Tuesday, October 23, 2012

Những bí quyết giúp trẻ chịu khó làm bài tập

image


Mùa hè vui chơi đã qua. Các em học sinh trở lại trường và bắt đầu bận rộn với niên học mới cùng thầy, cô, bạn bè, bài vở. Thói quen thức khuya, dậy muộn, chơi đùa của những ngày nghỉ còn vương vất trong người, làm các em thấy mệt mỏi. Áp lực của học trình mới, bài học mới đi kèm với những bài tập đem về nhà phải làm, khiến các em có cảm giác nặng nề và chán nản. Mấy em có hứng thú làm bài tập?.

Trong khi các bậc phụ huynh thì lúc nào cũng lo âu với trọng trách “Làm thế nào để con mình học được giỏi, thành công và đỗ đạt hơn người”. Do đó việc theo dõi việc học của con song song với việc giám sát trẻ làm bài tập đã khiến nhiều phụ huynh bận tâm và phiền lòng không ít. Nhu cầu phải hoàn thành nhiệm vụ giúp trẻ thành công, thúc đẩy các cha mẹ nôn nóng đi đến quyết định lúc nào cũng bắt trẻ làm bài tập, nếu thấy chúng sao nhãng, ngồi không, chơi game, hoặc coi TV. Tuy nhiên, trẻ em vẫn là trẻ em, bản chất của chúng là ham chơi hơn học. Chúng sẽ không bao giờ làm đúng với những gì cha mẹ ước vọng. Chúng sẽ bắt đầu phản kháng lại để thực hiện cho được điều chúng muốn. Ngược lại, các phụ huynh lại nôn nóng thực hiện việc làm của mình là kiểm soát tất cả giờ giấc, hành động của con trẻ. Thế là cả hai cùng ngấm ngầm tạo ra một cuộc chiến tranh ngay trong gia đình.

image

Đối với các em bé ngoan, hoặc dễ dàng nghe lời, sẽ không có gì xảy ra nhưng với các em bướng bỉnh, chúng cảm thấy bị xâm phạm và khó chịu. Nếu chú tâm theo dõi, bạn sẽ thấy, các em sáng tạo ra những lối phản kháng riêng để chống lại sự cưỡng bách của cha mẹ. Có em thì nói dối không có bài tập hay giả vờ quên làm bài tập. Em thì làm cẩu thả, bôi bác cho xong. Có em tay để trên bài tập mà mắt và óc bay nhảy tận đâu đâu, hoặc làm bài mà chẳng chịu đọc hay học bài kỹ. Khi ấy bạn sẽ vô cùng tức giận và không để chúng qua mặt, bạn bắt đầu đe doạ, trừng phạt, la mắng và bực bội hơn có thể quăng sách vở, giấy bút bay vút vào khoảng không trước mặt. Trận chiến lúc đó lên đến cao độ và bài tập thì như bướm bay tơi tả.

image

Có bậc cha mẹ chịu thua và giải quyết tiêu cực hơn bằng cách làm dùm cho con luôn.
Thực ra, bạn không thể bắt buộc chúng nếu chúng thực sự không muốn. Thay vì cưỡng bách, bạn nên tìm cách giúp các em vượt qua cơn chán ghét làm bài tập, giúp các em thay đổi lối cư xử. Đừng tập trung vào hành động xấu các em đã làm do thái độ bất mãn mà ra.
Trong trường hợp ấy, cách tốt nhất chỉ là, chính mình kiểm soát lấy mình. Bình tĩnh lại, quán sát và tự nhủ “Đứa bé ấy không phải là con ta, ta không biết nó, ta không thể bắt nó làm bất cứ điều gì mà nó không muốn”. Hãy tự vấn lương tâm với câu hỏi “Có cái gì sai đến nỗi sự thể xảy ra tệ đến thế. Đừng để sự lo lắng, thất vọng, quan tâm về bài tập chiếm hữu tâm tư bạn quá đáng.

Hướng dẫn con trẻ - Đừng cố gắng kềm chế các em.

image

Nhiều phụ huynh nghĩ rằng con mình không tận lực làm bài tập. Thực ra các em cũng có cố gắng đấy nhưng chúng cố gắng theo lối của chúng, chứ không phải lối mà cha mẹ chúng muốn.
Dưới đây là một số bí quyết giúp các bạn khiến con trẻ làm bài tập mà không phải đe nẹt, la mắng hay đánh đập các em.

- Tự hỏi trong quá khứ những gì đã xảy ra. Ôn lại trong quá khứ, lúc mà các em làm bài tập một cách tốt đẹp không gặp mọi trở ngại. Sự khác nhau ở chỗ nào?. Cái gì đã khiến các em hăng hái như vậy? Hỏi các em, gợi ý cho các em nhớ và tin những gì các em nói. Nhận xét xem động lực nào đã thúc đẩy các em làm bài nhanh và thành công đến thế?.

- Ngừng ngay cuộc chiến hay xung đột mỗi tối. Nếu sự xung đột giữa bạn và con trẻ xảy ra mỗi tối, thì lần này nên ngưng ngay. Ngừng chiến và tìm những phương cách khác. Dẹp bài tập qua một bên. Hãy tập trung vào công việc của bạn là giúp đỡ con trẻ, chứ không phải mắng mỏ chúng.

- Nghỉ một lát. Nếu bạn cảm thấy bạn đang nóng giận, hãy nghỉ một lát đừng nên tiếp tục dạy dỗ. Tình trạng áp huyết máu tăng cao vì giận dữ có hại cho bạn. Nghỉ 5 hay 10 phút cho cơn nóng giảm xuống và cũng để con trẻ nghỉ ngơi. Bầu không khí sẽ đỡ ngột ngạt căng thẳng hẳn ra.

image

- Đặt một thời khoá biểu hay thói quen cố định. Đặt ra thời lượng và giới hạn trong việc làm bài tập. Sau đây là vài điều mà nhiều gia đình áp dụng đã có hiệu quả:

* Giờ làm bài tập mỗi tối đều cố định như nhau.

* Bài tập của các em được làm ở một nơi không phải là phòng riêng, nghĩa là ở phòng họp gia đình(family room) hoặc nơi nào mà bạn có thể lúc nào cũng theo dõi các em được.

* Báo cáo điểm số bị tụt hạng hay quá tệ, thì các em không được hưởng đặc ân xem TV, chơi games hay các thiết bị điện tử nữa.

* Đặt ra những điều luật như, nếu không làm xong bài tập hay làm bài không tốt thì những sinh hoạt vào ngày cuối tuần sẽ bị cấm. Bài vở là ưu tiên số một, không học hành, làm bài tập sẽ không có ngày cuối tuần chơi đùa vui vẻ.

image

- Tập cho trẻ tự có trách nhiệm về bài tập của chúng. Các phụ huynh nên bước ra khỏi đống bài tập của các em mà tập trung vào vai trò của mình là cố vấn và giúp đỡ chúng. Hãy để các em tự do với lựa chọn của chúng. Bạn nên lùi lại và trở về với nhiệm vụ của mình là nâng đỡ các em. Nếu bạn cố gắng điều khiển chúng làm theo ý mình, kết quả có thể đi ngược lại ý bạn mong đợi, và tận cùng sẽ là các em sẽ đối đầu với quyền lực của bạn. Rồi bạn xem, bài tập sẽ được làm bằng thái độ qua quýt, vờ vịt, cho có và người thua cuộc không phải các em mà là bạn. Nếu suy nghĩ kỹ ai cũng hiểu một điều là hành động tự nguyện bao giờ cũng có kết quả tốt đẹp hơn sự cưỡng bách. Nếu các em lựa chọn làm bài tập với tất cả nỗ lực, thành công sẽ thấy rõ. Bằng ngược lại, điểm số sẽ tụt hậu. Khi ấy bạn sẽ đến gần và hỏi em:

- Con có hài lòng với thành quả xấu con đạt được ở học kỳ vừa qua không?

-Nếu không, con muốn làm gì để thay đổi hoặc con có muốn đạt điểm cao hơn không?

- Ba(Mẹ) có thể giúp con bằng cách nào?

image

Bài tập có được làm tốt hay không tùy thuộc vào năng lực thật sự của các em. Đó chính là ước vọng của cha mẹ. Khi bạn thấy các em thiếu cố gắng hoặc không nỗ lực học và làm bài tập nữa, điểm hạng tụt xuống. lúc ấy bạn mới bắt đầu can thiệp. Bạn có thể nói “Cha mẹ đã để mặc con có chọn lựa riêng, tự con lo lấy bài tập của các con. Bây giờ con đã thất bại và đã đến lúc cha mẹ bước vào giúp đỡ con làm bài tập tốt hơn.  Cha mẹ sẽ thảo ra một chương trình giúp con, sẽ theo dõi và kiểm soát để chắc chắn con có thực hiện nó”. Cùng con trẻ ngồi xuống, bạn thảo ra một kế hoạch rõ ràng. Tỷ như những luật lệ mới phải được tôn trọng như làm bài tập nơi có cha mẹ nom chừng mà không phải phòng riêng. Xin gặp cô thầy giáo của các em để họp tay ba, bàn thảo về những kỷ luật sẽ thi hành nếu các em còn tiếp tục tụt hạng. Có nghĩa là một mặt thì giúp, mặt khác thi hành một biện pháp kỷ luật nghiêm minh cho đến khi các em trở lại mức học khá mới thả lỏng hơn.

Tùy theo độ tuổi của các em mà bạn giúp các môn học như Toán và Anh Văn. Điều quan trọng là phải xét và kiểm tra bài các em làm cẩn thận trước khi cho các em đứng dậy. Nhớ nhắc các em mỗi ngày sau giờ tan học ở trường, tìm đến thầy cô xin giúp đỡ giảng dạy thêm những điều không hiểu.

Cũng có trường hợp các em không chịu học và làm bài tập vì khả năng học tập của em kém và có vấn đề, các phụ huynh phải nhanh chóng nhận ra điều này để nhờ nhà trường giúp đỡ thử nghiệm và cho em vào chương trình riêng dành cho các em khiếm khuyết khả năng học tập.

image

Trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái thật là to lớn. Dạy dỗ và hướng dẫn con cái trên con đường học tập là vai trò của các bậc phụ huynh. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng hướng dẫn không có nghĩa là làm dùm bài tập cho chúng để chúng đạt điểm cao. Đừng đi quá ranh giới của bạn mà vác ba lô làm bài tập lên vai mình. Tập cho chúng có trách nhiệm về việc học của chúng. Khi chúng cần giúp, bạn nhảy vào hướng dẫn, giảng dạy ân cần, tránh la mắng, nóng giận, đánh đập, thi hành quyền lực. Hãy tin tưởng các em, giao trọn việc làm bài tập cho chúng chịu trách nhiệm, chỉ nhảy vào khi cần thiết. Nếu bạn muốn dạy thêm Toán hay các môn mà chúng kém, đó là chuyện khác. Còn bài tập phải để tự chúng làm. Nhớ bảo các em rằng:

“Cha mẹ biết con có thể làm bài được mà. Cha mẹ tin con và để con tự quyết định lấy tương lai cuộc đời của con”.




Trịnh Thanh Thủy



Tài liệu tham khảo
-The Homework Battle:    https://store.empoweringparents.com/two-parents-one-plan.htmlutm_medium=relatedlinks&utm_source=eparticle&dsource=ep&utm_campaign=235                                            

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.