Bạn có thể thuận mắt
phải giống như thuận tay phải
Tương đối ít người
thuận tay trái, tại sao như vậy là câu hỏi khó. Tuy nhiên khoa học về sự thuận
tay cho hay những điều thú vị về bạn, từ việc nó có thể thay đổi cách nghĩ của
bạn đến việc là bạn có thể 'thuận tai trái'.
Kể từ lúc chúng ta cầm
mẩu bút chì mầu và bắt đầu vẽ nghuệch ngoạc khi là trẻ con thì đã rõ ta thuận
tay phải hay tay trái. Nhưng điều gì làm cho một tay chiếm ưu thế? Và vì sao những
người tay trái là thiểu số?
Để biết thêm nữa,
Adam Rutherford và tôi quyết định điều tra khoa học và lịch sử của việc thuận
tay cho chuỗi bài "Những trường hợp lạ lùng của Rutherford và Fry"
trên BBC Radio 4.
Bạn có thể thuận mắt
phải giống như thuận tay phải
Chẳng mấy mà ta thấy
rõ ràng câu hỏi trên còn nhiều vấn đề hơn ta nghĩ: thí dụ, tôi không bao giờ được
biết rằng cơ thể chúng ta lại không cân xứng về nhiều mặt khác nữa. Lấy mắt làm
ví dụ. Bạn có thể biết mình thuận mắt nào bằng thử nghiệm sau:
Đưa ngón tay cái ra
xa trước mặt. Trước hết nhìn nó bằng cả hai mắt, rồi lần lượt bịt từng mắt một.
Mắt khỏe là mắt ta thấy ngón cái gần nhất so với nhìn bằng hai mắt.
Cũng tương tự như vậy,
bạn có thể thử tai mình: Bạn thường dùng tai nào nghe điện thoại? hoặc để nghe
lén qua tường?
Thật buồn cười khi
thấy những điều bất đối xứng hoạt động, tôi thường phát hiện ra mình cầm điện
thoại tay trái và ép nó, khá gượng gạo, vào tai phải, trong lúc ghi chép bằng
tay phải. Nếu để cho dễ làm thì cách làm trên là không thuận lợi. Tất cả chỉ là
làm theo thuận sức tự nhiên của mình.
Xét tổng thể thì 40%
chúng ta thuận tai trái, 30% mắt trái và 20% bàn chân trái.
Nhưng khi xét về tay
thì chỉ 10% người là thuận tay trái.
Sao lại có thể như vậy?
Vì sao người thuận tay trái lại là thiểu số?
Trước đây, học trò
dùng tay trái bị coi là sai tiêu chuẩn, và lạ thay, những lời ám chỉ vẫn còn
lưu lại trong ngôn ngữ. Từ "left" (trái) theo tiếng Anh, lấy từ
"lyft" của Anglo-Saxon, nghĩa là "yếu". Ngược lại với từ đó
là "dexter", tức khéo léo và đúng.
Vậy cái gì quyết định
ta thuận tay nào? Theo quan điểm tiến hóa thì chuyên về dùng một tay hợp lý
hơn. Khỉ tinh tinh có xu hướng chọn một tay cho những việc khác nhau.
Hãy xét việc bắt mối. Sau khi chọn một que tốt, con khỉ chọc vào tổ mối, cảm nhận xúc giác cho nó biết một loạt thông tin về chiều sâu, độ rộng, nhiều hay ít mối. Nó sẽ kéo nhẹ nhàng que để lộ ra các con mối đang cắn vào chiếc que xâm vào. Mối không để ý và bị con khỉ đói nhai ngấu nghiến. Do chỉ dùng chuyên một tay nên khỉ trở nên khéo léo thành thạo và bắt được nhiều mối.
Nhưng khi các chuyên
gia về khỉ nghiên cứu hắc tinh tinh trong tự nhiên, họ thấy cách sử dụng tay của
khỉ rất khác chúng ta. Cho mỗi một loại việc thì khoảng 50% khỉ dùng tay phải,
50% khỉ dùng tay trái. Vậy ở điểm nào trên sơ đồ cây tiến hóa của loài người
sinh ra tỷ lệ 1/10 này?
Một manh mối quan trọng
đến từ răng của người Neanderthal. Hóa ra người Neanderthals là thông minh
nhưng hậu đậu. Tổ tiên chúng ta dùng răng để kẹp giữ các mảng thịt, và cầm dao
bằng tay thuận để cắt nhỏ thịt. Những hình rãnh rõ nét ở phía trước răng cửa của
họ cho thấy họ dùng tay nào để cầm thịt, tay nào cầm dao. Điều khó tin nổi, khi
ta so sánh số người Neanderthals thuận tay phải và thuận tay trái thì vẫn ra tỷ
lệ 1/10 như ngày nay.
Chúng ta biết rằng
việc dùng tay nào là có di truyền. Tuy nhiên, các chuyên gia di truyền vẫn còn
đang xác định đoạn nào của DNA dính líu đến việc này, và có thể phải có tới 40
gien khác nhau tham gia. Và vì còn chưa xong nên câu trả lời cái gì quyết định
tay phải hay trái và vì sao người tay trái là thiểu số vẫn là "không biết".
Nhưng người thuận
tay trái có bị tác động gì trong cuộc sống không ngoài việc thấy kéo, fec mơ
tuya và bút máy cho người tay phải có gây chút ít khó chịu?
Cho đến nay đang có
một cuộc tranh luận dài về thuận tay trái thì ảnh hưởng thế nào đến não. Bán cầu
não phải kiểm soát tay trái, và ngược lại. Và vì vậy thuận tay trái có tác động
phụ đến cách sắp xếp trong bộ não.
"Những người
thuận tay trái có nhiều thay đổi trong tổ chức của bộ não," Chris McManus,
nhà tâm lý học ở University College London (UCL) và tác giả cuốn "Tay Phải,
Tay Trái", giải thích.
"Linh cảm riêng
của tôi là người thuận tay trái thì vừa tài năng hơn và vừa chịu khiếm khuyết.
Nếu bạn thuận tay trái bạn sẽ thấy não bạn được tổ chức khác thường một chút và
tự nhiên thấy mình có những kỹ năng mà người khác không có."
Tuy nhiên, không phải
mọi người đều đồng ý. Dorothy Bishop là giáo sư tâm lý học thần kinh ở trường đại
học Oxford và bà có một mối quan tâm riêng tư. "Bản thân tôi là thuận tay
trái và tôi luôn không biết vì sao tôi khác người khác."
"Qua nhiều năm
đã có nhiều kiểu tuyên bố rằng người thuận tay trái có liên quan đến những khuyết
tật như chứng khó đọc và tự kỷ. Mặt khác, lại có nhiều thuộc tính tốt, người ta
nói rằng những nhà kiến trúc sư và nhạc sĩ thường hay là người thuận tay trái."
Nhưng sau khi xem
xét số liệu, Bishop thấy không thuyết phục. Rất nhiều những liên hệ này, bà
nói, là kết quả của cái gọi là thiên vị trong báo cáo chọn lọc. Các nhà khoa học
bổ túc câu hỏi về sự thuận tay vào nghiên cứu của họ, thí dụ, về mức độ sáng tạo,
và phấn khích nếu họ thấy có sự liên quan phù hợp, nhưng lại không báo cáo khi
các thí dụ cho thấy không có sự liên quan nào.
Trẻ con rất
nhanh chóng cho biết là nó thuận tay nào
Bà nói đúng là khi
ta xem xét ở các điều kiện hiếm có, như Hội chứng Down, động kinh và tê liệt
não, thì tỷ lệ thuận tay trái so với tay phải thiên về 50:50 hơn là 1:10.
Nhưng, Bishop nói,
việc thuận tay trái có thể là mang tính triệu chứng hơn là nguyên nhân.
"Không phải bản
thân việc thuận tay trái tạo ra rắc rối," bà giải thích, "dường như
nó có thể là một triệu chứng của điều kiện cơ bản nào đó. Nhưng ở phần lớn người,
nó không có một ý nghĩa gì cả đối với sự phát triển nhận thức trí tuệ."
Việc tranh luận bùng
nổ dữ dội, và hãy còn nhiều điều cần khám phá về não người thuận tay trái. Một
phần của rắc rối là khi các nhà thần kinh học nhìn vào các khía cạnh khác nhau
của phản ứng thì nghiên cứu chụp cộng hưởng từ chỉ được thực hiện ở những người
thuận tay phải để thử và giảm thiểu những thay đổi giữa các người tham gia khác
nhau. Chỉ ở những nghiên cứu riêng biệt với người thuận tay trái thì họ mới được
mời tham gia.
Do tôi hiện có bầu 7
tháng, thật là thú vị nghĩ rằng con tôi đã xác định nó sẽ thuận tay phải hay
trái. Chúng tôi biết điều này vì Peter Hepper, ở trường đại học Queen ở
Belfast, đã làm một số nghiên cứu siêu âm tuyệt vời xem xét các cử động của bé ở
trong bụng mẹ.
Ông thấy 9/10 bào
thai ưa mút ngón cái bên phải, thể hiện đúng mẫu hình ta thấy trong dân số nói
chung. Và khi ông theo dõi những đứa trẻ này nhiều năm sau, những đứa trẻ mút
ngón cái bên phải trong bụng mẹ sẽ trở thành thuận tay phải, đứa mút ngón bên
trái, thuận tay trái.
Do vậy, mặc dù con
tôi đã chọn tay nào là tay thuận, tôi sẽ không giữ bí mật cho đến khi nó quyết
định cầm mẩu bút chì mầu và bắt đầu vẽ nguệch ngoạc.
Hannah Fry
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.