Saturday, October 16, 2021

Cơn ác mộng ‘con nhà người ta’

 BM

Năm tôi học trung học, trong lớp tôi có một cậu bạn rất có tài ăn nói. Cứ mỗi lần lớp tổ chức chương trình gì, cậu ấy đều khiến không khí buổi tụ tập trở nên sôi động và thoải mái, thầy cô rất yêu quý và coi trọng cậu. Nhưng cha mẹ cậu thì luôn không hài lòng, cho rằng phải đạt kết quả học tập thật tốt như một số bạn xuất sắc trong lớp thì mới có tương lai. Do đó, thay vì ủng hộ và khích lệ, họ lại đánh giá thấp cậu.

 

Cậu bạn đó là một người vui tính, nhưng tâm hồn lại có phần nhạy cảm. Chính vì điều đó mà trong suốt quãng đời trung học, cậu trở nên tự ti và không dám bộc lộ con người thật của mình. Sau này ra trường, cậu cũng không đủ can đảm theo đuổi ước mơ mà chọn một ngã rẽ khác để làm vừa lòng cha mẹ. Nhưng bởi đó không phải là đam mê thật sự của cậu, nên nội tâm cậu luôn giằng xé giữa làm điều mình thích và làm điều cha mẹ mong muốn. Cuối cùng, cậu cũng chỉ kiếm được một công việc bình thường với mức lương khiêm tốn. 


BM


Câu chuyện của cậu bạn tôi không phải là cá biệt. Có rất nhiều thanh thiếu niên lâm vào hoàn cảnh tương tự khi “ước mơ của cha mẹ một đằng” nhưng “khả năng của con lại một nẻo”. Thay vì đồng cảm và khích lệ con phát triển những tiềm năng và món quà cuộc sống trao tặng, cha mẹ lại có xu hướng so sánh con với người khác (đôi khi là bạn bè, đôi khi là anh chị em trong gia đình, hoặc đôi khi là những người thành đạt khác trong xã hội). 

 

Nếu đó là một đứa trẻ có tính cách mạnh mẽ, nó sẽ nỗ lực khẳng định bản thân mình cho cha mẹ thấy, nhưng điều đó cũng không bảo đảm nó sẽ hạnh phúc với con đường mình lựa chọn. Nếu đó là một đứa trẻ dễ tổn thương, những đánh giá có phần “vô tâm” của cha mẹ có thể là vết thương lòng rất khó phai mờ, khiến nhân sinh quan của trẻ có phần khiếm khuyết.

 

Một độc giả từng tâm sự với VnExpress rằng: “Tôi còn nhớ năm 17 tuổi – thời điểm tâm lý tuổi dậy thì với lòng tự trọng rất cao. Bố mẹ khi ấy luôn mang điểm yếu, sai lầm của tôi vào trong những cuộc nói chuyện với người khác như một câu chuyện phiếm. Tôi đã rất tổn thương với những lời nói đó và phải rất lâu sau khi trưởng thành, tôi mới có thể tha thứ cho mẹ. Giờ đây, tôi luôn nhắc nhớ về chuyện này mỗi lần muốn trách mắng con.”

 

Thứ văn hóa “khiêm tốn”, cộng với tâm lý cầu toàn của các bậc phụ huynh Việt, khiến biết bao đứa trẻ bị chê bôi trước mặt người khác. Hầu như đứa trẻ nào cũng được nghe kể đi kể lại các câu chuyện về “con nhà người ta”. Trong khi thực tế, những đứa “con nhà người ta” ấy đôi khi cũng bị chính cha mẹ chúng chê bai tương tự.


BM


Đâu chỉ trong học tập và làm việc, khả năng phát triển của con cũng bị đem ra so sánh với “con nhà người ta”. Đến nỗi có một câu đùa thế này, “Con gì đáng sợ nhất?”, “Con nhà người ta!”. Ông bà thấy cháu mình gầy hơn cháu người khác thì phàn nàn, người cha thấy con nhà người khác ngoan hơn con mình lại buông câu than thở “con hư tại mẹ”. Cuối cùng, những bậc phụ huynh trước áp lực con phải béo khỏe, phải ngoan, phải giỏi giang liền ép con ăn thật nhiều, cho con đi học hết khóa này khóa khác, gò ép con vào khuôn khổ, trong khi nhu cầu ăn uống của chúng rất ít hoặc chúng còn rất nhỏ để có thể tiếp nhận một lượng kiến thức khổng lồ, mà bản chất của trẻ con là thích tự do và vui chơi. 


BM


Albert Einstein từng nói: “Mỗi người là một thiên tài. Nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây thì cả đời con cá đó sẽ nghĩ rằng mình ngu ngốc.” Một người có thể là một kỹ sư tài ba, nhưng nấu ăn rất dở. Một người có thể kinh doanh rất giỏi, nhưng lại vẽ rất xấu. Nếu không biết nhận định giá trị bên trong mình, không đứa trẻ nào xây dựng được một nền tảng vững chắc để phát triển và thành công. 


BM


Nhiều bạn trẻ cố gắng chứng tỏ bản thân bằng cách “khoe” thật nhiều trên facebook, instagram vì phải chịu áp lực tâm lý “cho bằng bạn bằng bè”. Và cứ thế, cả một thế hệ chìm trong lối sống ảo, chạy theo thành tích và guồng xoáy vật chất. Nhưng không ai có thể nhìn nhận đúng đắn về cuộc sống từ trạng thái “ảo” trên mạng xã hội, và đặc biệt, sẽ thật ngớ ngẩn khi so sánh bản thân với một điều không có thực.

 

Chúng ta bất toàn vì chúng ta là con người. Chúng ta có xu hướng mong muốn con cái, người thân sẽ trở thành như chúng ta mong đợi. Nhưng chúng ta cần hiểu rằng mỗi cá nhân là một chủ thể riêng biệt, mỗi đứa trẻ sẽ có những đặc điểm tính cách khác nhau. Một đứa trẻ có thể rụt rè, giao tiếp kém nhưng lại có khả năng viết lách. Một đứa trẻ hoạt ngôn, năng động nhưng lại thiếu cẩn thận và kiên nhẫn. Cha mẹ nên thấu hiểu sự khác biệt và bản sắc riêng của con để biết ứng xử phù hợp mà không đi so sánh. 


https://baomai.blogspot.com/

Chúng ta đều biết rằng Thomas Edison là một thiên tài với hàng nghìn phát minh ưu việt như bóng đèn điện, máy quay đĩa, máy chiếu phim, máy ghi âm v.v. Nhưng ít ai biết ông đã từng bị coi là một kẻ “thiểu năng trí tuệ” và buộc phải thôi học. 

 

Vào những năm 1854 – 1855, khi ông Edison mới 7 tuổi, thầy giáo chủ nhiệm đã đưa cho ông một mảnh giấy và dặn mang về nhà cho mẹ xem. Ông nghe theo lời dặn nhưng khi mẹ ông – bà Nancy Elliott mở bức thư ra, nước mắt bà giàn giụa. Ông kinh ngạc và đứng ngây người không hiểu chuyện gì. Ông hỏi mẹ về nội dung bức thư, bà Nancy ngập ngừng một lát rồi đọc to lá thư cho con trai mình:

 

“Con trai của ông bà là một thiên tài! Nhưng ngôi trường này quá nhỏ, các giáo viên của chúng tôi cũng không có đủ năng lực để dạy dỗ cậu bé. Bởi vậy, xin ông bà hãy tự kèm cặp con trai mình.”


image


Nhiều năm sau đó, mẹ của ông qua đời, còn ông thì trở thành một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất thế kỷ 20, được mệnh danh là “Thầy phù thủy ở Menlo Park” nhờ những sáng chế thiên tài cống hiến cho nhân loại. Một ngày, khi xem lại những kỷ vật của gia đình, ông vô tình nhìn thấy một tờ giấy gấp nhỏ được cất trong ngăn kéo bàn. Ông tò mò mở ra đọc, trước mắt ông chính là lá thư của thầy giáo năm nào. Trên đó viết:

 

“Con trai ông bà là đứa trẻ rối trí (tâm thần). Chúng tôi không thể chấp nhận cho trò ấy đến trường được nữa.”

 

Edison đã khóc hàng giờ sau khi đọc lá thư ấy. Về sau, ông viết trong nhật ký rằng:


“Thomas Alva Edison là một đứa trẻ rối trí, nhưng nhờ có một người mẹ anh hùng, cậu đã trở thành thiên tài của thế kỷ.”


BM


Nếu bà Nancy giống như nhiều bậc phụ huynh khác, tỏ ra buồn bực và phàn nàn con mình không giỏi giang như các bạn, có lẽ ông Edison sẽ mãi chỉ là một cậu bé tầm thường. Khi chúng ta yêu một đứa trẻ, hãy yêu tất cả những gì thuộc về chúng. Cha mẹ đừng vội vàng phán xét, bởi cần rất nhiều thời gian, tâm sức và tình yêu thương mới có thể thấu hiểu một người. Thay vì kỳ vọng con sẽ trở thành “ông này bà nọ”, “bằng bạn bằng bè”, hãy biết trân trọng niềm hạnh phúc khi con khỏe mạnh và sống một cuộc đời tử tế.

 

 

 

Tuệ Anh
***

Vì đâu nên nỗi


BM
Hình chụp cách nay 3 năm của hai mẹ con bà Nguyễn Thu Nương và con trai Nguyễn Lam Sơn.

Những chuyện hục hặc giữa cha mẹ và con cái trong các gia đình người Việt sống trong nước hay ở hải ngoại thật ra không phải là chuyện gì mới lạ, tuy rằng nhiều người có thể nhận xét rằng tình trạng này có lẽ phổ biến rộng rãi nhiều hơn ở các nước Âu Tây do bởi ảnh hưởng của nền văn hoá các nơi này tôn trọng quyền tự do cá nhân của mỗi con người, và do đó dễ dẫn đến những tình huống con cái trong gia đình không tôn trọng ý kiến của cha mẹ và dễ đưa đến tình trạng gây gỗ hay xung đột.

***

Thảm kịch con 'cưng' giết cha mẹ đẻ

 BM
Jennifer Pan, một cô gái Canada gốc Việt 28 tuổi, bị buộc tội giết người cấp độ 1 và cố ý giết người trong một vụ tấn công ngày 8 tháng 11 năm 2010. Jennifer đã thuê sát thủ giết chết mẹ đẻ, bà Bích Hà, và khiến người cha bị một vết thương nặng ở đầu.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.