Friday, May 5, 2017

Du Lịch . . . gần như miễn phí

image

Lời giới thiệu:

Đây là loạt bài nhằm giúp độc giả thu thập được những thông tin hữu ích cho việc du lịch khắp nơi trên thế giới mà gần như miễn phí, hay đúng hơn là với giá rất rẻ, không tốn kém nhiều như người ta tưởng. 

Các thông tin được trình bày đều là những dữ kiện hoàn toàn hợp pháp, dễ thực hiện, phần lớn là không tốn kém hay đòi hỏi người tham dự phải đóng lệ phí hay niên liễm nào, và có thể áp dụng tuỳ theo sở thích lựa chọn của mỗi người tuỳ từng giai đoạn thích hợp.

Để giúp cho bài viết được sống động và bớt khô khan tẻ nhạt, tác giả thỉnh thoảng xen vào những kinh nghiệm riêng tư của chính mình đã từng trải qua trong những chuyến du lịch được tường thuật.

KHI CÓ VÉ NHƯNG VN B T CHI LÊN MÁY BAY
“Overbooking” Hay “Denied Boarding” Là Gì?

 image

Có lẽ đến hôm nay thì hầu hết những ai có theo rõi thời sự đều đã biết chuyện về ông David Dao, tức là Đào Duy Anh, một người Việt hành nghề bác sĩ là hành khách đã gây chấn động khắp nơi trên thế giới sau khi ông bị nhân viên an ninh tại phi trường Chicago lôi kéo một cách thô bạo ra khỏi máy bay dù rằng ông là hành khách đã mua vé và được cho lên ngồi yên vị theo đúng thủ tục.

Nói tóm tắt một cách đơn giản sự việc, đây là một việc làm hết sức cẩu thả, bê bối, làm ăn thiếu chuyên nghiệp và rất đáng lên án của công ty hàng không United Airlines (và các nhân viên cũng như ông tổng giám đốc Oscar Munoz). Sự kiện ông sếp lớn của United này đã đưa ra những lời lẽ sai trái có phần kết tội oan ức cho người hành khách tội nghiệp này, để rồi trong 2 ngày hôm sau thì chính ông Munoz lại thay đổi giọng điệu để sau cùng nhìn nhận lỗi lầm của mình đã khiến cho việc bê bối này càng tệ hại hơn nữa. Vì thế nên nó đã khiến cho uy tín của hãng United bị tụt xuống bùn nhơ một cách thê thảm.

image

Không những vậy, hãng hàng không này cũng bị thiệt hại nặng nề về mặt tài chính ngay lập tức theo đúng ý nghĩa của câu “quả báo nhãn tiền”, vì chỉ trong ngày đầu tiên khi nội vụ được nổ lớn và mọi người để ý đến, giá tiền cổ phiếu của United đã bị tụt giảm mạnh khiến cho trị giá của hãng này bị thua lỗ đến gần 750 triệu Mỹ-kim. (Nhưng ít lâu sau đó thì tình hình đã tương đối ổn định trở lại, và United chỉ bị thua lỗ có khoảng 250 triệu Mỹ-kim mà thôi).

Ngay lúc ban đầu, ông tổng giám đốc Munoz đã biện minh và ca ngợi việc làm của nhân viên United là đứng đắn và hiệu quả, để rồi qua ngày hôm sau thì thay đổi giọng điệu khi thấy những hình ảnh video cùng phản ứng bực tức dữ dội từ khắp nơi lên tiếng, và qua đến ngày kế tiếp thì mới chịu lên tiếng nhìn nhận lỗi lầm của mình và hứa đưa ra những cải tổ trong nội bộ để không bao giờ xảy ra một tình trạng tương tự như vậy trong tương lai. Tuy nhiên, cũng đã có nhiều người bình phẩm rằng lời xin lỗi của ông Munoz không có vẻ gì là thành thật, hoặc có thể là “quá yếu” và “quá muộn màng” (too little, too late).

image

Dĩ nhiên, lỗi lầm của vụ tai tiếng này cũng có sự góp phần của các nhân viên công lực (trong trường hợp này là của Sở Cảnh Sát phi trường Chicago) đã có những cách hành xử mạnh tay quá đáng và không cần thiết (phải chăng là do thói quen của một vài viên cảnh sát ỷ vào vị thế quyền lực của họ), trước một đối tượng yếu kém hơn họ rất nhiều, cũng như không có khả năng để đối phó hay tự vệ. Đây là một vấn đề gây nhiều tranh cãi cũng như đã được tường thuật rất nhiều tại Hoa Kỳ trong những năm gần đây, xuyên qua những hành động ra tay mạnh bạo và quá đáng của nhiều nhân vật công lực, mà nạn nhân phần lớn là dân Mỹ đen, nghèo đói, tại một số các thành phố có đông giới thiểu số nhà nghèo này.

Đề tài này gây nhiều tranh cãi vì nói chung nhiều người vốn có ác cảm với giới Mỹ đen nên thường biện minh rằng chính các nạn nhân này là thành phần phá rối, không đàng hoàng v.v. nên mới khiến cho các nhân viên công lực phải ra tay cứng rắn để đối phó. Nhưng có lẽ ít ai chịu đặt mình trong cương vị của những người dân “thấp cổ bé miệng” này để thông cảm cho tình cảnh của họ, và đến khi chứng kiến hình ảnh của một nạn nhân khác, đó là người thiểu số gốc Việt, thì mới giật mình sửng sốt để thấy rằng quả tình có nhiều người dân đã phải chịu đựng những cách cư xử không công bằng và hợp lý chút nào.

image

Sau cùng, cũng phải nói rằng những hình ảnh và sự kiện tệ hại của vụ hãng United đã kêu gọi nhân viên công lực dùng sức mạnh tàn bạo quá đáng để lôi kéo một hành khách như ông David Đào để khiến ông phải “lỗ mũi ăn trầu” (rụng 2 cái răng, bể môi và máu me đầm đìa trên mặt, và bị chấn thương sọ não “concussion”  khiến ông quờ quạng như con thú sau khi bị hành hạ) chỉ có thể xảy ra ở nước Mỹ mà thôi chứ không có ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Bởi vì hầu hết các hãng hàng không khác trên thế giới đều phục vụ khách hàng một cách rất tốt, có lẽ không bao giờ để xảy ra một tình trạng đối xử khách hàng tệ hại như trường hợp của United lần này.

Điều trớ trêu là ở một quốc gia theo chủ nghĩa tư bản hàng đầu như Hoa Kỳ, với việc phục vụ khách hàng là phương châm đầu tiên để huấn luyện cho mọi nhân viên rằng “khách hàng bao giờ cũng đúng” (the customer is always right), các hãng hàng không ở Hoa Kỳ ngày nay đã dần dần thay đổi thái độ với các hành khách, để sẵn sàng có những cung cách đối phó chẳng lấy gì làm thân thiện, nếu không muốn nói là có đôi lúc rất khó chịu, cũng như sẵn sàng hăm doạ khách hàng một cách hết sức vô lối và lạm dụng quyền hành.

image

Điều này lại còn được sự tiếp tay của chính quyền Mỹ, với những luật lệ giành rất nhiều quyền hành cho các hãng hàng không khi tranh cãi với khách hàng về quyền lợi và trách nhiệm, nhất là trong bối cảnh nước Mỹ sau biến cố 9/11 đã khiến cho những lời nói của các cô chiêu đãi viên phi hành có thể trở thành những mệnh lệnh buộc mọi người phải nghe theo, bằng không thì các hành khách này có thể bị tống xuất khỏi máy bay, và bị câu lưu vào bót để lãnh những lời buộc tội rất nghiêm trọng (như gây rối an ninh và cản trở việc làm của phi hành đoàn).

Một chi tiết khác cũng đáng chú ý là nếu như sự kiện này không được thu hình lại từ những chiếc điện thoại di động ghi nhận tất cả diễn tiến (của một cặp vợ chồng hành khách khác cùng ngồi trên chuyến bay) để làm bằng chứng rõ ràng và xác đáng nhất không thể chối cãi được, thì có lẽ sự bực tức và giận dữ của mọi người sẽ không dâng cao như những ngày vừa qua. Và có lẽ ban giám đốc của hãng United Airlines cũng như các giới chức cảnh sát phi trường ở Chicago đã không gặp phản ứng bất lợi như vậy để có thể đưa ra rất nhiều những lời lẽ hay luận cứ để biện minh cho những hành động rất sai trái và đáng lên án của họ.

image

Đây có lẽ là một hệ quả tốt đẹp và tích cực nhất của những tiến bộ về kỹ thuật thông tin ngày nay, với Internet, Facebook, “smart phone” v.v. để người ta có thể phát tán những hình ảnh dã man này một cách rộng rãi và mau lẹ đến mọi người trên thế giới có thể nhìn thấy rõ ràng. Và có lẽ những những cá nhân hay tổ chức hoặc chính quyền làm gì sai trái cũng phải kiêng dè và nể sợ, vì họ không thể nào tiếp tục che đậy hay nguỵ biện được nữa. Và đó có lẽ cũng là động lực để cho xã hội này thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn cho mọi người, chỉ trừ những tập đoàn hay chế độ muốn dùng bạo lực hay quyền hành để bao che và khống chế đám đông thầm lặng khác.

Đây là một đề tài thời sự đáng chú ý để mọi người cùng tìm hiểu. Tuy nhiên, trong mục đích của chủ đề “Du Lịch. . . gần như miễn phí”, kẻ viết bài này xin được miễn đi sâu hơn vào đề tài để đưa ra những nhận định, phân tích, tóm lược từ nhiều phía và góc cạnh khác nhau để mọi người có cái nhìn đầy đủ, trung thực và đứng đắn nhất. Chúng tôi chỉ muốn nhân cơ hội này để trình bày thêm về một góc cạnh cũng liên quan thiết thực đến chủ đề này, đó là làm sao có thể được hưởng lợi nhiều nhất nếu xảy ra một tình trạng tương tự như các nạn nhân trong vụ tai tiếng lần này của hãng United Airlines.

image

Điều trái khoáy và có phần như mỉa mai éo le là tất cả các hành khách trong chuyến bay vừa qua của United, đi từ Chicago đến Louisville, có lẽ đều là những hành khách “du lịch . . . gần như miễn phí”. Lý do là vì trong một phản ứng gần như để tạ tội, ban giám đốc của United đã quyết định bồi hoàn lại chi phí di chuyển của tất cả những hành khách trên chuyến bay này. Và riêng với nhân vật David Đào, có lẽ là ông ta sẽ được hưởng lợi rất lớn, bởi vì ông đã được các luật sư của những tổ hợp danh tiếng đứng ra nhận lời đại diện để bênh vực ông cũng như khởi kiện công ty United và các cơ quan công lực liên hệ.

Khách quan mà nói, hầu hết các chuyên gia pháp lý đều nhìn nhận rằng sớm muộn gì thì hãng United cũng sẽ đưa ra những giải pháp thoả thuận bên ngoài toà án, thường gọi là “settlements”, để thân chủ của họ là ông David Đào chấp thuận, còn hơn là đưa nội vụ ra một toà án xét xử. Cho dù là số tiền được điều đình để trả cho nạn nhân có thể lên đến vài triệu hay vài chục triệu Mỹ-kim, nhưng có lẽ là nó sẽ còn rất thấp hơn nhiều nếu như đưa nội vụ này ra tranh luận tại toà, và khó có một bồi thẩm đoàn nào trên nước Mỹ này có thể tha thứ cho những hành động của hãng United để không đưa ra những hình phạt nặng nề hơn rất nhiều. Nhưng quan trọng hơn hết, có lẽ hãng United cũng như các hãng hàng không lớn khác tại Hoa Kỳ, như Delta và American, cũng sẽ thay đổi cung cách làm ăn của họ để đưa ra những giải pháp đối xử với khách hàng thân thiện và công bằng hơn. (Và điều này đã vừa mới xảy ra trong ngày 15/4 vừa qua, tức là chỉ có vài ngày sau vụ tai tiếng của United).

image

Trong chiều hướng này, có thể nói là công lao đóng góp của ông David Đào rất lớn trong việc thay đổi một chính sách đối xử của các hãng hàng không ở Mỹ đối với khách hàng theo chiều hướng nhân bản, công bằng và tốt đẹp hơn. Nhiều người có thể so sánh việc làm của ông, tuy cứng đầu nhưng dũng cảm, có lẽ cũng gần giống như trường hợp của bà Rosa Parks cách nay hơn nửa thế kỷ khi từ chối nghe lệnh của cảnh sát để nhường ghế ngồi cho người da trắng, để rồi bị bắt giam, và từ đó dẫn đến một làn sóng cách mạng quan trọng và mở đường cho chính sách đối xử công bằng hơn đối với mọi người tại quốc gia này.

Trong bài viết kỳ này, chúng tôi muốn khai thác sâu rộng hơn về các khái niệm “overbooking” hoặc “denied boarding” để cho mọi người cùng hiểu, để từ đó có thể làm những điều gì để tránh xảy ra cho mình, hoặc trong trường hợp bất khả kháng khi gặp phải thì cũng sẽ biết cách để biến nó thành những quyền lợi cụ thể có lợi nhiều cho mình.

“OVERBOOKING” HAY “DENIED BOARDING” LÀ GÌ?

image

Trước hết, cũng cần phải nói rõ là trong những trường hợp này, tức là khi hãng máy bay đã bán quá nhiều ghế hơn trên một chuyến bay, gọi là “overbooking” thì đương nhiên phải dẫn đến tình trạng từ chối một vài khách hàng nào đó không được lên máy bay, gọi là “denied boarding”, dù rằng họ đã mua vé từ lâu cũng như đã làm đúng những thủ tục ghi danh, thường gọi là “check-in”, đúng giờ giấc và rất sớm trước giờ khởi hành.

Tại sao lại có tình trạng “overbooking”?

Khách quan mà nói, không phải chỉ có các hãng hàng không mà gần như tất cả những cơ sở kinh doanh, thương mại nào cũng dễ rơi vào tình trạng như trên, tức là bao giờ cũng có thể bán ra nhiều hơn số vé dự trù, nếu như đó là những công ty muốn có lợi nhiều nhất. (Mà đã làm ăn thì ai lại không “hám lợi”, theo đúng như câu “phi thương bất phú”!) Điều này có thể xảy ra với một hãng máy bay, một hãng cho thuê mướn xe hơi, một khách sạn cho thuê phòng, một nhà hàng hay một rạp hát cho đặt chỗ trước, nhất là khi những cơ sở này không bắt buộc người đặt giữ chỗ phải trả đầy đủ số tiền đòi hỏi.

Lý do đơn giản là vì không ai bảo đảm rằng tất cả những người đã đặt giữ trước chỗ ngồi cho mình sẽ cùng có mặt hôm ấy. Có nhiều khách hàng có thể vào giờ chót sẽ không thể tham dự được vì nhiều lý do bất khả kháng. Trong trường hợp đó, những chỗ trống hoặc những vé đã được bán quá lố (oversold) coi như sẽ trám chỗ những người đã bỏ cuộc hoặc vắng mặt vào giờ chót này. Do đó, những cơ sở kinh doanh như các chuyến bay hoặc các phòng khách sạn sẽ không bị lỗ lã vì những chỗ trống này.

image

Nên nhớ là một chuyến bay, hay một khách sạn càng có nhiều chỗ trống chừng nào thì càng thiệt thòi chừng đó. Bởi vì khi một chuyến bay cất cánh, một vài chỗ trống sẽ khiến cho hãng máy bay thiệt thòi mất vài ngàn bạc nhưng chi phí thì không bớt được đồng nào. Đó cũng là tình trạng tương tự của một khách sạn. Và điều này giải thích vì sao mà các hãng máy bay và khách sạn sẵn sàng bán với giá rẻ nếu như họ suy đoán trước rằng những chuyến bay hoặc đêm khách sạn đó sẽ có nhiều chỗ trống. Dĩ nhiên, càng đến gần ngày thì khả năng biết rõ số chỗ trống này sẽ càng chính xác hơn nữa, và do đó giá vé sẽ tăng cao hơn nhiều nếu như số chỗ trống không còn cao nữa.

Ngày nay, đối với nhiều hãng máy bay hoặc khách sạn, họ đã đòi hỏi khách hàng phải trả tiền trước, và khách hàng có thể phải bị mất tiền hoặc phải đóng tiền phạt rất cao nếu như muốn đổi ngày giờ vào giờ chót. Do đó mức độ rủi ro của khách hàng bỏ trống vào giờ chót tương đối giảm thiểu nhiều hơn. Tuy nhiên, đối với các hãng máy bay hoặc khách sạn, cũng có nhiều khách hàng sẵn sàng trả tiền cao (hạng “first class”) vào giờ chót, và những vé này thường được miễn tiền phạt nếu như khách hàng thay đổi vào giờ chót. Do đó, hiện tượng “overbooking” vẫn có thể xảy ra, dù rằng với một tỉ lệ đã giảm thiểu rất nhiều trong thời gian qua.

TẠI SAO HÃNG MÁY BAY PHẢI ĐỀN BÙ KHI “OVERBOOKING”?

Một trong những lý do chính mà các hãng máy bay, khách sạn, hãng cho xe mướn, nhà hàng v.v. đều không ngần ngại bán vé quá khả năng là vì họ tin theo một chân lý rất đơn giản: đồng tiền cầm trong tay là đồng tiền chắc ăn nhất.

Bởi vì trong những trường hợp đó, họ đã thu tiền sẵn từ khách hàng, và có nhiều cách để “hạ hồi phân giải”. Giả sử như họ đã bán tổng cộng 102 vé trong một chuyến bay chỉ có 100 ghế, thì có những điều này sẽ xảy ra trong 3 trường hợp:

image 

1. Vào giờ chót đã có 2 người tự động rút lui, vì thế cho nên 2 vé bán dư ra coi như điền khuyết chỗ trống, máy bay cất cánh theo kiểu “sold out” rất tốt đẹp cho túi tiền của hãng máy bay, tuy rằng không thoải mái gì lắm cho hành khách. (Cũng nên nhớ thêm về một quy luật kinh tế khác: nếu như hãng máy bay cất cánh đầy hết chỗ, thì họ sẽ hài lòng và tiếp tục duy trì giá vé như vậy; còn nếu chuyến bay nào cũng có nhiều chỗ trống, thì sau đó không lâu họ sẽ bắt buộc phải tăng giá vé lên để trang trải đủ chi phí. Như vậy, trong đường dài, giá vé cho người dân sẽ tăng cao hơn nếu như không có tình trạng “overbooking”.)

2. Vào giờ chót, số người tự động rút lui hay bỏ cuộc cao hơn 2 người, hãng máy bay cũng bị thiệt thòi chút đỉnh, nhưng ít ra cũng đỡ hơn bởi vì họ đã bán dư ra 2 vé lúc ban đầu, châm chút phần nào cho những ghế trống này.

3. Vào giờ chót, đã không có ai bỏ cuộc nên có 102 người cùng có mặt nhưng máy bay chỉ có 100 chỗ mà thôi. Trong trường hợp này, nhân viên sẽ giải quyết một cách ổn thoả bằng cách đưa ra những lời chiêu dụ, đại khái như nếu ai chịu bỏ chuyến này để đi chuyến kế tiếp thì sẽ được đền bù bằng một khoản tiền nào đó, cộng với tiền ăn nhà hàng và tiền ngủ khách sạn v.v. Trong trường hợp này, hãng máy bay cũng chả thiệt thòi gì cho cam, bởi vì dù sao họ cũng đã lấy trước tiền của khách hàng rồi.

image

Để bảo vệ khách hàng, chính quyền Hoa Kỳ, qua Bộ Giao Thông, cũng đã đề ra một số những quy định đòi hỏi các hãng hàng không phải đưa ra những giải pháp đền bù được coi là thoả đáng. Chẳng hạn như chiếc máy bay kế tiếp sẽ đến trễ hơn 2 tiếng hay 4 tiếng v.v. thì hành khách sẽ được đền bù với số tiền thay đổi ra sao. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các hãng máy bay thường không đề nghị trả bằng tiền mặt, thường là không đáng kể, mà đưa ra những hình thức đền bù bằng vé máy bay, gọi là “voucher”, có trị giá cao hơn nhiều.

Chẳng hạn như trong các đường bay nội địa, hãng máy bay có thể đề nghị quý khách nào chịu từ bỏ chỗ ngồi của mình cho người khác, thì sẽ được bồi hoàn số tiền 200 Mỹ-kim hoặc một vé máy bay khứ hồi đi khắp trong nước Mỹ trong vòng 1 năm tới. Điều này có lợi cho hành khách nhiều hơn, vì họ có thể khôn ngoan biết sử dụng nó đúng lúc cần thiết trong suốt một năm trời sau đó để có thể chuyển đổi thành 1 vé máy bay đi đường xa với giá đắt đỏ hơn nhiều so với số tiền $200.

Tương tự như vậy, một hành khách đường bay quốc tế nếu như chẳng may phải nhường ghế cho người khác, và mình sẽ đi chuyến sau đó, thì cũng có thể được hãng máy bay đề nghị đền bù bằng số tiền $400 hay $600, hoặc là 1 vé máy bay khứ hồi đi bất cứ đường bay quốc tế nào của hãng này. Mọi người đều hiểu rõ là những vé máy bay quốc tế khứ hồi nhiều phần là có giá tiền mắc hơn nhiều so với $400 hay $600.

image

Do đó, trong hầu hết các trường hợp, hành khách sẵn sàng hoặc bị ép buộc phải nhường chỗ, thường gọi là “denied boarding”, luôn cảm thấy mình thật ra cũng chẳng thiệt thòi gì trong những trường hợp này, trừ khi mình không muốn nhường chỗ vì nhiều lý do riêng (như đã xảy ra với trường hợp của bác sĩ David Đào cũng như tất cả hành khách trong chuyến bay định mệnh vừa qua của United).

Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, các hãng máy bay thường tặng thêm những khoản chi phí khác, như cho ăn ở nhà hàng và ngủ đêm tại khách sạn, hoặc là sẽ giành chỗ đi hạng “first class” vào những chuyến kế tiếp v.v., để chiêu dụ khách hàng sẵn sàng nhường chỗ để được thụ hưởng các quyền lợi này. Và lẽ đương nhiên là nếu như các khoản tiền đền bù đưa ra lúc ban đầu không thu hút nhiều người hưởng ứng, thì họ có thể tăng các khoản tiền này lên, và từ đó cũng dễ thu hút nhiều người sẵn sàng tham dự hơn.

Đối với các hãng máy bay thì họ cũng chẳng thiệt thòi gì cho cam, bởi vì những khoản tiền bỏ ra cho chi phí ăn uống và chỗ ở không tốn kém to lớn như số tiền chúng ta phải trả, còn những vé đi những chuyến sau, cho dù có là ở hạng “first class” thì cũng chẳng tốn kém thực sự gì, bởi vì dù sao đó cũng chỉ là những ghế trống trên những chuyến bay (bởi vì không thể nào chuyến bay nào cũng đầy người 100%).

NẾU NHƯ SỐ TIỀN ĐỀN BÙ XỨNG ĐÁNG HƠN?

Trở về với vụ tai tiếng của hãng United vừa qua, những người nào tinh ý đều thấy rõ đó là lỗi lầm to lớn nhất của nhân viên và ban giám đốc hãng hàng không United, bởi vì họ đã bị giới hạn là không thể tăng thêm số tiền đền bù. Thoạt đầu, họ đưa ra số tiền $400, rồi không có người hưởng ứng nên tăng lên thành $800 và 1 đêm ngủ khách sạn, nhưng chuyến bay kế tiếp phải chờ đến ngày hôm sau. Do vậy có thể nhiều người thấy nó không thực sự xứng đáng, nhất là nhiều người không thể nghỉ việc một ngày như trường hợp của ông bác sĩ người Việt này cũng như tất cả các hành khách còn lại.

Giá như họ tăng số tiền đền bù lên cao hơn nữa, có thể ông David Đào này cũng chưa đồng ý nhưng nhiều phần là có thể một vài người nào đó trong số hành khách còn lại sẽ không ngần ngại chấp nhận điều kiện này, chẳng hạn như tăng lên thành $1,200 hay $1,600. Vì thế nên hãng Delta sau vụ xì-căng-đan của United đã nhanh chóng tuyên bố rằng họ có thể sẽ tăng số tiền đền bù lên đến $2,000 cho 1 vé đường bay nội địa, và có thể lên đến $9,950 cho vé máy bay đường bay quốc tế, như vậy chắc chắn là số người tham dự sẽ đông hơn nhiều.

image

Trong thực tế, vấn đề hãng máy bay tự động loại bỏ nhiều hành khách vào giờ chót vì tình trạng “overbooking” đã giảm xuống rất nhiều trong thời gian gần đây. Và một số những hành khách đi máy bay thường xuyên, và nếu hiểu biết rõ sinh hoạt và lịch trình của các chuyến bay, cũng có thể khai thác tình trạng bán lố số ghế này để làm sao nó có thể có lợi cho mình. Đó là chúng ta hãy mua các vé máy bay từ lúc sớm (để có giá rẻ) và lựa chọn những ngày giờ nào mà mình nghĩ là giờ cao điểm nhất (chẳng hạn như vào chiều Chủ Nhật) vì đó là lúc số hành khách bao giờ cũng đông, và dễ xảy ra tình trạng “overbooking” nhất. 

Trong những trường hợp này, nếu tinh ý, khi đến gần quầy “check-in” trước khi bước vào cửa máy bay, chúng ta có thể thấy các nhân viên để sẵn tấm bảng hoặc bắc loa để kêu gọi những ai tình nguyện nhường ghế cho chuyến sau và sẽ được đền bù. Có nhiều khi số người sẵn sàng ghi tên cao hơn số người cần thiết, thì hãng máy bay sẽ đền bù cho những người ghi tên đầu tiên. Một số người có kinh nghiệm về chuyện “overbooking”, như trường hợp của kẻ viết bài này, thường dễ đánh hơi chuyện này khi thấy số hành khách rất đông hơn thường lệ, cũng như khi thấy các nhân viên lầm bầm và lo lắng vì phải tìm cách đặt chỗ ghế cho khách hàng. Do đó, những hành khách này nhiều khi còn tình nguyện hỏi các nhân viên này là chuyến bay sắp tới có “sold out” hay không và có cần người tình nguyện ghi tên hay không. Trong nhiều trường hợp, khi các nhân viên lên tiếng yêu cầu, số người ghi tên đã ùn ùn giơ tay lên và chỉ những người nào đến trước mới được hưởng.

Để kết thúc bài viết kỳ này, xin đơn cử trường hợp của chúng tôi đã từng được hưởng lợi trong việc nhường chỗ vì vụ “overbooking” này rất nhiều lần trong thập niên 1980, nhất là trên các chuyến bay của hãng Frontier Airlines đi từ Denver về Houston, vì lúc đó thành phố Denver được xem như là trung tâm (hub) của hãng Frontier (không phải Frontier hiện nay).

Vào mùa hè năm ngoái, vợ chồng chúng tôi đi chơi sang California bằng vé của hãng Southwest Airlines. Vì là người có được quy chế “Companion Pass”, tức là người đi theo mình không phải trả vé mà chỉ đóng tiền thuế phi trường có $5 đồng 60 xu, chúng tôi đi từ Las Vegas về Houston với giá lúc đó vào khoảng $150 cho 1 người và người thứ nhì chỉ phải trả $5.60. Khi ra đến phi trường thì mới biết tin là máy bay chuyển đổi sang thành 1 chiếc nhỏ hơn nên xảy ra tình trạng phải loại bớt số người. Khi đứng xếp hàng để ghi tên, chúng tôi sau đó mới biết rằng mình là hai người sau cùng được hãng đền bù.

Số tiền đền bù rất xứng đáng. Hãng Southwest đã đền bù bằng các phiếu “voucher” trị giá $480 để sử dụng trong suốt 1 năm trời sau đó. Riêng cái vé của bà xã, tuy chỉ có trả $5.60, nhưng cũng được đền bù bằng một “voucher” khác trị giá đến $400. Để đánh đổi phần thưởng này, chúng tôi chỉ phải hy sinh đi một chuyến bay sau đó khoảng 3 tiếng đồng hồ. Có lẽ đây là 3 tiếng đồng hồ hy sinh đem lại trị giá cao nhất từ trước tới nay.

image

Và trong lúc ngồi chờ ở phi trường Las Vegas trong 3 tiếng đồng hồ, chúng tôi trở lại cái phòng khách “lounge” Centurion của American Express, rất sang trọng và thoải mái, để nghỉ ngơi và hưởng thụ tiếp. 
Xem ra, không phải hành khách nào bị hãng máy bay “cướp quyền” không cho đi chuyến máy bay theo vé của mình đã mua cũng bị thiệt thòi như trường hợp của ông bác sĩ David Đào kể trên.
Hy vọng là các bạn cũng sẽ được may mắn như chúng tôi trong tương lai, nếu thỉnh thoảng phải đối diện với tình cảnh “overbooking” của các hãng máy bay và khách sạn, để có thể phản ứng tích cực và thích hợp nhất trong thú vui “Du lịch . . . gần như hoàn toàn miễn phí.”




TUẤN MINH
         
Tái bút:

image

Trong một vụ điều đình để giải quyết ngoài toà án, gọi là “settlement”, có lẽ nhanh nhất trong lịch sử, ban giám đốc đã quyết định bồi thường cho ông bác sĩ David Đào một số tiền (không được tiết lộ, nhưng có lẽ rất lớn vì ông và các luật sư đã đồng ý ngay). Ngoài ra, hãng United cũng đã công bố một loạt những cải tổ khác trong cung cách điều hành của họ theo chiều hướng tốt đẹp và có lợi hơn nhiều cho khách hàng từ nay trở đi. Đúng là một vụ “tiền hung hậu cát” cho ông David Đào, nhưng cũng là cái lợi chung cho mọi người.

image 

3 cách nhìn người của cổ nhân
Thưa ông Đinh La Thăng!
Hội thảo Quốc tế tại Hoa Kỳ về tác hại môi trường ...
Giải phóng
Nguồn nước ngọt trên thế giới đang cạn dần?
Kho nhôm khổng lồ của tỷ phú Trung Cộng ở Vũng Tàu...
Bệnh Mất trí nhớ: Alzheimer & Dementia
Những điều không nên làm khi đang ở trên máy bay
Tượng đài vinh danh phi công trực thăng tham chiến...
Đất nước hình thập tự
Ánh sáng giúp con người 'nói chuyện' với Thượng Đế...
Những phép lạ màu nhiệm trong mùa lễ PHỤC SINH
Người giả tổng thống Donald Trump giống nhất
Jazz kết nối những người trẻ Mỹ - Việt
Giới khoa học kêu gọi không nên ăn tiết canh lợn
Vì sao Hoa Kỳ có chiến hạm mang tên TP Huế?
Hứa hẹn ngày ấy và bây giờ
VNCH và những định mệnh xui xẻo
Donald Trump và những lời hứa tranh cử?
Ngày 30 Tháng Tư

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.