Saturday, April 28, 2012

Dân biểu Hoàng Yến 'bị gièm pha'

image

Phóng viên Ben Bland của Financial Times vừa có bài phân tích về các diễn biến liên quan tới việc Dân biểu Đặng Thị Hoàng Yến bị đề nghị bãi nhiệm. BBC tiếng Việt giới thiệu cùng quí vị dưới đây.

image

Bà có thể thành công trong việc gây dựng một gia đình giàu có nhất ở Việt Nam nhưng nữ doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến luôn biết trước rằng bước vào thế giới tối tăm của chính trị cao cấp trong nhà nước toàn trị và độc đảng là một canh bạc. Chẳng lâu sau khi bà Yến và em trai bà, ông Đặng Thành Tâm trở thành những doanh nhân kếch sù đầu tiên được bầu vào quốc hội do Đảng Cộng sản kiểm soát vào năm ngoái, họ đã bị nhiều tờ báo của nhà nước tấn công cá nhân.

image
ông Đặng Thành Tâm


Dân biểu Hoàng Yến 'bị gièm pha'

image
Mặt trận Tổ Quốc họp bất thường kiến nghị bãi nhiệm tư cách đại biểu quốc hội của bà Yến.

"Trước khi tôi quyết định tham gia Quốc hội, tôi đã biết rằng trong trường hợp xấu nhất, họ có thể cố gắng tìm cách loại tôi ra”


"Tôi sẵn sàng cho điều đó." Bà Yến nói với phóng viên Financial Times vào tháng trước.

image
Bà Hoàng Yến nói bị một số báo bôi nhọ.

Nhận xét của bà quả không sai. Vào tuần trước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan giám sát bầu cử, đã bỏ phiếu đề nghị Quốc hội xem xét việc bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội của bà do có những điểm không khớp trong hồ sơ ứng cử của bà.

"Tôi đã biết rằng trong trường hợp xấu nhất, họ có thể cố gắng tìm cách loại tôi ra"
Bà Đặng Thị Hoàng Yến

Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc cáo buộc bà không khai về việc từng ly hôn và không nói rõ chuyện đã từng vào đảng nhưng không còn là đảng viên nữa.

Mặc dù tiên liệu được khả năng bị bãi nhiệm, bà đã không cầm được nước mắt tại một cuộc họp báo vào ngày thứ Bảy tuần trước, nơi bà Yến nói bà sẽ chấp nhận bị bãi nhiệm, nếu, theo dự kiến, Quốc hội quyết định như vậy khi nhóm họp trong phiên tới đây.

image

Việc chóng lên mau xuống trong bậc thang chính trị của bà Yến, một cựu quan chức chính quyền địa phương kiếm tiền nhờ các khu công nghiệp tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên của Việt Nam vào những năm 1990, cho thấy những khó khăn lớn hơn mà Đảng Cộng sản Việt Nam đối mặt.

'Chậm hơn Trung Quốc'

Nhà cầm quyền Trung Quốc có bước đi nhanh hơn nhiều trong việc đưa doanh nhân hàng đầu vào đảng và vào chính phủ trong khi chính quyền Việt Nam tỏ ra vất vả trong nỗ lực đưa các nhóm doanh nhân kếch sù có quan hệ sâu rộng vào bộ máy chính quyền khoác cái vỏ ngoài là chủ nghĩa Mác-Lênin.

image
Bà Yến và em trai Đặng Thành Tâm được bầu vào Quốc hội Tháng Năm 2011.

Việc bà Yến và em trai của bà được bầu chọn vào Quốc hội tháng Năm năm ngoái, trong cuộc bầu cử trong đó chỉ có một vài ứng viên độc lập bị sàng lọc kỹ trước khi được phép ra tranh với ứng cử viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã được các nhà phân tích tại thời điểm đó xem là chỉ dấu của sự cởi mở ngày càng tăng trong Đảng.

Trong một đất nước mà tranh luận trước công chúng bị khống chế bởi kiểm duyệt công khai, bà Yến đã mạnh lời tấn công thực trạng tham nhũng, lãng phí tại các doanh nghiệp nhà nước và bà kêu gọi tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho khu vực tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài.

image

Nhưng việc bà bị đề nghị bãi nhiệm hiện đặt ra những câu hỏi về hướng đi của Đảng vào thời điểm khi chính phủ Việt Nam đang cố gắng thực hiện cải cách diện rộng đối với các doanh nghiệp nhà nước lún sâu vào nợ nần và kém hiệu quả cũng như nỗ lực cải cách khu vực ngân hàng.

image

"[Cuộc chiến giữa bà và những người gièm pha] là một nỗ lực để xác định luật chơi nào dành cho tầng lớp tư bản mới tại Việt Nam"
Một người làm việc cho bà Yến

Những thay đổi này là hết sức quan trọng nếu Việt Nam muốn vực dậy nền kinh tế đang bị trì trệ, tuy cũng là việc làm thách thức lợi ích nhóm trong chính phủ, trong đảng và trong cộng đồng doanh nghiệp.
"Một trong những câu chuyện chính của 10 năm qua tại Việt Nam là sự gia tăng các đại gia trong khu vực khu vực giống như tư nhân," một trong những người làm việc cho bà Yến và là một người theo dõi sát vũ đài chính trị có nhiều mảng tối cho hay.

'Rạn nứt trong Đảng'

image
Bà Yến được cho là thân cận với Chủ tịch Trương Tấn Sang.

Một số nhà phân tích nói rằng tình thế éo le của bà Yến, người chủ của Tập đoàn Tân Tạo hiện đầu tư vào các nhà máy điện, giáo dục và truyền thông, cho thấy vết rạn nứt tiếp diễn trong giới lãnh đạo đảng.

Bà Yến được nhiều người xem có quan hệ gần gũi với ông Trương Tấn Sang, người giữ ghế chủ tịch nước có tính nghi lễ vì thua cuộc trong nỗ lực hạ bệ nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

"Liệu những người này [không ưa ông Sang] có ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng hay không thì không rõ"
Giáo sư Carl Thayer

"Tôi phỏng đoán rằng sự thành công của bà làm gai mắt một số cá nhân có quyền lực, mà những cá nhân này lại không ưa ông Sang",
Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về chính trị Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc ở Canberra bình luận.

"Liệu những người này có ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng hay không thì không rõ nhưng họ tỏ ra có biện pháp trừng phạt tiếp bằng nghiệp vụ moi móc lý lịch của bà và bơm thông tin cho báo chí.",
giáo sư Thayer nói thêm.

image

Trong một email gửi tới Financial Times vào ngày thứ Bảy tuần trước, bà Yến cho biết rằng bà đã bị một số tờ báo “bôi nhọ, vu khống, và lạm dụng", nhưng bà phủ nhận có một "mưu đồ" chống lại bà.

Bà nói rằng trong khi việc khai hồ sơ ứng cử có thể không đầy đủ, bà đã không hành động thiếu trung thực vì bà không tin rằng bà cần phải khai về cuộc hôn nhân cũ hoặc thông tin từng vào đảng.

Bà Yến nói thêm rằng, nếu bị sa thải, bà sẽ tập trung vào dự án phát triển trường Đại học Tân Tạo phi lợi nhuận của bà, là trường được thành lập gần đây với sự hậu thuẫn của ông Sang, và bà sẽ tập trung vào các lợi ích kinh doanh khác của mình.

Bà Hoàng Yến: Tôi bị 'bôi nhọ, sỉ nhục'

image
Bà Yến (thứ ba từ phải sang) nói bà sẵn sàng chấp nhận việc bãi nhiệm

Nữ đại biểu Quốc hội được cho là thuộc hàng giàu nhất Việt Nam, bà Đặng Thị Hoàng Yến đã bác bỏ cáo buộc bà 'khai man' lý lịch và nói bà bị 'bôi nhọ, hành hạ và sỉ nhục' trong trả lời phỏng vấn BBC bằng thư điện tử.

Sau khi gửi các câu trả lời tới BBC sáng thứ Bẩy, bà Yến cũng đã có cuộc trao đổi với phóng viên trong nước trong cùng ngày về chuyện bà bị Mặt trận Tổ quốc đề nghị Quốc hội bãi miễn tư cách đại biểu của bà.
Bà nói bà đã gửi đơn tới Quốc hội và tuyên bố sẵn sàng quyết định bãi nhiệm nếu cơ quan đại diện của người dân đi theo hướng này.

Sau đây là phần trả lời mà bà Yến, Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo, gửi tới BBC:

BBC: Xin bà cho biết nhận xét của bà về việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đã bỏ phiếu đề nghị Quốc hội xem xét việc bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội của bà?

Bà Đặng Thị Hoàng Yến: Thật sự tôi chưa được bất cứ ai từ Mặt trận Tổ Quốc yêu cầu giải trình hay làm rõ vấn đề gì để xem xét đề nghị bãi miễn và cũng chưa có bất cứ ai thông báo cho tôi chính thức về việc bỏ phiếu, tất cả chỉ được biết thông qua báo chí, do vậy tôi chưa thể đưa ra bất cứ nhận xét gì được.

image

Cho tới nay bà đã nhận được thông tin gì từ Quốc hội về vấn đề này chưa?

Có lẽ tôi cũng như anh chỉ đọc trên các phương tiện thông tin đại chúng mà thôi.

Báo chí Việt Nam nói bà đã không khai tư cách đảng viên trong hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội? Nếu biết trước những phức tạp như hiện nay liệu bà có khai rõ chuyện đã từng vào đảng và chưa bao giờ xin ra hoặc bị khai trừ hay không?

Tôi tốt nghiệp Đại học kinh tế năm 1980 ra làm công chức nhà nước với bầu nhiệt huyết cháy bỏng bao hoài bão, ước mơ và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1985 tại Quận 5. Sau đó tôi đã quyết định sang làm kinh doanh và từ năm 1995 tôi đã không còn sinh hoạt đảng nữa, theo Điều lệ Đảng nếu không sinh hoạt và không đóng đảng phí 03 tháng thì đương nhiên không còn là Đảng viên.

"Tại thời điểm khi ứng cử Quốc hội, căn cứ vào Điều lệ ĐCSVN tôi biết rõ mình không còn là đảng viên nữa."

image

Tại thời điểm khi ứng cử Quốc hội, căn cứ vào Điều lệ ĐCSVN tôi biết rõ mình không còn là đảng viên nữa. Trong biểu mẫu Lý lịch theo quy định của Ban bầu cử chỉ có một câu hỏi: ‘Ngày vào Đảng CSVN chính thức…’, nếu tôi viết ngày vào Đảng ở đây thì đồng nghĩa rằng tôi vẫn là đảng viên, mà điều này hoàn tòan không đúng. Biểu mẫu lý lịch tại mục này chỉ có một khoảng trống nhỏ và không hề có mục nào hỏi ‘Đã từng vào đảng’.
Thực sự nếu có sự hướng dẫn chắc chắn tôi đã khai rõ điều này. Hơn nữa, tôi đã được kết nạp Đảng CSVN tại Quận 5– TP. HCM chứ có phải ở một vùng kháng chiến, chiến khu trong chiến tranh nào đâu, ai cũng có thể tìm hiểu được, làm sao có thể nghĩ đến chuyện giấu diếm hoặc né tránh?
Giả sử, không phải chỉ có một mình tôi rơi vào trường hợp này, mà có một vài đại biểu khác cũng tương tự và cũng khai như tôi, thì có thể nói: Ai ở hoàn cảnh đó với cái Biểu mẫu Lý lịch quy định của Ban Bầu cử như vậy thì đều cùng hiểu và cùng khai như nhau. Chính vì không có sự hướng dẫn và Biểu mẫu không rõ ràng nên chúng tôi có thể đã chưa đáp ứng được đầy đủ nguyện vọng của cử tri mong muốn được hiểu rõ về người đại biểu của họ, hoàn toàn khác xa với việc kết án là khai man hoặc không trung thực.

Một số báo cũng đề cập tới quan hệ của bà với ông Jimmy Trần, đây có phải là chuyện khiến bà gặp khó khăn khi là đại biểu Quốc hội?

Về mặt lý: Tại thời điểm tham gia ứng cử Quốc hội, tôi và ông Jimmy Tran đã có Quyết định cho phép ly hôn của Tòa Án Tỉnh Long An ký ngày 6/10/2010 và tại Hoa Kỳ, ông Jimmy Tran cũng đã nộp đơn xin ly hôn vào 4/8/2010, Tòa Án của Houston cũng đã tiếp nhận và xem xét giải quyết. Do vậy có thể nói về mặt pháp lý chúng tôi hoàn toàn không còn quan hệ vợ chồng.

image
"Một số kẻ có dụng ý xấu đã lợi dụng để bôi nhọ, hành hạ, sỉ nhục tôi."

Song về mặt tâm lý xã hội, tôi không phủ nhận việc này đã gây ra cho tôi biết bao điều đau đớn, nhất là việc một số kẻ có dụng ý xấu đã lợi dụng để bôi nhọ, hành hạ, sỉ nhục tôi … Tuy nhiên, điều quan trọng: Tôi vẫn là một con người có trái tim và khối óc, có nhân cách và biết sống hết mình cho công việc, tôi cũng tin rằng mình là một Đại biểu có trách nhiệm, có bản lĩnh và có dũng khí. Dù thời gian ngắn ngủi tham gia vào Quốc hội, tôi cảm thấy không hổ thẹn với chính mình và đã không phụ lòng tin của cử tri.

Có báo còn cáo buộc bà đã ‘mua phiếu’ khi đưa 500.000 đồng cho hơn 1000 cử tri? Cáo buộc này có đúng không và nếu đúng bà thấy cáo buộc ‘mua phiếu’ có hợp l‎ý không?

Nếu cho rằng một việc tài trợ vẫn thực hiện hàng năm, được lên lịch từ 08 tháng trước đó để Chủ Tịch Nước về dự trao Kỷ Niệm chương cho các 1200 cán bộ lão thành của Tỉnh Long An là mua chuộc thì có thể sẽ làm thui chột văn hóa ‘Lá lành đùm lá rách’ của dân tộc Việt Nam. Dù hiểu như vậy, song năm nay, chúng tôi đã buộc phải hủy bỏ Kế hoạch thăm tặng quà đã được lên lịch từ đầu năm… Vậy ai sẽ là người chịu thiệt thòi?
Cũng phải nói thêm rằng suốt 18 năm qua Tập đòan Tân Tạo do tôi sáng lập luôn đi đầu trong công tác làm từ thiện lên đến hàng ngàn tỷ đồng trong đó có việc giúp xóa 1000 căn nhà ổ chuột rừng U Minh, tài trợ mổ cho 1000 trẻ em dị tật bẩm sinh, xây dựng nhiều trường mẫu giáo, phổ thông trung học tặng cho các vùng biên giới, tặng hàng ngàn căn nhà tình thương tình nghĩa… và kể cả hiến tặng gần hết tài sản của tôi cho sự nghiệp giáo dục để xây dựng Đại học Tân Tạo – Đại học phi lợi nhuận theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ và cấp hàng ngàn học bổng cho các em Hoa Trạng nguyên, các em tài năng mà nghèo khó.

Theo bà đằng sau những tin trên báo chí và việc đề nghị bỏ phiếu bãi miễn tư cách đại biểu với bà có điều gì uẩn khúc không?

Nếu tôi có thể biết được điều như anh nói thì liệu tôi có thể bị rơi vào tình trạng như hiện nay???!!!!

image


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.