Các binh sĩ Ukraine huấn luyện trong cuộc tập trận gần Kharkiv, Ukraine.
Để ngăn chặn hiệu quả, phương Tây nên khai triển quân đội quốc tế và hỏa tiễn hiệu quả hơn tới Ukraine.
Ông Tập Cận Bình là người chiến thắng, cho dù Tổng thống Vladimir Putin có ồ ạt xâm lược Ukraine sớm hay không.
Bằng cách bao vây Ukraine bằng quân đội, các lực lượng hải quân, và “các cuộc tập trận” quân sự đến mức hoàn toàn sẵn sàng cho một cuộc xâm lược quân sự toàn diện, ông Putin và đồng phạm là ông Tập đã học được những gì Hoa Kỳ và các đồng minh sẵn sàng làm — và không làm — để bảo vệ một nền dân chủ ngoại vi đối với các hệ thống liên minh của Hoa Kỳ.
Những sự chuẩn bị của Nga cho chiến tranh, và sự im ắng của phương Tây cho thấy những tính toán kinh khủng của riêng ông Tập về một cuộc xâm lược Đài Loan tiềm tàng, và làm chuyển hướng sự chú ý của quốc tế khỏi “Thế vận hội Diệt chủng” của ông. Nếu ông Putin thực sự xâm lược, thì phương Tây và Nga có thể làm suy yếu lẫn nhau về mặt quân sự và kinh tế, đồng thời trao quyền cho ông Tập nhiều hơn nữa.
Không có chiến tranh, thì ông Putin và ông Tập làm sao mà học hỏi được gì?
Hoa Kỳ và các đồng minh sẵn sàng đe dọa có các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh tay đối với Nga, có khả năng bao gồm cả việc loại bỏ quốc gia này khỏi hệ thống chuyển tiền liên ngân hàng SWIFT của thế giới. Các đồng minh cũng sẵn sàng cung cấp vũ khí phi đối xứng hạn chế vào Ukraine, kể cả vũ khí tương đối yếu so với những gì hiện có, các loại hỏa tiễn đất đối không chống tăng (SAM).
Anh và một số quốc gia vùng Baltic xứng đáng được ghi nhận là những quốc gia dẫn đầu trong việc cung cấp vũ khí phi đối xứng, có lẽ do những trải nghiệm cá nhân mang tính bức xúc và gần đây hơn với các nhà độc tài hiếu chiến về mặt lãnh thổ. [Về phần Hoa Kỳ,] cựu Tổng thống Donald Trump đã lần đầu tiên y chuẩn dòng hỏa tiễn chống tăng Javelin cho Ukraine vào năm 2018, điều mà ông cũng xứng đáng được ghi công.
Tuy nhiên, những vũ khí sát thương này — dẫu là quan trọng — nhưng không đủ để răn đe ông Putin một cách chắc chắn.
Phương Tây không muốn tăng quân đội của Hoa Kỳ và đồng minh ở nước này với tư cách là lớp phòng thủ đầu tiên. Lập trường hiện tại của Hoa Kỳ và các đồng minh chính là ông Putin có thể khá tin tưởng rằng ông sẽ khơi mào một cuộc chiến tranh đẫm máu nhưng cục bộ ở Ukraine, theo đó các xe tăng, phi cơ, và chiến hạm của ông có thể phải chật vật chống lại các loạt vũ khí phi đối xứng, nhưng trong tình huống đó các lực lượng lớn hơn của ông cuối cùng sẽ có thể chiếm giữ toàn bộ lãnh thổ của Ukraine và biến nền dân chủ độc lập thành một lãnh thổ bị chiếm đóng của một “nước Nga vĩ đại hơn.”
Ông Tập và ông Putin có thể đã có một thỏa thuận
Lãnh đạo Trung cộng Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đi bộ về phía một đại sảnh trong Điện Kremlin để hội đàm, tại Moscow vào ngày 05/06/2019.
Ông Tập sẽ ủng hộ Nga về mặt ngoại giao, bao gồm thông qua quyền phủ quyết của Trung cộng bên trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Ông Tập sẽ hứa (bất kể lời hứa đó đáng giá bao nhiêu sau nhiều lần thất hứa của Bắc Kinh) mua thêm hàng xuất cảng của Nga, kể cả dầu và khí đốt, nhất là khi các lệnh trừng phạt khiến Nga tổn hại nghiêm trọng, và chắc chắn là chúng sẽ như vậy.
Bắc Kinh sẽ cố gắng giảm thiểu tác động kinh tế của các lệnh trừng phạt bằng cách tăng cường xuất cảng sang Nga và cho phép các ngân hàng Nga sử dụng chuyển khoản liên ngân hàng của Trung cộng nếu Nga bị cấm tham gia hệ thống quốc tế SWIFT.
Rủi ro của việc leo thang toàn cầu
Tuy nhiên, bất kỳ nỗ lực nào của Trung cộng nhằm giảm nhẹ các đòn kinh tế mà phương Tây đang lên kế hoạch cho Nga đều có thể khiến Trung cộng rơi vào các lệnh trừng phạt thứ cấp. Bắc Kinh có thể chống lại điều này và, khi đến lượt mình bị trừng phạt, họ có thể đe dọa có các hành động phản công kinh tế chống lại phương Tây. Ví dụ, Hoa Kỳ phụ thuộc vào Trung cộng trong nhiều mặt hàng nhập cảng y tế và dược phẩm của mình, những mặt hàng giao thương mà Bắc Kinh có thể làm chậm hoặc cho ngừng xuất cảng hoàn toàn.
Tình hình sẽ nhanh chóng leo thang. Các biện pháp trừng phạt kinh tế và các hành động đáp trả giữa phương Tây và Trung cộng, nếu được áp lên các mặt hàng thiết yếu cho sự sinh tồn như năng lượng hoặc vật tư y tế, có thể dẫn đến chia rẽ sâu sắc hơn nữa hoặc thậm chí là xung đột quân sự.
Tổng thống Joe Biden, nhận thức sâu sắc về nguy cơ leo thang, tin rằng việc cho quân đội Mỹ ở Ukraine để giải cứu công dân Mỹ có thể mang đến nguy cơ xảy ra một “cuộc chiến tranh thế giới”, và do đó, ông đã thể hiện lập trường của mình bằng cách công khai từ chối bất kỳ hoạt động khai triển nào như vậy.
Khi được hỏi trên NBC hôm 10/02 về việc liệu có kịch bản nào mà trong đó quân đội Mỹ sẽ được cử đến Ukraine để giải cứu người Mỹ hay không, ông Biden trả lời: “Không có. Đó là một cuộc chiến tranh thế giới khi người Mỹ và người Nga bắt đầu bắn nhau.”
Bên bờ vực xung đột, đó là những gì đang xảy ra ở Ukraine ngày nay, bên nào lo sợ chiến tranh nhất thì bên ấy là bên thua nhiều nhất. Ông Putin, bất chấp có quân đội yếu hơn, đang cho thấy ông có đủ bản lĩnh để giành chiến thắng, ít nhất là trước Hoa Kỳ. Tuy nhiên, liệu ông có thể đánh bại người Ukraine vốn đã sẵn sàng cho chiến tranh và được phương Tây hỗ trợ hay không lại là một vấn đề khác.
Tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine là điều cần thiết để ngăn chặn cuộc chiến
Vì lý do này, khí tài quân sự chảy vào Ukraine từ Hoa Kỳ và các đồng minh là điều đặc biệt quan trọng để ngăn chặn ông Putin.
Theo ông Richard Fisher, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế, “cho đến nay Hoa Kỳ đã chuyển giao khoảng 800 đến 1,200 hỏa tiễn chống tăng vác vai tự dẫn FGM-148 Javelin, với tầm bắn tối đa 4.7 km nhưng có khả năng dẫn đường chính xác trong mọi điều kiện thời tiết và một đầu đạn song song có thể đánh bại giáp phản ứng.”
Theo ông Fisher, mang tính quyết định hơn cả đối với bất kỳ cuộc chiến nào là các hỏa tiễn chống tăng dẫn hướng của Ukraine, vốn được sản xuất với số lượng lên tới hàng ngàn. Ukraine cũng có khoảng 12,000 xe bọc thép. Nhưng con số này không nhiều so với 30,000 xe bọc thép của Nga.
Ông Fisher cho hay Ukraine đã nhận được các hỏa tiễn phòng không vác vai FIM-92 Stinger từ các quốc gia Baltic.
Hoa Kỳ có thể cung cấp các loại Vũ khí Gắn ngòi Cảm biến (SFW), hỏa tiễn chống hạm, và hỏa tiễn phòng không tầm xa. Nhưng nếu chúng ta chờ đợi, thì có thể sẽ quá muộn. Sẽ tốt hơn nếu cung cấp các loại vũ khí này ngay bây giờ.
Một phi cơ vận tải của Không quân Hoa Kỳ vận chuyển thiết bị quân sự và quân đội hạ cánh xuống phi trường Rzeszow-Jasionka ở đông nam Ba Lan, hôm 06/02/2022. Căng thẳng giữa liên minh quân sự NATO và Nga đang gia tăng do việc Nga điều động hàng chục ngàn quân khi cũng như vũ khí hạng nặng tới biên giới Ukraine.
Ông Fisher viết trong một thư điện tử rằng, “Mặc dù các loại vũ khí này sẽ phải được phi cơ chiến đấu của Ukraine vận chuyển qua các mạng lưới hỏa tiễn và súng phòng không dày đặc của Nga, nhưng các loại Bom Gắn ngòi Cảm biến của Hoa Kỳ có khả năng cung cấp cho Ukraine một lợi thế phi đối xứng có thể hạ gục hàng ngàn xe tăng, pháo cơ động, các loại xe hỗ trợ bọc thép và xe tải của Nga.”
“Nếu được phối hợp với các cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái và các cuộc tấn công bằng tác chiến điện tử, thì có lẽ sẽ có đủ phi cơ Ukraine vượt qua được các mạng lưới này để các loại Bom Gắn ngòi Cảm biến có thể làm giảm tốc độ tấn công ban đầu của Nga trong các giai đoạn đầu và cho phép các lực lượng liên hợp Ukraine thực hiện các cuộc phản công mang tính quyết định.”
Ông Fisher ước tính rằng khoảng 400 quả bom được gắn ngòi cảm biến, mỗi quả được trang bị 40 quả bom nhắm mục tiêu độc lập, sẽ cho phép Ukraine vô hiệu hóa hàng ngàn xe tăng và các phương tiện hỗ trợ của Nga, làm suy giảm sức mạnh thiết giáp của Nga trong nhiều năm tới.
“Nhưng bây giờ Nga có các lợi thế về quân số và có thể [chọn] thời điểm bắt đầu tấn công,” ông Fisher viết. “Họ sẽ sử dụng rộng rãi các cuộc tấn công mạng kết hợp với các cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái và các cuộc tấn công của Lực lượng Đặc nhiệm để cố gắng làm tê liệt các hệ thống chỉ huy và nhân sự của Ukraine, nhằm tạo ra sự hỗn loạn cần thiết cho các lực lượng tăng-pháo-thiết giáp của họ tiến lên.”
Các nền dân chủ phải tự bảo vệ mình trước Trung cộng và Nga
Ukraine là một quốc gia dân chủ đồng minh, như vậy, các nền dân chủ còn lại trên thế giới và các đồng minh vốn coi trọng sự ổn định của hệ thống quốc tế, nên sát cánh cùng Kiev để ngăn chặn hoặc đánh bại Nga, khi cần.
Hoa Kỳ, NATO, và các đồng minh cần phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ Ukraine bằng cách cử liên quân quốc tế đến thực địa, cũng như tăng cường cung cấp các loại đạn dược mang tính sát thương chất lượng cao hơn có khả năng đánh bại một cách quyết định, hoặc thậm chí là đẩy lùi các lực lượng Nga trên bộ và trên không.
Rõ ràng, điều đó là cần thiết để ngăn chặn biểu hiện hiếu chiến hiện tại của Nga, vốn đang đặt ra một cái giá lớn về mặt tiết lộ thông tin mà đã đang gây tổn hại đến an ninh của các nền dân chủ trên toàn cầu, ngay cả khi cuối cùng Moscow quyết định không xâm lược. Việc các nền dân chủ bị mất thông tin đang giúp ích cho cả Moscow lẫn Bắc Kinh trong các kế hoạch phi tự do và quân sự hóa để gây hấn trong tương lai của họ.
NATO không thể để Trung cộng hưởng lợi từ thông tin này, hoặc từ khoảng trống quyền lực do cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Nga để lại. Nên lưu tâm tới Trung cộng bởi vì một cuộc chiến giữa bất kỳ đồng minh NATO nào và Nga — do sự can dự của Bắc Kinh trong việc hỗ trợ Moscow về mặt ngoại giao và kinh tế — tất yếu sẽ biến thành một cuộc chiến giữa NATO và Trung cộng.
Cho đến nay, chính phủ Tổng thống Biden đã thất bại trong việc ngăn chặn sự xâm lược của cả Nga và Trung cộng, với việc Trung cộng được hưởng lợi nhiều nhất từ sự gây hấn hiện tại của Nga đối với Ukraine. Bắc Kinh không thể được phép ngư ông đắc lợi trong một cuộc xung đột tại Âu Châu.
Hoa Kỳ, NATO, và các đồng minh khác phải cứng rắn hơn, phát huy sức mạnh của mình, đồng thời ngăn chặn những kẻ độc tài hung hãn nhất trên thế giới một cách hiệu quả và nhanh chóng hơn.
Ông Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Các cuốn sách mới nhất của ông là “The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony” (“Tập Trung Quyền Lực: Thể Chế Hóa, Hệ Thống Phân Cấp, và Quyền Bá Chủ”) xuất bản năm 2021 và “Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea” (“Các Cường Quốc Lớn, Các Chiến Lược Lớn: Trò Chơi Mới ở Biển Đông”) xuất bản năm 2018.
Anders Corr _ Huệ Giao
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.