Thursday, October 18, 2012

'Chúng ta tha cho chúng mình'

image

Tạp chí Anh The Economist vừa có bài blog bình luận về hai nhân vật ở Việt Nam gây nhiều chú ý trong dư luận gần đây.

BBC Tiếng Việt giới thiệu cùng bạn đọc các nét chính của blog với tựa “We forgive us” (tạm dịch là “Chúng ta tha cho chúng mình”) Bài blog mở đầu bằng vụ việc một người đàn ông có hành vi gây rối tại TP HCM vì quá chén.

Ông Phạm Văn Bình, 43 tuổi, làm nghề đạp xích lô, đã trèo lên tượng đài danh tướng Trần Nguyên Hãn ở khu trung tâm TP HCM gần chợ Bến Thành.
Hình ảnh từ báo trong nước cho thấy ông Bình ngồi trên cánh tay thả chim bồ câu của bức tượng và có lúc đứng lên vẫy chào người đi ngang qua hiếu kỳ đứng lại xem.
Rốt cùng ông cũng đã nhảy xuống đệm hơi do cảnh sát đưa tới phòng trường hợp ông bị ngã.

Cho dù đây là động thái phản đối hay chỉ đơn giản là trò hề của một người say xỉn thì chẳng ai trong cả trăm người đứng xem gần chợ Bến Thành biết được, tác giả bài blog bình luận.

image

Cách mà ông Bình bị bắt giữ được báo trong nước đăng tải có lẽ thậm chí còn bất thường hơn trong bối cảnh hành vi quậy của ông xảy ra vào thời điểm nhạy cảm.

Giới chức Việt Nam bấy lâu nay rất dị ứng với bất kỳ chỉ dấu dù nhỏ nhưng có biểu hiện phản đối hoặc gây rối xã hội, và đặc biệt là xung quanh khu vực quan trọng.
Những vụ việc như vậy thường không được báo chí nhà nước đăng tải, ngay cả khi xảy ra trước đám đông.

image

Còn ở thủ đô Hà Nội ở phía Bắc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kháng cự để giữ ghế của mình.
Ông Dũng bị đưa ra phán xét tại Hội nghị Trung ương kéo dài trong hai tuần, gấp đôi thời gian họp thường lệ.

'Thoát hiểm'

image
Ông Dũng được bầu chọn cho nhiệm kỳ hai sau Đại hội XI.

Bài blog cho hay thu hồi đất, tham nhũng, mức lạm phát cao một cách lố bịch, dân rút tiền hàng loạt khỏi ngân hàng, các công ty nhà nước phá sản, mất việc làm và không có tự do tôn giáo đã và đang là nguyên nhân gia tăng làn sóng phản đối.

Sự phản đối diễn ra với qui mô và hình thức khác nhau, và hợp lại dẫn tới việc người ta nghi ngờ khả năng lãnh đạo của ông Dũng.

image

Trong số những người chỉ trích ông có Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng.
Ông Trọng xuất hiện trước hội nghị như nhân vật có tiềm năng thay thế Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người được bầu chọn cho nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai có thời hạn 5 năm vào tháng Bảy năm ngoái.

image

Người ta thấy có một mối quan ngại chính, đó là quyền lực cá nhân ông Dũng được vun đầy trong suốt thời gian ông tại nhiệm.
Điều này là dễ thấy thông qua các mối liên hệ cá nhân của ông với các nhân vật chủ chốt trong vụ bê bối tại Ngân hàng Thương mại Á Châu (ACB), ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam, và bê bối tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), bị mắc nợ 4,5 tỷ USD.

image

Giám đốc điều hành của cả hai đơn vị kinh doanh này đang bị điều tra hoặc đã bị bỏ tù vì tội tham nhũng.

Khi Bộ Chính trị gồm 14 thành viên bế mạc phiên họp, họ đã nói rằng họ “nghiêm túc tự kiểm điểm và thành thật nhận lỗi", theo lời của nhà lãnh đạo Đảng, Nguyễn Phú Trọng, người có bài phát biểu được phương tiện truyền thông nhà nước tường thuật trực tiếp.

image

Ông Trọng nói Ban Chấp hành Trung ương Đảng “quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị”.
Ít nhất là vào lúc này ông Dũng giữ được ghế của mình. Điệp khúc của sự bất bình đang ngày càng dồn dập hơn và lớn hơn về âm lượng, tự nó cho thấy thực trạng bất mãn trong nội bộ đảng của ông.

Ông Dũng bị cảnh cáo. Pho tượng Tướng Trần Nguyên Hãn, tiện đây nói luôn, không hề hấn gì và ông Bình thoát hiểm với khoản tiền nộp phạt chỉ tương đương có 36 đôla.


'Về quê, trả lại nhà cho Đảng'



image


Tiếp xúc cử tri ở TP HCM hôm thứ Năm 18/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định "khi thấy mình nhu nhược, tôi sẽ làm đơn xin nghỉ".
Đây là ngày tiếp xúc cử tri thứ hai của ông Sang, đại biểu TP HCM.
Phát biểu trước các cử tri quận 4, ông chủ tịch nói ông "biết phải làm gì" trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Báo VietnamNet dẫn lời ông Trương Tấn Sang nói: “Các đồng chí bầu tôi, tôi biết phải làm gì. Khi thấy mình nhu nhược thì tôi sẽ làm đơn xin nghỉ".
"Thậm chí khi về quê, tôi sẽ trả lại nhà cho Đảng. Nhà tôi nhỏ thôi, 51 mét vuông, khi về hưu dứt khoát tôi không lấy một mét vuông đất nào."
Ông Sang nhắc lại: "Bữa nay tôi nói dứt khoát như vậy”
Ông chủ tịch giải thích: "Nhân dân đã giao nhiệm vụ thì phải hoàn thành, còn thấy mình không hoàn thành thì rút lui".

Các lãnh đạo Đảng trong vai trò đại biểu Quốc hội hiện đang có hoạt động tiếp xúc cử tri trước khi Quốc hội họp ngày 22/10 tới.
Hai ngày nay, ông Trương Tấn Sang đã có những phát biểu chỉ dấu rõ ràng, rằng quá trình kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo Đảng chưa kết thúc cho dù Hội nghị 6 đã bế mạc hồi đầu tuần.

Thứ Tư 17/10, ông nói về quyết định không kỷ luật một ủy viên Bộ Chính trị, mà ông gọi là 'đồng chí X': "Chỉ có cân nhắc tình hình hiện nay, cân nhắc lợi hại thì quyết nghị là không thi hành kỷ luật. Như vậy không có nghĩa là Bộ Chính trị không có lỗi, không phải là cá nhân đồng chí ‘X’ không có lỗi".

'Hèn nhát thì rút lui'

image

Hội nghị 6 Trung ương Đảng CSVN sau hai tuần họp đã quyết định không kỷ luật Bộ Chính trị và một ủy viên giấu tên, cho dù đã có đề nghị kỷ luật từ chính Bộ Chính trị.
Một trong các lý do được nói là vì "không để các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá".
Tuy nhiên, theo ông Trương Tấn Sang, cuộc đấu tranh chống tham nhũng vẫn đang tiếp diễn.
Ông kêu gọi người dân: "Tôi đề nghị cô bác, anh chị nào phát hiện thì chỉ cho chúng tôi những vụ tham nhũng lớn, những cán bộ nào to liên quan đến cấp Trung ương tham nhũng".

image

"Những vụ tham nhũng đã xử rồi mà thấy chưa thỏa đáng thì cũng nên bày tỏ chính kiến.”
Ông thừa nhận lãnh đạo Đảng có lỗi khi chưa bảo vệ được những người chống tham nhũng mà bị trù dập, nhưng kêu gọi thêm dũng khí trong quá trình chống tham nhũng.
"Nếu chúng ta hèn nhát thì làm đơn gửi cho Đảng chúng ta nghỉ, chúng ta rút lui đi để cho những người dũng cảm làm việc.”


Không nêu tên 'đồng chí X' là hèn hạ?

image
Blogger Nhất bất bình khi Chủ tịch Sang gọi Thủ tướng Dũng là 'đồng chí X'

Blogger có tiếng Trương Duy Nhất vừa đặt câu hỏi về lý do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ nói "đồng chí X" khi đi tiếp xúc cử tri sau Hội nghị trung ương 6. 
Blogger này tỏ ra bất bình khi ngay cả Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng "không dám" điểm mặt, chỉ tên người có sai phạm trong khi lại kêu gọi người dân tố cáo tham nhũng và những việc làm sai trái.
Ông Nhất đặt câu hỏi: "Tại sao cái tên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng- người bị BCT [Bộ chính trị] yêu cầu kỷ luật cũng không dám công khai, phải nói trại ra là "một đồng chí ủy viên BCT" như kiểu không dám gọi đích danh mấy loại tàu cướp của Trung Quốc mà phải gọi là "tàu lạ" vậy?

image

"Đến mức khi giải trình với cử tri, Chủ tịch nước vẫn không dám nêu tên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà phải gọi là “đồng chí X”.
"Đây là sự tế nhị, là nguyên tắc bảo vệ "tình đồng chí" trong đảng, hay là sự thỏa hiệp, là thái độ hèn hạ, bất lực?
"Thế thì làm sao còn dám kêu gọi người dân đừng sợ hãi, đừng sợ trù úm để cùng đảng chống tham nhũng?"
Ông Nhất mới đây nói rằng an ninh Việt Nam đã gây sức ép với ông về các bài viết trên blog.
Nhưng ba cuộc gặp với các nhân viên an ninh không khiến ông nương tay khi viết về các chính trị gia hàng đầu của Việt Nam.
Ông kêu gọi ông Trương Tấn Sang "đừng nói nữa, hãy hành động!".
Blogger này viết: "Trách nhiệm tập thể là thứ vô trách nhiệm.
"Chẳng lẽ để tình hình đất nước, kinh tế như thế, tình hình nội tại đảng như thế mà không có một ai phải chịu trách nhiệm? Đừng nói nữa, hãy hành động đi!"

'Lòng tốt không đủ'

Ông Nhất nhắc lại tuyên bố của cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân về chuyện "muốn trị quốc phải trị đảng" và nói các nhà lãnh đạo Việt Nam nên đọc các thông tin trên mạng để hiểu thêm người dân nghĩ gì và bình luận thêm:
"Cho dù vượt qua cuộc bỏ phiếu nhưng uy tín và thanh danh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở mức nào trong mắt dân?

image

"Cho dù có những câu để đời như "một bầy sâu" của Chủ tịch nước, hay những phát ngôn thẳng thắn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến mức trước đó vài năm chỉ những "thằng phản động" mới dám mở mồm như "đảng viên nhan nhản cộng sản mấy người?", hoặc "một bộ phận không nhỏ đe dọa sự tồn vong của đảng và chế độ"… nhưng uy tín, sự tin cậy trong hành động của Tổng Bí thư, của Chủ tịch nước, của tập thể BCT và trung ương đảng để lại trong dân ở mức nào?

"Không tìm ra sâu nào, không tìm thấy nhóm lợi ích nào, không phát hiện ra "bộ phận không nhỏ" nào - thế hóa ra cả Tổng Bí thư và Chủ tịch nước can "tội" vu khống, xuyên tạc, nói xấu đảng sao? Cái “tội” mà công an luôn chụp lên đầu tôi trong các cuộc làm việc tra vấn vừa rồi.

image

"Tôi viết vậy đã ăn nhằm gì. Nếu kết tội thế là xuyên tạc, nói xấu, là phản động, thì há chẳng phải Tổng Bí thư và Chủ tịch nước đang xuyên tạc, nói xấu đảng và phản động hơn tôi sao?"
Ông Nhất nói ông không nghi ngờ sự thực lòng của ông Sang và ông Nguyễn Phú Trọng nhưng bình thêm: "...Cái tâm và sự thật thà qua những lối rao giảng về "lòng tốt" không đủ để trị quốc.
"Ông Trọng ông Sang không phải là mẫu người có tầm khuynh loát, vai trò cá nhân đủ sức bẻ xoay vận cuộc.
"Việc của đảng lúc này không phải là kêu gọi người dân đừng sợ trù úm, mà là hành động của đảng thế nào để bảo vệ người dân không bị trù úm, không bị truy bức."

'Thỏa hiệp'

Ông Nhất cũng lên tiếng kêu gọi các vị lãnh đạo Việt Nam, kể cả Tổng bí thư và Chủ tịch nước, hãy ra đi nếu họ không làm được việc hoặc "nhìn ra sự bất lực".
Blogger bình luận: "Bất kể ai, chỉ cần một người dám hi sinh, tôi tin tình thế sẽ rẽ sang một hướng rất khác.
"Ta luôn quen thói kêu gọi quá nhiều ở ý thức công dân, nhưng đã khi nào giật mình hỏi ngược ở ý thức lãnh tụ? Tại sao không thấy một ai dám hi sinh chút lợi ích quyền lực của mình, của gia đình vợ con… để mở đường cho những cú hích chuyển thay?

image

"Ai đó sợ hãi, thỏa hiệp hoặc bất lực thì hãy lánh sang một bên nhường cho người khác, đội ngũ khác."
Các nhà quan sát Việt Nam từ bên ngoài nói rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bị "cắt cánh" cho dù còn tại chức.
Họ cũng nói tình hình kinh tế Việt Nam trong thời gian tới đây sẽ có tác động đáng kể tới khả năng tiếp tục tại nhiệm của vị Thủ tướng.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.