Không có ‘chuyến bay ngạo nghễ’ nào đón họ. Không có chiếc xe nào trong hàng ngàn ô tô, tàu hỏa đắp chiếu để không đưa đón họ.
Cuộc trường chinh bão táp suốt dọc chiều dài đất nước trong đói rét, mưa lạnh, giữa giấc ngủ hãi hùng của con thơ… của hàng triệu con người vốn được vinh danh là tầng lớp công nhân cao quý đã để lại bức tranh lịch sử bi thảm và đầy ám ảnh về thân phận của những con người đã làm giàu cho đất nước.
Tưởng rằng khi Sài Gòn nới lỏng giãn cách xã hội, khi kinh tế, công việc sắp được nối lại, thì người lao động sẽ yên tâm ở lại, nhưng không ngờ, dường như họ đã chờ đợi đến ngày được mở cửa để tháo chạy bằng mọi giá, mặc mưa to gió lớn và sự ngăn chặn, họ đi bằng mọi phương tiện thô sơ nhất, thậm chí sẵn sàng đi bộ hàng ngàn km, mang theo tất cả tài sản với tâm thế không hẹn ngày trở lại tạo nên một cuộc khủng hoảng di dân chưa từng có trong lịch sử, bất chấp những lời thiết tha kêu gọi ở lại.
Đường xa vạn dặm cùng cái chết rập rình dọc đường với những phương tiện như đống sắt vụn để đánh cuộc với hành trình đầy bất trắc của chính mình và những đứa trẻ vừa mới sinh, hay vẫn đang nằm trong bụng mẹ, dầm mình trong giông bão, vượt con đèo vực sâu giữa lúc mưa to gió lớn, sương mù dày đặc…
Chuyến hành hương thiên lý nam bắc ngàn trùng về đất mẹ với gia tài là chiếc chổi cùn, mấy con gà, con chó, mấy cái móc áo, và chiếc xe cũ nát tàn tạ không thể tin nổi. Họ ra đi với hai bàn tay trắng và trở về trắng tay, ra đi vì nghèo trở về vì đói, bỏ lại sau lưng ánh đèn thành phố, bỏ lại những phồn hoa mà chính họ góp phần tạo dựng lên, bỏ lại những ‘phát triển, văn minh’, bỏ lại những sợ hãi, hoang mang trong 4 tháng giam hãm giữa bốn bức tường của những khu nhà trọ ổ chuột…
Cuộc trường chinh bão táp suốt dọc chiều dài đất nước.
Tình cảnh của những con người làm nên sự thịnh vượng của thành phố hoa lệ và khu công nghiệp phát triển nhất cả nước là như thế đấy, bất hạnh và đau xót làm sao những phận người bé nhỏ, mong manh, không có gì ngoài sự cam chịu và im lặng.
Hàng triệu người dân lam lũ đó có chung một câu chuyện: Suốt bốn tháng chôn chân tại một thành phố đắt đỏ, thất nghiệp, không có tiền, không được hỗ trợ, đói khát, kiệt quệ cả về tinh thần lẫn thể xác, sợ hãi, bế tắc, không chỉ bởi dịch bệnh, mà bởi cuộc sống quá chừng tăm tối. Những thân phận yếu đuối, không có tiếng nói, họ biết chẳng thể chống chọi cầm cự được với những mệnh lệnh cấm cản bất ngờ, kéo theo những chuỗi ngày cầm tù, đói khát trong bốn bức tường, tất cả đã gây nên cơn sang chấn tâm lý cho hầu hết những con người bé mọn cơ cực này.
‘Thôi về đi, đường trần đâu có gì…’
Một cụ già lưng còng 76 tuổi đẩy chiếc xe nôi đựng đồ đi bộ hàng trăm cây số về quê, những người phụ nữ mang thai đến tháng cuối thai kỳ, chấp nhận đi bộ với đôi chân sưng tấy, một người cha chế chiếc xe đẩy bằng gỗ để cho hai đứa con vào rồi đẩy về quê; trên cầu Bạch Đằng, Hải Phòng, lực lượng chức năng chặn bắt một xe chở lợn và phát hiện rất nhiều người di tản trốn trong thùng xe, lẫn lợn….
Không có ‘chuyến bay ngạo nghễ’ nào đón họ. Không có chiếc xe nào trong hàng ngàn ô tô, tàu hỏa đắp chiếu để không đưa đón họ.
Hành trình trăm đắng ngàn cay trở về quê nhà không chỉ có nước mắt, đã có nhiều người bỏ mạng trước khi thấy được quê hương. Một thai phụ bị thai lưu trên đường bởi không thể chờ được thông chốt kiểm duyệt, hai mẹ con người Thanh Hóa tử nạn trên đèo Lò Xo, một thanh niên chạy xe từ Sài Gòn về Nghệ An, ngủ gục đâm vào xe tải tử vong…
Vô vàn những hình ảnh và những câu chuyện bi thương, thảm khốc kéo dài nhiều ngày kể từ khi Sài Gòn mở cửa, đã cho thấy người lao động quyết liệt rời khỏi ‘miền đất hứa’, bằng mọi giá, không một lời kêu gọi nào có thể giữ họ ở lại, họ đánh cược với chính sinh mạng. Ra đi trong tuyệt vọng để bấu víu vào niềm hy vọng cuối cùng, là quê hương.
Khi những biện pháp chống dịch căng thẳng trở thành bế tắc và khi nhận thấy ‘sống chung với lũ’ là biện pháp khả thi nhất thì lúc này giới hạn của sự chịu đựng đã như giọt nước cuối cùng tràn ly. Và những con người có sức chịu đựng vô hạn ấy, đã không thể chịu đựng hơn được nữa.
Họ ra đi vì đói, vì hết tiền, vì sợ… nhưng nó không thể làm người quyết liệt tháo chạy đến như thế. Cuộc khủng hoảng di dân thật sự bùng nổ từ một cuộc khủng hoảng khác, hơn cả đói, rét và dịch bệnh, đó là cuộc khủng hoảng niềm tin.
Khi niềm tin cạn kiệt
Những lần di tản trước họ trở về là để chạy dịch, còn những con người ở lại đến đợt di tản lần này, họ đã cố bám trụ trong niềm hy vọng cuối cùng mà không thấy, trong nỗi hối hận đã quyết định muộn màng và cố tin vào những hứa hẹn “không ai bị bỏ lại”, lần di tản có lẽ là cuối cùng này, không phải là để chạy dịch, mà chạy khỏi nơi họ đã cạn kiệt niềm tin.
Nếu trước đây họ tin rằng Sài Gòn là miền đất hứa thì sau 4 tháng trời giam cầm trong đói khát, đủ để họ hiểu rõ thân phận của mình, những người làm nên sự thịnh vượng của thành phố và làm giàu cho những giấc mơ của người khác, rồi bị bỏ mặc, lãng quên trong thảm họa. Hơn bao giờ hết họ nhận ra sự thật chân thực và cay đắng được phơi bày trên chính cuộc sống nghiệt ngã họ phải chịu.
Khi niềm tin trong họ cạn kiệt hoàn toàn thì họ biết rằng chỉ còn một con đường duy nhất, và chắc chắn là con đường đúng nhất, dù muộn màng, là trở về nhà, bên những người thân, hít thở bầu không khí trong lành của làng quê nơi họ sinh ra, chứ không phải trả tiền để được thở trong những khu nhà trọ ổ chuột, mà đến lúc ấy họ đã chẳng còn tiền để trả nữa rồi.
Những lời đề nghị kêu gọi họ ở lại đã không thể chạm vào họ nữa. Một khi niềm tin sụp đổ thì mọi lời đề nghị đã trở nên vô nghĩa. Sự tồn tại của họ chưa bao giờ được ghi nhận là những người làm nên sự thịnh vượng cho đất nước, họ chỉ hiện diện dưới thân phận của những lao động giá rẻ, đầy tiềm năng khai thác cho các doanh nghiệp nước ngoài, và tuyệt đối không có tiếng nói. Có lẽ đây là lần đầu tiên, người ta nhận ra nếu không có họ thì đã chẳng có những chỉ số tăng trưởng ngoạn mục cho nền kinh tế.
Cuộc di tản lịch sử không chỉ là câu chuyện về đại dịch. Nó còn là những câu chuyện khác về an sinh xã hội, về những chính sách hỗ trợ cho những người nghèo và người ở tầng đáy của xã hội, và biết bao những vấn đề khác nữa về hiệu quả thực chất của chính sách với cuộc sống mà bất cứ ai có lương tri và lòng trắc ẩn sẽ không thể không tự đặt ra những câu hỏi.
Tượng đài ‘O đồng’
Hơn bao giờ hết họ nhận ra sự thật chân thực và cay đắng được phơi bày trên chính cuộc sống nghiệt ngã họ phải chịu.
Sự im lặng và nhẫn chịu vô biên của những thân phận người bé mọn, mỏng manh, bất hạnh trên hành trình thiên di cũng âm thầm, lặng lẽ trong cay đắng cơ cực, tự nó cất lên tiếng nói, dẫu vô thanh, nhưng có thể thấu động đến tận cùng trái tim con người.
Những chiếc xe cũ nát không thể đi tiếp, bỏ lại trên đường, những bu gà, chổi cùn, chăn rách, móc áo… – gia sản của họ trong cuộc trường chinh lịch sử đã trở thành những tượng đài ‘0 đồng’ – vĩnh viễn ghi dấu ám ảnh trong trái tim của tất cả những ai còn lương tri.
Xưa Đức Khổng nói: “Cai trị nước một ngàn cỗ xe, phải thận trọng trong công việc mà giữ niềm tin, tiêu dùng tiết kiệm mà yêu thương mọi người, sai khiến dân chúng thì phải căn cứ vào thời” (Đạo thiên thừa chi quốc, kính sự nhi tín, tiết dụng nhi, ái nhân, sử dân dĩ thời). “Kính sự nhi tín” có nghĩa là: phải suy tính cẩn thận, chuẩn bị kỹ càng mọi công việc, phải thành khẩn với dân, không được lừa dối dân thì dân mới rắp tâm thuận theo và sẵn sàng hy sinh khi cần.
Khi thầy Tử Cống hỏi về cách trị quốc, Đức Khổng nói: “Đủ lương thực, đủ binh lính, được dân tin. Tử Cống nói: “Nếu bất đắc dĩ phải bỏ, trong ba thứ đó, bỏ thứ nào trước?”. Đáp: “Bỏ binh lính”. Tử Cống nói: “Nếu bất đắc dĩ phải bỏ, trong hai thứ đó, bỏ thứ nào trước?”. Đáp: “Bỏ lương thực. Từ xưa đều có người chết; dân mà mất niềm tin thì không đứng vững được”.
Xem như thời Thánh nhân bàn chính trị, vẫn quý trọng cả “Thực”, cả “Binh”, mà lại quý trọng nhất là chữ “Tín”. Dầu đến khi biến cố, vạn bất đắc dĩ khử được binh, khử được thực, mà tín cứ giữ chặt; bởi vì còn có tín, tất còn có dân, còn có dân thời mong có ngày dựng được nước.
Chỉ trong những thời khắc khủng hoảng, người ta mới ý thức rõ giá trị của lòng tin, niềm tin. Nó mới là thứ vốn liếng thật sự của chính quyền, là gốc rễ của toàn bộ xã hội, là thứ quyết định hưng vong của một quốc gia.
Đan Thư
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.