Monday, October 15, 2012

Huyền thoại chàng trai Việt khởi nghiệp với 2 USD

image
Anh Trung Dũng trước trụ sở công ty Fogbreak

Trung Dũng được biết đến là một tỉ phú người Việt trên đất Mỹ. Câu chuyện thành công của anh đã trở thành "huyền thoại" trong giới công nghệ cao và thu hút sự quan tâm lớn của giới truyền thông Mỹ.

Từ nhỏ, Trung Dũng đã có khả năng nổi bật về toán học và khoa học tự nhiên. Sau khi vượt qua kỳ thi tương đương trung học, anh ghi tên học hai môn Toán và Tin học tại trường Đại học Massachusetts, Boston.
Trong vòng 3 năm, anh đã lấy được 2 bằng đại học: cử nhân (Bachelor) về Toán học ứng dụng và Khoa học máy tính, đồng thời hoàn thành 90% chương trình đào tạo thạc sĩ, trong khi vẫn phải làm việc kiếm tiền 30 giờ mỗi tuần.
Khi chưa tốt nghiệp, anh đã được nhận làm việc với tư cách là kỹ sư phát triển cho Công ty Open Market Inc, biên soạn phần mềm kinh doanh điện tử với mức lương cao. Nhưng sau đó, Trung Dũng quyết định nghỉ việc tại Open Market để đầu tư tất cả thời gian, công sức theo đuổi kế hoạch phát triển phần mềm của riêng mình.
Ban đầu, do không có đủ tiền mua máy tính xách tay, anh phải gắn chiếc máy tính cá nhân cồng kềnh và màn hình 17-inches lên chiếc xe hơi Honda Civic rồi "kéo lê" nó đi từ nơi này đến nơi khác để giới thiệu phần mềm của mình. Tuy nhiên may mắn chỉ đến với anh khi được một người bạn giới thiệu anh với Mark Pine, nguyên là Ủy viên Ban Quản trị Sybase Inc đã về hưu. Mark Pine đã hỗ trợ anh thành lập ra OnDisplay, chương trình giúp các doanh nghiệp lấy dữ liệu từ những vị trí khác trên mạng trong khi vẫn ở tại chỗ của mình.

image

Khi được chuyển nhượng cho một công ty khác, OnDisplay có trị giá 1,8 tỷ USD.
Nhiều người nghĩ rằng với số tiền khổng lồ ấy, Trung Dũng sẽ nghỉ ngơi và sống một cuộc sống an nhàn, giàu có. Nhưng anh tiếp tục sáng lập ra công ty Fogbreak với tham vọng phát triển nó ngang ngửa với PeopleSoft nổi tiếng của Mỹ. Ở Fogbreak, mỗi USD đều được chi tiêu một cách cẩn trọng. Anh thà không có thư ký và một văn phòng xa hoa lộng lẫy để mà tập trung tất cả phục vụ cho nhu cầu của khách hàng.

image

Ngoài kinh doanh, Trung Dũng còn tham gia vào các tổ chức phi lợi nhuận. Anh là cố vấn cho Vietnamese American Silicon Valley Networks, chiếc cầu nối toàn cầu đầu tiên cho chuyên gia gốc Việt hoạt động trong ngành công nghệ cao trên toàn thế giới, đồng thời là người sáng lập diễn đàn điện tử lớn nhất cho người Việt định cư ở nước ngoài...
Năm 2005, Trung Dũng được Tổng thống George W. Bush bổ nhiệm vào Hội đồng Quản trị Vietnam Education Foundation (Quỹ Giáo dục Việt Nam-VEF). Nhiệm vụ của VEF là tăng cường mối quan hệ song phương Việt - Mỹ qua các hoạt động giáo dục về khoa học và công nghệ.

Trung Dung và giấc mơ Việt Nam

image

Sinh năm 1967, sang Mỹ năm 1985.
Cử nhân ngành Toán và Khoa học máy tính, ĐH Massachusetts
Tiến sĩ ngành Khoa học máy tính, trường ĐH Boston
Là người sáng lập và giám đốc điều hành công ty Fogbreak Software, chuyên về các ứng dụng DN để tối ưu hoá khả năng linh hoạt và hiệu suất của dây chuyền sản xuất
Được Tổng thống Mỹ bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng quản trị của Quỹ Giáo dục Việt Nam(VEF)
Đang sống với vợ và con gái 2 tuổi rưỡi ở thành phố Alamo, bang California, Hoa Kỳ

Theo thói quen, địa chỉ đầu tiên mà tôi tìm đến để giải toả thắc mắc là trang web Google. Thật bất ngờ, kết quả đầu tiên nhận được là Wikipedia, trang Bách Khoa Toàn Thư điện tử phổ biến nhất thế giới.
Bên cạnh tấm ảnh của Trung là những thông tin vắn tắt: Sinh ra và lớn lên ở miền nam Việt Nam, sang Mỹ năm 17 tuổi. Là người sáng lập và giám đốc điều hành của hai công ty phần mềm lớn On Display, Inc. và Fogbreak Software. Giải thưởng Đuốc Vàng trao tặng cho người Việt tiêu biểu ở Mỹ trong đại hội cộng đồng Việt Nam hàng năm tổ chức tại Washington, D.C. năm 2004. Câu chuyện cuộc đời và sự nghiệp của anh đã được đăng tải trên các tờ báo nổi tiếng: Forbes, Financial Times, Wall Street Journal, và San Francisco Chronicle... là một trong 17 tấm gương về thành công của người nhập cư trên nước Mỹ trong cuốn sách của Dan Rather: “Giấc mơ nước Mỹ”(The American Dream).
Ngoài ra còn hàng loạt kết quả khác giới thiệu chàng trai trẻ này là một trong những doanh nhân Việt kiều trẻ thành đạt nhất tại Mỹ, là nhà đầu tư sáng lập và thành viên Hội đồng quản trị của Công ty phần mềm DICentral, nhân vật tiêu biểu của Tổ chức pháp lý về di dân Hoa Kỳ, và thành viên danh dự của nhiều hội Việt Kiều ở Mỹ…

"Tôi có một ước mơ..."

Con đường sang Mỹ lập nghiệp của Trung Dung khá truân chuyên. Đến Hoa Kỳ với vẻn vẹn chỉ 2 USD trong túi và vốn tiếng Anh hầu như là con số không, đó là năm Trung Dung 17 tuổi.
Hơn hai chục năm sau, khi người thanh niên ấy xuất hiện ở phòng khách của toà soạn báo TS, chúng tôi khó có thể tưởng tượng anh đã là một “đại gia” ở Sillicon Valley, sở hữu hai công ty phần mềm lớn có giá trị lên đến hàng tỷ đô la. Trước mặt chúng tôi là một người Việt giản dị, bình thản, giọng nói miền Nam trầm ấm và phong thái rất khiêm tốn. Đó có lẽ là những điểm không thay đổi mấy kể từ ngày anh sang Mỹ.

“May mắn là yếu tố rất quan trọng. Nhưng yếu tố quan trọng hơn nữa là phải có một ước mơ thật sự, phải biết những gì mình muốn làm. Martin Lurther King - người đầu tiên nghĩ đến quyền bình đẳng giữa người da đen và da trắng - có một câu nói nổi tiếng “I have a dream" (Tôi có một ước mơ). Tôi nghĩ tất cả mọi người đều nên có một ước mơ. Sau khi có nó rồi thì tuỳ theo sức lực mà đầu tư vào nó, và hy vọng một ngày nào đó sẽ đến được đích".

image
Trung Dũng lý giải về những thành công của mình một cách giản dị.

Với cậu học sinh 17 tuổi Trung Dũng ngày đó, có lẽ ước mơ lớn nhất là thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ bằng tấm bằng Đại học. Mặc dù với vốn tiếng Anh ít ỏi nhưng nhờ trình độ toán và khoa học tự nhiên cao, Trung đã may mắn được nhận vào ĐH Massachusetts. Không bỏ lỡ cơ hội, mỗi học kỳ anh lấy đều đều 8-9 lớp trong khi vẫn xoay đủ nghề: hầu bàn ở nhà hàng, lao công bệnh viện… để có tiền trả học phí, trang trải các chi phí cá nhân và gửi về cho gia đình ở Việt Nam.

Tốt nghiệp ĐH, Trung học lên lấy tiếp tấm bằng tiến sĩ ngành Khoa học máy tính và có ngay việc làm ổn định trong một công ty phần mềm thương mại điện tử ở Massachusetts từ trước khi ra trường.

Tưởng như anh đã có thể tự hài lòng vì giấc mơ của mình đã thành hiện thực nhưng khi nhìn thấy cơ hội tự phát triển một ý tưởng kinh doanh mạng, Trung không thể nghĩ đến việc làm cái gì khác hơn là tập trung vào xây dựng công ty với ý tưởng này. Anh quyết tâm từ bỏ công việc đang có để theo đuổi ước mơ mới, như thế có nghĩa là bỏ đi cơ hội có được một tài sản cổ phiếu trị giá 1 triệu USD!

image

OnDisplay - Công ty phần mềm đầu tiên của Trung Dũng ra đời từ một khái niệm tưởng chừng đơn giản: chế tạo một phần mềm tổng hợp thông tin từ các trang web khác và sắp xếp lại theo thứ tự tiện dụng nhất cho người sử dụng. Là người đầu tiên nhận thấy tiềm năng kinh doanh của ý tưởng này, song với vốn kinh nghiệm trên thương trường còn quá ít ỏi, anh đã vấp phải những lời từ chối của các nhà đầu tư.

Đúng lúc tưởng như bế tắc nhất, OnDisplay đã lọt mắt xanh một đại gia về thương mại điện tử: Mark Pine, giám đốc điều hành một bộ phận quan trọng của công ty Sybase, một công ty thiết kế phần mềm dữ liệu lớn. Ông là người có kinh nghiệm dày dặn trên thương trường cũng như linh cảm sắc bén trong tìm kiếm đối tác, sau khi gặp Trung Dũng ông nói:
“Tôi nhìn thấy tiềm năng ở Trung và tin tưởng vào anh”.

Mark Pine đã nhận lời làm giám đốc điều hành của OnDisplay. Chỉ sau 2 tuần, giá trị của OnDisplay đã tăng vọt. Công ty này nhanh chóng kiếm được trên 80 khách hàng, trong đó có công ty dịch vụ thương mại điện tử và e-portal lớn như Travelocity. OnDisplay còn hợp tác chiến lược với các đại gia như IBM và Microsoft cũng như các công ty mới nổi giàu tiềm năng như Ariba, BroadVision, và CommerceOne…
Năm 2000, một tập đoàn lớn đã mua lại OnDisplay với giá 1,8 tỷ USD, mang lại cho Trung Dũng một tài sản khổng lồ.

image

Nhưng ước mơ của Trung Dũng cũng chưa dừng lại ở đây. Chuyển về California, cái nôi công nghệ của nước Mỹ, chàng trai trẻ tiếp tục đầu tư thành lập công ty thứ hai, Fogbreak Solutions, chuyên về các ứng dụng DN để tối ưu hoá khả năng linh hoạt và hiệu suất của dây chuyền sản xuất. Fogbreak đã nhận được đầu tư của các công ty lớn như Matrix Partners, Greylock, và Sigma Partners.

May mắn chắc chắn là yếu tố không thể thiếu trên con đường đến thành công của người Việt kiều còn khá trẻ này. Song có một điều không thể phủ nhận: Đây là “may mắn” dành cho người có tầm nhìn, bản lĩnh, làm việc nghiêm túc, và biết nắm bắt cơ hội!

Anh có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm với các bạn trẻ Việt Nam?

Thời điểm này ở VN có rất nhiều cơ hội cho mọi tầng lớp muốn làm việc. Với các bạn trẻ Việt Nam, các bạn hãy xác định một ước mơ, sau đó bỏ công sức đầu tư để có đủ khả năng, vì nếu có ước mơ mà không có khả năng thì thực hiện nó xa vời quá. Trong một buổi nói chuyện với các sinh viên của quỹ VEF, tôi cũng có nói: cần nhất là phải trang bị học vấn. Học vấn cho mình cơ hội theo đuổi ước mơ.

Một điểm nữa cũng rất quan trọng: làm một mình rất khó. Thường tôi không làm một mình được mà phải làm chung với một nhóm bạn bè. Người này mạnh về vấn đề này, người kia mạnh về vấn đề kia. Nếu có một nhóm bạn bè cùng có chung một ước mơ thì có thể nâng đỡ nhau rất nhiều...

Kinh nghiệm của Trung Dũng là tìm đến các bạn bè cùng chí hướng, và từ họ lại tìm thêm những người khác, tạo thành mạng lưới công việc cho mình. “Cho đến bây giờ vẫn vậy. Mỗi khi làm việc gì tôi luôn làm với nhóm, chứ còn làm một mình thì nhiều khi ngày nắng ngày mưa mình cảm thấy buồn chán, muốn bỏ luôn. Ít nhất một nhóm bạn bè thì có thể nâng đỡ nhau vượt qua những lúc đó".

“Biết sẽ trở về nhưng không biết chừng nào thôi!”

Đây là lần đầu tiên, Trung Dũng trở về quê nhà kể từ khi rời đi năm 1984. Anh không giấu nổi xúc động: “Rất hay, rất vui! Và thật sự ngạc nhiên. Ở bên ngoài mình nghe nói Việt Nam phát triển nhanh, thay đổi nhiều, nhưng thật sự không thể nào tưởng tượng được mức độ phát triển, mức độ thay đổi ở trong nước. Hồi mình đi, mọi người chỉ lo kiếm miếng ăn, còn giờ thì kiếm miếng mặc hơn là ăn. Đó là bước tiến nổi bật. Đời sống của bạn bè thoải mái hơn rất nhiều so với trước!”

Tận mắt chứng kiến những thay đổi này, người con đi xa không chỉ thấy tự hào, mà còn cả hy vọng và kỳ vọng: “Lần này về là để tìm hiểu về khả năng, tiềm năng của công nghệ phần mềm, và để tìm hiểu về thị trường tổng quát ở Việt Nam cũng như các cơ hội đầu tư. Tuy chỉ ở đây một thời gian ngắn, tôi cũng cảm nhận được năng lượng của nhịp phát triển sôi động đang diễn ra trong nước. Cơ hội đầu tư không chỉ ở lĩnh vực công nghệ cao mà ở các ngành khác nữa".

Trung cũng băn khoăn: “Vấn đề quan tâm nhất của những doanh nhân Việt kiều như tôi là luật về đầu tư, kinh tế. Càng rõ ràng càng dễ cho chúng tôi. Cái đó quan trọng hơn là các chính sách ưu tiên, vì tôi nghĩ ưu tiên chỉ là tạm thời thôi".

Trung Dung đọc báo Việt Nam thường xuyên và rất quan tâm đến các vấn đề kinh tế, đặc biệt là việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. “Đây là chuyển biến rất quan trọng cho nền kinh tế của mình, cũng là cơ hội cho những người như tôi”.

Tuy nhiên, con đường trở về của doanh nhân thành đạt này không chỉ dừng ở kinh doanh. “Có nhiều thứ nữa tôi muốn làm để giúp đỡ Việt Nam", Trung Dũng bộc bạch, “Trong tương lai xa, tôi sẽ tập trung giúp đỡ về ngành giáo dục, đặc biệt là giáo dục từ tầm tiểu học, trung học…cho con em mình. Tôi nghĩ thời điểm này có tầm ảnh hưởng lớn đến đông đảo các em nhỏ. Đây là lĩnh vực đầu tư không phải để kiếm lợi, mà là một việc đòi hỏi tư duy nghiêm túc để thay đổi môi trường xã hội”.

image

Trung Dũng đã bắt đầu đầu tư vào giáo dục Việt Nam tại thời điểm này bằng cách tham gia vào Hội đồng quản trị của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) để trực tiếp quyết định các chính sách chiến lược và hỗ trợ cho các sinh viên sang Mỹ du học theo học bổng này.

Khi ra đi năm 1984, anh có nghĩ đến một lúc nào đó sẽ trở về như thế này không?

Có chớ!Trung Dung nói không chút đắn đo - Biết là sẽ trở về, chỉ không biết chừng nào thôi. (cười) Ngừng một lúc, anh trầm ngâm: “Khi ra đi tôi không biết mình có được may mắn để sau này trở về không. Lúc đi thì nghĩ là không có cơ hội trở về nhưng bây giờ thì thấy rồi!”

Nhìn vào đôi mắt sáng đầy hy vọng của anh, tôi hiểu ước mơ tiếp theo của anh chính là giấc mơ Việt Nam - giấc mơ ngày trở về.





No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.