trong chương trình "Vinh quang Việt Nam" trong cái
năm kỷ niệm 70 năm đất nước ra đời. Đây lại là chương trình do Hội khoa học lịch
sử, báo Công an Nhân dân, báo Đại Đoàn kết, Công ty hữu nghị Á Châu và cả báo
An Ninh...Nghĩa là phối hợp chặt chẽ, không thể xổng và sai sót.
Chuyện 20 năm trước
bố Kiều Nhi còn được rà soát kỹ thế thì chắc những ngôi sao sáng lòa mang lên
sàn quay lung linh gắn cho chữ Vinh để thiên hạ hãi hãi, nể nể chắc phải kiểm
tra quá khứ dám ba đời. Không biết Phan Bá Huỳnh có dây mơ, rễ má với lãnh tụ
khởi nghĩa nông dân thời Minh Mạng Phan Bá Vành hay không? Tự an ủi, bây giờ nước
mình có người nối nghiệp Cao Biền.
Nhưng tôi thích Kiều
Nhi lên nẫng giải thưởng Con ngựa vàng Phù Đổng từ tay Phan Bá Huỳnh. Tuổi em với
tài năng, sức học ấy, mơ màng biết đâu em thổi vào con ngựa lóng lánh vẩy vàng,
vẩy bạc cái hồn, cái vía chú bé lên ba xa xưa vùng dậy đòi mẹ cho đi đánh giặc.
Ít ra cũng duy vật biện chứng.
Còn đưa cho Bá Huỳnh
mang về Đắc Lắc thỉnh chuông hơi âm dương. Trao ngựa vàng vào tay ông "chập
chập, cheng cheng con gà sống thiến để riêng cho thầy" mà 10 năm qua nước
mình không ai sợ cũng là "nhẫn" thật. Nhẫn nhục, nhẫn nại, nhẫn tâm,
chọn chữ nào?
Hưng suy, tươi héo,
đầy vơi, chìm nổi, thắng thua của một đất nước đều do những con người chèo chống.
Quang Trung nói:
"Cho nước ta thái bình, dân giàu nước mạnh thì 10 năm nữa ta sợ gì
nó." Chữ nó ở đây chỉ nước Tàu. Đất nước đã có hơn 40 năm hoà bình, bốn lần
hơn con số 10. Cần làm gì nữa đây để được thỏa lòng người anh hùng "mà nay
áo vải, cờ đào. Giúp dân xây dựng biết bao công trình."?
Đất nước gần nửa thế
kỷ còn loay hoay chưa tìm ra lời giải "tiền đồ" thì học nước người
cũng chẳng hổ thẹn gì.
Victor Hugo nói:
"Tôi lớn vì tôi biết đứng lên vai một người khổng lồ." Cứ "thấy
ai ai ta cũng ai ai, ai ai ấy thì ta cũng ấy" biết đâu lại hay. Lúc ấy chắc
sẽ không có người mẹ phải giấu con về lý lịch của cha và không có những giọt nước
mắt của một cô Kiều bé bỏng.
Phạm Cao Phong
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.