Là người lái xe đưa
cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra phi trường để đến Đài Loan đêm 25/4/1975, cựu
CIA Frank Snepp tiết lộ về những chiếc vali mà phụ tá của ông Thiệu đã chất lên
chiếc xe do Snepp cầm lái.
Ông Nguyễn Văn Thiệu
làm tổng thống Việt Nam Cộng hòa trong giai đoạn 1967-1975. Ngày 21/4/1975, ông
từ chức và bốn ngày sau đó, 25/4/1975, ông rời Việt Nam trên chiếc máy bay quân
sự của Mỹ để đến Đài Loan, nơi anh ruột của ông đang làm đại sứ.
Nhà phân tích chiến
lược Frank Snepp của CIA được giao nhiệm vụ bảo vệ kiêm tài xế chở cựu tổng
thống ra phi trường Tân Sơn Nhứt. Đêm đó Snepp lái một chiếc xe với biển số giả
đến nhà cựu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm ở rìa sân bay, điểm khởi đầu của cuộc
hành trình.
Trong cuốn
sách Decent Interval, Snepp kể rằng khi ông Thiệu bước ra từ dinh thự
của cựu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm và trước khi Snepp kịp tra chìa khóa vào xe
thì có một nhóm phụ tá lực lưỡng của ông Thiệu đi ra từ một lùm cây gần đấy, mỗi
người vác theo một chiếc vali lớn.
"Họ yêu cầu
chúng tôi mở cốp xe và kiên quyết tự tay chất hành lý lên. Tiếng kim loại va
vào nhau vang lên trong không gian tĩnh mịch, như tiếng chuông gió bị bóp nghẹt
khi họ ném những chiếc vali vào vị trí."
Có gì trong những
chiếc vali?
Cựu CIA Frank Snepp kể rằng ông đã được Trưởng trạm CIA Thomas
Polgar báo trước có thể ông Thiệu sẽ mang một số tài sản cá nhân theo, có lẽ là
một ít vàng và tiền mặt nên dặn tôi giúp chất hành lý lên xe.
"Tôi không mấy
ngạc nhiên vì ông Thiệu rời Việt Nam vĩnh viễn và hoàn toàn hợp lý khi ông ấy
mang theo những tài sản có giá trị để nuôi sống bản thân và gia đình,"
Snepp nói.
Ông cũng tường thuật
lại rằng, tuy không nhớ rõ có bao nhiêu chiếc vali nhưng ông đã nghe tiếng kim
loại va vào nhau khi chúng được chất lên xe.
"Tôi đoán là
các thỏi vàng, nhưng tôi không nhìn thấy chúng. Sau khi máy bay của ông Thiệu cất
cánh, tôi gặp Polgar tại đại sứ quán trong thoáng chốc và thuật lại những gì
tôi chứng kiến để ghi vào hồ sơ."
"Tôi đã báo cáo
về những chiếc vali và bày tỏ quan điểm cá nhân rằng chúng có thể chứa vàng hoặc
kim loại quý, dựa trên âm thanh tôi nghe được. Cả hai chúng tôi đều không cho rằng
đó là chuyện cần làm ầm ĩ - và đúng là không nên như vậy. Điều quan trọng nhất
trong đêm đó là ông Thiệu đã được đưa đi an toàn," Snepp nói.
Ông Snepp cũng giải thích thêm rằng vì đêm đó cựu Tổng thống Thiệu có thể bị ám sát bất cứ lúc nào nên ông cần phải cực kỳ cảnh giác để "đánh hơi" trước nguy hiểm và ứng biến nhanh chóng nếu xảy ra bất trắc. Do đó, ông nhớ rõ việc nghe được tiếng kim loại va vào nhau từ chiếc vali.
Tháng 11/1977, trong
cuộc phỏng vấn dài 60 phút có tên gọi Bưng bít (Cover up) do nhà báo danh
tiếng Mike Wallace của đài CBS thực hiện với nội dung xoay quanh cuốn
sách Decent Interval, Snepp đã được hỏi về những chiếc vali được cho là
vàng bên trong.
"Wallace đã xen
vào suy đoán của ông ấy rằng ông Thiệu đã chuyển một lượng lớn vàng ra khỏi Việt
Nam trong đêm di tản đó. Thực tế trong cuộc phỏng vấn thì tôi chỉ đơn giản thừa
nhận rằng tôi đã nghe tiếng kim loại va vào nhau và nói có thể đó là vàng.
"Nhưng khi
chương trình được biên tập lại, các nhà sản xuất của đài đã cắt ghép và chêm
vào đoạn Wallace nhận xét về kho vàng quốc gia với câu hỏi dành cho tôi về những
chiếc vali của Thiệu. Câu trả lời đã được chỉnh sửa của tôi - chỉ là một cái gật
đầu hoặc 'vâng' đơn giản - khiến người xem tưởng rằng tôi đồng tình với suy
đoán về việc ông Thiệu mang vàng từ kho quốc gia đi," Snepp nói.
Snepp nói rằng người
bạn của ông Thiệu là cựu Thiếu tướng Charles Timmes, người ngồi cùng băng ghế
sau với ông Thiệu trong đêm rời đi ấy, đã chứng thực lời kể của Snepp.
"Tướng Timmes
đã viết lại câu chuyện đêm đó với góc nhìn của ông ấy và công nhận vai trò của
tôi cũng như độ chính xác trong những gì tôi kể lại. Timmes không có mặt lúc những
chiếc vali được chất lên vì ông ấy đang bên trong ngôi dinh thự của ông
Khiêm."
"Tuy nhiên, ông ấy đã chứng kiến lúc những chiếc vali được dỡ xuống ở đường lăn để chuyển lên máy bay. Đó hoàn toàn là một quy trình bình thường, không có chút mờ ám vì nếu thực sự có cả hàng tấn vàng theo ông Thiệu lên máy bay như đồn đại, chắc chắn tôi, Timmes, Trưởng trạm CIA Polgar và Đại sứ Martin - tất cả đều có mặt lúc đó - đã nhìn thấy."
Số vàng là 'con bài
'mặc cả'
Thực tế, các tổng thống
kế nhiệm ông Thiệu là ông Trần Văn Hương và sau đó là Đại tướng Dương Văn Minh
đều phản đối việc chuyển số vàng trong ngân khố ra nước ngoài vì cả hai đều xem
đó là một "con bài mặc cả" với phía cộng sản.
"Vị bộ trưởng
kinh tế cuối cùng dường như đã chấp thuận mong muốn của ông Hương là giữ vàng lại
ở trong nước."
"Kế hoạch ban đầu
nhằm đưa số vàng này ra nước ngoài đã thất bại do vướng mắc về bảo hiểm chuyến
bay và câu hỏi chưa có lời giải về điểm đến: một ngân hàng Thụy Sĩ hay kho lưu
trữ chính thức của Hoa Kỳ," Snepp nói.
Ông Hưng viết rằng,
vấn đề chuyển 16 tấn vàng khỏi Sài Gòn đã có trong cuộc họp nội các diễn ra
ngày 1/4/1975, sau khi Đà Nẵng thất thủ. Chính ông Hưng để đề nghị sử dụng số dự
trữ trong Ngân hàng Quốc gia, bằng vàng hoặc ngoại tệ, để mua đạn dược dùng vào
nỗ lực phòng thủ cuối cùng.
Khi đó, ông Hưng đã
thuyết phục nội các rằng số vàng trong kho bạc là mục tiêu đánh chiếm đầu tiên
của cộng sản khi tràn vào Sài Gòn. Cuối cùng, ông Thiệu nhất trí chuyển vàng ra
khỏi nước. Sau đó, Ngân hàng Quốc gia đã nhờ Đại sứ Mỹ Graham Martin dàn xếp
phi vụ này, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ đã chậm trễ giải quyết, đến khi phía Mỹ đáp ứng
thì ông Thiệu đã từ chức.
"Ngày 26/4, Bộ
Ngoại Giao Hoa Kỳ điện báo cho Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn là đã dàn xếp được dịch
vụ bảo hiểm chở đi số vàng trị giá là 60.240.000 Mỹ kim (như vậy chỉ bảo hiểm
được một nửa trị giá của số vàng dự trữ). Ngoài ra, họ còn đòi rằng muốn dịch vụ
bảo hiểm có hiệu lực, số vàng phải được mang ra khỏi Sài Gòn trước lúc bảy giờ
sáng ngày 27 tháng 4. Sau đó, vàng dự trữ đã được đóng thùng sẵn tại trụ sở
ngân hàng, và một chiếc máy bay Hoa Kỳ đã chực sẵn tại phi trường Clark ở Phi
Luật Tân (Philippines) để tới Sài Gòn khi có lệnh chở đi," sách Hồ sơ
mật Dinh Độc lập viết.
Sau khi Tổng thống
Trần Văn Hương lên thay ông Thiệu, ông Hảo đã dọa ông Hương rằng: "Nếu Tổng
Thống cho phép chuyển số vàng ấy ra ngoại quốc thì trong trường hợp tướng Minh
lên thay, Tổng thống sẽ bị lên án là phản quốc." Ông Hương sau đó sợ và
quyết định không chuyển số vàng đi nữa.
Ông Nguyễn Tiến Hưng
nhắc lại rằng nội các Việt Nam Cộng hòa khi đó muốn đưa vàng sang Thụy Sĩ và cuối
cùng là sang Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ bằng sự giúp đỡ của không lực
Hoa Kỳ nhưng Tổng thống Trần Văn Hương đã không đồng ý cho mang đi.
Tạp chí Time ra
số 14/4/1975 dưa tin rằng các quan chức Việt Nam Cộng hòa đã cố gắng chuyển số
vàng thỏi trị giá 73 triệu USD được cho là của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Tổng
thống Campuchia Lon Nol sang Thụy Sĩ.
Tuy nhiên,
theo Time, hãng hàng không thuê bao Balair, một công ty liên kết với
Swissair, đã từ chối vận chuyển 16 tấn vàng ra khỏi Sài Gòn với lý do lo ngại số
vàng này có thể là một phần trong dự trữ quốc gia của Nam Việt Nam và
Campuchia.
Tin đồn ông Thiệu mang theo 16 tấn vàng đã râm ran ngay từ khi ông mới rời đi và chính phủ Việt Nam Cộng hòa chưa sụp đổ. Lúc bấy giờ, phát ngôn viên của chính phủ đã bác bỏ hoàn toàn thông tin ông Thiệu mang theo vàng từ ngân khố quốc gia.
Sau ngày 30/4/1975,
huyền thoại này tiếp tục được lan truyền, thêu dệt, mà theo ông Snepp là có lẽ
nhằm bôi nhọ các quan chức lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa.
Trên thực tế, sau
khi Sài Gòn thất thủ, Quân Giải phóng đã tiếp quản kho vàng này. Vào đầu tháng
6/1975, Ban Quân quản Ngân hàng Quốc gia đã tiến hành kiểm kê số vàng trong
ngân khố mà chính quyền Việt Nam Cộng hòa bỏ lại.
Trong một bài viết
trên báo Tuổi Trẻ vào năm 2006, ông Huỳnh Bửu Sơn, người làm kiểm
soát viên trong ban lãnh của Nha Phát hành dưới thời chính quyền Việt Nam Cộng
hòa từ năm 1970, cho biết:
"Chỉ trong một
buổi sáng, chúng tôi đã kiểm kê xong số lượng giấy bạc dự trữ. Việc kiểm kê số
vàng chiếm nhiều thời gian hơn vì phải kiểm kê từng thoi vàng một để xem trọng
lượng, tuổi vàng và số hiệu có khớp đúng với sổ sách hay không.
Cuộc kiểm kê kết thúc,
ai nấy đều vui vẻ thấy số lượng tiền vàng kiểm kê đều khớp với sổ sách từng chi
tiết nhỏ... Về phía chúng tôi, điều này cũng chứng minh một cung cách quản lý
nghiêm túc của những người đã từng làm việc tại Ngân hàng Quốc gia."
Ông Snepp nói trong
cuộc phỏng vấn ngày 25/4:
"Tôi ngờ rằng các nhà tuyên truyền của Hà Nội đã tô vẽ câu chuyện nhằm bôi nhọ sự thật về ông Thiệu."
"Dù sao đi nữa,
người đàn ông mà tôi đã đưa ra phi trường Tân Sơn Nhất đêm hôm đó đã thể hiện
phẩm giá, sự tôn nghiêm và lòng dũng cảm phi thường. Những người Việt Nam vẫn
còn bị ám ảnh về số vàng trong kho quốc gia và những lời dối trá rằng ông Thiệu
đã mang theo một phần số đó chỉ đang cổ xúy cho những câu chuyện hư cấu làm
hoen ố danh dự của nền cộng hòa cũ."
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.