Saturday, April 28, 2012

Hợp tác Anh-Việt và khác biệt quan trọng

image
Ngoại trưởng William Hague gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội.

Ngoại trưởng Anh William Hague tuần này đã thăm Việt Nam trong hai ngày (24-25/04), đánh dấu chuyến công du đầu tiên của một ngoại trưởng Anh sang Việt Nam trong 17 năm.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Nguyễn Hoàng của BBC Tiếng Việt, Ngoại trưởng Hague bình luận về một số lĩnh vực thuộc phạm vi hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh Anh là một trong các đối tác chiến lược của Việt Nam.

Ngoại trưởng William Hague: Tôi vui mừng thấy thương mại song phương tăng 33% vào năm ngoái và chúng tôi muốn thương mại tiếp tục cải thiện để mang lại thịnh vượng cho hai nước và chúng tôi muốn thấy có thêm đầu tư từ Anh sang Việt nam và ngược lại. Và chúng tôi cũng bàn thảo hợp tác về một loạt các lĩnh vực khác như tội phạm có tổ chức, nỗ lực toàn cầu để đối phó với biến đổi khí hậu và giáo dục,… và tôi vui khi thấy các chủ đề này đang được tăng cường.

BBC: Doanh nghiệp Anh đã hoạt động tại Việt Nam và các công ty có ý định vào Việt Nam có những quan ngại chính gì thưa ông?

Doanh nghiệp Anh thấy tiềm năng lớn tại Việt Nam và quan hệ giữa hai nước được cải thiện. Tất nhiên là họ cũng nói về những quan ngại liên quan tới luật lệ, thủ tục, những khó khăn trong việc có được giấy phép kinh doanh. Đây là những quan ngại lớn nhất. Do đó họ muốn Việt Nam tạo môi trường dễ dàng hơn cho doanh nghiệp nước ngoài để mở công ty, mang kỹ năng và kinh nghiệm vào vì đó là chính là lợi ích cho Việt Nam. Tôi đã trao đổi những vấn đề này với giới chức Việt Nam. Doanh nghiệp Anh cũng quan ngại về mức độ tham nhũng tại Việt Nam. Giới chức Việt Nam cũng biết thực trạng tham nhũng và phải giải quyết vấn đề này và chúng tôi cố vấn cho họ cách chống tham nhũng. Do vậy tôi nghĩ rằng để Việt Nam có thể tận dụng được tiềm năng kinh tế một cách toàn diện thì họ phải giải quyết các vấn đề này.

'Thuốc giải độc'

BBC: Cơ chế chống tham nhũng của Việt Nam do các cơ quan chính phủ lập ra, giới chỉ trích nói việc chống tham nhũng khó thực hiện được một cách độc lập thưa ông?

image
Ngoại trưởng Anh William Hague và Bộ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Phạm Bình Minh (phải).

Đó tùy thuộc vào chính phủ Việt Nam quyết định làm thế nào mà thôi. Chính phủ Anh không nói là Việt Nam nên thực hiện việc điều tra tham nhũng ra sao. Chúng tôi chỉ đưa ra lời khuyên về cách chống tham nhũng được thực hiện ra sao trên thế giới, tăng cường cơ chế minh bạch và khâu chịu trách nhiệm thế nào để các vụ việc sẽ được thể hiện một cách rõ ràng hơn. Tức là càng minh bạch bao nhiêu thì người dân có thể tự kiểm tra được tiền của chính phủ được chi tiêu thế nào, các thương vụ được thực hiện ra sao và với số tiền bao nhiêu. Đó là liều thuốc giải độc tốt nhất để đương đầu với tham nhũng. Tuy nhiên là Chính phủ Việt Nam phải quyết định làm thế nào để cải thiện hệ thống của họ. Họ tự quyết định phải làm gì và làm thế nào trên chính đất nước của họ.

BBC: Thưa ngoại trưởng, ông được dẫn lời trên thông tấn nước ngoài nói rằng Việt Nam và Anh Quốc có những “khác biệt quan trọng” về nhân quyền và dân chủ? Những khác biệt này là gì vậy?

"Tại Việt Nam không có tự do biểu đạt mà ở Anh được hưởng"

Tất nhiên là có các khác biệt quan trọng. Anh Quốc là nước có dân chủ sâu rộng, là một trong những nước có nền dân chủ lâu đời nhất trên thế giới. Anh có lịch sử rất khác với Việt Nam. Việt Nam có Đảng Cộng Sản Việt Nam, là Đảng cầm quyền và không có bầu cử theo lối bầu cử của Anh. Tại Việt Nam không có tự do biểu đạt mà ở Anh được hưởng.

Do đó rõ ràng là có những khác biệt quan trọng khiến Việt Nam trở thành một trong những nước mà Anh quan ngại về nhân quyền. Tuy nhiên chúng tôi nghĩ rằng chính phủ Anh nên bàn thảo những chủ đề này. Chúng tôi có đối thoại chính thức giữa Liên hiệp Âu châu và Việt Nam về chủ đề nhân quyền. Chúng tôi tin rằng hiểu nhau đúng đắn về chủ đề này và bàn thảo chủ đề này là cần thiết, nhưng cũng không ngại ngần gì mà không nói ra là chúng ta có hệ thống chính trị khác nhau và chúng ta có thái độ khác nhau về dân chủ. Và chúng tôi hy vọng là sẽ có thay đổi theo thời gian.

'Việc nội bộ'

image
Anh đã và đang tham gia đối thoại với Việt Nam về chống tham nhũng.

BBC: Ông nói rằng Anh muốn gây ảnh hưởng tới Việt Nam đi theo hướng tích cực về nhân quyền. Tuyên bố chung về Thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt-Anh nói quan hệ hai nước sẽ được xây dựng vững chắc dựa trên các giá trị chung bao gồm cả nhân quyền nhưng có nói về điều được gọi là không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, điều này nên được hiểu thế nào?

Chắc chắc là chúng tôi không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Chúng tôi tin vào các giá trị phổ quát về dân chủ và chúng tôi giúp Việt Nam và làm việc với Việt Nam. Do vậy có thể xem là chúng tôi không can thiệp mà là tham gia khi có lời mời từ phía Việt Nam, để đưa ra các biện pháp chống tham nhũng chẳng hạn, đó là một ví dụ dễ thấy. Do đó có nhiều cách để bàn thảo những khác biệt này và giải quyết các chủ đề này mà không bị xem là can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

BBC: Việt Nam xử và tuyên án tù cho những người có hoạt động mà chiểu theo Bộ Luật Hình Sự của Việt Nam là tội tuyên truyền chống nhà nước hoặc tội tham gia hoạt động nhằm lật đổ chính quyền. Ông nhận xét gì về các điều luật này?

Thì đó là việc cho thấy có những khác biệt và chúng tôi có báo cáo hàng năm tại Anh về nhân quyền trên toàn cầu và Việt Nam thường nằm trong danh sách mà chúng tôi gọi là nước có quan ngại do chính vì những điều mà ông vừa nói. Do đó chúng tôi không chỉ không đồng ‎ý mà chúng tôi còn công bố những bất đồng này. Chúng tôi muốn thế giới chú ‎ý về việc này. Tuy nhiên chúng tôi không chỉ làm như vậy mà chúng tôi cũng làm dịu căng thẳng trong quan hệ với Việt Nam và đó là một trong những cách để khuyến khích thay đổi tích cực trong xã hội và trong hệ thống chính trị Việt Nam.

An ninh Biển Đông

image
Anh và Việt Nam tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng.

BBC: Một trong các chủ đề đang được theo dõi sát trong vùng là tranh chấp chủ quyền tại Biển Nam Trung Hoa, theo cách gọi của Trung Quốc, hay Biển Đông theo cách gọi ở Việt Nam. Trung Quốc dường như muốn giải quyết tranh chấp theo khuôn khổ song phương nhưng Việt Nam lại không coi đó là sự lựa chọn. Anh Quốc dường như muốn thấy tranh chấp này được giải quyết theo luật quốc tế phải không thưa ông?

Tất nhiên đây là chủ đề quan trọng cho giao thương vì phân nửa hàng hóa trên thế giới được vận chuyển qua Biển Nam Trung Hoa và duy trì tự do hàng hải cũng như hòa bình và an ninh trong khu vực là quan trọng. Đúng là quan điểm của chúng tôi là muốn thấy chủ đề này được quản lý và giải quyết một cách hòa bình theo luật quốc tế và đó cũng là lập trường của đa số trên thế giới. Chúng tôi không thể bằng cách này hay cách khác đứng về một phía nào đó trong tranh chấp riêng lẻ nào trong khu vực này. Và chúng tôi cũng như các nước bạn trong toàn khu vực muốn theo hướng đó.

"Chúng tôi không thể bằng cách này hay cách khác đứng về một phía nào đó trong tranh chấp riêng lẻ nào trong khu vực"

BBC: Hoa Kỳ, đồng minh gần gũi nhất với Anh Quốc, sẽ không bán vũ khí sát thương cho Việt Nam cho tới khi Hà Nội thực hiện điều Washington gọi là cải thiện thực trạng nhân quyền. Tuy nhiên Việt Nam được báo chí đưa tin là tìm kiếm nhà cung cấp từ những nơi khác. Vậy ông có nghĩ rằng các công ty vũ khí của Anh có cơ hội hay không?

Chúng tôi chưa bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Anh có những tiêu chí kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu vũ khí. Việc kiểm soát này được áp dụng tại toàn Liên hiệp Châu Âu và đặc biệt chặt chẽ tại Anh. Do đó tôi không nghĩ rằng có việc Anh sẽ lấp lỗ hổng mà Hoa Kỳ có với Việt Nam về vũ khí. Đó không phải là cách tiếp cận của chúng tôi.

BBC: Được biết ông có cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Công An. Tội phạm có tổ chức và thực trạng buôn người liên quan tới công dân Việt Nam và công dân Anh gốc Việt gây quan ngại cho Anh ở mức nào?

Đúng là Anh có quan ngại về chủ đề này và tôi vui mừng thấy có tiến bộ trong việc hợp tác giữa chúng tôi và phía chính phủ Việt Nam liên quan tới buôn người, tội phạm có tổ chức và nhập cư lậu. Tôi có cuộc thảo luận hữu ích với Bộ trưởng Bộ Công An Việt Nam và chúng tôi tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này và hợp tác như vậy là có lợi cho cả hai nước.

'Chuyến đi hữu ích'

image
Đại sứ Anh (trái) tháp tùng ngoại trưởng Anh gặp Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.

BBC: Ông đã gặp Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản và Thủ tướng Chính phủ, và ông có buổi tiếp xúc với giới trẻ Việt Nam tại Hội đồng Anh ở Hà Nội. Ông thấy sự khác biệt về mối quan tâm và ‎ý thức hệ giữa các thế hệ này ra sao?

"Ngoại giao là đối thoại với những người có quan điểm khác mình cũng như với những người cùng quan điểm."

Cuộc gặp của tôi với giới trẻ tại Hội đồng Anh không phải là về chủ đề đó mà để nói về cơ hội giáo dục. Hiện có 7000 học sinh và sinh viên Việt Nam tại Anh. Đó là cách rất quan trọng để họ có được giáo dục tốt và hiểu biết rõ hơn về những gì đang xảy ra tại những nước khác và cũng là cơ hội để họ trải nghiệm sự khác biệt này. Thủ tướng Anh gần đây lập Quỹ Đối tác Trí thức Anh-Asean để hỗ trợ cho hoạt động giáo dục giữa Anh và Việt Nam. Và đây là lĩnh vực cho thế hệ mới xây dựng tình hữu nghị giữa hai nước.

BBC: Và trong cuộc gặp với ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Tấn Dũng thì các chủ đề được coi là “nhạy cảm” (đối với Việt Nam) như nhân quyền chẳng hạn có được trao đổi ở cấp đó hay không thưa ông?

Có chứ, chúng tôi có trao đổi theo cách làm sao để bàn luận được hữu ích. Chúng tôi trao đổi về nhân quyền, nhu cầu cần có sự minh bạch, tăng cường khâu chịu trách nhiệm, biện pháp chống tham nhũng, cũng như cách tăng cường mậu dịch và giáo dục. Hai bên đều không ngại ngùng gì khi trao đổi các chủ đề này. Tôi nghĩ rằng đây là chuyến đi hữu ích và có những cuộc trao đổi thẳng thắn để bày tỏ quan điểm.

Tôi nghĩ rằng Anh sẽ tăng cường chuyến đi của các bộ trưởng của Anh sang Việt Nam để hợp tác trong các lĩnh vực vừa kể. Bất chấp những khác biệt giữa hai phía thì cần phải gặp gỡ để trao đổi. Ngoại giao là đối thoại với những người có quan điểm khác mình cũng như với những người cùng quan điểm. Và tôi thấy làm việc đó tại Việt Nam trong chuyến đi này là rất hữu ích.




Nguyễn Hoàng

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.