NEW ORLEANS,
LOUISIANA – “Kìa,” ông Trần Hữu An chỉ tay về phía góc vườn.
Một tấm bạt màu xanh
da trời lấp ló giữa mớ đồ đạc hỗn độn lẫn với đất và cỏ khô. Người đàn ông 66
tuổi này bước nhanh tới và lôi nó ra trong niềm ngạc nhiên thích thú, như thể
ông vừa phát hiện được thứ gì đó đã ẩn sâu trong ký ức mà ông quên là đã từng tồn
tại.
“Chứng tích của
Katrina đó,” ông nói.
Ông Trần Hữu An bên
căn nhà trailer của mình, New Orleans, Louisiana, ngày 28 tháng 8, 2015.
Katrina. Ông không
quên. Làm sao có thể quên được? 10 năm trước tấm bạt này là mái nhà che mưa che
nắng cho ông - không chỉ riêng ông mà biết bao nhiêu người khác nữa. Những tấm
bạt phủ xanh những mái nhà khắp thành phố miền duyên hải phía nam của Mỹ bên bờ
Vịnh Mexico, nơi hứng chịu một trong những trận bão gây tổn thất nặng nề nhất
trong lịch sử nước này.
Trận cuồng phong thổi
tróc một phần mái nhà của ông An, giật sập buồng để máy giặt và máy sấy, và hất
văng hai thứ đó đi một khoảng khá xa. Những cành cây gãy nát nằm ngổn ngang
quanh nhà.
Đó là thiệt hại mà
Katrina gây ra đối với nơi ông sinh sống. Những nơi khác không được may mắn như
vậy.
Nếu không phải là
cơn ác mộng tồi tệ nhất.
Quá sức tưởng tượng
Ông Đỗ Quang Trường
bàng hoàng đứng trước nơi mà ông gọi là nhà.
Trở về lần đầu tiên
vào tháng 9 năm 2005 sau khi di tản, khoảng một tháng sau khi Katrina ập vào, cựu
chiến binh Việt Nam Cộng hòa này chứng kiến khung cảnh tan hoang chẳng khác gì
bãi chiến trường. Lần này kẻ thù là nước lụt.
Cây cối tràn hết ra
đường và bùn dày khiến ông gần như không thể lái xe được. Chiếc ca nô Sea
Chaser của ông chồm lên hàng rào và đè xuống chiếc xe hơi Corolla của vợ ông.
Bước vào trong nhà, mùi tôm cá chết “hôi không chịu nổi” xộc vào mũi. Toàn bộ
trần nhà đã sập xuống, để trơ những đà gỗ. Một cái áo phao mắc trên cái quạt trần
vẫn chưa bị nước cuốn đi. Dưới chân, lớp bùn dày tới 30 centimetre tràn ngập mọi
ngóc ngách.
Ông Đỗ Quang Trường
chỉ vào một bức hình chụp lại những thiệt hại trước nhà ông sau khi nước rút
đi, New Orleans, Louisiana, ngày 29 tháng 8, 2015.
Không có gì trong
nhà có thể xài được, ông kết luận.
Lúc đó ông mới nhận
thức đầy đủ sức tàn phá của Katrina. Cơn bão khiến nước triều dâng cao đến mức
cả hệ thống đê chắn biển của thành phố New Orleans không chịu nổi và bị vỡ. Kết
quả là 80 phần trăm thành phố ngập lụt suốt mấy tuần.
Khu Chalmette ở mạn
đông New Orleans, nơi ông Trường sinh sống, là một trong những nơi bị ngập nặng
nhất. Nhà ông chìm dưới gần 3 metre nước lụt, ngấp nghé tới mái.
Đến định cư ở New
Orleans từ những năm 1980, ông đã quá quen thuộc với những cảnh báo bão và lệnh
di tản, và gia đình ông luôn có những sắp đặt trước và sau khi chạy bão. Như những
lần khác, ông nghĩ lần này “cũng bình thường thôi.”
“Cứ nghĩ rằng bão
cũng không quá tai hại, vì vậy mà đi đồ đạc không có đem theo,” ông Trường kể lại
trong một cuộc gặp gỡ nhân kỷ niệm 10 năm Katrina vào ngày 29 tháng 8. “Không
ngờ bão quá sức tưởng tượng,” ông cao giọng, như thể vẫn chưa tin được những gì
cơn bão đã làm với căn nhà và cuộc sống của ông.
Tôm cá chết trong xe
(Chụp từ hình của gia đình)
Định mạng an bài
“Có ai ở nhà không?”
ông Trung Chính dùng loa phóng thanh hô to.
Tiếng ông văng vẳng
giữa những con đường vắng tanh chìm dưới nước lụt.
Không một lời hồi
đáp. Sự im lặng “kinh hoàng” bao trùm.
Nhưng ông vẫn lội nước
đi tiếp, tiếp tục hô lớn để thông báo sự hiện diện của ông cho những người đang
bị mắc kẹt trong nhà.
Ông Trung Chính là một
trong những tình nguyện viên chọn ở lại New Orleans để tập hợp những người Việt
Nam còn mắc kẹt về Nhà thờ Maria Nữ Vương Việt Nam.
Đó là trọng trách mà
ông quyết định phải làm tròn đối với cộng đồng. Một “định mạng an bài” theo lời
ông mô tả.
Trong những ngày tăm
tối nhất của New Orleans theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, ông Trung Chính là
tia sáng hy vọng cho hàng trăm người Việt Nam ở làng Versailles sống trong cảnh
mất điện, hệ thống thông tin liên lạc bị cắt đứt, và nước lụt đang dâng lên sau
khi đê vỡ.
Làng Versailles là
cái tên mà cộng đồng ở đây dùng để chỉ nơi họ sinh sống ở rìa phía đông thành
phố, xuất phát từ “Versailles Arms Apartment” - khu dân cư mà những người Việt
Nam tị nạn đầu tiên được tái định cư vào năm 1975.
Đứng trên bãi cỏ
xanh tươi trong khuôn viên nhà thờ, ông Trung Chính kể lại hoạt động giải cứu
mà ông và những người khác đã thực hiện 10 năm trước.
“Cha xứ ra lệnh cho
chú kêu gọi tất cả đồng bào nào sống sót trong vùng này quy tụ vào đây để cho
ngài tìm cách thông báo với các cơ quan chính quyền địa phương tới cứu,” ông
nói. “Tụi chú quy tụ vào đây khoảng độ gần 300 người Việt.”
Ông cho biết cha xứ
vào phút cuối cùng khám phá ra rằng trong số những người này có khoảng 40 bệnh
nhân và có người già không thể di chuyển được nên đã quyết định ở lại chăm sóc
cho đoàn con chiên của ngài.
Rồi ông chỉ tay về
phía một lễ đài có mái che kiên cố đằng sau nhà thờ, nơi sinh hoạt của ông và
những người khác trong những ngày bám trụ lại New Orleans năm đó.
Tất cả với ông dường
như chỉ mới xảy ra ngày hôm qua.
Nhà thờ Maria Nữ
Vương Việt Nam từ là nơi nương náu của hàng trăm người Việt Nam bị mắc kẹt trong
nước lụt ở sau Bão Katrina năm 2005, New Orleans, Louisiana, ngày 29 tháng 8,
2015.
Trở về
Mấy ngày sau khi
Katrina quét qua, những thi thể người phân hủy trên đường phố và hàng ngàn người
cầu cứu trên mái nhà thành phố, trong khi chính quyền Tổng thống George W. Bush
hứng chịu chỉ trích kịch liệt vì điều bị cho là sự ứng phó chậm trễ.
Sự tàn phá của cơn
bão đã khiến New Orleans trở nên tiêu điều và hàng trăm ngàn cư dân rời bỏ
thành phố.
Thống kê cho thấy đến
mùa thu năm 2006, dân số của New Orleans xấp xỉ khoảng 200.000 người, tức là
chưa đầy phân nửa trong số 455.000 người quay trở lại thành phố một năm sau
Katrina.
Những cuộc khảo sát
cho thấy tỉ lệ người dân quay trở về có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm sắc
dân, với cộng đồng người gốc Á (đa phần là người Việt Nam) có tỉ lệ quay trở về
vào khoảng 70 phần trăm mức trước Katrina tới thời điểm mùa thu năm 2006.
“Trong vòng hai năm
sau bão, tỉ lệ trở lại xây dựng cuộc sống của người Việt Nam có thể nói là cao
nhất so với các nhóm người dân khác ở New Orleans,” Tiến sĩ Đỗ Phương Mai của
Trường Y tế Công và Y học Nhiệt đới thuộc Đại học Tulane ở New Orleans cho biết.
Tiến sĩ Mai là một
trong những thành viên tham gia dự án KATIVA-NOLA nghiên cứu những tác động của
Katrina đối với người Mỹ gốc Việt sống ở New Orleans, Louisiana từ năm 2005 tới
nay.
“Về tác động của bão
Katrina đến sức khỏe thể chất thì hầu như không có thay đổi gì, đó là điều
tương đối ngạc nhiên đối với chúng tôi,” Tiến sĩ Mai nói. “Về sức khỏe tinh thần
thì có đi xuống trong năm 2006, nhưng khi chúng tôi đánh giá lại vào năm 2007
và năm 2010 thì sức khỏe tinh thần lại quay trở lại tương đương với mức độ trước
Bão Katrina.”
Tiến sĩ Mai cũng lưu
ý một nửa số người Việt Nam tham gia nghiên cứu báo cáo rằng thiệt hại của họ
lên tới trên 100.000 đôla.
Lý giải về kết quả
nghiên cứu này, bà dẫn ra giả thuyết là cộng đồng người Việt Nam đã trải qua rất
nhiều chấn thương tinh thần có tác động lớn hơn nhiều như những cuộc di dân từ
Bắc vào Nam năm 1954 và rời bỏ Việt Nam vào năm 1975 đến những trại tị nạn và định
cư tại Mỹ.
Kỹ sư Lê Hồng Thanh,
Chủ tịch Cộng đồng Việt Nam tại Louisiana, có chung nhận định:
“Cộng đồng người Việt
ở Louisiana có thể nói là cộng đồng đã trở về xây dựng lại nhà cửa của mình sớm
nhất so với các sắc dân khác,” ông Thanh nói. “Cái bản chất của người mình thứ
nhất là có kinh nghiệm trong chiến tranh, thứ hai là mình làm việc rất gian khổ...
mái gia đình là chuyện căn bản thành ra người nào cũng quyết tâm trở về xây
dựng lại mái gia đình.”
Ông Thanh nói thêm sự
trở về của cộng đồng người Việt Nam cũng là động lực cho những cộng đồng sắc
dân khác trở về tái thiết.
Hồi sinh từ đổ nát
Bà Hoàng Thân đã
không định quay trở về.
Mỗi năm đều chạy bão
và chỉ vài ngày là trở về, song bà không ngờ là trận bão để lại nhiều thiệt hại
như vậy. Dù không bị ngập lụt, hai tiệm may sửa quần áo và làm móng cũng như
nhà bà ở đều bị bay nóc.
“Tôi trở lại nơi tôi
ở chỉ vì tôi chỉ có một con đường,” bà Hoàng Thân chia sẻ. “Nhà tôi mất vào năm
2003, 2005 cơn bão Katrina nặng như vậy, tất cả khi chúng tôi lập nghiệp đời sống
chính trông vào cái nơi đó cho nên tôi không thể bỏ chỗ đó đi được. Tôi phải trở
về để làm lại từ đầu.”
Làm lại từ đầu. Rất
nhiều người Việt Nam ở đây đã quyết định như vậy trong đó có ông Đỗ Quang Trường.
Sau khi căn nhà của
ông bị tàn phá “không còn một cái gì,” ông quay trở lại New Orleans vì công việc
của bà xã, nhưng ổn định chỗ ở lại là một vấn đề lớn.
Không còn lựa chọn nào khác, ông bắt tay dọn dẹp lại căn nhà ngập trong bùn và bị hư hại nặng nề.
Ông Đỗ Quang Trường
đứng trong mảnh vườn to rộng sau nhà ông, New Orleans, Louisiana, ngày 29 tháng
8, 2015.
“Cũng phải hai, ba
tháng dọn dẹp nhà mới xong... Lúc đó thì có một mình làm thôi,” ông Trường nói.
“Hai cái nhà một mình tôi sửa tám tháng, tới bây giờ cũng chưa xong nữa, khoảng
chừng 80 phần trăm.”
Ông Trường nói ông
không nhận được sự giúp đỡ nào của người thân hay cộng đồng nhưng có nhận được
sự hỗ trợ của chính phủ dù không dễ dàng suôn sẻ.
Trong suốt giai đoạn
hồi phục, động lực chính giúp ông vượt qua khó khăn chính là gia đình và niềm
tin nơi Chúa.
Ở mạn tây của thành
phố, tiệm bán đồ cưới và đồ vũ hội của bà Nguyễn Phạm Dung đã khuếch trương kể
từ khi bà bỏ tiệm cũ 10 năm trước.
Bà niềm nở chào đón
khách ghé vào hỏi han. Dù tháng 8 không phải là tháng bán chạy nhất, hoạt động
kinh doanh dường như rất phát đạt.
Total loss. Mất trắng.
Từ mà bà dùng để mô tả những thiệt hại mà Katrina gây ra cho tiệm cũ của bà
cách đó không xa.
Mỗi lần có bão lớn
là bà lại phải tất tả chuyển đồ đạc đi khỏi tiệm, nhưng bà chưa bao giờ hoài
nghi quyết định quay trở về New Orleans từ Houston, Texas sau khi di tản.
“Dầu nơi này đầm lầy
nước đọng nhưng mà người ở đây ở nó có cái tình hơn ở những nơi khác,” bà Báu
nói bằng giọng trìu mến. Báu là tên của chồng mà bà dùng làm tên cho tiệm.
Rồi bà kể bà cứ nhắc
lại câu nói tâm đắc này trong những lần bà làm MC.
Gương mặt bà sáng
lên một niềm vui.
Giản dị và chân
thành.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.