Trung
Cộng và Hoa Kỳ đều đang lớn tiếng hùng biện về vấn đề Biển Đông. Tại Đối thoại
Shangri-La diễn ra ở Singapore hồi tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ
Ashton Carter đã kêu gọi hãy "dừng ngay lập tức và lâu dài" hoạt
động xây lấn đảo tại khu vực mà Trung Cộng đang tiến hành.
"Hoa
Kỳ vô cùng quan ngại về tiến độ và quy mô lấn đảo tại Biển Đông... viễn cảnh
quân sự hóa thêm nữa và các hoạt động đó rất dễ dẫn đến việc tính toán sai
lầm hoặc làm nổ ra xung đột giữa các quốc gia có tranh chấp," ông Carter
phát biểu trong bài diễn văn.
Nhưng
Trung Cộng vẫn tỏ ra cứng rắn. Phái viên của Trung Cộng có mặt, Đô đốc Tôn
Kiến Quốc nói rằng "Trung Cộng đã tiến hành việc xây dựng trên một số
đảo, bãi đá ở Biển Đông chủ yếu nhằm cải thiện điều kiện của các đảo, đá đó,
và cải thiện các điều kiện sống, làm việc cho những quân nhân đóng tại đó."
Truyền
thông Trung Cộng thì rền rĩ về vai trò của Hoa Kỳ trong cuộc xung đột ở Biển
Đông. Hồi tuần trước, tờ báo chính thống mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa,
Hoàn cầu Thời báo cảnh báo rằng nếu Mỹ can thiệp vào việc xây lấn đảo của Trung
Cộng thì "chiến tranh là điều không tránh khỏi".
Về
mặt chính thức, Hoa Kỳ nói họ không bênh ai trong cuộc xung đột, nhưng tại
Bắc Kinh thì các quan chức tin rằng Hoa Kỳ vừa công khai, vừa ngấm ngầm kích
động trong vấn đề Biển Đông.
Trong
một cuộc phỏng vấn với báo Wall Street Journal hồi tuần trước, Đại sứ Trung
Cộng tại Hoa Kỳ Thôi Thiên Khải nói rằng các hành động và những lời lẽ khoa
trương của Mỹ có thể sẽ đẩy khu vực vào tình thế "kém ổn định".
"Tôi
không cho rằng Hoa Kỳ đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền," Bonnie
Glaser, cố vấn cao cấp về vấn đề Á châu từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc
tế (CSIS) tại Washington
nói. "Hoa Kỳ đã theo đuổi quan điểm tôn trọng luật pháp quốc tế."
Đô
đốc Tôn Kiến Quốc (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đều lớn tiếng
khi có mặt tại Đối thoại Shangri-la Singapore
Bắc
Kinh nói rằng việc xây lấn đảo của mình chỉ nhằm mục đích hòa bình, nhưng từ
Washington cho tới Manila đều cảm thấy quan ngại về quy mô to lớn và tốc độ
xây cất nhanh đến chóng mặt của Trung Cộng, theo nhận xét của Alexander
Sullivan, một nhà nghiên cứu từ Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương
thuộc Trung tâm An ninh Tân Mỹ (CNAS) tại Washington.
"Quy
mô và phạm vi xây lấn đảo của Trung Cộng, các kiểu cấu trúc quân sự được xây
dựng trên đó, việc các quan chức Trung Cộng thừa nhận các cấu trúc đó nhằm
phục vụ mục đích quân sự, và việc Trung Cộng khước từ tham gia các quá trình
tố tụng quốc tế như vụ Philippines kiện ra trọng tài quốc tế, tất cả những thứ
đó khiến người ta đặt câu hỏi về cam kết của Trung Cộng đối với việc tìm giải
pháp hòa bình, hợp pháp cho các cuộc tranh chấp này."
Tuy
nhiên, Bắc Kinh nói hoạt động của họ ở Biển Đông, nơi mà Trung Cộng coi là
một phần lãnh thổ của mình, chưa bao giờ nhằm khiêu khích, gây căng thẳng
trong khu vực.
Một
cuộc chiến đang lấp ló?
Sau
bài đăng trên Hoàn cầu Thời báo, các công dân mạng Trung Cộng sôi nổi tranh
luận, thảo luận trên mạng về khả năng xảy ra chiến tranh với Hoa Kỳ. Tâm lý
bài Mỹ dâng cao trong những tuần gần đây.
Một
người dùng trên Weibo bình luận rằng những lời cảnh báo lặp đi lặp lại của Trung
Cộng chỉ làm cho Hoa Kỳ táo tợn hơn mà thôi. Một người khác thì nói "hãy
bắn hạ" đối với chiếc phi cơ do thám của Mỹ bay trên các vùng có tranh
chấp hôm 20/5. "Chỉ có vậy mới chặn được Mỹ," một phóng viên Thiên
Tân, @zhuifeng viết.
Alexander
Sullivan từ CNAS nói với BBC rằng cả Mỹ lẫn Trung Cộng đều không muốn xảy ra
cuộc giao tranh thực sự. "Bởi vào lúc này Hoa Kỳ không làm được gì mấy để
chặn các nỗ lực xây lấn đảo của Trung Cộng, Washington sẽ có các biện pháp
thích hợp khác nhằm đảm bảo là các đảo mới sẽ không được sử dụng để đòi chủ
quyền lãnh thổ, là điều không dựa trên luật pháp quốc tế, và nhằm đảm bảo các
đảo đó không được sử dụng cho các mục đích quân sự, gây bất ổn."
Nhưng
Graham Webster, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Pháp lý Mỹ-Trung
thuộc Đại học Yale cho rằng phản ứng gần đây của Mỹ đối với hoạt động xây lấn
đảo của Trung Cộng có động cơ khác. "Mục tiêu là nhằm làm nổi rõ vấn đề,
qua đó buộc chính phủ Trung Cộng vấp phải khó khăn hơn trong chuyện tuyên bố
chủ quyền đối với Biển Đông," ông nói với BBC.
"Nếu
như các tàu thuyền, phi cơ của Hoa Kỳ đi vào vòng bán kính 12 hải lý quanh các
điểm mà Trung Cộng tuyên bố chủ quyền (hoặc đe dọa sẽ làm vậy), các quan chức
Trung Cộng có thể sẽ buộc phải viện đến Công ước Luật biển của Liên Hiệp
Quốc để phản đối," Webster nói thêm. "Tuy nhiên, nếu đó là chiến lược
của Hoa Kỳ thì đó là một chiến lược chứa đựng nhiều rủi ro."
Bất
kể các động cơ đằng sau tình hình căng thẳng gần đây giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ
là gì, thì việc tính toán sai và nổ ra xung đột vẫn là điều không thể không
tính tới, các chuyên gia nói. Rủi ro lớn nhất vẫn nằm ở nguy cơ có va chạm giữa
các lực lượng quân sự Trung Cộng với các lực lượng của Hoa Kỳ hoặc của đồng
minh Hoa Kỳ, như Philippines .
Sullivan
nói cả Mỹ và Trung Cộng đều có lợi ích quốc gia to lớn ở Biển Đông, nhưng giải
pháp rốt cuộc sẽ không thể được đưa ra bằng cách chơi trò chơi chính trị như
thời thế kỷ 19.
"Washington cũng sẽ tìm
cách xây dựng khả năng trong khu vực, nhằm tự vệ ở mức tối thiểu trước sự chèn
ép, vũ lực có thể xảy ra. Do vậy, các vụ việc gây bất ổn sẽ không leo thang
thành cuộc đối đầu Mỹ-Trung."
"Về
phần mình, Trung Cộng cần có nỗ lực đưa ra tầm nhìn ở cấp quốc gia về vấn đề
Biển Đông. Việc nước này không chịu nói chính xác là họ muốn gì đang khiến Washington và các nước
trong khu vực lo sợ rằng Trung Cộng sẽ không dừng lại chừng nào Bắc Kinh chưa
hoàn toàn kiểm soát được khu vực."
"Lo
sợ sẽ còn tiếp tục dẫn tới các hành động nhằm tạo thế cân bằng trước Trung
Cộng, trừ phi Bắc Kinh có thể chứng tỏ được là mình không có ý thôn tính khu vực."
Nhĩ
Vệ Phong
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.