Monday, October 1, 2012

Lại nói về Công hàm Phạm Văn Đồng 1958

image

Tuyên bố 14/9/1958 của ông Phạm Văn Đồng tiếp tục gây các bàn cãi sau 54 năm

Hai bên Việt-Trung đã bắt đầu lên tiếng tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ năm 1909. Thế chiến thứ Hai làm tăng vai trò chiến lược của các đảo, vì nước nào chiếm giữ các đảo ở đây không chỉ có thể kiểm soát các hải đạo ở biển Đông mà còn có thể đặt các căn cứ quân sự khống chế các nước chung quanh.

image

Các thập niên sau sự tiến bộ về luật Biển đã khiến các đảo khu vực này mang thêm tầm quan trọng mới: các đảo có thể làm nền tảng để quốc gia đòi hỏi vùng biển chung quanh (có thể rộng đến 200 hải lý) cùng quyền sở hữu các tài nguyên trong cột nước, trên mặt và dưới thềm lục địa. Sau này, các túi dầu khí dưới thềm lục địa các đảo được khám phá, việc này làm cho Hoàng Sa và Hoàng Sa tăng thêm quan trọng về kinh tế chiến lược. Ngoài hai phía tranh chấp chính là Việt Nam - Trung Quốc (và Đài Loan), bắt đầu từ năm 1909, các nước chung quanh, thập niên 50 và 70, (Phi, Mã Lai...) cũng lần lượt lên tiếng đòi chủ quyền các đảo. Tranh chấp vì vậy mang tính địa chiến lược, do đó dẽ dàng lôi kéo các cường quốc ngoài khu vực tham dự.

image

Về bối cảnh ra đời, GS Joële Nguyễn cho rằng công hàm 1958 cần phải được xét trong bối cảnh “Trung Quốc có xung đột cao với Hoa Kỳ. Lại có cuộc chiến Triều Tiên năm 1950. Các cuộc tấn công các đảo Quemoy và MaTrường Sau năm 1954-1955 và năm 1958 để giải phóng Đài Loan, đã dẫn đến phản ứng của Hoa Kỳ bảo vệ Đài Loan.”

Thực ra Hoa Kỳ và Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) đã ký hiệp ước an ninh hỗ tương từ ngày 2 tháng 12 năm 1954. Điều 5 xác định nghĩa vụ hai bên khi có các cuộc tấn công của nước thứ ba và phương cách đối phó tùy theo hiến pháp của hai nước. Điều 7 cho phép Hoa Kỳ được đặt các căn cứ bộ binh, không quân và hải quân trên đảo Đài Loan, quần đảo Bành Hồ và vùng chung quanh.

Tức là Hoa Kỳ đã “bảo vệ” Đài Loan từ năm 1954. Các căn cứ được đặt tại Đài Loan và Bành Hồ (cùng các nơi khác), đứng trên quan điểm Hoa Kỳ, là nhắm vào mục đích bao vây Trung Quốc (containment). Trong khi quan điểm của Trung Quốc, hành động trên là “đe dọa an ninh” nước này. Nói rằng việc “Hoa Kỳ bảo vệ Đài Loan” đến từ các cuộc khủng hoảng Kim Môn và Mã Tổ 1954-1955 và 1958 là thiếu chính xác. Vì thế khi nói công hàm 1958 có liên quan đến việc “Hoa Kỳ bảo vệ Đài Loan năm 1958” là hoàn toàn không thuyết phục.

image

Hoàn cảnh ra đời thực sự của công hàm 1958 là do Hội nghị của LHQ về Biển ngày 29-4-1958. Công ước về thềm lục địa cũng được khai sinh nhân dịp này. Các quốc gia thuộc LHQ có thể ký nhận công ước này ở thời điểm giới hạn là 31-10-1958. Vì không phải là một thành viên của LHQ, tuyên bố của Trung Quốc là cần thiết để khẳng định những đòi hỏi của nước này về lãnh hải và vùng tiếp cận.

Công hàm 1958 của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời nhằm ủng hộ tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ và hải phận của nước này.
Vấn đề là, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không thể không biết về lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa cũng như tầm quan trọng chiến lược của Hoàng Sa và Trường Sa. Thay vì phải lên tiếng bảo lưu chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa, nhà nước này lại lên tiếng ủng hộ đòi hỏi của Trung Quốc.

Hội nghị Francisco 1951 và Hòa ước Nhật-Trung

GS Joele Nguyễn viết: “Tại Hội nghị San Francisco năm 1951, trong Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản, 46 tiểu bang đã từ chối công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các hòn đảo, bất chấp các phản đối của Trung Quốc. Đây là chủ quyền mà Trung Quốc không tuyên bố khi ký kết hiệp ước hòa bình song phương với Nhật Bản.”

Một số điều cần nói lại cho rõ. Vào thời điểm Hội nghị San Francisco 1951 có đến hai nhà nước Trung Quốc: 1/ Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo. Nhà nước này được LHQ nhìn nhận là đại diện duy nhứt của nước Trung Quốc. 2/ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (lục địa) do Mao Trạch Đông lãnh đạo. Nhà nước này không được sự nhìn nhận của LHQ. Hội nghị San Francisco không có bên nào được tham dự. Dầu vậy Chu Ân Lai có tuyên bố bên lề Hội nghị, đại khái không chấp nhận giá trị của Hội nghị này.

Một vấn đề pháp lý khác đặt ra từ Hiệp ước hòa bình San Francisco. Theo điều 2, nước Nhật cam kết từ bỏ các lãnh thổ đã chiếm trước đó (Đài Loan, Bành Hồ, Hoàng Sa và Trường Sa...) mà không xác định rõ là giao cho nước nào. Trong khi đó điều 25, thì không giao cho các nước (chủ quyền các vùng lãnh thổ mà Nhật từ bỏ) nếu các nước này không ký kết và thông qua Hòa ước. Cả hai phía Trung Quốc đều không tham gia ký kết Hòa ước.
Về “hiệp ước hòa bình song phương với Nhật” (mà GS Joele Nguyễn đã nói) là hiệp ước nào?

Nếu với lục địa thì nhà nước này thành lập năm 1949, bốn năm sau khi Nhật đầu hàng. Không tuyên bố chiến tranh thì làm sao có ký “hiệp ước hòa bình”? Hòa ước Nhật-Trung 12-8-1978 chỉ nhằm “bình thường hóa quan hệ ngoại giao hai bên” chứ không hề có việc chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa hai bên. Dĩ nhiên hiệp ước này không nói về vấn đề lãnh thổ.

image
Trong 'Công hàm Phạm Văn Đồng' lãnh đạo VNDCCH không nhắc tới Hoàng Sa, Trường Sa

Trong khi đó nhà nước Dân quốc ký hiệp ước hòa bình với Nhật vào ngày 24-4-1952 tại Đài Bắc. Nội dung hòa ước, điều 1 xác định chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa hai nước. Về vấn đề lãnh thổ, điều 2, Nhật tuyên bố từ bỏ chủ quyền ở Đài Loan, Bành Hồ cùng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này phù hợp nội dung của Hòa ước San Francisco, tức là Nhật tuyên bố từ bỏ các lãnh thổ kể trên nhưng không xác định là trả cho nước nào.

GS Joele cũng nại hiệp định Genève 1954, theo đó các nước, bao gồm Trung Quốc, cam kết tôn trọng "nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam."
Điều cần làm sáng tỏ là “lãnh thổ” của nước Việt Nam được hiệp định Genève 1954 có xác định Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam hay không ?
Ý nghĩa công hàm 1958

Khi tại hiệp định Genève 1954, mọi người cùng đồng ý Việt Nam là một quốc gia duy nhứt. Theo nguyên tắc “quốc gia duy nhứt”, hai bên đều có trách nhiệm như nhau trong việc bảo vệ lãnh thổ, cho dầu vùng lãnh thổ này do miền Nam hay miền Bắc quản lý. Vì vậy khó có thể để GS Joële Nguyễn bào chữa rằng vì “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không phải là Chính phủ có thẩm quyền đối với vùng lãnh thổ” cho nên “Chúng tôi không thể từ bỏ cái gì mà chúng tôi không có thẩm quyền”.

image

Mặt khác, đây không phải là một tuyên bố “từ bỏ chủ quyền” để đặt lại thẩm quyền của ông Phạm Văn Đồng. Đây là ý kiến của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền và hải phận.

Công hàm 1958 là một tuyên bố chính trị, như GS Joële Nguyễn đã nói, hay là một tuyên bố đơn phương mà phía tuyên bố có ý muốn ràng buộc với những gì đã tuyên bố và nếu có dịp sẽ thực hiện các lời hứa đó?

Nếu ta xem xét lại thái độ và các hành động liên quan đến vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa từ năm 1958 đến 1975, ta thấy lập trường của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là liên tục và nhứt quán, thể hiện qua các tài liệu báo chí, qua các tập bản đồ… tất cả đều nhìn nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc. Vì vậy công hàm 1958 không phải là một tuyên bố chính trị mà là một tuyên bố ý định mà phía tuyên bố đã liên tục tôn trọng nó trong một thời gian dài gần 3 thập niên.

image

Việt Nam hiện nay đã thông qua Luật Biển 2012, theo đó khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam.
Điều này không mâu thuẫn với lịch sử nhưng mâu thuẫn với thái độ trước đây của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Để tránh việc này, nhà nước CHXHCN Việt Nam cần phải “hóa giải” hiệu lực công hàm 1958, qua việc kế thừa danh nghĩa của Việt Nam Cộng Hòa.

Trong các bạch thư về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa, nhà nước CHXHCN Việt Nam chỉ đưa ra các bằng chứng bảo vệ chủ quyền, qua các thời kỳ nhà nước phong kiến, nhà nước bảo hộ Pháp, Đế quốc Việt Nam và nhà nước Việt Nam Cộng hòa. Không thấy dòng nào nói về công lao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngoài các hành vi tương ứng với việc từ bỏ chủ quyền.
Kế thừa danh nghĩa Việt Nam Cộng Hòa để có chính danh, vì danh có chính thì ngôn mới thuận.


Trương Nhân Tuấn


Anh là ai & Việt Nam Tôi Đâu



image


image


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.