Tuesday, March 29, 2016

Mơ hồ về xâm hại trẻ em

image
“Song đấu” là một chương trình gameshow đang gây được nhiều sự chú ý của khán giả truyền hình Việt Nam trong thời gian gần đây. Nội dung sân chơi là cuộc đọ sức tranh tài giữa 2 người có tài năng, sở trường giống nhau. Khán giả sẽ đánh cược bên thắng trước khi cuộc đấu bắt đầu, với sự thuyết phục từ phía 2 “thủ lĩnh” đối chọi nhau là MC Trấn Thành và danh hài Việt Hương, và đội nào thắng sẽ nhận được một khoản tiền thưởng. Để dễ hình dung, thì cuộc thi này cũng giống như một màn đấu boxing vậy.

image
Tập “Song đấu” vừa qua là cuộc đọ sức giữa em Mỹ Linh đến từ xứ dừa Bến Tre, mưu sinh bằng công việc lột vỏ dừa, và võ sư Kim Tuấn, người lập kỷ lục Guinness Việt Nam với biệt tài lột vỏ dừa bằng răng.

image
Hai bên sẽ dùng sở trường của mình để thi xem ai là người lột vỏ dừa nhanh hơn. Khi Linh kể về công việc của em, lột vỏ dừa bằng một dụng cụ chuyên dụng bằng sắt dài với mũi dao cắm thẳng ngược lên trời, được gọi là cây nầm, đã từng bị đâm vào cổ tay phải khâu 4 mũi, tôi đã thấy không khỏi băn khoăn. Đó là một công việc mưu sinh em làm thuần thục hàng ngày, nhưng điều đó hoàn toàn khác với việc em mang công việc nguy hiểm lên sân khấu để thi đấu.

Tôi đã phải tua rất nhanh, bỏ qua màn cá cược thuyết phục nhau của đám khán giả lô nhô để theo dõi cuộc đấu. Nhìn Linh nhỏ bé trong chiếc áo bà ba cầm trái dừa ấn thật mạnh, thật nhanh xuống mũi nầm, tôi chỉ sợ ngộ nhỡ em trượt chân hay trượt tay, có thể xảy ra bất cứ tai nạn đáng tiếc nào. Trong tiếng reo hò cổ vũ, từng hình ảnh lướt qua lướt lại giữa 2 bên, chỉ trong 1 tích tắc, tay Linh đã sượt qua mũi nầm. Em lập tức buông trái dừa để ôm lấy bàn tay bị thương của mình. Và cũng chỉ sau đó 1 tích tắc, với bàn tay còn lại, cùng đôi chân nhún xuống để ghim lấy trái dừa còn “đóng cọc” trên mũi nầm, em cố ấn trái dừa để tiếp tục lột trái dừa.

image
Không ai để ý đến khoảnh khắc đó. Chiến thắng thuộc về võ sư Kim Tuấn. Khi mọi người nhào lên để ôm lấy người chiến thắng, em đứng bên cạnh với khuôn mặt biến sắc vì đau.

image
Linh kín đáo giấu bàn tay ra đằng sau và nở một nụ cười nhợt nhạt khi MC hỏi về cảm nghĩ của mình.

Là đài truyền hình quốc gia, tôi không rõ những người sản xuất và đưa chương trình lên sóng truyền hình có đủ kiến thức và sự nhạy cảm về công việc mình đang làm hay không? 

image
Đem một bé gái với công việc kiếm sống lên màn ảnh để biến thành một cuộc chơi, cá cược không chỉ thể hiện sự vô văn hóa mà còn là hết sức vô cảm. Nếu gõ “child labor – lao động trẻ em” trên google, ngay lập tức hiện lên định nghĩa: Lao động trẻ em là bất cứ công việc nào ảnh hưởng đến tuổi thơ của trẻ như việc đi học, vui chơi và xâm phạm nguy hiểm tổn hại đến sức khỏe thân thể, tâm lý, xã hội của trẻ. Vậy, việc đưa Mỹ Linh – 16 tuổi, với công việc mưu sinh nguy hiểm lên truyền hình quốc gia để thi đấu có phải là sự bất nhân đến tận cùng hay không? Một xã hội mà ý tưởng văn hóa giải trí không còn gì khác ngoài những nội dung như vậy lên trình diễn nhằm thu hút người xem thì có còn là một xã hội văn minh hay không?

image
Trẻ em Việt Nam lớn lên ngây dại. Không một ai dạy các em phải biết tôn trọng chính bản thân mình, kể cả bố mẹ. Việc dùng cổng ngõ làm khu WC công cộng cho con nhỏ hay cho phép người ngoại đụng chạm vào cơ thể da thịt của chúng được coi như một thói quen, lề lối bình thường. Để lến lúc lớn lên, chính các em không hề ý thức được giá trị thân thể mình. Mới đầu ngày, bạn tôi gửi tin về thầy giáo luồn tay qua nách một nữ sinh để chỉ bài. 

image
Bài báo cùng bức ảnh được được lan truyền với tốc độ chóng mặt nhưng những lời bình luận chỉ quanh quẩn bề mặt về một hành động biến thái. Không, đó là sự xâm hại đến trơ trẽn và ghê sợ đang diễn ra trong chính môi trường giáo dục, nơi khuôn viên được cho là trong lành nhất để các em đến học hành, trưởng thành mỗi ngày.

Cũng đằng sau cánh cổng trường ấy, thầy cô cũng bất lực trong việc bảo vệ những tâm hồn nhỏ dại non nớt kia. Năm 2007, tại trường tiểu học An Hiệp, tỉnh Đồng Tháp, vì nghi ngờ em Huỳnh Thị Ngọc Trâm lấy trộm tiền quỹ lớp 47.000 đồng, chính nhà trường đã trực tiếp giao em cho công an tra hỏi em. Sau vụ đó, Trâm trở nên hoảng loạn và bị câm trong một thời gian dài.

image
Gần đây là chuyện em Nguyễn Tấn Tâm tại Quảng Ngãi uống thuốc tự tử vì bị công an huyện bắt xác nhận tội ăn trộm. Em bị bắt đi giữa giờ học. Bức thư em để lại cho gia đình bày tỏ sự oan ức, nghẹn ngào.

Trẻ em Việt đang lớn lên từng ngày bắt đầu từ lời đe dọa về một “mẹ mìn” chuyên bắt cóc ngoài đường để rồi hình thành trong các em một thế giới ngoài kia đầy rẫy hiểm nguy nhưng luôn loay hoay không biết làm sao để bảo vệ mình. Chúng ta còn tiếp tục mơ hồ và để cho các em mơ hồ về sự xâm hại ngầm đang bủa vây quanh mình mỗi ngày đến khi nào?




Hoàng Giang

image

Diễn viên hài Việt Nam bị bắt ở Mỹ
Trần Lực: bóng ma giữa ban ngày
Bí ẩn những sinh vật “nửa đực nửa cái”
Y tế Trung Cộng và khủng hoảng niềm tin
Ăn bằng tô ngon hơn ăn bằng đĩa?
Tính chính trị của sự sợ hãi
Ước mơ giàu có
Bí quyết tránh quên tên người vừa gặp
Tiền xu ném xuống các đài phun nước
Hủy hoại cuộc đời: bằng cách cho con chơi smartpho...
Kẻ gieo rắc văn hoá sợ hãi cần bị trị ra sao?
Anh Ba Sàm: lên kệ sách Amazon
Tường thuật phiên tòa Anh Ba Sàm và cô Nguyễn Thị ...
An ninh sân bay trong thời bất ổn
Vì sao ta dễ chịu khi gãi đúng chỗ ngứa?
Món lợn quay Bali 'ngon nhất thế giới'
Hộ chiếu Việt Nam thuộc loại ‘kém giá trị’ nhất th...
Ung thư: Hiểm họa toàn cầu
Nỗi sợ của con người trước ác quỷ
Chống béo phì cho các nhà sư Thái

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.