Một chiếc iPhone nạm
kim cương sẽ tốn của bạn 95 triệu đôla, thế nhưng nếu những chiếc iPhone xa xỉ
như vậy nằm ngoài tầm với của bạn, đừng buồn, vì mỗi chiếc điện thoại thông
minh đều chứa các kim loại quý như vàng, bạc, đồng, bạch kim và palladium.
Đây không chỉ là những
chi tiết thú vị về thiết bị điện tử không bao giờ rời xa bạn nửa bước.
Những kim loại quý
này đang ngày càng trở nên quý hiếm vì chúng ta đang đối diện với nguy cơ không
còn khả năng khai thác chúng từ lòng đất. Điều này cũng đủ để thấy chiếc điện
thoại thông minh của bạn có giá trị nhiều hơn bạn nghĩ.
Giá trị tiềm ẩn của
những kim loại quý bên trong thiết bị điện tử cũ của bạn, và cách tốt nhất để
tách chúng ra, là chủ đề được thảo luận tại Hội thảo Những Ý tưởng Thay đổi Thế
giới của BBC Future tại Sydney vào tháng 11 năm 2016.
Chiếc điện thoại
thông minh của tôi có những gì?
Các điện thoại cũ là
những két sắt tí hon chứa các loại kim loại và khoáng sản quý.
Một chiếc iPhone thường
chứa khoảng 0,034 gram vàng, 0,34 gram bạc, 0,015 gram palladium và chưa đến một
phần nghìn gram bạch kim. Nó cũng chứa những loại kim loại ít giá trị hơn như
nhôm (25g) và đồng (khoảng 15g).
Đó chỉ mới là bắt đầu.
Các điện thoại thông minh cũng chứa các loại đất hiếm, vốn có rất nhiều trên
Trái Đất nhưng tốn rất nhiều tiền để khai thác như yttrium, lanthanum, terbium,
neodymium, gadolimium và praseodymium.
Bên cạnh đó, nhựa,
kính, pin... cũng nằm trong danh sách những nguyên liệu dài dằng dặc.
Tất cả những nguyên
liệu này đều chiếm một tỷ lệ khá nhỏ bên trong chiếc điện thoại. Thế nhưng ngày
nay có khoảng hơn 2 tỷ người đang sử dụng điện thoại thông minh và con số này
được dự đoán sẽ tiếp tục tăng.
Bên cạnh đó, mật độ
của những nguyên liệu này trong các điện thoại, ví dụ như vàng và bạc, cao hơn
rất nhiều so với mật độ trong các quặng có trọng lượng tương đương.
Một tấn iPhone sẽ có
tổng lượng vàng cao hơn 300 lần so với một tấn quặng vàng và có lượng bạc cao
hơn 6,5 lần so với một tấn quặng bạc.
Vì sao chúng ta cần
quan tâm?
Hai tỷ người sử dụng
điện thoại thông minh nâng cấp lên điện thoại mới sau khoảng 11 tháng.
Điều này đồng nghĩa
với việc điện thoại cũ của họ bị vứt vào một góc nào đó và rơi vào lãng quên.
Chỉ 10% trong số này được tái chế. Chúng thực sự là những mỏ vàng đang ẩn mình
trong những chiếc hộp, kệ tủ.
Trong thời đại ngày
nay, khi mà ngày càng nhiều tài nguyên đang trở nên khan hiếm, việc tránh lãng
phí những nguyên liệu này sẽ giúp mang lại lợi ích cho môi trường cũng như cho
nền kinh tế.
Hàm lượng kim loại
quý trong từng chiếc điện thoại khá nhỏ. Thế nhưng việc khai thác những kim loại
này từ điện thoại sẽ trở nên hấp dẫn hơn ở một quy mô lớn: Một triệu chiếc điện
thoại có thể mang lại 16 tấn đồng, 350kg bạc, 34kg vàng và 15kg palladium.
Thách thức ở đây là
làm sao để khai thác những nguyên liệu này một cách an toàn và tiết kiệm.
Một lượng lớn những
rác thải công nghệ, trong đó có điện thoại di động, được chuyển đến những nước
như Trung Cộng, nơi chúng được tháo gỡ bằng những phương pháp kém an toàn.
Quý Tự, một thị trấn
thuộc tỉnh Quảng Đông ở phía đông nam Trung Cộng, được mệnh danh là bãi rác thải
công nghệ lớn nhất trên thế giới. Điều này đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng
cho cư dân ở đây và khiến cho đất đai, nguồn nước, không khí bị ô nhiễm.
Các thiết bị điện tử
chứa nhiều kim loại quý và đất hiếm, nhưng đa phần việc phân tách chúng được
thực hiện ở những nơi ô nhiễm như tại Quý Tự, Trung Cộng.
Ngay cả việc tái sử
dụng rác thải công nghiệp ở chính quốc gia tạo ra chúng cũng mang lại nhiều
thách thức.
Tại Úc, việc tái chế
rác thải công nghệ yêu cầu quy trình nấu chảy ở quy mô công nghiệp, vốn rất tốn
kém và cũng không hề thân thiện với môi trường.
Có cách nào khác tốt
hơn không?
Tất nhiên là có.
Cách tốt nhất là tránh đổi điện thoại thường xuyên. Thế nhưng có lẽ đây cũng là
cách thiếu thực tế nhất. Vì vậy, chúng ta cần có những cách tốt hơn.
Nhà khoa học về chất
liệu, Veena Sahajwalla, từ Đại học New South Wales, đang từng bước tìm giải
pháp cho vấn đề toàn cầu này.
Sahajwalla, người đại
diện cho sự kiện của BBC tại Sydney vào tháng 11 năm 2016, cho rằng cần có những
'nhà máy cực nhỏ', với khả năng tách rời các kim loại quý từ điện thoại một
cách vệ sinh và hiệu quả, và nung chảy những thành phần còn lại.
Phương án của bà tập
trung vào việc giảm thiểu sự tiếp xúc giữa con người với những vật liệu nguy hiểm
bên trong điện thoại thông minh.
Những bảng mạch điện
tử có thể được tách rời bởi những cánh tay robot, sau đó được đưa vào một lò
luyện kim có chức năng sử dụng những phản ứng chính xác ở nhiệt độ cao để tách
rời các kim loại quý. Tất cả những thành phần độc hại hoặc không còn giá trị sử
dụng có thể được tiêu huỷ một cách an toàn.
Những nhà máy siêu
nhỏ này sẽ có kích cỡ bằng một container tàu biển, và chúng có thể tạo nên cơ hội
kinh doanh cho những ai muốn khai thác vàng từ rác thải công nghệ.
Biết đâu, nếu làm
công việc này đủ lâu, bạn có thể tự tạo ra cho mình một chiếc điện thoại thông
minh nạm vàng hoặc kim cương.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.