Làm chủ bản thân bằng cách chú ý đến từng suy nghĩ của chúng ta.
Nếu chúng ta có thể nhận rõ loại “tia lửa” gây hại cho sức khỏe tinh thần, thì chúng ta có thể tránh khỏi việc tự huỷ hoại bản thân.
Nếu bạn có xu hướng bị những cảm xúc tiêu cực lấn át và thường chịu ảnh hưởng bởi các cơn giận dữ, khủng hoảng hoặc lo lắng, cuộc sống của bạn sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Chỉ một chút thất vọng hay buồn phiền cũng có thể trở thành một chuỗi phản ứng tiêu cực làm huỷ hoại tâm trạng cả ngày của bạn.
Nhưng việc này không chỉ xảy đến với một mình bạn, nhiều người cũng đang trong những tình huống tương tự như thế, đó là khi bạn:
· Cảm thấy khó chịu với ai đó rồi sau đó sự khó chịu, bất bình ấy bùng phát thành cơn thịnh nộ và sôi sục cả ngày, làm tâm trạng bạn trở nên tồi tệ.
· Cảm thấy sợ hãi hoặc đau khổ, bạn có thể bị cuốn vào một diễn biến tâm lý khiến bạn lo lắng và không thể làm được việc gì. Trạng thái này có thể kéo dài hàng giờ mới có thể khôi phục bình thường được.
· Cảm thấy tồi tệ khi một sự tình đã làm hoặc không làm được, bạn cảm thấy ghê tởm chính mình và trở nên chán nản với mọi thứ.
Chúng ta nên làm gì nếu như thường xuyên bị cảm xúc lấn át? Hãy xem xét điều gì sẽ xảy ra [khi chúng ta rơi vào cảm xúc tiêu cực], và nghĩ về cách mà chúng ta có thể làm để khắc phục nó.
Chúng ta bị rơi vào “trạng thái thảm họa” như thế nào?
Những khó chịu mới đầu gặp phải hiếm khi tác động mạnh đến chúng ta – Đó chỉ đơn giản là cảm xúc rối rắm hoặc lo sợ:
· Thất vọng khi ai đó cư xử theo cách mà mình không thích.
· Sợ hãi và buồn bã khi bị phân biệt đối xử.
· Nghi ngờ bản thân khi không làm tốt như mình mong đợi.
· Những sợ hãi, rối rắm hay thất vọng ban đầu thường không phải điều gì to tát. Nó chỉ là cảm xúc nhất thời và là sự giằng xé ban đầu trong trái tim chúng ta mà thôi.
Những chuyện xảy ra sau đó mới là mối lưu tâm thật sự:
· Chúng ta cảm thấy giằng co nội tâm và sau đó chúng ta đi vào một cơ chế bảo vệ hoặc bị cuốn vào những suy nghĩ trong đầu.
· Những chuyện đó có thể là những người khác sai lầm như thế nào, tại sao mình lại mắc sai lầm, và sự việc kia quan trọng như thế nào.
· Khi chúng ta nghĩ ngợi càng nhiều, tư tưởng càng thêm hỗn loạn, đó là cách mà chúng ta nuôi dưỡng những “tia lửa” nhỏ thành “đám cháy” lớn tận đến khi tâm trí chúng ta ngập tràn trong mớ cảm giác khủng hoảng.
· Và rồi chúng ta tìm đến những thói quen khác để đối phó với cảm xúc khủng hoảng kia – như la hét, xả giận, tiêu trầm, trốn tránh, hoặc tự an ủi mình bằng việc ăn uống, giải trí hoặc ma tuý.
· Hoặc cũng có thể trở thành nạn nhân của nỗi ám ảnh mang tên “bệnh trầm cảm”.
Tuy những phản ứng này không phải là một thử thách gì lớn, chỉ là biểu hiện khi chúng ta đang trải qua một “cơn bão cảm xúc”, những cảm xúc kia không đáng để chúng ta bận tâm. Chúng ta nên thiện đãi với chính mình hơn thay vì mãi tự dằn vặt bản thân.
Làm thế nào để dừng lại trước khi chìm vào cơn khủng hoảng
Nếu bạn nhìn lại quá trình kể trên, “tia lửa” mà sắp tạo thành “đám cháy” kia cũng chẳng nóng và lớn như bạn tưởng tượng.
Bí quyết là tóm lấy “tia lửa” đó một cách nhanh nhất, sẽ dễ hơn nhiều so với việc chờ nó bùng nổ thành một đám cháy lớn khó có thể kiểm soát.
Chúng ta có thể đơn giản cho bản thân một không gian để lắng nghe cảm xúc sợ hãi, rối rắm hay thất vọng, hoặc bất cứ một cảm xúc nào khác. Bạn nên nghỉ ngơi một lúc. Hãy dùng thiện tâm để đối đãi chính mình, rồi buông cảm xúc kia đi và tiếp tục tận hưởng một ngày còn lại một cách trọn vẹn.
Làm thế nào để bắt lấy “tia lửa” nhanh hơn? Hãy luyện tập. Nếu bạn không giỏi điều chỉnh lại cảm xúc của mình, bạn có thể phát triển khả năng này theo cách thức ngược lại. Đơn giản bắt đầu từ việc chú ý [đến những biểu hiện của mình] khi cảm xúc đã bùng phát thành một “đám cháy”, và thử ngẫm lại cảm xúc nổ mạnh kia bắt nguồn từ “tia lửa” nào. Tại sao bằng cách này ta có thể nhận ra chúng nhanh hơn? Bởi vì từ việc ngẫm nghĩ lại mọi sự việc [một cách khách quan], [chúng ta hiểu được từ lúc đầu cảm xúc kia không lớn mạnh đến vậy] và ta sẽ không dễ dàng bị chúng đánh gục nữa. Hãy liên tưởng việc này giống như bạn đang góp ý cho một người bạn của mình xem [họ bắt đầu sai ở chỗ nào và sửa] vậy.
Bằng cách luyện tập [như trên], từ từ rồi bạn sẽ dễ dàng nhận ra những “tia lửa”. Khi thấy những suy nghĩ kiểu như “Ôi, buồn quá!” hoặc “Hày, bực mình quá!” xuất hiện, bạn nên bắt lấy chúng và “tắt” nhanh đi trước khi xăng dầu kịp đổ vào khiến cho tình hình tệ hơn.
Khi bạn có thể nhận ra chúng nhanh hơn, thì sẽ có một khoảng nghỉ. Bạn có thể hít thở một lúc. Hãy xem thứ cảm xúc kia như một loại cảm giác thực tại trên thân thể để có thể dễ dàng cảm nhận được nó. Ý thức được sự tồn tại một loại cảm giác trong cơ thể [thay vì một thứ cảm xúc mơ hồ] sẽ làm bạn cảnh giác hơn và không cho phép cảm xúc bùng nổ thêm nữa.
Khi chúng ta đã có trong tay “bản tường thuật” của mình (về những điều đã và đang xảy ra trong đầu), chúng ta sẽ hiểu hơn về điều gì đang xảy ra. Để ý xem xét “bản tường thuật” đó, nghĩ rằng nó không giúp ích được gì cho ta cả (nó chỉ làm cho tình hình tồi tệ hơn thôi), và cố gắng tìm cách để biến mỗi cảm xúc tồi tệ kia thành một loại xúc giác. Hãy xem cảm xúc như một loại cảm giác trên thân thể.
Từ đây, bạn nên trao cho mình một chút thiện tâm, một chút yêu thương. Hãy chăm sóc bản thân mình khi bạn thấy mất phương hướng, lo lắng hay chán nản.
Bằng cách luyện tập, chúng ta có thể nhận ra “tia lửa” một cách nhanh nhất và chữa trị vết thương lòng với lòng từ tâm và trắc ẩn.
Leo Babauta _ Quỳnh Dao
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.