Đó là giờ ăn trưa một ngày thứ Ba rực nắng ở Leadenhall Market, một 'cứ điểm' của giới bia rượu làm việc trong City, khu quận tài chính của London. Chắc chắn, ở đó đã có vài tay uống mặc đồ công sở cầm cốc bia dưới bóng tòa tháp Lloyds biểu tượng, nơi đặt trụ sở của rất nhiều hãng lớn.
Theo các tường thuật gần đây, những tay bợm nhậu trong giờ ăn trưa sẽ dần không còn nữa. Vào tháng Hai, hãng bảo hiểm Lloyds khổng lồ cấm một số nhân viên đi nhậu trong giờ làm việc. Một số tuyên bố rằng lệnh cấm sẽ đánh dấu sự kết thúc của văn hóa doanh nghiệp tràn đầy bia rượu ở Anh Quốc, nhưng quang cảnh giờ ăn trưa lại cho thấy điều ngược lại.
Và đúng như nhiều người thừa nhận, vẫn còn áp lực trong nhiều ngành nghề khiến người ta phải nhậu.
Thói quen nhậu nhẹt của dân cổ cồn trắng là gì? Tôi hỏi một nhóm dân nhậu ở Leadenhall, những người đang làm việc trong ngành bất động sản và đến họp ở khu City. Họ từ chối đăng tên - giống như nhiều người khác tôi phỏng vấn trong bài báo này. Nhậu là một phần công việc, nhưng trong khuôn khổ các chính sách an sinh và sức khỏe, họ không muốn công khai thừa nhận.
Lệnh cấm của tập đoàn Lloyds "chỉ có tác dụng từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, trong giờ hành chính thôi," một người cho biết. "Nhân viên môi giới bảo hiểm đang uống nhiều hơn bao giờ hết - đó là cách để họ lấy được các hợp đồng."
Khu chợ Leadenhall ở London từ lâu nay đã là nơi tụ tập cho những ai muốn mở rộng mạng lưới quan hệ nghề nghiệp qua những chầu nhậu
Chính phủ Anh ước tính trong năm 2012 các bệnh liên quan tới bia rượu chiếm 7 -11% lý do xin nghỉ bệnh tại văn phòng. Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia, cứ một trong năm người có thu nhập cao (kiếm hơn 40.000 bảng Anh, tương đương 50.200 đô la Mỹ) nhậu ít nhất 5 ngày/tuần, so với con số chỉ một ngày mỗi tuần trong số 12 người có thu nhập thấp (kiếm ít hơn 10.000 bảng Anh).
Anne Payne, đồng sáng lập công ty Validium, hãng chuyên cung cấp dịch vụ an sinh cho người lao động, cho biết áp lực phải nhậu là nỗi lo lắng phổ biến, "đặc biệt trong một số ngành công nghiệp... ngành dược, bảo hiểm, tài chính, môi giới chứng khoán và kinh doanh... bạn vẫn sẽ nghe mọi người giờ đây thậm chí nói "nếu bạn muốn bước vào ngành này, đây là thứ bạn cần phải làm'," Payne cho biết. "Nó thực sự là áp lực khủng khiếp với mọi người."
Hannah (người từ chối cho biết tên thật vì lo sẽ ảnh hưởng tới công việc hiện tại), một cựu nhân viên phân tích tài chính, đã bỏ việc hồi năm ngoái vì việc phải nhậu nhiều đã ảnh hưởng tới sức khỏe của cô, cô nói.
"Chúng tôi phải soạn báo cáo, thường là với hạn chót rất sát - vào cuối ngày có ai đó nói 'đi uống một ly nào' và chúng tôi sẽ cười lớn, vì nó không bao giờ chỉ là một ly," Hannah nói. "Chúng tôi sẽ đi uống vào Thứ Hai, thứ Ba, thực ra là bất cứ ngày nào."
Nếu một vại bia là chìa khóa dẫn đến thành công trong sự nghiệp thì bạn rất khó lòng nói 'không' khi có đồng nghiệp rủ rê
Nói "không" là điều không thể, cô nói - không thể được với những người đứng ngay cạnh bàn làm việc thúc giục bạn đi cùng. "Bạn không thể nói không... tôi cảm thấy như thể mình phải khiến cả đội cùng vui vẻ. Tôi đã đến tuổi giữa ngoài 30, thế mà nay tôi thậm chí uống nhiều hơn thời tôi 20 tuổi." Giờ đây, khi rời khỏi văn hóa đó, cô ít khi đi uống.
Luật sư giỏi trong quán bar
Ngành luật là một ngành vẫn duy trì văn hóa đi nhậu, Payne cho biết. "Thực sự cực kỳ khó khăn để tiến thân, ngành này cạnh tranh dữ dội và mọi người sẽ làm tất cả mọi thứ và bất cứ gì để tiến triển và tìm khách hàng," bà cho biết. "Và thường điều đó gồm cả việc phải đi nhậu."
Patrick (không phải tên thật), một luật sư ở London ngoài 30 tuổi nhận ra một điều. "Tất cả các hãng luật tôi làm việc đều có văn hóa đi nhậu," anh cho biết, với điều kiện giữ kín danh tính. Một phần quan trọng của công việc anh làm là "phát triển kinh doanh", hay còn được nhắc tới bằng từ viết tắt là "BD" (business development).
"Tất cả công việc của BD là duy trì quan hệ với khách hàng cũ và cố gắng có khách hàng mới. BD coi việc ăn nhậu là chất bôi trơn xã hội, nó khiến mọi người vui vẻ thả lỏng và gắn kết," anh giải thích. "Nếu bạn không làm việc phát triển kinh doanh thành công, khả năng là bạn chẳng bao giờ có thể trở thành một luật sư thành viên trong hãng. Vì thế uống được bia rượu là điều kiện cần thiết để thăng tiến, tuy không ai nói thẳng ra."
Vì nhiều công việc và gặp gỡ được thực hiện tại quán bar, phát triển sự nghiệp trở thành việc khó khăn hơn với những người không rượu bia vì lý do tôn giáo, anh chia sẻ.
Laura Morrison, làm việc trong ngành công nghệ thông tin từ đầu những năm 2000, cho biết nhậu được xem là cách phát triển sự nghiệp. "Trước đây trong sự nghiệp của tôi, một trong những thư ký riêng kéo tôi qua một bên, khi nhận thấy tôi không uống nhiều khi làm việc, và nói 'nhìn đây, điều này hẳn sẽ xảy ra, tôi muốn cô tham gia," Morrison nhớ lại.
Người trẻ sợ nhậu?
Giờ đây cô làm việc trong ngành giúp cải thiện hành vi tại nơi làm việc cho công ty Salutem Health, một công ty chuyên tư vấn về sức khỏe công sở.
Văn hóa công ty tại nơi cô từng làm việc giờ đã thay đổi, cô tin như thế, một phần nhờ vào tác động của thế hệ trẻ hơn mới bước vào thị trường lao động.
Thế hệ thiên niên kỷ vốn đang chiếm phần lớn lực lượng lao động liệu có làm thay đổi được văn hóa đi nhậu nơi công sở không?
"Người trẻ hơn giờ đây tập trung vào sự nghiệp hơn, họ không có nhiều tiền để tiêu ở quán bar," Morrison nói. Cô cho biết, đa số những người này vẫn còn nợ khoản vay lớn phải trang trải sau những năm tháng theo học đại học. Sinh hoạt phí thì đắt đỏ hơn, trong khi lương không phải lúc nào cũng được tăng tương ứng cho các nhân viên trẻ.
"Những người trẻ mà tôi gặp coi việc nhậu nhẹt làm cạn kiệt năng suất và thời gian của họ," cô nhận định.
Các con số từ Cơ quan Thống kê Quốc gia cũng củng cố nhận định này: có chưa tới một nửa (chỉ 48%) số người trong độ tuổi 16 -24 tuổi có dùng thức uống có cồn trong tuần vừa rồi, so với con số 66% của nhóm 45 -64 tuổi.
Trong số các công ty khởi nghiệp trẻ ở Manchester, Josh Turner, nhà sáng lập 26 tuổi của công ty Stand4 Socks sản xuất vớ theo chuẩn đạo đức kinh doanh, có sử dụng bảy nhân viên, cho biết: "đồ uống có gas đang ngày càng phổ biến... và tôi không thấy đó là điều xấu. Đó là một yếu tố xã hội quan trọng. Uống bia, nước chanh hay nước lọc thì cũng chẳng có vấn đề gì." Đội làm việc của anh thường uống bia vào thứ Sáu, nhưng cũng có hoạt động gắn kết qua những thức uống lành mạnh hơn, như nước dừa.
Nếu thế hệ trẻ hơn bị ám ảnh ít hơn về việc nhậu nhẹt so với lớp người đi trước, và thế hệ thiên niên kỷ, tức những người sinh ra trong những năm 1980-1999, được cho là sẽ chiếm 75% lực lượng lao động toàn cầu vào năm 2025 - thì văn hóa đi nhậu có thể trở thành phần ít quan trọng hơn trong môi trường công việc.
Một người phát ngôn của hãng Lloyds tại London nói còn quá sớm để thấy tác động nội bộ của lệnh cấm ăn nhậu của công ty này ra sao. Tuy "một hoặc hai người" không vui vẻ gì với quy định mới này, nhưng "với đa số thi điều này không thực sự ảnh hưởng nhiều đến họ, vì đó là cách họ đã từng làm việc," người phát ngôn nói, và cho biết thêm giới trẻ gia nhập lực lượng lao động đã biết sẽ có những chính sách như vậy.
Trong khi việc chi trả bữa nhậu trưa, được tính vào tiền công tác phí, trở nên ngày càng ít hơn, nhưng điều đó không có nghĩa văn hóa ăn nhậu vì công việc đã biến mất. Nó chỉ thay đổi.
Vào cuối một ngày làm việc dài, Payne nói, "trong một số ngành, ở một số nhóm, người ta vẫn trông đợi bạn sẽ có mặt ở quán rượu."
Tim Smedley
***
Ăn nhậu ở Việt Nam
|
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.