Không thích đến nha
sĩ, đó là lẽ thường. Phần lớn mọi người đều lo sợ khi phải đến nha sĩ, một
nghiên cứu ở Hà Lan cho hay 24% người lớn sợ điều này. Hơn nữa, một số lớn người
sợ chữa răng và chỉ đến khi thực sự cần thiết. Vì vậy có thể giải thích vì sao
92% người trưởng thành ở Mỹ có răng bị sâu.
Nhưng cũng có tin tốt
lành trước mắt, một nghiên cứu gần đây cho thấy chẳng mấy mà chúng ta có thể lấp
các lỗ sâu răng bằng các mô sống lành mạnh và cho răng một cơ hội thứ hai.
So sánh với các loài
khác, có thể bạn nghĩ loài người chúng ta không may mắn vì phải phụ thuộc
vào một bộ răng vĩnh viễn trong gần hết cuộc đời. Những người say mê cá mập đã
quen với việc cá mập có số bộ răng vô hạn trong suốt cuộc đời nó. Những người
có chứng sợ cá mập có thể sẽ đặc biệt cảm thấy hãi hùng khi biết rằng cá mập có
các hàng răng non dưới lớp da chờ thay thế răng đang hoạt động, rồi rụng và
thay thế răng 3 tuần một lần, việc này làm các chuyên gia tin rằng đáy biển
vương vãi toàn răng cá mập.
Vậy nếu cá mập, và
phần lớn loài bò sát và lưỡng cư có thể thay răng trong một đời, thì tại sao
loài người và phần lớn động vật có vú lại chỉ có 2 bộ răng?
Abigail Tucker, một
giáo sư về phát triển và tiến hóa của King’s College London, nói rằng đã có sự
chọn lọc cân đối giữa sự phức tạp của răng với số lượng bộ răng mà loài vật có.
Do loài có vú có khả năng nhai, nghĩa là nó có thể nghiền răng đi ngang sang
hai bên (xem bò hoặc ngựa ăn) nên răng chúng ta đã phát triển các bộ răng phức
tạp với các đỉnh chỏm, ụ mấp mô, của hình dáng răng. Trong khi răng nanh, mỗi
răng chỉ có một đỉnh chỏm, thì răng tiền hàm mỗi răng có có 2 đỉnh chỏm, răng
hàm mỗi răng có 4-5 đỉnh chỏm.
“Độ phức tạp có liên
quan đến loại thức ăn, loài ăn tre có răng phức tạp nhất,” bà nói. “Loài như gấu
trúc lớn hoặc vượn cáo ăn tre có răng hàm phức tạp với rất nhiều đỉnh chỏm để
chúng có thể nhai và nghiền mô thực vật cứng. Do vậy các răng chúng trông tương
tự như nhau mặc dù răng chúng hoàn toàn không liên quan đến các động vật có vú
khác.”
Có những thí dụ lý
thú về động vật với khả năng duy nhất về răng. Cá piranha có răng dính liền khối
trông giống như một loại dao sắc. Khi răng rụng, nó mất đi mỗi lần một vành 1/4
vòng tròn, và phải dựa vào 3 vành còn lại để sống trong khi đợi vành răng mới mọc
ra.
Trong khi loài có vú
chỉ hạn chế điển hình ở 2 bộ răng (một bộ răng sữa và một bộ răng trưởng thành)
thì một số loài có vú giữ được khả năng tạo thêm răng hoặc đã tiến hóa để có
răng trở lại. Chẳng hạn loài lợn biển vẫn tiếp tục tạo ra răng mới ở cuối miệng
trong suốt cuộc đời chúng.
Những loài vật khác
chỉ có một bộ răng, nhưng răng chúng mọc liên tục, kể cả loài vượn cáo nhỏ và
loài gậm nhấm như chuột chù và chuột nhắt. “Loài gậm nhấm và thỏ điển hình có một
quần thể tế bào gốc ở đáy răng để tạo ra ngà răng và men răng. Đó là sự thích
nghi để ăn thức ăn cứng rắn,” Tucker nói.
Chắc rằng loài người
sẽ không bao giờ tiến hóa để có hơn 2 bộ răng vì sự tiến hóa đòi hỏi rằng những
khác biệt ảnh hưởng đến việc thế hệ sau có sống được hay không. Nhưng cũng đúng
là chúng ta cũng đang tiến hóa về mặt nào đó, các chuyên gia tin rằng ngày càng
có ít người có răng khôn, tức răng hàm thứ 3 mọc khi ta đã trưởng thành và
xương hàm đã phát triển đầy đủ.
“Ta ăn thức ăn mềm
đã được nấu chín nên không cần có răng khôn. Ngoài ra, xương hàm ta bé dần và
không còn chỗ,” Tucker nói. “Vì vậy tỷ lệ những người không có răng khôn ngày
càng cao, khoảng 20%.”
Chúng ta có thể sẽ
không bao giờ tiến hóa để có bộ răng thứ 3, nhưng điều này không ngăn cản các
nhà khoa học tìm cách thay thế răng rụng bằng răng sống. Phòng thí nghiệm của
King’s College London đã cấy thành công răng sinh học cho chuột. Bằng cách sử dụng
mô lợi của người và tế bào tạo răng của chuột, người ta đã có thể làm mọc được
răng, có ngà và men răng, ở chuột. “Điều phi thường là mầm răng được cấy này có
thể tự điều chỉnh để hình thành và thu hút mạnh máu ở các mô xung quanh để tạo
nên một răng sống,” Tucker nói.
Một trong những
thách thức của liệu pháp điều trị ở người, bà nói, là việc nuôi tế bào gốc
trong ống nghiệm nên chúng dễ mất tính hiệu nghiệm.
Các quan điểm khác gần
đây tập trung tìm cách để răng tự nó chữa lành. Ruchi Sahota, một nha sĩ ở
California và người phát ngôn của Hội Nha Khoa Mỹ, có đề nghị ta hình dung cấu
tạo răng như một quả táo. “Men bảo vệ răng là vỏ táo, ngà răng là phần bên trong
táo.
Thần kinh răng là hạt táo,” bà nói. “Lỗ thủng hay được tạo ra ở men răng.
Khi nó thủng tới ngà răng, ta phải tới nha sĩ để hàn lại. Khi nó tới thần kinh,
ta cần phải điều trị diệt tủy.”
Một công ty có tên
là Reminova đang chuẩn bị đưa ra thị trường một cách xử lý mới. Cũng dựa trên
nghiên cứu của King’s College London, kỹ thuật này sử dụng dòng điện không gây
đau để kích thích khoáng hóa men răng ngay khi chớm biểu hiện sâu răng.
Những phương pháp
khác là dùng các tế bào ở trong răng để chữa lành lỗ thủng (đã xuyên qua lớp
men) bằng cách kích thích tạo ra ngà răng, tức mô can xi phía trong răng.
Nghiên cứu gần đây được đăng tải, thí dụ trên tạp chí Science Translational
Medicine, thấy rằng điều trị hở tủy răng ở chuột với ánh sáng laser yếu trước
khi lấp lỗ hổng có thể kích hoạt tạo ra ngà răng.
Ở một cách giải quyết
khác, các nhà nghiên cứu của hai Đại Học Nottingham và Harvard đang phát triển
một vật liệu sinh học điều trị có thể hàn lành lỗ hổng, và can thiệp trước khi
phải diệt tủy. Vật liệu này có thể kích thích một loại tế bào gốc đặc biệt
trong mô tủy răng để chúng tương tác với các vật liệu khác (mà chúng tạo một loại
tế bào sản sinh ra ngà răng).
“Vật liệu này có thể
được tiêm tiếp cận với mô tủy răng và được làm cứng bằng tia cực tím để tạo thành
một loại nhựa,” Adam Celiz, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ đang làm nghiên cứu
này, nói. “Những tế bào sẵn ở đây sẽ tương tác với chất nhựa và biến thể thành
một loại tế bào khác tạo được ngà răng. Do vậy chúng ta hy vọng sẽ khôi phục được
lớp ngà răng để răng hồi sức lại, nghĩa là không phải diệt tủy răng.”
Phòng bệnh là cốt yếu
Tất nhiên nha sĩ sẽ
bảo bạn điều cốt yếu là đề phòng không để có lỗ thủng, bắt đầu từ vệ sinh răng
miệng, đánh răng 2 lần một ngày với thuốc có flo rua, làm sạch kẽ răng 1 lần một
ngày và thường xuyên tới nha sĩ, và ăn thức ăn đúng loại.
“Thức ăn và điều quan
trọng nhất để phòng ngừa là nước, đặc biệt là nước có flo rua,” Sahota nói.
“Flo rua không những giúp khoáng hóa và tạo cấu trúc răng, sự chuyển động của
nước uống cũng giúp rửa sạch thức ăn và vi khuẩn ở răng.” Bà nói thêm là sản phẩm
sữa cũng rất tốt vì lượng can xi cao, và thịt nạc làm chắc và khôi phục men
răng.
Ngay cả khi chúng ta
tạo được vật liệu đó trong miệng thì chúng ta vẫn cần né tránh hiểm họa thời hiện
đại của thức ăn công nghiệp, đó là đường tinh chế. Đó là vì khi vi khuẩn tách
đường thì chúng tạo ra acid làm sâu răng.
Vậy loại kẹo gì là
phải tránh nhất? Sahota nói kẹo cứng như kẹo que là đặc biệt hại vì chúng làm
răng liên tục tiếp xúc với đường, trong khi kẹo mềm thì dính vào răng trong một
thời gian dài.
Ít nhất thì bà có
tin mừng cho những người mê sô cô la. “sô-cô-la sau bữa ăn là lựa chọn tốt so với
nhiều loại kẹo khác bởi vì nó bị trôi đi dễ dàng. Vậy hãy thưởng thức một miếng
sau bữa ăn.”
Tiffanie Wen
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.