Monday, August 27, 2012

Neil Armstrong: người hùng thầm lặng

image


Phi hành gia vũ trụ Neil Armstrong là người đặt bước chân đầu tiên của loài người lên Mặt Trăng vào ngày 20 tháng 7 năm 1969. Ông qua đời vào ngày 25/8 năm 2012 ở tuổi 82 do biến chứng sau khi phẫu thuật động mạch vành.

image

Sinh năm 1930 và lớn lên ở tiểu bang Ohio. Lên 6 tuổi, ông được bố lần đầu tiên cho bay cùng. Kể từ đó ông đã có niềm đam mê vô hạn với việc bay lượn trên không gian. Chuyến du hành vào không gian đầu tiên của ông là vào năm 1966 khi ông tham gia vào sứ mạng Gemini 8 của Nasa.

image

Từng là sỹ quan trong quân đội Hoa Kỳ lái máy bay chiến đấu ở Triều Tiên, sau khi xuất ngũ ông về làm việc cho Nasa. Năm 1969 ông được chỉ định làm chỉ huy phi thuyền Apollo 11 với sứ mạng bay lên Mặt Trăng.

image

Chương trình thám hiểm Mặt Trăng nằm trong cuộc chạy không gian hết sức quyết liệt giữa hai siêu cường Mỹ và Liên Xô trong những năm 1960. Bị Liên Xô qua mặt trước, Tổng thống Mỹ lúc đó là Kennedy quyết tâm đưa người Mỹ lên Mặt Trăng.

image

Armstrong đã mô tả bước đầu tiên của ông trên Mặt Trăng là 'một bước đi nhỏ của một người nhưng là một bước nhảy vọt của loài người'. Câu nói này của ông đã trở thành bất hủ. Armstrong cùng các phi hành gia trên tàu Apollo đã dành ba tiếng đồng hồ trên Mặt Trăng để thu thập các mẫu vật, chụp ảnh và tiến hành các thí nghiệm.

image

Hơn 500 triệu người trên khắp thế giới đã theo dõi sự kiện tàu Apollo 11 đáp xuống Mặt Trăng qua truyền hình. Armstrong và các đồng sự của ông trở về Trái Đất như những người anh hùng. Sứ mạng của tàu Apollo cũng kết thúc cuộc chạy đua không gian và mở đầu cho kỷ nguyên hợp tác của các nước lớn trong lĩnh vực này.

image

Chỉ sau một đêm Armstrong đã trở nên nổi tiếng toàn cầu. Tuy nhiên sau sứ mạng lịch sử, ông gần như rút lui về ở ẩn và tránh xa mọi hào quang danh vọng. Ông rời Nasa và trở về giảng dạy kỹ thuật không gian ở Đại học Cincinati ở Ohio.

image

Armstrong gần như biến mất khỏi công chúng. Lần xuất hiện đáng chú ý gần đây nhất của ông là tại Quốc hội Mỹ vào năm 2011 để nhận Huy chương Vàng Quốc hội, phần thưởng dân sự cao nhất của Mỹ. Tổng thống Obama đã ca ngợi ông 'là anh hùng của mọi thời đại.

image

Gia đình mô tả Armstrong là 'người hùng bất đắc dĩ' và kêu gọi mọi người mỗi khi nhìn lên Mặt Trăng thì hãy nhớ đến ông và gửi đến ông 'một cái nháy mắt'. Ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Mitt Romney mô tả Armstrong là có lòng dũng cảm 'không gì đo đếm được' với tình yêu 'vô bờ bến' dành cho đất nước và nói rằng Armstrong tạo cảm hứng cho ông trong suốt cuộc đời.



‘Armstrong là anh hùng của mọi thời’


image
Armstrong không bao giờ thiết đến hào quang danh vọng

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gửi lời chia buồn sau khi phi hành gia Neil Armstrong, người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng qua đời hôm thứ Bảy ngày 25/8 hưởng thọ 82 tuổi.

Trong một thông điệp trên mạng xã hội Twitter, Obama viết: “Neil Armstrong là người hùng không chỉ của thời đại của ông mà là anh hùng của mọi thời.”
Hàng trăm triệu người trên khắp hành tinh đã dõi theo những bước chân của Armstrong trên Mặt Trăng vào ngày 20 tháng 7 năm 1969.

Câu nói của ông “Một bước đi nhỏ của một người nhưng là một bước nhảy vọt của loài người” đã trở thành một trong những phát ngôn nổi tiếng nhất trong thế kỷ 20.
‘Nháy mắt với Armstrong’
Gia đình Armstrong đã xác nhận sự qua đời của ông trong một thông cáo đưa ra hôm thứ Bảy và cho biết nguyên nhân là do biến chứng sau khi phẫu thuật bốn tuyến động mạch vành bị tắc nghẽn.

Thông cáo của gia đình ca ngợi ông là một ‘anh hùng bất đắc dĩ’ và kêu gọi những người hâm mộ ông tôn vinh tấm gương ‘phục vụ, thành tựu và khiêm tốn’ của ông.
“Lần tới nếu quý vị dạo bước ngoài trời trong một đêm thanh và nhìn thấy chị Hằng đang mỉm cười thì quý vị hãy nghĩ đến Neil Armstrong và hãy nháy mắt với ông,” thông cáo của gia đình viết.

Tổng thống Obama đã cảm ơn Armstrong đã cho thế giới thấy ‘uy lực của chỉ một bước chân’.

Hồi tháng 11 năm ngoái Armstrong đã nhận được Huy chương Vàng của Quốc hội, phần thưởng dân sự cao quý nhất của Hoa Kỳ.
Rất nhiều bạn bè và đồng nghiệp của Armstrong đã tưởng nhớ ông như là một con người bình dị, kín đáo không bao giờ thiết đến danh vọng.
Michael Collins, một phi công trên phi thuyền Apollo 11 cùng với Armstrong, nhận xét: “Ông ấy là người giỏi nhất. Tôi sẽ nhớ ông ấy đến quay quắt.”

‘Luôn bình dị’

Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với truyền hình Úc trong năm nay, ông đã hồi tưởng lại một khoảnh khắc nhỏ trong ba tiếng đồng hồ trên Mặt Trăng khi ông tưởng nhớ các phi hành gia Mỹ và Liên Xô đã hy sinh vì nhiệm vụ.
“Đó là một khoảnh khắc đặc biệt khó quên nhưng nó chỉ trong chốc lát vì tôi còn có nhiều công việc phải làm,” ông nói.

Hơn 500 triệu khán giả truyền hình trên khắp thế giới đã theo dõi phi thuyền của ông hạ cánh trên Mặt Trăng.
Armstrong và đồng sự Edwin ‘Buzz’ Aldrin đã thu thập các mẫu vật, tiến hành các thí nghiệm và chụp ảnh trên Mặt Trăng.
Aldrin nói với BBC rằng ông sẽ luôn nhớ đến Armstrong như là một người ‘chỉ huy có năng lực và là người lãnh đạo một thành tựu của thế giới’.
“Chúng tôi sẽ luôn nhớ một người phát ngôn vĩ đại và một lãnh đạo của chương trình không gian,” ông nói.

Apollo 11 là sứ mạng không gian cuối cùng của Armstrong. Vào năm 1971, ông rời cơ quan không gian vũ trụ Mỹ Nasa để giảng dạy môn kỹ thuật không gian.
Các phóng viên nhận xét rằng Armstrong vẫn luôn bình dị và không bao giờ để mình dính vào hào quang của thành tựu khám phá vũ trụ.

Người đứng đầu Nasa Charles Bolden ca ngợi ông như là ‘một trong những nhà thám hiểm vĩ đại của Hoa Kỳ’.
“Chừng nào chúng ta vẫn còn sách lịch sử thì Neil Armstrong vẫn là một phần trong sử sách. Ông sẽ luôn được nhớ đến như là người đã đi bước đầu tiên của nhân loại ở một thế giới bên ngoài thế giới của chúng ta.”





BBC




Ngụm Trà Kinh Điển


image

Ăn cơm chiều xong, tôi pha bình trà “Kinh Điển” (1). Không biết ai là người đặt tên trà hay thế, chỉ nghe hai chữ Kinh Điển đã thấy như uống được cả một dòng thời gian xa xôi hàng thế kỷ từ trong ấm trà rót ra. Mang bình trà ra hiên trước, ngồi ở cái băng đặt sát tường, vừa chậm chậm uống từng ngụm trà vừa nhìn sang bên kia hồ, buổi chiều đang xuống đến chân những ngôi nhà nằm sát mặt nước. Nắng quái buổi chiều rực lóe một đường viền trong suốt trải dài chiều dọc từ phía trái sang đến ngã ba hồ bên phải, lấp lánh như ánh sáng của chùm đèn pha lê. Cái nắng buổi chiều trước khi sắp tắt sao mà đẹp thế. Chắc tại sắp tắt nên nó cố khoe hết vẻ đẹp một lần cuối.

Tôi chậm chậm uống từng ngụm trà, như uống thời gian cổ xưa, như uống không gian hiện tại hòa tan vào trong mỗi giọt trà.

Mấy hôm nay đọc báo, biết Neil Armstrong vừa trở lại mặt trăng ở tuổi 82. Lần này chàng ở lại luôn, chàng không quay về trái đất như lần đầu tiên, cách đây hơn bốn mươi năm về trước, khi chàng mới 39 tuổi. Chàng là người đầu tiên đặt chân lên hành tinh, chàng đã hãnh diện khắc ngang hành tinh với câu nói bất hủ:

“That’s one small step for a man, one giant leap for mankind.” (2)

-Đó là bước nhỏ của một con người, nhưng là một bước nhẩy vọt vĩ đại cho nhân loại.

Chàng cắm lá cờ của nước Mỹ trên mặt trăng trong xúc động và hãnh diện tột cùng. Chàng được cả thế giới coi là anh hùng của thế kỷ.

Thế sao mặt trăng lúc đó vẫn không giữ được chân chàng nhỉ? Có lẽ chàng vẫn thấy trần gian là nơi hấp dẫn hơn. Đặt chân lên mặt trăng, bước la đà trên khoảng không gian xa lạ trong bộ quần áo phi hành, nhìn ngang, ngó dọc chẳng thấy một bóng người, chẳng nghe thấy tiếng chim hót líu lo, tiếng ngựa xe di chuyển. Cái hành tinh im lặng đó chẳng quyến rũ được người đàn ông mới đi hết nửa đời người. Chàng bay trở về trần gian, đặt lại bàn chân lên mặt đất với tất cả những hệ lụy của nó.

Tôi uống một ngụm trà nữa, nắng bên kia hồ bắt đầu nhạt dần, ánh nắng yếu hẳn đi, đường viền sát hồ như nhòe ra.  Khó mà nghĩ được chỉ cách đây năm mười phút mà phong cảnh biến hóa khôn lường như thế. Như là một bờ bãi khác, một cồn sông nước khác.

Tôi nghĩ đến bộ quần áo của phi hành gia, một bộ quần áo may bằng trí óc thông minh của bao nhiêu người chập lại. Một chiếc nón an toàn trên đầu, một chiếc áo liền quần với những phần trên ngực, lưng, hai cánh tay và hai ống chân áo được may thật dầy để che chở những va chạm có thể xẩy ra. Bộ quần áo chịu đựng được cái lạnh dưới 250 độ âm (minus 250 F) và sức nóng 250 độ dương. Nó che trở thân thể phi hành gia không bị tổn thương bởi các quanq xạ trong không gian, bởi những hạt bụi li ti trên mặt trăng chuyển động nhanh hơn cả những viên đạn bắn ra, chắn cả những tia sáng quá chói chang lọt vào mắt. Ngoài ra, nó còn cung cấp dưỡng khí để thở, cung cấp nước để uống. Chưa hết, chiếc áo lót bên trong, bó sát vào người cũng được cài vào những ống nhỏ có chứa khí và nước, dung dịch này luân lưu khắp phần ngoài cơ thể để giữ cho phi hành gia mát mẻ trong khi di chuyển  lơ lửng ngoài  không gian. Trang bị kỹ càng như thế mà sao lần đó chàng vẫn không muốn ở lại. Sao chàng không bắt chước tổ phụ, làm người khai phá dinh điền (không, khai phá mặt trăng chứ), lập nhà, xây chợ, xưng vương, làm nên một giang san mới.

Tôi uống thêm một ngụm trà, nắng bên kia hồ bắt đầu tan vào trong nước, một vài đốm lửa nhỏ nhoi đã được thắp lên, hắt ra từ những ngôi nhà trong những lùm cây thấp.

Tôi tưởng tượng Neil đang trở lại nơi chàng đã đến và bỏ đi. Lần này chàng thấy gì, và điều gì đã làm chàng quyết định không trở lại trần gian nữa. Cái hành tinh chàng tới hôm nay có phải là hành tinh mấy mươi năm về trước chàng đã tới? Chàng có phân biệt được cái nào là bản chính, cái nào là bản sao. Nếu nơi trước đây chàng không thấy người, không thấy chim, không thấy bướm, không thấy ngựa xe, thì bây giờ chàng có thấy không? Tại sao lần trước chàng trở về nhưng lần này chàng ở lại.

Tôi uống thêm một ngụm trà nữa, nước trà đã bắt đầu nguội nhưng hương trà vẫn ngấm, thơm ngát trong mỗi chân răng. Ngẫm nghĩ, chắc lần này Neil đã tìm thấy một hành tinh có tất cả những điều chàng yêu thích và chàng quyết định ở lại. Hành tinh này chàng bay đến mà không cần bọc mình trong lớp áo ngày trước, lớp áo may bằng trí thông minh của bao nhiêu con người. Chàng chỉ mặc một bộ quần áo may bằng vải thường  như tất cả mọi người khác mặc, khi đi đến một chỗ trang nghiêm hay hội hè nào. Bộ quần áo chàng mặc không chống đỡ gì được cho thân thể chàng, và chàng cũng không nhất thiết cần chống đỡ gì nữa.

Tôi ngẫm nghĩ đến cái phi thuyền chàng bước lên trước hàng triệu triệu cặp mắt của thế giới và cái áo quan chàng bước vào chỉ có người thân trong gia đình và một số bạn hữu. Một cái phóng lên không gian cao vút và một cái đặt xuống lòng huyệt thấp. Cả hai cùng đưa chàng vào một hành tinh.

And when you have reached the mountain top, then you shall begin to climb.

And when the earth shall claim your limbs, then shall you truly dance. (On Death- Kahlil Gibran)

Khi anh với được chóp núi, đấy là lúc anh sẽ bắt đầu trèo
Khi mặt đất làm chủ tứ chi anh, là anh thực sự sẽ nhẩy múa


Và cái hành tinh chàng đến hôm nay, chắc chắn chàng không phải là người thế gian đầu tiên được tới đó.Thế liệu chàng có gặp ai không?

Tôi đứng lên, buổi chiều thật sự đã ra đi nhường cho đêm đến. Tôi không nhìn thấy gì bên kia hồ nữa, ngoài mấy đốm lửa nhỏ nhoi. Bình trà Kinh Điển còn lại một ngụm cuối cùng. Tôi rót xuống bên kia thành bao lơn, như rót mời xuống mặt hồ. Một hành tinh huyễn hoặc của tôi.

Không gian của phút giây này, không gian của ngàn năm trước có gì khác nhau không và tôi đang đứng ở hành tinh nào?




Trần Mộng Tú


(1) Trà Kinh Điển: Tên trên hộp trà-Một loại trà O Long.
(2) Theo các nhà nghiên cứu thì câu nói này đúng nhất là: "That's one small step for A man, one giant leap for mankind." với chữ “a” trước chữ “man” (“một người” chứ không phải “con người”). Câu nói này đã được chuẩn bị trước với sự góp ý của vợ của Armstrong. Có lúc, Armstrong thừa nhận rằng có lẽ ông đã bỏ sót mất chữ “a”. Nhưng mới đây, các nhà chuyên môn, khi phân tích kỹ băng thu âm lời nói của Armstrong, cho rằng có lẽ có chữ “a” trong câu nói nhưng quá khó nghe.


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.