J R Traver bắt đầu bị
ngứa vào khoảng sinh nhật 40 tuổi, và đã liên tục gãi đến trầy da cho đến khi
bà qua đời 40 năm sau đó.
Nhà động vật học này
tin rằng bà và hai người phụ nữ họ hàng với mình đã bị một loại ký sinh trùng
tên là Dermatophagoides scheremetewskyi đeo bám trên da.
Sau 17 năm cố gắng
loại trừ giống ký sinh trùng sống bám trên cơ thể mình, bà thậm chí đã công bố
một nghiên cứu về tình trạng cơ thể bà bị huỷ hoạt trong một tạp chí khoa học,
Proceedings of the Entomological Society of Washington, có lẽ với mong muốn sẽ
có ai đó biết được cách chữa bệnh ngứa tồi tệ này.
Để chữa trị, bà đến
gặp các bác sĩ, bác sĩ da liễu, bác sĩ thần kinh và nhiều người ở các ngành
khác.
Bà dùng các loại thuốc
diệt ký sinh độc hại cho sức khoẻ, dùng đi dùng lại, chỉ với mong muốn diệt được
những con ký sinh đang bám trên cơ thể mình.
Dùng móng tay, bà
tìm cách cào bật chúng khỏi da mình, khiến cơ thể bị tổn thương.
Vài mẫu da bà lấy từ
chính cơ thể và da đầu được gửi cho các nhà côn trùng học.
Một bác sĩ chỉ định
điều trị tâm lý, nhưng bà đã thuyết phục được bác sĩ tâm lý rằng bà không cần
điều trị.
“Cho đến nay, chưa
có phương pháp chữa trị nào loại bỏ được bọn ký sinh trùng hoàn toàn,” bà viết.
Bí ẩn cơn ngứa
Giờ đây, chúng ta đã
biết không có bầy ký sinh trùng bí ẩn nào sống dưới da, trên da hay bên trong
cơ thể của Traver và những người họ hàng của bà trong 40 năm đó.
Bà bị mắc chứng bệnh
rối loạn thần kinh gọi là delusory parasitosis (bệnh ký sinh trùng ảo tưởng), một
tình trạng khiến bệnh nhân cố gắng truy tìm các nguyên nhân gây ra cảm giác
trên cơ thể họ, thường là cảm giác cơ thể họ đang bị tổn hại.
Câu chuyện của Traver
giống với những người bị bệnh ký sinh trùng ảo tưởng này, nhưng vẫn có vẻ là một
ca hiếm gặp.
Những phàn nàn tương
tự chiếm ít hơn 2,5% trong số thời gian điều trị của bác sĩ da liễu.
Nhưng ngứa
là một tình trạng phổ biến hàng ngày của bất cứ ai trên trái đất này.
Không ai thực sự biết
ngứa là gì.
Định nghĩa về ngứa vẫn
được hầu hết bác sĩ và nhà nghiên cứu chấp nhận đã có từ 350 năm trước, do một
bác sĩ người Đức tên Samuel Hafenreffer đưa ra.
Ông viết một cách
hơi vòng vo rằng ngứa là “cảm giác khó chịu kích thích phản xạ hoặc mong muốn
gãi”.
Nếu bạn gãi, thì cảm
giác đã kích thích phản xạ gãi đó được gọi là ngứa. Đó là một định nghĩa đáng
tin cậy, nhưng không hữu ích.
Nhìn sơ qua, có vẻ
như ngứa và cơn đau có liên quan với nhau.
Trên da có hàng loạt
các đầu dây thần kinh gọi là các thụ thể đau. Chức năng của các thụ thể đau này
là truyền thông tin về sự hiện diện của các kích thích tiềm ẩn gây nguy hiểm
trên da đến tuỷ sống và não.
Khi bị tấn công nhẹ,
các tế bào thần kinh này gây ra cảm giác ngứa, và nếu bị tấn công mạnh hơn, cảm
giác tạo ra sẽ gây đau.
Đó là giải thích
theo “thuyết cường độ”.
Nhưng cũng có một
cách giải thích khác, gọi là “thuyết đặc tính”.
Thuyết này cho rằng
một số tế bào thần kinh sẽ thể hiện cơn đau, trong khi một số tế bào thần kinh
khác tạo ra cơn ngứa, với tên thường gọi là “bệnh ngứa”. Hoặc cũng có thể có một
nhóm tế bào thần kinh cho các thụ thể đau, nhưng bằng cách nào đó các tế bào
này có thể phân biệt được các kích thích là ngứa hay cơn đau.
Ám ảnh gãi ngứa
Cơn ngứa có thể xuất
hiện thình lình vì bất cứ lý do gì.
Trước tiên là cơn ngứa
dữ dội. Đây là cảm giác chúng ta thường gặp phải, thường xuất hiện vì vài lý do
đơn giản như bị côn trùng cắn.
Rồi có loại ngứa mãn
tính, ngứa bệnh lý, thường có liên quan đến việc da bị khô, bị eczema, vẩy nến
hoặc các bệnh da liễu khác.
Bệnh u não, đa xơ cứng,
bệnh gan mãn tính, ung thư bạch huyết, bệnh AIDS, và chứng cường giáp đều gây
ra các cơn ngứa mãn tính, bên cạnh một số bệnh thần kinh.
Tiếp đến là các yếu
tố tâm lý và nhận thức gây ra cơn ngứa, nhưng không phải tất cả đều kỳ dị như bệnh
ký sinh trùng ảo tưởng mà Traver mắc phải.
Ánh ảnh cần phải gãi
ngứa có thể là biểu hiện của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Trong các ca bệnh
này, hành động gãi liên tục có thể gây tổn thương da và làm trầm trọng thêm căn
bệnh.
Cảm giác ngứa có thể
được giảm bớt bằng cách kích thích gây ra cơn đau. Cách này khiến ngứa trở
thành một triệu chứng kỳ lạ hơn.
Gãi ngứa là cách tạo
ra một cơn đau nhỏ, và cảm giác hơi đau khi ta dùng móng tay cào trên da, hay đắp
cái gì đó lạnh hoặc nóng, hoặc cay lên, hoặc một chút giật điện nhỏ có vẻ thực
sự có tác dụng giúp giảm cơn ngứa.
Nghịch lý thay, điều
này có nghĩa là các loại thuốc giảm đau có thể làm tăng độ ngứa trên người bạn.
Giữa cơn đau và cảm
giác ngứa có sự khác biệt khá rõ tuy chúng dễ bị nhầm lẫn với nhau.
Khi thứ gì đó gây
đau, cơ thể chúng ta phản ứng bằng phản xạ rút lui. Ví dụ như thử đặt tay gần
ngọn lửa nến, bạn bị đau vì nóng nên muốn rụt tay ngay lại.
Nhưng gãi ngứa lại
có xu hướng khiến bạn muốn gãi nhiều hơn, thay vì giảm dần ở khu vực bị ngứa.
Gãi ngứa thực sự tạo
ra cảm giác dễ chịu, và cho thấy phản xạ gãi ngứa có thể có nguồn gốc tiến hoá:
việc xem xét kỹ hơn và gãi nhanh sẽ giúp ta loại bỏ côn trùng trên da hiệu quả
hơn so với phản xạ rụt lại.
Gãi ngứa là cách khá
tốt không chỉ để loại bỏ côn trùng hay ký sinh trùng, mà còn loại bỏ các mẩu thực
vật hay các chất không mong muốn dính trên da hay tóc con người.
Ngứa “lây lan”
Sau đây là cơ chế của
cơn ngứa: Khi có gì đó can thiệp vào da bạn, như muỗi cắn, tế bào da tiết ra một
chất gọi là histamin.
Chất này kích thích
các thụ thể đau trên da để gửi thông điệp đến tuỷ sống. Tuỷ sống sau đó sẽ gửi
thông điệp đến một bó dây thần kinh gọi là bó tủy đồi thị (spinothalamic), rồi
truyền tới não.
Năm 2009, các nhà
nghiên cứu tiêm chất histamine để gây ngứa trên chân của con vật linh trưởng
làm thí nghiệm. Histamine là một trong những chất trung gian giữ vai trò quan
trọng trong sốc phản vệ và phản ứng dị ứng trên cơ thể người.
Trong khi đó, họ sử
dụng điện cực để quan sát xem điều gì sẽ xảy ra trong bó tuỷ đồi thị của con
linh trưởng.
Ngay khi chất
histamine được tiêm vào, các tế bào thần kinh của nó bắt đầu nóng lên và hoạt động
gấp gáp hơn.
Khi các nhà khoa học
gãi cho con vật, các tế bào thần kinh bớt nóng dần.
Điện cực cho họ thấy
hành động gãi tác động lên tuỷ sống chứ không phải lên não. (Thật vậy, không có
“vùng ngứa” trong não).
Nhưng khi gãi trước
lúc tiêm chất histamine, con vật chẳng cảm thấy dễ chịu gì. Như vậy, bằng cách
nào đó, tuỷ sống biết khi nào gãi có tác dụng, khi nào không.
Bạn có thấy ngứa
chưa? Nếu bạn cảm thấy ngứa, đó là vì ngứa cũng giống như ngáp, đều có tác dụng
lây lan.
Các bác sĩ cho biết
họ thường cảm thấy ngứa sau khi trị cho các bệnh nhân bị ghẻ.
Và các nhà nghiên cứu
có lần từng đưa ra một bài giảng về ngứa để quan sát thử họ có thể khiến khán
giả ngồi nghe cảm thấy ngứa không. Và quả thật khán giả đã bị ngứa theo.
Các camera bí mật
cho thấy khán giả ngồi gãi trong suốt thời gian nghe bài diễn thuyết này nhiều
hơn rất nhiều so với một bài diễn thuyết thông thường khác.
Cơn ngứa lây lan có
thể thấy ở loài khỉ, cho thấy về khả năng hấp dẫn cho rằng có thể đó là ưu điểm
của quá trình tiến hoá, khiến chúng ta bắt đầu tự gãi ngay khi thấy người khác
ngồi gãi.
Ngứa là thú vui?
Và hãy xem xét việc
này: gãi ngứa thường không bị coi là cơn đau và có thể hoàn toàn dễ chịu.
Trong một nghiên cứu
đăng trên tạp chí chuyên ngành da liễu, Journal of Investigative Dermatology,
vào năm 1948, bác sĩ bệnh học thần kinh George Bishop từ Đại học Y Washington
viết, “gãi ngứa một cách thô bạo có thể gây ra cơn đau ở vị trí khác có thể được
coi như một trong những thú vui tinh tế nhất”.
Và tuy điều này khiến
việc được người yêu gãi lưng là cảm giác khá dễ chịu, nhưng nó có thể gây ra vấn
đề nghiêm trọng với những người mắc các bệnh liên quan tới chứng ngứa mãn tính.
Bệnh nhân eczema cho
biết họ gãi cho đến lúc không còn cảm thấy thích thú khi gãi nữa, chứ không phải
gãi cho tới khi cơn ngứa giảm đi.
Nhà thơ người Mỹ
Ogden Nash nói rằng “Niềm vui là được gãi mọi chỗ ngứa”. Có lẽ ông đã đúng.
Jason G Goldman
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.