Nhiều người như tôi
sang Đức từ thời Đông Đức đến nay cũng đã trên dưới 35 năm, người sang muộn hơn
thì cũng đã trên dưới 25 năm.
Những người sang sau
khi nước Đức thống nhất thì thời gian dài ngắn khác nhau.
Nhưng tôi nghĩ dù là
sang đây đi học hay sang Đức lao động hay vì một lý do nào khác, phần lớn chúng
ta đều có một mong muốn khi quyết định rời xa gia đình, người thân, quê
hương... đi Tây để mong có một tương lai tốt đẹp, sung sướng hơn so với cuộc sống
vào thời điểm ra đi.
Sau gần nửa cuộc đời
son trẻ nhìn lại, chúng ta thấy mình có được “sướng như Tây” hay không.
Bằng sự cần cù chịu
khó của người Việt, nhiều người trong chúng ta đã tích luỹ được từ sự lao động
cực nhọc của mình một số tài sản cho gia đình có thể nói là giàu có hơn người Đức
tính ở hạng trung bình.
Vậy là những người
Việt này có thể nói là giàu hơn Tây. Có vài người thì có số tài sản hàng vài
triệu tiền Tây, cá biệt một số ít thấy báo chí đưa tin có hàng chục, thậm chí
hàng trăm triệu tiền Tây. Vậy thì số ít này rõ ràng giàu có hơn rất nhiều người
Tây ở cả hàng trung và thượng tầng của Xã hội Tây, (đỉnh thì người Việt mình
leo chưa tới).
Định nghĩa 'sung sướng'
Vậy những người được
đánh giá là giàu hơn Tây này đã sướng hơn Tây chưa. Mà định nghĩa chữ “sung sướng”
như thế nào cho phù hợp với số đông dân chúng?
Trước tiên tôi muốn
đề cập đến một số người sang Đức sau ngày Đức thống nhất.
Người dân Đức nghỉ
ngơi, đọc sách ngoài công viên, gần bảo tàng, thư viện
Người nghèo ở Việt
Nam ta thì chỉ cần có được một bữa ăn no, chứ chưa dám đòi hỏi ngon đã cảm thấy
sung sướng vô cùng, có thể hát vang được câu ca:
“Chưa có bao giờ đẹp
như hôm nay, cơm trắng trong nồi lòng ta mê say...!“.
Những người này đến
hôm nay vẫn mơ giấc mơ được đi Tây để đổi đời, để được “sướng như Tây”. Khi
sang Đức họ ở tạm trong trại Tỵ nạn, nếu không hoặc chưa được cấp quyền tạm trú
để ra sống ở ngoài, thì họ cũng được nhà nước chu cấp cho nhà ở, áo quần, tiền
ăn uống sinh hoạt đầy đủ.
Hàng ngày họ không
phải lao động để mưu sinh và cơm họ ăn thì không phải độn khoai sắn, trên mâm
có đủ cả thịt cá và bia bọt. Đối với họ thế là “sướng như Tây” và hơn ở ta (nơi
họ ra đi) nhiều rồi.
Một vài người hoàn cảnh
ở Việt Nam không đến nỗi nào, nhưng nghĩ là sang Đức sẽ sung sướng hơn ở nhà
nên cũng vay mượn lãi cao để "đi Tây“.
Sang đến nơi không
được cấp quyền tạm trú vì bị bác đơn xin Tỵ nạn. Sống trong trại Tỵ nạn thì gò
bó và không bằng khi họ ở Việt Nam, đi làm thêm (làm chui) thì vất vả và số tiền
kiếm được không như họ nghĩ nên sinh ra chán nản và họ không cảm thấy “sướng
như Tây”.
Một số ít xin tự
nguyện hồi hương, một số tìm mọi cách vay mượn tiền xoay sở để có được quyền tạm
trú ra sống ở bên ngoài (không phải ai cũng làm được). Một số lại quay ra làm
những việc phạm pháp như buôn bán thuốc lá lậu, ăn trộm trong các siêu thị... để
nhanh có tiền hay mong nhanh giàu có.
Phải công bằng mà
nói trong số những người làm việc phạm pháp cũng có nhiều người hoàn cảnh nghèo
khổ ở Việt Nam ra đi, phải "liếm tiền" (kiếm tiền) nhanh bằng mọi giá
để trả những khoản nợ vay nóng với lãi suất cao đang hàng ngày đè lên cổ họ.
Nhiều người trong số
này nói với tôi họ không ngờ “đi Tây” lại khổ như thế này. Nhưng cũng có nhiều
người nói rằng thế này vẫn còn sướng gấp vạn lần ở nhà.
So sánh 'bình dân'
Bây giờ chúng ta xem
đến những người Việt rất bình thường ở mức trung bình mà họ chiếm số đông trong
cộng đồng người Việt tại Đức. Hai vợ chồng tự hành nghề kinh doanh hay đi làm
công ăn lương hay một người làm công một người tự kinh doanh... Thu nhập bằng
hoặc hơn người Đức trung bình xem họ có sướng như Tây không nhé!
Đối với người Đức
bình thường, khi ngoài rạp chiếu một bộ phim hay, thì họ háo hức cùng gia đình
hay bạn bè thu xếp thời gian đi xem. Chuyện rất bình thường. Người Việt ta ít
thấy có thói quen đó.
Một quầy hàng của
người Việt Nam tại trung tâm thương mại Đồng Xuân, Berlin, CHLB Đức.
Khi có buổi hoà nhạc
hay một băng nhạc được yêu thích biểu diễn live ở sân khấu hay nhà hát nào đó,
người Đức kháo nhau, truyền tay nhau những tờ rơi quảng cáo và a lô cho nhau hẹn
đặt mua vé và cùng nhau đi xem, hoà mình vào không khí, giai điệu của những buổi
sinh hoạt nghệ thuật như vậy. Ít thấy người Việt có mặt tham gia những sinh hoạt
này.
Người Việt máu mê đá
bóng không phải dạng vừa, những giải bóng đá Thế giới hay Châu Âu hay
Bundesliga (giải Ngoại hạng CHLB Đức)... ở trong các khu chợ Việt thì rất náo
nhiệt, nhưng vào sân vận động của Đức thì tìm bằng ống nhòm cũng khó thấy có
người Việt đi xem. Không khí và cảm nhận ở sân vận động khác rất nhiều trước
bàn bia và màn hình phẳng!
Những buổi mở cửa
các sinh hoạt ngoài trời tại các công viên hay khu vực vui chơi giải trí cuối
tuần, bãi cát cạnh bến nước, Sở thú, vườn hoa, hội chợ... tràn ngập người Đức đến
thưởng thức thời gian thư giãn sau một tuần làm việc mệt mỏi. Họ không diện những
bộ quần áo đẹp đến những chỗ như vậy để tạo dáng chụp ảnh, họ đến chỉ đơn giản
để cho trẻ con thoải mái chạy nhảy, vui đùa.
Người lớn thì nằm
lim dim tận hưởng không khí thoáng mát hay đọc một quyển truyện ngắn hoặc nói với
nhau dăm ba câu chuyện vui vẻ hay hoà vào dòng người chảy hội, hoặc đứng uống với
nhau dăm ba cốc bia... Lớp trẻ thanh niên thì đàn ca, hay vui đùa, tham gia các
trò vui chơi giải trí...
Các cặp tình nhân
thì say đắm bên nhau... Họ đến để được hoà mình vào thiên nhiên, con người, được
sống trong một bầu không khí vui tươi. Họ đến đơn giản để tận hưởng sự thư giãn
cuối tuần. Nhìn quanh tôi thấy rất ít người Việt có mặt trong những chỗ như vậy.
Chém gió, múa quạt
Chúng ta hay dùng từ
tiếng Đức đi ‘Urlaub’, tiếng Việt có nghĩa là kỳ nghỉ ngơi. Nhưng 100 người thì
90 người lại về Việt Nam, 10 lần đi thì 9 lần về Việt Nam. Cũng dễ hiểu thôi,
vì nơi đó là quê hương, là Tổ quốc, nơi ấy có cha mẹ, anh em họ hàng....
Thế nhưng trong những
kỳ nghỉ ở Việt Nam có bao nhiêu phần trăm trong số những người về quê được thực
sự "nghỉ ngơi" đúng nghĩa của nó.
Người Tây thì lại
khác, 90% số người đi ‘Urlaub’ thì họ ra khỏi vùng hay đi ra nước ngoài, ở
khách sạn, không có bất cứ mối lo lắng gì với họ hàng, người thân không có mặt
cùng trong cuộc đi nghỉ... Họ nằm dài thư giãn, nghỉ ngơi trên các bãi biển hay
đạp xe, leo núi, trượt tuyết hoà mình vào thiên nhiên... thực sự là nghỉ ngơi
và thư giãn.
Đại đa số trong số họ
có mức thu nhập và tài sản chỉ ở mức trung bình.
Quán bia Đức ngay
trong khu Đồng Xuân, Đông Berlin
Còn nhiều ví dụ nữa. Nhiều khi tôi tự hỏi, người Việt chúng ta ở đâu trong những sinh hoạt như
vậy.
Chúng ta “đi Tây” đã
lâu rồi, sống trong Xã hội Tây cũng đã lâu. Nhiều gia đình thậm chí con cái nói
chuyện với nhau toàn bằng tiếng Tây. Nhiều người có nhiều "tiền Tây“ hơn
nhiều gia đình Tây trung bình. Vậy lẽ ra họ phải sướng như Tây hay hơn Tây chứ
nhỉ.
Hay quan niệm
"sung sướng" của chúng ta chỉ là những bữa tiệc cuối tuần mà thường
thì chuẩn bị nấu nướng cho 20 người ăn, trong khi khách mời chỉ có 10 người?
Sau khi no xôi chán
chè thì các ông một là quay ra "chém gió“ hai là "múa quạt“ tá lả,
còn các bà thì buôn dưa lê, tán chuyện trên trời dưới bể khoe con cái, khoe
giàu sang, hàng hiệu...
Hoặc chúng ta cho rằng
sướng là khi đeo trang sức, mặc quần áo, giầy dép... "hàng hiệu“ trị giá
vài ba đến vài chục nghìn tiền Tây trên người, cưỡi xe trên trăm nghìn
tiền Tây, ở trong những ngôi nhà vài trăm nghìn tiền Tây là sướng? Hay có người
có sở thích cứ trời nắng thay vì đi dạo chơi cùng gia đình thì mang tiền ra phơi
cho khỏi bị mốc và với họ vậy là sướng?
Quan niệm lớp trẻ
Mỗi người có quan niệm
sướng, khổ khác nhau, nhưng nhìn vào thế hệ thứ hai sinh ra và lớn lên tại Đức
thì chúng ta thấy các cháu có quan niệm về lĩnh vực này khác hẳn chúng ta.
Còn nhớ khi các con
tôi còn nhỏ vợ chồng tôi vừa làm quán vừa có cửa hàng bán quần áo nhưng vì sẵn
có "hoa chân“ (tính thích đi du lịch), máu "bát ngát“ trong người,
như bạn bè hay nói, nên vợ chồng tôi thường cùng các cháu "Trên từng cây số“.
Cứ cuối tuần, dành
ra buổi chiều thứ 7 đi lấy hàng, còn ngày Chủ nhật đóng cửa cả 2 cơ sở và tranh
thủ đưa các con đi chơi. Các khu vui chơi giải trí lớn (tiếng Đức gọi là
Vergnügungspark) ở Đức, Pháp chúng tôi đã đưa các con đến được trên chục nơi.
Tác giả Trần Mạnh Thái
cho rằng người Việt Nam ở nước ngoài cần xem lại quan niệm liệu có đúng là 'đi
Tây sướng như Tây' hay không.
Những nơi lớn như thế
này phải đợi đến khi các cháu nghỉ hè. Còn những nơi nhỏ hơn có thể đi cuối tuần
thì không nhớ hết được nữa. Vất vả nhưng giờ khi các con trưởng thành ra khỏi
nhà thì lại thấy may mắn là hồi đó nhờ có "hoa chân“ nên đã cùng các con
được hưởng những thú vui của Tây.
Bây giờ có muốn cũng
khó có thể thường xuyên cùng các con đi dã ngoại được nữa! Phải cảm ơn các con
vì chúng thích đi, đòi đi thì mình mới được hưởng lây theo sở thích của các
con. Thời gian trôi đi không thể quay lại được. Lỡ bỏ phí quãng thời gian trôi
qua sẽ không có cơ hội làm lại.
Nhiều người tích lũy
hay vay Ngân hàng tiền mua được nhà riêng để ở, mua được nhà để cho Tây thuê có
thêm thu nhập. Khi nói chuyện với con cái là sẽ để lại cho con lớn cái nhà này,
con bé ngôi nhà kia... Các cháu nói rất thật và thẳng thắn với bố mẹ:
"Bố mẹ cứ giữ lấy
mà dùng, chúng con không cần đến. Chúng con sẽ tự đi làm có thu nhập và tự lo
được cho cuộc sống của mình“.
Đừng nghĩ các cháu
không biết quý trọng tấm lòng của cha mẹ. Đó là do các cháu được nhà trường Tây
dạy cho ý thức tự lập, không phụ thuộc nhờ vả ngay từ khi còn ở nhà trẻ.
Thay đổi tư duy
Vậy khi các cháu lớn
ra khỏi nhà hết và có cuộc sống riêng thì chỉ còn hai ông bà ở với nhau trong
ngôi nhà rộng lớn với nhiều tiện nghi và đồ dùng sang trọng... nhưng tuổi già ập
đến kéo theo một đống bệnh tật mà ngày còn trẻ do mải lo kiếm tiền, cố tình
“hoãn binh” lại không dám bớt thời gian để đi khám, phát hiện ra bệnh để sớm chữa
trị.
Cũng có người biết
mình có bệnh nhưng chỉ đối phó bằng nhiều cách chữa trị tạm thời kiểu “hoãn
binh” vì lý do không có thời gian đi chữa bệnh. Thôi để khi nào rảnh rỗi có thời
gian khám chữa sau cũng được, bây giờ phải kiếm tiền đã, ai làm hộ được cho.
Thuê người thì phải
trả tiền công, thời buổi khó khăn tiếc tiền lắm... Đến lúc này chúng ta không
thể quay ngược dòng thời gian để làm lại những việc với câu tiếc nuối nơi cửa
miệng: "Giá như..." được nữa. Vậy thì chúng ta có sướng như Tây được
chưa?
Hàng quán trong khu
chợ Đồng Xuân, Berlin
Người Việt làm nghề
tự kinh doanh ở Đức thì làm gì có thời gian! Bán lẻ thì suốt cả tuần mải lo
"cày bừa“, nếu không làm nghề dịch vụ thì được ngày Chủ nhật nghỉ làm phải
dành thời gian cho bao nhiêu việc khác.
Người làm dịch vụ
như quán xá hay hoa tươi thì không có ngày Chủ nhật. Những người làm nghề bán sỉ
(giao hàng) thì không có thứ Bảy và Chủ nhật, được nghỉ một ngày trong tuần thì
là ngày để giải quyết các việc của công sở chính quyền, con cái, nhà trường,
mua sắm.... Nói chung là không có thời gian "thừa“ để đi khám bệnh nếu căn
bệnh chưa quật ngã chúng ta.
Vậy thì những người
được gọi là thành đạt hay như vài người gọi là "Đại gia“, họ có sướng như
Tây hay sướng hơn cả những người Tây ở vào mức có thu nhập trung bình dù chỉ đủ
ăn hay không? Câu trả lời chắc ai cũng đã có!
Đến khi nào chúng ta
mới thay đổi được cách nghĩ để tự tạo cho chúng ta một "cuộc sống“ thực sự
cho ra sống, cho mình, cho người bạn đời đã vất vả, lăn lộn với mình suốt mấy
chục năm qua? Đến khi nào chúng ta, những người đang sống tại trời Tây mới thôi
nếp nghĩ làm hộ, lo hộ, bảo hộ quá đáng cho con cái mình. Trong khi thực ra làm
như vậy là vô tình làm hỏng con mình?
Nên nhớ quỹ thời
gian của chúng ta, thế hệ thứ nhất U 55, U 60 không còn nhiều nữa! Vậy thì
chúng ta “đi Tây” nhưng đã "sướng như Tây” được hay chưa?
Trần Mạnh Thái
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.