Hàng năm, người Việt
Nam tiêu thụ khoảng 200 triệu lít nước mắm nhưng chỉ có khoảng 50 triệu lít được
sản xuất theo phương pháp truyền thống.
Thời gian vừa qua,
thị trường nước mắm Việt Nam “náo loạn” vì thông tin “nước mắm chứa thạch tín
vượt quá mức giới hạn”, sau một công bố kết quả khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người
tiêu dùng (VINASTAS) cho thấy “khoảng 67% mẫu không đạt chỉ tiêu asen theo
quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên khi thử nghiệm 20 mẫu trong số các mẫu khảo sát
có hàm lượng asen vượt quá quy định thì đều không phát hiện asen vô cơ”.
Theo báo Dân trí,
ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) từ chối đưa ra bình luận
về kết quả này khi có mặt tại cuộc họp công bố kết quả của VINASTAS. Ông nói:
“Đây mới là kết quả khảo sát, chưa phải giám định, kiểm định làm cơ sở cho xử
lý. Rất mong báo chí tuyên truyền bà con hiểu đúng chất lượng nước mắm.”
Theo Quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm của Việt
Nam được ban hành theo Thông tư số 02/2011/TT/BYT ngày 13-01-2011 của Bộ Y tế
có giới hạn “lượng ăn vào hàng tuần có thể tạm thời được chấp nhận” đối với
asen (thạch tín) là 0.015mg/kg thể trọng, tính theo asen vô cơ, và không đề cập
đến asen hữu cơ.
Báo Dân trí cũng trích lời ông Phạm Tiến Dũng, đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết, asen hữu cơ trong nước mắm là tự sinh ra trong quá trình ủ lên men. Tuy nhiên, đến nay chưa có nghiên cứu nào đánh giá với hàm lượng nào thì có thể gây nguy hại cho sức khỏe. Về lâu dài cần nghiên cứu vì là món ăn không thể thiếu của người Việt.
Trên trang web của
Cơ quan Y tế Virginia, Hoa Kỳ, có đăng tải thông tin: Asen xâm nhập vào cơ thể
qua đường hô hấp hoặc tiêu hóa. Cả hai dạng vô cơ và hữu cơ của asen đều được
bài tiết qua nước tiểu. Hầu hết asen sẽ đào thải ra khỏi cơ thể trong vòng vài
ngày, mặc dù có thể vẫn tồn tại trong cơ thể vài tháng. Asen vô cơ có thể ảnh
hưởng đến da, hệ thần kinh, hệ hô hấp, thận, và hệ tiêu hóa. Asen hữu cơ ít gây
hại hơn nhưng có thể gây ảnh hưởng sức khỏe nếu sử dụng ở mức cao. Uống nước có
nồng độ asen cao tăng nguy cơ ung thư da, phổi, bàng quang, và thận.
Trước những thông
tin trên, anh Antony tại cửa hàng bán thực phẩm Biên Hòa ở Virginia, cho biết tại
cửa hàng bán hai loại nước mắm của Việt Nam và Thái Lan, tuy nhiên từ sau vụ cá
chết hàng loạt ở Việt Nam, người tiêu dùng sử dụng nước mắm của Thái Lan nhiều
hơn.
Về thông tin nước mắm Việt Nam nhiễm độc, anh Anthony nói: “Tụi này lấy
bên Cali người ta support qua, người ta take care hết, tụi này chỉ bán lẻ thôi
nên không có biết. Nếu mà có trục trặc gì thì bên Cali sẽ thu hồi lại. Tụi Mỹ sẽ
kiểm duyệt.”
Sau một loạt bài báo
về vụ việc nước mắm chứa thạch tín, trong nước cũng dấy lên dư luận có thể đây
là một “chiêu” cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp sản xuất nước mắm
công nghiệp và truyền thống. Trả lời báo Vietnamnet, Bộ trưởng Thông tin và
Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết: “Đúng là một sự cố truyền thông không
bình thường”.
Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa ở California, Hoa Kỳ, nhận xét về sự việc này:
“Trong khi nhà nước làm chưa dứt khoát thì những hiệp hội, những người tương đối
có kiến thức khoa học hơn, ví dụ Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt
Nam chẳng hạn, khi họp báo không có giúp cho người ta có những thông tin rõ
ràng lại còn gây thêm những hiểu lầm khác, gây thêm hoang mang khác, thành ra
nó thiệt hại cho mọi doanh nghiệp sản xuất theo phương pháp an lành, ví dụ như
truyền thống của chúng ta.”
Ông Nghĩa cũng cho
biết, doanh nghiệp sản xuất nước mắm theo phương pháp công nghiệp hay truyền thống
thì cũng phải chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm, nếu có vi phạm thì
phải có biện pháp kỷ luật cần thiết để bảo vệ sức khỏe của người dân.
Linh Ðan
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.