Ngôi nhà cổ này thời trước có tên là Phương Viên, nghĩa là vườn thơm.
Vào thời kháng chiến chống Pháp, Phương Viên là nơi các chí sĩ gặp nhau để trao đổi thông tin, bàn luận các vấn đề thời sự. Trước đó nữa, Phương Viên là nơi trọ học của chí sĩ Trần Quí Cáp và Phạm Liệu.
Sau này, khi ra đỗ làm quan, cụ Trần Quí Cáp nhận cụ Trần Huỳnh Sách, con của chủ cho trọ học hồi trẻ, làm học trò. Sau khi đỗ Tiến sĩ (tức ông Nghè), cụ Trần Huỳnh Sách nhận cụ Ngô Đình Diệm làm học trò, dạy chữ Nho cho cụ Diệm…Và ngôi nhà này, chủ nhân của nó là cụ Trần Huỳnh Sách, tác giả của Cuộc Đời Và Hoạt Động Của Chí Sĩ Trần Quí Cáp. Cụ Sách cũng là người thân chinh vào Diên Khánh, Khánh Hòa, để bốc mộ thầy về quê.
Lúc đó, Pháp truy lùng ráo riết, nhưng đi qua mỗi tỉnh, khi đêm xuống, cụ Sách đã cho dựng hương áng để chí sĩ vùng đó đến viếng phần linh cốt của thầy.
Ông Lê Công Hường, cháu gọi cụ Sách bằng cậu ruột, chia sẻ: “Ông Trần Huỳnh Sách làm rất nhiều công trình, hồi đó ông nói là phong trào Cần Vương các chiến sĩ chết nhiều quá, ổng làm đài ở dưới Hội An. Ông cũng tu bổ chùa Nghĩa Trũng, rồi làm máy bơm nước thủy điện đầu tiên ở khu vực này... Nhưng giờ tui thấy chẳng ai ngó ngàng gì tới ổng hết.”
Phương Viên một thuở với đầy đủ ý nghĩa của nó, chung quanh nhà là một vườn hoa huệ thơm.
Ngôi nhà là nơi hội tụ của các trí thức yêu nước. Chủ nhà là một trong những người để tóc ngắn đầu tiên của xứ Quảng, xây dựng trường Nguyễn Duy Hiệu, trường cấp hai đầu tiên của huyện Điện Bàn, và trạm bơm thủy lợi đầu tiên trong vùng để canh tân nông nghiệp, nâng cao dân trí…
Nhưng sau 1975, mọi sự thay đổi, con cháu cụ Trần Huỳnh Sách chạy tứ tán, đất đai bị tịch thu đến tận bếp và biến thành đất tập thể.
Bà Trần Thị Phương Phỉ, cháu nội của cụ Sách, lúc đó phải dùng đến gậy gộc để đánh bất cứ ai xâm phạm đến mảnh vườn của cụ Nghè. Cuối cùng, không ai dám nhận phần đất này, hợp tác xã giao cho bà Võ Thị Khiết, con dâu, và bà Trần Thị Phương Thái, con gái cụ Nghè Sách. Nhà cụ Sách bị xếp vào diện địa chủ bóc lột, mọi sự thay đổi từ đó.
“Hồi xưa, trước năm 1975, thời kì chiến tranh nhưng con người sống yêu thương nhau và sống rất đạo đức.
Nhưng sau 1975, chiến tranh hết rồi nhưng cán bộ thì tham nhũng, chẳng ai yêu thương ai hết, nên chi tôi rất là buồn. Bởi mạnh ai nấy chèn ép người yếu. Khi đưa tôi đi làm ruộng thì họ đưa đến những cái ục dơ bẩn nhất, buộc tôi làm. Nên chi tôi thấy sau chiến tranh thì tình thương không có, tham nhũng thì nhiều, ăn mặc se sua nhưng thực sự không có gì hết,” bà Phỉ nói.
Khi chúng tôi quay những đoạn phim này, ngôi nhà cổ Phương Viên với kiến trúc kết hợp giữa nhà rường 5 gian, 28 cột bên trong và mái hiên thiết kế theo lối Gothic đã xuống cấp nghiêm trọng. Mái ngói phía trước đổ sập, cột kèo ẩm mốc, mối mọt, tường nứt. Một gia đình bề thế, chủ nhân của nó từng hết lòng vì cộng đồng, vì sự tiến bộ xã hội; một gia đình với mái ấm tam đại đồng đường một thuở bỗng trở thành dấu ấn buồn của xã hội sau một mốc lịch sử đầy biến động.
Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, có hàng triệu người vui và cũng có hàng triệu người buồn. Phương Viên đứng đó, lở lói, cô đơn và rệu rã như một dấu lặng giữa thời gian.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.