Saturday, October 6, 2012

Đừng hỏi vì sao em buồn và đừng hỏi vì sao em vui

image

Trên thế giới không có một nước nào có một hệ thống pháp luật đa dạng và phức tạp như pháp luật của quốc gia Hoa Kỳ. Điều này cũng rất dễ hiểu, vì Hoa Kỳ là một nước tạp chủng, bao gồm mọi sắc dân trên thế giới đến đây sinh sống và lập nghiệp, mà người ta gọi quốc gia này là Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ (The United States of America).


Đó là lý do làm cho luật pháp Hoa Kỳ trở nên đa dạng và phức tạp nhất trên thế giới. Hơn thế nữa, để bảo vệ cho tất cả các sắc dân đang sinh sống tại quốc gia này được hưởng quyền lợi một cách đồng đều và công bằng, nên Luật Di Trú Hoa Kỳ lại càng phức tạp, mỗi khi phải áp dụng luật di trú, để cứu xét từng trường hợp cho phép những đơn xin nhập cảnh Hoa Kỳ hay những người cư ngụ bất hợp pháp, phải bị trục xuất ra khỏi Hoa Kỳ.  Đây là một vấn đề nan giải và nhức nhối nhất cho Hoa Kỳ từ ngày lập quốc cho tới hiện tại. Nan giải và nhức nhối chỉ vì Luật Di Trú Hoa Kỳ nói riêng, được áp dụng dựa trên 3 yếu tố: Chính Trị, Nhân Đạo và Tôn Giáo tại các Tòa Án Di Trú, khác hẳn với luật hình sự và dân sự được áp dụng tại các Tòa Án Tiểu Bang và Liên Bang Hoa Kỳ.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ muốn trình bầy đến quý độc giả về 2 trường hợp xẩy  ra, có liên quan đến Luật Di Trú như sau:
                
Trường hợp thứ nhất:

image

Qua sự giới thiệu trung gian của người anh họ ở Việt-Nam, anh Tùng về Việt-Nam làm Lễ Đính Hôn với cô Thu, kém tuổi hơn Thu tới 12 tuổi nhưng nhìn vào bề ngoài cứ tưởng cô Thu và anh Tùng bằng tuổi nhau, nhiều lúc trông cô còn trẻ hơn anh Tùng vài tuổi. Có lẽ nhan sắc và nét mặt của cô trông trẻ hơn tuổi đời của cô vì cô Thu chưa bao giờ lập gia đình, cộng thêm lại được sinh trưởng trong một gia đình nề nếp, có tiền của nên cô không phải lo lắng cho kế sinh nhai hàng ngày, mà cô chỉ biết cắp sách đi học năm thứ hai ngành quản trị thương mại tại một đại học tư; còn anh Tùng đang sinh sống tại Hoa Kỳ, thì ban ngày phải làm việc cực nhọc vất vả để nuôi Mẹ già và nuôi thân, ban tối phải đi học thêm 2 năm nữa để lấy bằng kỹ sư điện, nên trông anh già hơn trước tuổi đời của anh, cộng thêm với nét mặt anh lúc nào cũng buồn rầu như đưa đám ma vì đã một lần bị vợ bỏ để đi lấy chồng khác nhưng chưa có con với anh. Có thể vì tuổi tác hai người chênh lệch nhau khá nhiều, nên cô Thu bị rớt tới 2 lần cuộc phỏng vấn và phải chờ tới gần 2 năm sau, mới đậu cuộc phỏng vấn lần thứ 3, để được phép qua Hoa Kỳ theo diện hôn thê (Fiancee) với anh Tùng.

Cô Thu sang tới đây được 2 tháng thì anh Tùng đưa cô Thu đi làm giấy hôn thú, vì nếu anh Tùng không làm giấy hôn thú với cô Thu trong vòng 3 tháng, kể từ ngày cô đặt chân đến Hoa Kỳ, thì cô Thu phải quay trở về nguyên quán, và ngay sau khi nhận được giấy hôn thú, anh Tùng liền lập thủ tục bảo trợ mẫu I-130 cho vợ với sở di trú, để cô Thu sẽ được mời đi phỏng vấn và sẽ được lãnh nhận thẻ thường trú (Permanent Resident Card).

Sống chung với nhau chưa đầy 6 tháng, bỗng dưng anh Tùng bỏ nhà ra đi không một lời từ giã vợ và đồng thời cô Thu nhận được thư mời cả hai vợ chồng đến Sở Di Trú để được phỏng vấn. Tới ngày hẹn phỏng vấn, cô Thu một mình đến trình diện Sở Di Trú và cô đã  kể rõ hết sự việc là chồng mình âm thầm bỏ nhà ra đi đã mấy tháng nay, không một lời từ biệt với cô, nên cô cũng không biết chồng cô bây giờ đang ở đâu. Tuy nhiên người giám khảo (Immigration Examiner) đã cho cô biết trước là cô vẫn được chấp thuận cấp phát Thẻ Thường Trú với điều kiện, có giá trị tạm thời trong vòng 2 năm (2-year Conditional Permanent Resident Card), vì hành động vô trách nhiệm của người chồng (Irresponsible husband) bỏ chốn  nhà ra đi, mà  không cho người vợ biết lý do và trong vòng 2 năm nếu cô Thu không vi phạm tội hình sự (Criminal) nào, có công ăn việc làm, đóng thuế lợi tức cho chính phủ, thì sau 2 năm, cô sẽ được cấp lại Thẻ Thường Trú không còn điều kiện gì hết.

Theo luật di trú của Hoa Kỳ, nếu 2 người lấy nhau mà không ăn ở với nhau chung một nhà như vợ chồng hoặc ly dị nhau trong vòng 2 năm, thì người vợ hoặc người chồng có thể bị trục xuất trả về nguyên quán. Nhưng trường hợp của cô Thu không bị trục xuất trả về nguyên quán, vì lý do vừa được nêu ở trên đây. Ít lâu sau cô Thu nhận được lá thư của chồng từ Tiểu Bang khác gửi tới cho cô và trong thư anh xin cô hãy tha thứ cho hành động bỏ trốn cô ra đi một cách âm thầm của anh. Vì người vợ anh đã bỏ anh để đi lấy một  người Mỹ trẻ tuổi hơn anh, đẹp trai hơn anh, lại là một kỹ sư điện tử và để đáp lại hành động cư xử tàn nhẫn của người vợ anh đối với anh, anh đã ăn ở với một cô gái Mỹ, tóc bạch kim, trẻ đẹp ngây thơ như một nàng tiên giáng trần, mới 22 tuổi. Anh có kể cho nàng nghe câu chuyện anh cưới em làm vợ từ Việt-Nam và anh yêu cầu nàng hãy chờ đợi cho đủ 2 năm nữa, anh sẽ nạp đơn xin ly dị em, thì nàng và anh sẽ làm giá thú với nhau. Anh giải thích cho nàng hiểu nếu anh làm đơn xin ly dị em ngay bây giờ, em sẽ có thể bị trục xuất trả về nguyên quán theo luật di trú, điều này anh hoàn toàn không muốn có hành động bất nhân như vậy đối với em và cô nàng Mỹ này cũng đồng ý với đề nghị của anh đưa ra.

image

Đọc xong lá thư của chồng, cô Thu khóc suốt cả tuần lễ, cạn hết nước mắt, vì thực sự cô yêu anh Tùng bằng hết cả tâm hồn lẫn thể xác, đây chính là mối tình đầu của cô, tuy lấy chồng hơi muộn màng, nhưng chưa bao giờ cô biết  yêu ai ngoài anh Tùng ra. Có một số người nằm trong hoàn cảnh tương tự như trường hợp của cô, họ đều tỏ ra nỗi vui mừng vì không bị trục xuất trả về nguyên quán, còn bị chồng bỏ thì đi lấy chồng khác, hoặc lấy chồng người Mỹ lại càng dễ dàng hơn. Nhưng riêng trong trường hợp của cô Thu, dù có được cấp thẻ thường trú để ở lại Hoa Kỳ làm việc, nhưng cô vẫn cảm thấy đau buồn vì mất người mình yêu, hơn thế nữa, lấy chồng trẻ tuổi hơn mình là một điều hạnh phúc lớn lao cho cô, mà cô cảm nghiệm thấy chồng trẻ vợ già là tiên trên đời. Những người quen biết cô thấy cô lúc nào cũng buồn, đều đặt câu hỏi với cô vì sao cô buồn, thì cô trả lời họ rằng: Đừng hỏi vì sao em buồn, em không thể nói ra được.

Trường hợp thứ hai:

image

Anh Rick (đổi tên Việt sang tên Mỹ khi nhập tịch) về Việt-Nam lấy cô Hương làm vợ và lập hôn thú tại Việt-Nam. Anh Rick hơn cô Hương tới 16 tuổi và khi cô Hương sang tới đây thì mấy tháng sau là nhận được Thẻ Thường trú. Vì vợ còn quá trẻ và lại có nhan sắc, sợ vợ mình dễ bị người khác dụ dỗ, nên anh Rick không cho vợ đi làm hoặc không được tiếp xúc với bất cứ ai, cần đi đâu mua gì thì anh lái xe chở vợ đi. Cô Hương đến Hoa Kỳ đã hơn 6 tháng, chưa được gặp mặt hay nói chuyện với người Việt kiều nào ở đây hết, ngoại trừ chỉ được phép nói chuyện với những anh em, bà con họ hàng thân thuộc trong gia đình của anh mà thôi. Tình trạng của cô chẳng khác nào như một tù nhân bị quản thúc tại gia vô hạn định. Lẽ dĩ nhiên, chuyện gì phải đến nó sẽ đến, không ai biết được ngày mai sẽ ra sao, tốt hay xấu, chỉ có Thượng Đế mới biết trước được những gì sẽ xẩy ra mai sau.

image
Hình minh họa

Trong số những bà con thân thuộc với chồng của cô Hương, có một người hiểu khá rành về luật di trú và cảm thấy bất bình về cách đối xử của chồng cô đối với cô như một kẻ bị nô lệ tình dục, và đã có lần chồng cô nổi cơn ghen tương, đánh đập cô, nên người bà con này đã giải thích cho cô nghe về luật di trú là: Dù lấy nhau chưa đủ 2 năm, hoặc vợ chồng chung sống với nhau bất kể thời gian lâu hay mau, nếu người vợ có bằng chứng xác nhận mình là nạn nhân bị bạo hành bởi người chồng, hoặc bị chửi bới, đe dọa đến mạng sống của mình từ người chồng, đều có thể xin Tòa Án Di Trú xét xử, thu hồi lệnh trục xuất trả về nguyên quán nếu có, mà luật di trú đã qui định.


Một hôm anh Rick lại nổi cơn ghen, đánh đập vợ có thương tích, nên cô gọi số điện thoại 911, chỉ 5 phút sau cảnh sát tới nơi cô cư ngụ và đưa cô đến nơi trú ẩn (Shelter), đồng thời còng 2 tay người chồng, đưa về trại tạm giam chờ ngày ra tòa xét xử. Tòa phán quyết bản án dành cho anh Rick 9 tháng tù ở và 2 năm án treo về tội bạo hành trong gia đình. Còn cô Hương được quyền ly dị chồng mà không bị trục xuất trả về nguyên quán, mặc dù cô mới đoàn tụ với chồng tại Hoa Kỳ chưa đủ 1 năm, nhưng vì cô là nạn nhân làm nô lệ tình dục và bị bạo hành bởi người chồng, nên Tòa Án Di Trú xét xử, cho phép cô được duy trì tình trạng thường trú tại Hoa Kỳ như trước đây.

image

Thế là cô Hương như một con chim sổ lồng, kể từ nay cô được hoàn toàn tự do, muốn đi đâu thì đi, muốn tiếp xúc làm bạn bè với ai thì làm, không còn phải lo sợ bị chồng chửi mắng đánh đập như một đứa con gái hư thân mất nết bị Bố chửi mắng đánh đập nữa. Chỉ vì muốn sang Hoa Kỳ được hưởng đời sống tự do no ấm, nên cô mới chấp nhận đi lấy ông chồng già, đáng tuổi Bố của mình, hơn nữa cô cứ tưởng lấy chồng già sẽ được chiều chuộng như đứa con gái cưng của Bố, đâu có ngờ lấy chồng già là đeo gông vào cổ. Những người quen biết cô, không biết chuyện đau khổ trong cuộc đời tình ái quá khứ của cô và thấy cô lúc nào cũng vui tươi cười đùa như một đứa con nít vô tư, thì lấy làm ngạc nhiên và đều hỏi cô: Này cô Hương ơi, tới cái tuổi trên 30 mùa xuân của cô rồi, tại sao cô lúc nào cũng vẫn còn vui tươi nhí nhảnh như cô con gái hãy còn xuân vậy, thì cô trả lời: Đừng hỏi em vì sao em vui, nguyên do quá tế nhị, làm em không thể nói ra đây được.




No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.