Trong một khu rừng rậm
nhiều đồi dốc ở phía tây nam Việt Nam, con tê giác cái đơn độc từng có thời dạo
bước. Đó là con tê giác cuối cùng trong phân loài của nó, và đây là nơi nó sinh
sống.
Cát Lộc, khu vực
phía bắc của Vườn Quốc gia Cát Tiên, là một phần của nơi từng bị tàn phá bởi Chất
Da cam trong Cuộc chiến Việt Nam. Ngày nay, nơi này nổi tiếng là khu bảo tồn động
vật hoang dã, cũng là nơi nhiều nỗ lực bảo tồn thất bại.
Con tê giác cuối
cùng hàng ngày đi lang thang qua hàng ngàn hec-ta rừng, một khoảng cách rộng
hơn rất nhiều mà loài động vật ăn cỏ này thường di chuyển.
Nhưng như thế là nó
còn có nơi để chạy. Có nhiều lạch nước và sông để tắm và rất nhiều thức ăn -
như cây mây, một loại cây dây leo mọc khắp nơi trong rừng.
Nhưng một ngày nọ,
tay thợ săn ngắm bắn nó qua khẩu súng bán tự động - và bóp cò.
Chúng ta không biết
liệu con tê giác có biết ai là kẻ giết nó hay không, và cũng không biết nó đã bị
bắn bao nhiêu phát.
Khi tiếng súng vang
lên, vọng khắp khu rừng cũng là lúc chốt lại sự tuyệt chủng của loài tê giác
Java ở Việt Nam.
Tuy nhiên, sự tuyệt
chủng đã không xảy ra ngay lập tức. Dù bị thương, con tê giác vẫn chạy thoát.
Và từ đó, suốt một thời gian, nó biến mất sau cánh rừng xanh dày đặc che chở
nó.
Vận mạng của loài tê
giác Java ở Việt Nam, một phân loài tê giác có tên là Rhinoceros sondaicus
annamiticus, khi đó đã được Sarah Brook theo dõi sát sao.
Brook là nhà bảo tồn
của Quỹ bảo tồn động vật hoang dã WWF. Hàng ngày, bà phải vật lộn với địa hình
khắc nghiệt ở vườn quốc gia Cát Lộc - đồi dốc và thảm thực vật dày đặc - với một
chú chó đánh hơi, được huấn luyện để theo dõi mùi phân tê giác.
Trong suốt gần sáu
tháng, Brook đã thu thập mẫu phân, theo dấu các con tê giác Java trong vùng, và
không biết chắc liệu chỉ còn có một con hay không. Bà làm việc chặt chẽ với kiểm
lâm của vườn quốc gia và lắp đặt các bẫy camera quan sát.
Ảnh loài tê giác
Java trong sở thú London thế kỷ 19
Nhưng các bẫy camera
được thiết lập quá trễ. Họ không bao giờ ghi được hình ảnh của con tê giác.
Brook chưa một lần tận mắt thấy nó còn sống. Rừng Cát Lộc rất lớn và hoá ra chỉ
có một mình con tê giác đơn độc sống trong ấy.
Vào đầu năm 2010,
tin xấu ập đến.
Một kiểm lâm gửi cho
Brook bức ảnh một bộ xương tê giác phát hiện vào tháng 4/2010.
Một bức ảnh sọ
tê giác, tách rời với phần còn lại của bộ xương con thú, rõ ràng cho thấy sừng
của tê giác đã bị cắt. Trong thực tế, cái sừng đã bị cắt một cách thô bạo. Vì săn
trộm.
Nỗ lực điều tra
Vườn quốc gia đăng một
thông cáo nói con tê giấc chết vì nguyên nhân tự nhiên, nhưng Brook không tin lắm
về thông tin này. Và sau khi kiểm tra xương tê giác vài tuần sau đó trong tháng
5/2010, bà phát hiện một viên đạn ở chân trái trước con thú.
"Chúng tôi muốn
biết thực sự điều gì đã xảy ra và tìm sự thật," bà nhớ lại, "Vào lúc
đó, chúng tôi đã nghi đó là cá thể tê giác cuối cùng."
Brook lao vào điều
tra và cố gắng tìm đúng người có thể giúp bà.
Bà gửi một email đến
Ulrike Streicher, một bác sĩ thú y đã làm việc ở Việt Nam nhiều năm, người biết
rất rõ về Vườn Quốc gia Cát Tiên và từng làm cố vấn cho WWF.
Brook cũng liên lạc
với Ed Newcomer, một chuyên viên đặc biệt từ tổ chức US Fish and Wildlife
Service (Tổ chức về Cá và Động vật Hoang dã Hoa Kỳ). Khi đó ông làm việc tại
Thái Lan nhưng đã có cơ hội điều tra về tê giác.
John Cooper, một
chuyên gia pháp y về động vật hoang dã đến từ Anh, và Douglas McCarty, làm việc
tại nhóm chống buôn bán động vật hoang dã Freeland, cũng có tên trong danh sách
hỗ trợ.
Vào tháng 9/2010,
nhóm chuyên gia khắp thế giới cùng tập hợp tại vườn quốc gia, trong một căn
phòng đầy những mẫu phẩm sinh học. Ở đó có nhiều tủ trưng bày hình ảnh từ mẫu dấu
chân tê giác đến bản đồ khu vực, Newcomer nhớ lại.
Nhiệm vụ đầu tiên là
xem xét bộ xương được đưa về.
Khi một trong những
kiểm lâm cho nhóm chuyên gia xem bộ xương, Cooper nhận xét có vẻ xương đã được
tẩy trắng.
"Họ nói, 'ồ,
chúng tôi đã tẩy trắng nó' và tôi nói, 'Ok, vậy còn khả năng tìm thêm mẫu xương
nào không',"Streicher nói. "Những người duy nhất làm việc với xác động
vật ở Việt Nam là những người làm việc trong bảo tàng - và lời khuyên của họ là
tẩy trắng xương."
Không có khả năng
tìm được mẫu xương nào để phân tích, công việc xác định nguyên nhân cái chết của
con tê giác trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Mọi người đồng tình
là họ cần phải đến xem xét nơi bộ xương tê giác được tìm thấy. Và đó là chuyến
đi bộ 7km vào rừng sâu - và sau đó quay lại 7km để thoát khỏi rừng.
Vết đạn tìm thấy
trên xương con tê giác
Hành trình điều tra
Đội nghiên cứu thực
hiện hành trình này trong một ngày rất nóng, ẩm. Một hướng dẫn viên đi trước họ,
phạt các nhánh và cành cây để tạo đường đi. "Đường cực kỳ gập ghềnh,"
Newcomer nói.
Những kinh nghiệm,
hiểu biết của Newcomer đóng vai trò then chốt cho phần này của cuộc điều tra.
Cuối cùng họ cũng đến
khe suối nơi xác con tê giác được tìm thấy. Đó là một đoạn rừng rậm, dốc và dày
đặc ở phía bắc và một đoạn rừng thoải hơn ở phía nam. Phía dưới là một dòng suối
nhỏ chảy xiết từ phía đông sang tây.
"Vẫn còn dấu
chân tê giác trên mặt đất," Newcomer nói. "Và phía trên vị trí cái
xác được tìm thấy có những cây tre rất khoẻ - chúng nằm trong khoảng đường kính
10-15cm - và chúng nằm rạp hẳn trên mặt đất, như thể có xe ủi cán qua."
Newcomer thấy một
cây tre bị gãy thành dạng chữ U. Mọi người lập tức tưởng tượng ra con tê giác
đã nằm đè lên nó, có lẽ sau khi ngã xuống và bị vướng vào.
"Nếu nó để bụng
vướng vào những cây tre này, nó có thể đã bị ngạt thở," Newcomer nói.
Dần dần bức tranh về
cái chết của con tê giác bắt đầu hiện ra. Con tê giác đã di chuyển xung quanh
trước khi chết, nó đã vật vã, và nó đã chuệch choạc va chạm, xô ngã vào cây cối
xung quanh.
Họ kiểm tra khu vực
đó xem còn có chút xương nào của nó không, nhưng không tìm thấy gì.
Newcomer nhanh chóng
phác thảo khu vực, ghi chú các đặc điểm quan trọng của vị trí như dấu chân và địa
điểm sọ tê giác được tìm thấy, cùng với vị trí dòng suối.
Bộ xương tê giác
trên sàn khi đoàn chuyên gia xem xét
Khi họ rời khu vực,
Newcomer là người cuối cùng trong nhóm quay lại để chụp một bức ảnh. Ông biết
ông sẽ không quay lại nơi này. Việc nơi này có thể là địa điểm chú tê giác Java
cuối cùng của việt Nam chết khiến ông bị sốc. Ông chờ đợi vài giây, nhìn vào những
cây tre bị gãy và dòng suối bên dưới.
"Vô cùng xúc động,"
ông nhớ lại. "Như là bạn bị một cú đập vào đầu vậy."
Cả nhóm đi bộ rời khỏi
rừng. Vào buổi chiều, trời đổ mưa, một số đoạn đường đã biến thành suối. Cuối
cùng họ cũng lội qua và kiệt sức.
Vết đạn
Trở về văn phòng vài
ngày sau đó, nhiệm vụ kế tiếp của họ là dựng lại bộ xương tê giác trên sàn càng
chính xác càng tốt.
Xem xét kỹ hơn bộ
xương có thể cho thấy rất nhiều điều về sức khoẻ con thú trước khi nó chết.
Những gì mà các nhà
khoa học có được là bộ xương đã bị tẩy trắng
Cooper và Streicher
là chuyên gia trong lĩnh vực này. Ngoài các đặc điểm khác, họ để ý thấy sự thay
đổi về khớp trên chân trước trái của con vật, có thể gây ra sự cứng đờ và có lẽ
gây đau.
Móng trên chân này
cũng ít bị mòn hơn, cho thấy chân đã không hoạt động bình thường.
Cooper đã viết về
nghiên cứu này trong quyển sách gần đây tên “Điều tra động vật hoang dã trong rừng”:
"Có lẽ là... vết thương do đạn gây ra, đã khiến chân trước bên trái bị cứng
đờ, đau đớn và bị viêm, khiến cho con tê giác dễ gặp các yếu tố rủi ro, có thể
gây tử vong."
Sau đó, Streicher
đưa mảnh xương đặc thù này lên một thiết bị chụp quét CT. Nó cho thấy một lỗ
phía dưới và phía trên, ở vị trí viên đạn dừng lại, khá giống như hậu quả gây
ra do bị viêm - làm viêm xương.
Trong một báo cáo gửi
WWF, các nhà điều tra nói quá trình viêm, sưng này có lẽ đã kéo dài ít nhất hai
tháng, hoặc có lẽ đến năm tháng.
Đây là kết luận
chính. Con tê giác không chết vài ngày hay vài tuần sau khi bị bắn. Nó đã sống
thêm được nhiều tháng sau đó.
Nó không chỉ bị
thương trong thời gian ngắn, mà bị thương theo cách khiến nó không thể đi lại
và cuối cùng, có vẻ đó là nguyên nhân dẫn đến cái chết.
"Các động vật
như thế này, tê giác, voi, chúng không thể làm gì nếu mất một chân,"
Streicher giải thích. "Chúng quá nặng để đi cà nhắc."
Newcomer cũng lưu ý
rằng, theo điểm găm của viên đạn và đường đạn đạo, viên đạn có vẻ như do một
tay săn trộm bắn ra từ một vị trí thấp hơn con tê giác - có lẽ là ở sườn đồi -
và tên trộm có lẽ đã nhắm vào tim con thú.
Có thể con tê giác trúng
không chỉ một phát đạn, nhưng các viên đạn trúng vào thịt hay qua các cơ quan
phần mềm mà không trúng vào xương thì đội nghiên cứu không thể tìm ra. Vì tất cả
những gì họ có chỉ là bộ xương con thú.
Một câu hỏi không lời
đáp khác sau đó là, liệu có phải chính tay bắn súng đã tìm ra con tê giác sau
nhiều tháng nó bị thương để cưa sừng nó, hay một kẻ cơ hội khác đi ngang qua đã
cắt sừng khi thấy cái xác tê giác.
Dù là cách nào, mặc
dù sừng tê giác có thể bán được hàng ngàn đô la Mỹ, nhưng sừng tê giác Java
không lớn lắm.
"Nó dễ dàng nằm
lọt thỏm trong bàn tay bạn, bạn có thể bỏ nó vào túi." Newcomer nói khi
ông nhận xét tình hình đau đớn - một phân loài tê giác bị tuyệt chủng chỉ vì một
cái sừng bé xíu.
Nỗ lực bảo tồn thất
bại
Vài tháng sau đó,
phân tích DNA xác nhận phân tê giác mà Brook thu nhặt được trước đó đều là của một
con tê giác - và đó cũng chính là con tê giác mà người ta tìm được bộ xương.
Với quá ít chứng cứ
để tiếp tục, rất khó để đi đến kết luận, nhưng các dấu hiện rõ ràng chỉ ra hệ lụy
của sự việc: một tên săn trộm bắn con tê giác ít nhất một lần, một viên đạn găm
vào chân trái trước của con thú gây ra nhiễm trùng, viêm xương và ngăn cản con
vật di chuyển, điều này có thể có hoặc không dẫn đến việc con thú ngã xuống ở
cánh rừng bên dòng suối, cũng là nơi con tê giác cuối cùng không trụ được nữa.
Hiện trường nơi xác
con tê giác được tìm thấy
"Phát đạn đã giết
con tê giác," Newcomer sau đó tuyên bố. "Chỉ có điều nó giết con thú
sau một thời gian dài chứ không phải ngay tức thì."
Sau đó, Brook mô tả
những gì xảy ra là "nỗ lực bảo tồn thất bại" của Việt Nam. "Tôi
bị tác động khá nhiều bởi việc này, và thực sự bị trầm cảm sau đó," bà nhớ
lại.
Lý do chính của bà ở
Việt Nam là tìm hiểu về số lượng tê giác, và loài tê giác đó đã tuyệt chủng.
Cảnh sát Việt Nam
tham gia điều tra, cung cấp các phân tích về đường đi của viên đạn. Họ nói viên
đạn đến từ một khẩu súng bán tự động, như AK47.
Nhưng không một nhà
điều tra nào từng nói chuyện về việc liệu có vụ bắt giữ hay kết tội
nào sau đó hay không.
Tổ chức WWF nói họ
tin cuộc điều tra chính thức vẫn còn mở. Dù ai đã bắn con tê giác và ai đã cưa sừng
của nó - dù họ có phải là cùng một người hay không - chúng vẫn đang nhởn nhơ.
Một số ít cá thể tê
giác Java vẫn còn tồn tại trên thế giới. Có một số lượng rất nhỏ - khoảng từ 40
đến 60 cá thể - còn sống ở Indonesia. Nhưng tê giác Java nằm trong danh sách bị
đe dọa nghiêm trọng của Liên đoàn Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên.
Các cuộc tuần tra do
Quỹ Tê giác Quốc tế và Quỹ Tê giác Indonesia luôn theo dõi số lượng, nhưng các
nhóm này cảnh báo khu vực sinh sống cho loài tê giác nên được mở rộng để đảm bảo
chúng có thể tiếp tục tồn tại.
Ngày nay, Ed
Newcomer làm việc tại Botswana. Ông vẫn quan tâm rất nhiều đến số phận loài tê
giác.
Gần đó, tại công
viên Quốc gia Kruger ở Nam Phi, mỗi ngày đều có ba đến bốn con tê giác bị săn
trộm. Và có một sự trớ trêu cay đắng với những vụ giết hại này.
"Các con tê
giác bị giết để đáp ứng nhu cầu ở Việt Nam," ông nói.
Hy vọng
Nhưng vẫn còn hy vọng.
Vì một điều, như Newcomer chỉ ra, con người đã từng rất thành công trong việc
chống lại săn trộm trước kia.
Ví dụ như trường hợp
lệnh cấm buôn bán ngà voi quốc tế đã giúp làm giảm, mặc dù không chặn được hẳn,
nạn săn trộm voi. Một lệnh cấm tương tự với sừng tê giác đã được áp dụng, mặc
dù vẫn còn gặp rất nhiều rào cản với luật của quốc gia sở tại.
Brook giờ đây làm việc
cho Cộng đồng Bảo tồn Động vật Hoang dã (WCS), cho biết với rất nhiều nhà bảo tồn
ở Việt Nam, việc mất con tê giác Java cuối cùng là cú sốc sâu sắc.
Có thể đã quá trễ để
cứu tê giác, nhưng từ đó trở đi đã có nhiều nỗ lực tập trung vào các loài quý
hiếm bị đe dọa khác.
Một bức vẽ minh họa
loài tê giác Java
Bà lấy ví dụ điển
hình với loài sao la, một trong những loài động vật lớn có vú hiếm nhất trên thế
giới. Khá giống một chú linh dương nhỏ, sao la chỉ mới được phát hiện từ năm
1992 và là loài đặc hữu ở Lào và Việt Nam.
"Cơ bản là họ
đã thay đổi cách tiếp cận với việc bảo tồn những loài ở miền Trung Việt Nam và
thiết lập một hệ thống đồng quản trị với những khu vực được bảo vệ mới - mục
đích chính là để bảo vệ saol a," Brook giải thích.
"Dự án đã thành công trong việc loại bỏ số lượng lớn bẫy trong khu vực."
Sừng của con tê giác
Java cuối cùng ở Việt Nam có lẽ đã biến mất trong thị trường chợ đen.
Thậm chí nếu ta có
tìm ra chiếc sừng, trong trường hợp này cũng không thể xác định gene của nó với
cá thể đã được xét nghiệm. Những kẻ săn trộm có lẽ sẽ chẳng bao giờ bị bắt.
Và chưa hết, trong
những cánh rừng ở đông nam Á, rất nhiều sinh vật tuyệt vời vẫn còn sống sót -
và rất nhiều vẫn còn sinh sôi nảy nở.
Mất đi con tê giác
cuối cùng là thảm kịch ở Cát Tiên, nhưng nhiệm vụ của rừng quốc gia này vẫn
chưa kết thúc.
Trong suốt 720km2 diện
tích rừng, khỉ, gấu chó, tê tê và loài hươu hiếm gần như đã vượt qua những khó
khăn.
Dù có may mắn, chúng
chẳng bao giờ có thể vượt qua được tầm ngắm bọn săn trộm ngoài kia, sâu thẳm
trong rừng rậm mênh mông.
Chris Baraniuk
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.