Bức tranh “Savonarola giảng thuyết phản đối sự hoang phí,” năm 1879, do họa sĩ bởi họa sĩ Ludwig von Langenmantel sáng tác, được trưng bày tại Đại học St. Bonaventure.
Hướng vào nội tâm: Những điều nghệ thuật truyền thống mang đến cho trái tim
Với sự ra đời của các phương tiện thông tin đại chúng, ngày càng nhiều người trong chúng ta cảm thấy cần có nhiều của cải vật chất để bản thân được coi trọng. Có những người xem giá trị bản thân là ở phương diện chính trị, còn số khác là ở phương diện tôn giáo. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta thường áp đặt quan điểm của mình lên những người không có những gì chúng ta có hoặc không suy nghĩ như chúng ta nghĩ.
Bức tranh “Savonarola giảng thuyết phản đối sự hoang phí” của họa sĩ Ludwig von Langenmantel đã mô tả một thời điểm trong lịch sử, khi mọi người được khuyến khích đối diện với “sự phù phiếm” của chính họ.
Nhà truyền giáo người ý Savonarola
Ngài Girolamo Savonarola là một nhà truyền giáo và nhà cải cách tôn giáo người Ý thế kỷ 15. Người ta tin rằng ông có khả năng tiên tri, và ông đã giảng thuyết chống lại sự mục nát của giới tu sĩ. Việc ông ngày càng nổi tiếng đã trở thành mối đe dọa quyền lực chính trị với giáo hoàng, người đã tìm cách kiểm duyệt các bài giảng công khai của ông.
Học thức sâu rộng và khả năng ăn nói đã khiến các bài giảng của Savonarola trở nên phổ biến và có sức thuyết phục. Ông nói với người dân Florence rằng ngày tận thế sắp xảy ra, và sự tự câu thúc và đức hy sinh là cách để được cứu rỗi.
Những người dân Florence phấn khích bị thuyết phục đến mức đã đốt tất cả những của cải đã khiến họ xao lãng các phận sự tôn giáo. Họ đã hiến dâng tài sản của mình trong một đám cháy lớn mà hiện được gọi là “ngọn lửa của những phù phiếm.” Họ đốt sách, quần áo, tác phẩm nghệ thuật, và bất cứ thứ gì khác được coi là vật khiến họ sao nhãng. Một số người dân thậm chí còn quyết định đốt phá ngân hàng Medici, trung tâm quyền lực ở Florence.
Tuy nhiên, không lâu sau Savonarola đã bị kẻ thù bịt miệng; ông bị nhà thờ treo cổ và thiêu sống. Sau cùng, ông được coi là một người tử vì đạo và được tôn vinh trong nhiều thế kỷ sau khi ông qua đời.
Bức tranh của họa sĩ Langenmantel
Ludwig von Langenmantel là một họa sĩ dòng tranh lịch sử và tranh sinh hoạt đời thường thế kỷ 19. Bức tranh “Savonarola giảng thuyết phản đối sự hoang phí” của ông miêu tả hình ảnh ngọn lửa của những phù phiếm.
Trong chi tiết này của bức tranh, nhà truyền giáo Savonarola đang thuyết giảng cho tất cả những ai muốn nghe.
Tâm điểm của bức tranh là Savonarola, người ở phía bên trái khung hình. Vận một chiếc áo choàng trắng với mũ trùm đầu màu đen, ông đứng trên bục giảng phủ vải hoa văn. Ông cầm tràng hạt và đầu lâu bằng một tay còn tay kia chỉ hướng lên trên những người khác. Phần trên khuôn mặt bị che bóng bởi chiếc mũ trùm đầu, ông nhìn về phía bầu trời với vẻ tập trung.
Một chi tiết trong bức tranh “Savonarola giảng thuyết phản đối sự hoang phí,” năm 1879, được vẽ bởi họa sĩ Ludwig von Langenmantel. Đại học St. Bonaventure.
Các vật phẩm để đốt được đặt ở bên trái của bục giảng. Hai người phụ nữ đứng tựa vào mớ đồ. Người gần chúng ta nhất đang chắp tay cầu nguyện, còn người kia thì nhìn lên Savonarola. Mặc dù cơ thể của họ đang tựa vào các món đồ, nhưng họ đang chú ý đến điều khác.
Một số phụ nữ giàu có tụ tập dưới chân Savonarola cùng với các vật phẩm để dâng tế. Một người phụ nữ đang trao vương miện cho thấy rằng cô đang từ bỏ địa vị hoàng gia của mình, trong khi một người phụ nữ khác đang hôn áo choàng của Savonarola.
Người nghèo cũng tham dự bài thuyết giảng của Savonarola.
Đằng sau nhóm phụ nữ giàu có, có hai thường dân: một phụ nữ lớn tuổi và một bé gái. Họ không có gì để đốt. Thay vào đó, họ đến để nghe bài giảng về ngày tận thế.
Có rất nhiều công dân của Florence được vẽ xung quanh Savonarola. Người giàu, người nghèo, đàn ông, đàn bà, giáo sĩ và giáo dân đều đến để nghe ông thuyết giảng và tham gia đốt lửa. Một cậu bé chuẩn bị mồi lửa ở ngoài cùng phía bên trái của bố cục.
Vứt bỏ sự phù phiếm của chúng ta
Một cậu bé mang theo lửa để thắp lên ngọn lửa của những phù phiếm. Đại học St. Bonaventure.
Vậy chúng ta có thể học được gì từ bức tranh và ngọn lửa của những phù phiếm này?
Các biểu tượng cho chúng ta biết đây là thể loại tranh nào: Những món đồ bằng vàng được chuẩn bị để đốt lửa, cậu bé châm lửa và đầu lâu trên tay Savonarola cho chúng ta thấy rằng đây là thể loại tranh “phù phiếm” (vanitas painting).
Theo trang web Tate, thể loại “phù phiếm” là “các tác phẩm nghệ thuật nhắc nhở người xem về sự ngắn ngủi và mong manh của cuộc sống … và gồm các biểu tượng như đầu lâu và ngọn nến đã tắt … để nhắc nhở chúng ta một cách rõ ràng về sự phù phiếm (vô giá trị) của thú vui trần tục và những món đồ xa xỉ.”
Savonarola giữ hộp sọ trogn tay vì ông là người nhắc nhở về ngày tận thế; ông là người nhắc nhở về sự kết thúc sắp xảy đến và những của cải vật chất vô giá trị.
Tôi không thể tìm thấy một ngọn nến đã tắt trong bức tranh này như trong các bức tranh “phù phiếm” khác. Ngọn nến đã tắt thường tượng trưng cho sự phù du của cuộc sống và mong người xem đừng lãng phí thời gian cho những mưu cầu vật chất. Tuy nhiên, ngọn lửa trong bức tranh này chính là ngọn nến. Chúng tôi cho rằng mớ đồ sẽ bùng cháy và ngọn lửa sẽ tắt.
Trên thực tế, ý tưởng rằng chúng ta nhìn thấy một mồi lửa duy nhất trước khi nó thắp lên ngọn lửa gợi ý một điều gì đó quan trọng. Bức tranh phù phiếm của họa sĩ Langenmantel nhắc nhở chúng ta về những gì xảy ra trước khi có ngọn lửa, về sự khởi đầu phải xảy ra nếu chúng ta muốn vứt bỏ những truy cầu hưởng thụ. Nói cách khác, trước tiên chúng ta phải sẵn lòng. Chúng ta phải sẵn lòng đốt cháy mong muốn về tiện nghi vật chất nếu chúng ta muốn trải nghiệm những gì bên ngoài thế giới vật chất này.
Họa sĩ Langenmantel [cũng] đưa ra một quan điểm khác. Bất cứ ai và tất cả mọi người; không phân biệt tầng lớp xã hội, cùng nhau đốt lửa. Không giống như các hệ tư tưởng tạo ra xung đột dựa trên giai cấp, giới tính, chủng tộc, v.v., ở đây, mọi người thuộc mọi tầng lớp và lứa tuổi tập hợp vì một mục đích duy nhất: vượt ra ngoài truy cầu vật chất của họ. Sự sẵn lòng thay đổi những quan niệm cố hữu đã đưa họ đến với sự kiện này.
Sự tự câu thúc
Tuy nhiên, nếu không đề cập đến một số điều quan trọng được tiết lộ bởi ngọn lửa của Savonarola, thì khó có thể hiểu được điều này. Cần phải nói rõ rằng “ngọn lửa của những phù phiếm” không phải là một hành động kiểm duyệt tôn giáo chống lại công chúng, mà là khuyến khích sự tự câu thúc bản thân.
Nói cách khác, nhà truyền giáo Savonarola không hành xử như một nhà cai trị độc tài. Ông không khuyến khích mọi người đốt các vật phẩm sẽ cản trở con đường đi đến quyền lực của mình, bởi lẽ ông không quan tâm đến quyền lực chính trị. Thay vào đó, ông khuyến khích những ai sẵn sàng đề cao bản thân vượt ra ngoài thế giới vật chất hãy ngừng gắn giá trị bản thân họ với những thứ thuộc về thế giới này.
Tuy nhiên, một số tín đồ tiếp nhận thông điệp của một cách quá khích và đã đốt phá ngân hàng Medici ở Florence. Cần lưu ý rằng có một sự khác biệt giữa việc nhìn vào bên trong để tu dưỡng bản thân với việc áp đặt hiểu biết về mặt đạo đức của chúng ta lên người khác. Trong trường hợp thứ hai, sự hiểu biết hạn chế về đạo đức của chúng ta khiến [mọi thứ trở nên] tuyệt đối hóa.
Ngày nay, dường như nền văn hóa của chúng ta được xây dựng xoay quanh “sự phù phiếm”. Chúng ta luôn muốn chiếm hữu nhiều hơn, hoặc muốn lên án người khác vì không suy nghĩ như chúng ta. Chúng ta trở nên giận dữ vì những quan điểm chính trị và đánh mất tâm hồn mình.
Làm thế nào chúng ta có thể khơi dậy khả năng nhìn vào bên trong và vứt bỏ những tôn sùng vật chất? Làm thế nào chúng ta có thể khiến việc tự câu thúc trở thành một yếu tố cơ bản và trọng yếu nhất trong nền văn hóa của mình?
Các tác phẩm nghệ thuật truyền thống thường chứa đựng những hình mẫu và biểu tượng tâm linh mà ý nghĩa của chúng có thể không còn được những người hiện đại chúng ta biết đến.
Trong loạt bài “Hướng vào nội tâm: Những điều nghệ thuật truyền thống mang đến cho trái tim,” chúng tôi diễn giải nghệ thuật thị giác theo những cách sâu xa hơn về mặt đạo đức.
Chúng tôi không giả định đưa ra câu trả lời tuyệt đối cho những câu hỏi mà các thế hệ đã phải trăn trở, nhưng hy vọng rằng những câu hỏi của chúng tôi sẽ truyền cảm hứng cho một hành trình hướng vào nội tâm của chính chúng ta để trở thành những con người chân chính, nhân ái và can đảm hơn.
Tác giả Tác giả Eric Bess là nghệ sĩ theo trường phái nghệ thuật đại diện (representational art), hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu Nghệ thuật Thị giác (IDSVA).
Eric Bess _ Phương Du
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.