Tuesday, December 18, 2012

Hoa Kỳ lên tiếng về việc VN chặn ông Huỳnh Trọng Hiếu đi Mỹ

image
Từ phải: Blogger Huỳnh Thục Vy, blogger Huỳnh Ngọc Tuấn và Huỳnh Trọng Hiếu


Đại sứ quán Hoa Kỳ hôm 18/12 đã ra một thông cáo, bày tỏ quan ngại về việc Việt Nam can thiệp, ngăn chặn ông Huỳnh Trọng Hiếu sang Hoa Kỳ nhận giải thưởng Hellman Hammett của tổ chức thúc đẩy nhân quyền Human Rights Watch thay mặt cho cha là ông Huỳnh Ngọc Tuấn và chị là Huỳnh Thục Vy.

Ông Tuấn và bà Vy đã được trao giải vì ‘đã thực hiện quyền tự do ngôn luận một cách ôn hòa thông qua một loạt các bài báo trực tuyến’.

Tuyên bố của cơ quan đại diện ngoại giao của Hoa Kỳ ở Hà Nội viết:

‘Những hành động hạn chế tự do ngôn luận như vậy không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi thúc giục chính phủ Việt Nam bãi bỏ những hạn chế đi lại đối với ông Hiếu và thực hiện các bước đi để cho phép gia đình ông và mọi người Việt Nam được bày tỏ quan điểm của mình một cách ôn hoà mà không sợ bị trả thù’.

Chính phủ Việt Nam chưa phản hồi trước tuyên bố của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội.

Hoa Kỳ thời gian qua đã nhiều lần chỉ trích việc Việt Nam đàn áp các blogger, các nhà hoạt động và các nhóm tôn giáo.

Đây cũng chính là một trong những lý do khiến cuộc đối thoại nhân quyền thường niên giữa Hà Nội và Washington đã bị đình hoãn.

Hôm 17/12, ông Hiếu cho VOA Việt Ngữ biết rằng ông dự định có mặt tại buổi lễ trao giải ở thành phố New York vào ngày 20/12, nhưng đã bị chặn tại sân bay hôm 16/12, và giới hữu trách thông báo ông bị cấm xuất cảnh theo yêu cầu của công an Quảng Nam.

Theo Human Rights Watch, năm nay, có 5 người Việt được nhận giải thưởng Hellman/Hammett.

Tổ chức thúc đẩy nhân quyền trên thế giới cho hay, năm ngoái, Việt Nam tống giam hơn 30 người vì các hoạt động chỉ trích nhà nước một cách ôn hòa.



Nguồn: Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, VOA

Giới chức Đức kêu gọi VN thả tù nhân chính trị, theo gương Miến Điện

image
Ông Löning (giữa) cùng bà Đại sứ Đức Jutta Frasch trong cuộc thảo luận với các đại diện của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam.

Giới chức đặc trách về nhân quyền của chính phủ Đức, ông Markus Löning, mới có chuyến thăm Hà Nội và TP HCM để hội đàm và tìm hiểu thêm về tình hình chính trị, nhân quyền ở Việt Nam. Sau khi trở về nước, ông Löning đã ra một tuyên bố, nói rằng những người chỉ trích Hà Nội không được phép gặp ông và ông cũng không được phép tới thăm một nhà tù theo dự kiến. Từ TP HCM, ông Löning đã dành riêng cho VOA một cuộc phỏng vấn, và trước hết, ông cho biết về tầm quan trọng của vấn đề nhân quyền trong mối bang giao Việt – Đức.

Ông Markus Löning: Đức rất quan tâm tới việc cải thiện quan hệ với Việt Nam. Chúng tôi có mối bang giao lâu năm cả về chính trị lẫn văn hóa với Việt Nam. Ở Đức cũng có rất nhiều người gốc Việt nên giữa hai nước còn có mối quan hệ mang tính gia đình. Hai bên ngày càng gia tăng các mối giao tiếp về mặt kinh tế. Tất cả những mặt tôi vừa kể đều rất tốt đẹp, nhưng Đức quan ngại về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam mà chúng tôi cho là rất lẫn lộn. Chúng tôi thấy có một số tiến bộ về các vấn đề như lương thực, chống đói nghèo, nhưng lại không có tiến bộ về quyền chính trị.

VOA: Ông có nêu với phía chính quyền Hà Nội các trường hợp cụ thể về các nhà bất đồng chính kiến bị tống giam ở Việt Nam không, thưa ông?

Ông Markus Löning: Tôi đã gặp một số nhà hoạt động. Không chỉ họp với giới chức chính phủ, tôi còn gặp các nhà hoạt động từ nhiều tổ chức phi chính phủ khác nhau. Tôi cũng gặp những người từng bị tống giam vì các hoạt động chính trị. Tôi cũng gặp thân nhân của những người hiện vẫn còn bị cầm tù. Tôi cũng tiếp xúc với những người từ các cộng đồng tôn giáo để trao đổi với họ về hình hình hiện tại. Chúng tôi cũng đã trao cho chính quyền Việt Nam một danh sách gồm từ 70 tới 80 tên khi chúng tôi yêu cầu thả tù nhân và bày tỏ quan ngại về tình trạng các nhà tù. Chúng tôi cũng yêu cầu được giải thích là tại sao những người đó bị tống giam. Tôi chỉ chuyển cho họ danh sách đó chứ không nêu tên cụ thể bất kỳ ai. Chúng tôi cũng yêu cầu chính phủ Việt Nam nỗ lực về mặt chính trị nhằm tôn trọng quyền tự do ngôn luận và thả các tù nhân chính trị.

VOA: Thưa ông, thế phản ứng của phía Việt Nam ra sao?

Ông Markus Löning: Tôi nhận được các phản ứng khác nhau. Không có sự hồi đáp thực sự khi chúng tôi thảo luận về định nghĩa quyền tự do ngôn luận, về sự khác biệt giữa cách nhìn của Việt Nam và Đức về vấn đề này. Chính phủ Đức rất coi trọng vấn đề nhân quyền và đó chính là một trong những lý do tôi tới Việt Nam để nhấn mạnh điều đó.

VOA: Hoa Kỳ từng cho rằng Việt Nam cần phải cải thiện nhân quyền nếu muốn tăng cường các mối quan hệ thương mại và quốc phòng sâu rộng hơn. Thưa ông, đó có phải là cách tiếp cận của Đức không?

Ông Markus Löning: Chúng tôi có cách tiếp cận tương tự. Thủ tướng, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Kinh tế Đức đã tới Việt Nam. Đặc biệt là mới đây, trong một bài phát biểu tại một trường đại học ở Hà Nội, Bộ trưởng Kinh tế Đức đã công khai nêu lên quan ngại của ông về quyền tự do cá nhân ở Việt Nam. Trong các cuộc họp, tôi cũng nhấn mạnh với các đối tác Việt Nam rằng để cải thiện hơn nữa quan hệ giữa hai nước, điều hết sức cần thiết là phải cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

VOA: Sau chuyến thăm Việt Nam lần này, liệu ông có cảm thấy lạc quan rằng tình hình nhân quyền ở Việt Nam sẽ được cải thiện?

Ông Markus Löning: Tôi đã thấy một số sự cải thiện trong một số lĩnh vực, đặc biệt là quyền kinh tế và xã hội. Tôi không có nghi ngờ gì về điều đó. Nhưng chúng tôi thấy rõ ràng rằng chính phủ Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để cải thiện vấn đề tôn giáo, quyền chính trị, tự do ngôn luận, và vấn đề đa nguyên. Tôi tin rằng sẽ còn có nhiều áp lực nữa đối với Việt Nam trong những năm sắp tới vì cộng đồng quốc tế thấy được ví dụ của Miến Điện. Nước này đã lột xác từ một chế độ độc tài sang một quốc gia tự do hơn và tôn trọng nhân quyền hơn. Không có lý do nào có thể biện minh cho việc không trao cho người dân Việt Nam quyền tự do ngôn luận.


Nguồn: VOA’s Interview


Người đại diện lãnh giải Hellman/Hammett cho blogger bị cấm xuất cảnh
image
Người nhà của blogger Huỳnh Thục Vy và Huỳnh Ngọc Tuấn bị chặn tại phi trường tối ngày 16/12 trước khi lên máy bay sang Mỹ để nhận giải thưởng nhân quyền quốc tế Hellman/Hammett 2012 cho cô Vy và ông Tuấn.

Anh Huỳnh Trọng Hiếu, em trai Huỳnh Thục Vy, cho biết nhận lời mời của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế Human Rights Watch, anh dự định có mặt tại buổi lễ trao giải ở thành phố New York vào ngày 20/12. Tuy nhiên, tới phút chót, nhà chức trách thông báo anh bị cấm xuất cảnh theo yêu cầu của công an Quảng Nam.

Anh Hiếu thuật lại với VOA Việt ngữ:

‘Em vào cửa xuất cảnh để làm thủ tục, một nữ nhân viên xuất cảnh giữ toàn bộ gồm passport và vé máy bay của em. Họ nói không cho em đi vì yêu cầu của công an Quảng Nam cấm em rời khỏi nước Việt Nam. Em hỏi lý do và giấy tờ chứng minh điều này thì họ đưa em một biên bản. Trong đó ghi là công an tỉnh Quảng Nam cấm em xuất cảnh vì em đã vi phạm hành chính 85 triệu. Em và cả gia đình em bị Ủy ban Nhân dân Quảng Nam phạt. Em bị phạt 85 triệu, chị Thục Vy bị phạt 85 triệu, và ba em bị phạt 100 triệu vì ‘vi phạm luật về thông tin truyền thông’ sau khi gia đình em viết bài cổ súy cho tự do dân chủ Việt Nam, phê phán những bất công trong xã hội Việt Nam.’

Anh Hiếu nói cho tới khi chuẩn bị bước lên máy bay, trước đó anh không hề được chính quyền thông báo về lệnh cấm xuất cảnh đối với anh.

Anh cho rằng khoản phạt hành chính chỉ là một cái cớ để cản chân anh đi nhận giải thưởng cho thân nhân vì trước nay tất cả những ai từng lên tiếng chỉ trích nhà nước đều bị Việt Nam áp dụng lệnh cấm xuất cảnh tương tự:

‘Vấn đề cấm xuất nhập cảnh không chỉ riêng em mà trước nay chính quyền cộng sản Việt Nam đã áp dụng với tất cả những người tham gia đấu tranh dân chủ. Em nghĩ vấn đề đây chỉ là một lý do thôi. Đây là một cách chính quyền Việt Nam nói với gia đình em và những người đã và có ý định sẽ đấu tranh rằng nếu ai dám đứng lên cất tiếng nói chống lại chính quyền thì sẽ bị không cho xuất cảnh.’ 

image
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách Châu Á thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch
​​
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách Châu Á thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói Human Rights Watch hết sức quan ngại khi nhận được tin này:

‘Một lần nữa chúng tôi hết sức thất vọng và không vui trước việc chính quyền Việt Nam lại có thêm hành động vi phạm nhân quyền. Hà Nội đang chứng tỏ những nỗ lực mạnh tay, cố gắng cô lập và đàn áp gia đình ông Tuấn và cô Vy, những người dám lên tiếng thể hiện quan điểm trái với nhà nước. Chúng ta thấy rõ trước tiên chính quyền Việt Nam vi phạm quyền tự do thông tin và bày tỏ ý kiến của người dân qua việc phạt hành chính gia đình ông Tuấn, rồi dùng khoản phạt này làm cái cớ để tiếp tục vi phạm thêm một nhân quyền khác nữa là quyền tự do đi lại của công dân.’

Giải Hellman/Hammett là giải thưởng quốc tế có uy tín hằng năm được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch trao tặng các ngòi bút trên khắp thế giới để vinh danh lòng can đảm, kiên định đấu tranh cho nhân quyền bất chấp sự đàn áp chính trị.

Ông Phil Robertson cho biết trong danh sách nhận giải thưởng Hellman/Hammett năm nay có 5 người Việt Nam, nhưng Human Rights Watch sẽ không tiết lộ danh sách này cho tới giờ chót.

Năm ngoái, có 8 người tại Việt Nam được nhận giải thưởng này trong đó có Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, blogger Phan Thanh Hải và blogger Tạ Phong Tần.

Trà Mi-VOA


Không cho đi Mỹ nhận giải nhân quyền?

image
Huỳnh Thục Vy từng bị bắt giữ và chất vấn hồi tháng Bảy vì biểu tình chống TQ

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam lên tiếng về vụ ông Huỳnh Trọng Hiếu không được cho xuất cảnh sang Mỹ để nhận giải thưởng Tổ chức nhân quyền Thế giới trao cho bố - nhà báo tự do Huỳnh Ngọc Tuấn và chị gái - blogger Huỳnh Thục Vy.
Đại sứ quán Mỹ, trong thông cáo gửi cho truyền thông bằng hai tiếng Anh và Việt hôm 18/12 cũng nhấn mạnh các hành động hạn chế tự do ngôn luận như vậy không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Hoa Kỳ đồng thời thúc giục chính phủ Việt Nam bãi bỏ những hạn chế đi lại với ông Hiếu và thực hiện các bước đi để cho phép gia đình ông và mọi người Việt Nam được bày tỏ quan điểm của mình một các ôn hoà mà không sợ bị trả thù.
Trả lời phỏng vấn BBC ngày 18/12, blogger Huỳnh Thục Vy cho biết từ đầu tháng 9, Tổ chức nhân quyền Thế giới đã liên lạc với gia đình cô qua email, thông báo việc cả cô và bố mình đạt tiêu chuẩn nhận giải thưởng Hellman - Hammet năm 2012 kèm khoản tiền trợ cấp 11 nghìn đôla.
'Vi phạm hành chính'
Gia đình blogger này sau đó đã ủy quyền cho em trai của Huỳnh Thục Vy là Huỳnh Trọng Hiếu thay mặt hai người sang Mỹ nhận giải thưởng này.
Ngày 3/12, lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất việc cấp visa thời hạn một năm cho ông Hiếu để hỗ trợ việc xuất cảnh nhận giải.
Tuy nhiên, theo gia đình cho biết, tối 16/12, nhân viên tại sân bay đã tịch thu hộ chiếu và vé máy bay của ông Hiếu.
Hải quan, công an thành phố Hồ Chí Minh và an ninh tỉnh Quảng Nam sau đó đã có mặt để làm việc với ông.
Huỳnh Thục Vy nói lý do bị chặn xuất cảnh, mặc dù không được ghi ra biên bản nhưng được phía an ninh tỉnh Quảng Nam nói miệng là do ông Huỳnh Trọng Hiếu chưa giải quyết khoản phạt 85 triệu do 'vi phạm hành chính'.
Theo lời của blogger này, năm 2010, ông Hiếu đã bắt đầu viết những bài viết đăng tải trên mạng chỉ trích chế độ cầm quyền.
Đến tháng 11 năm 2011, công an đã thực hiện khám xét nhà nơi gia đình cô Vy và tịch thu nhiều tài sản, phương tiện thông tin liên lạc.
Một tháng sau đó, cả ba bố con cô đều nhận được giấy quyết định xử phạt hành chính về lĩnh vực công nghệ thông tin với lý do "viết bài chống Đảng, chống Nhà nước, phá hoại đoàn kết dân tộc" tổng cộng là 270 triệu đồng, trong đó riêng ông Hiếu là 85 triệu đồng.
Vy cũng nói thêm gia đình cô sau đó đã làm đơn khiếu nại lên ông Lê Phước Thanh, chủ tịch Ủy ban Nhân Dân tỉnh Quảng Nam, người đã cho ra quyết định này. Tuy nhiên đơn khiếu nại này đã bị bác bỏ bởi thanh tra tỉnh Quảng Nam.

image
Chính quyền Việt Nam bị Tổ chức Theo dõi Nhân quyền lên án vì hoạt động tăng cường đàn áp tiếng nói bất đồng chính kiến những năm gần đây

Vào tháng hai năm nay, tỉnh Quảng Nam đã ra thêm quyết định cưỡng chế tài sản cá nhân đối với gia đình cô Vy để bù vào khoản phạt hành chính nói trên nếu gia đình cô tiếp tục từ chối nộp phạt.
Quan điểm của Hoa Kỳ sau vụ ông Huỳnh Trọng Hiếu bị cấm xuất cảnh được nêu như sau:
"Chúng tôi quan ngại về việc chính quyền Việt Nam can thiệp nhằm ngăn chặn ông Huỳnh Trọng Hiếu đi Hoa Kỳ để nhận giải thưởng Hellman Hammett của Human Rights Watch thay mặt cho cha mình là ông Huỳnh Ngọc Tuấn và chị mình là Huỳnh Thục Vy,"
"Ông Tuấn và bà Vy đã được trao giải vì đã thực hiện quyền tự do ngôn luận một cách ôn hòa thông qua một loạt các bài báo trực tuyến."
Được sáng lập vào năm 1989, giải thưởng Hellman - Hammet của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có mục đích giúp đỡ những cây bút nằm trong tầm nhắm của chính quyền vì bày tỏ quan điểm bất đồng chính kiến, chỉ trích các quan chức chính phủ hoặc viết về các chủ đề mà chính phủ nước họ không muốn được công bố trước dư luận.
Trong vòng 22 năm qua, hơn 700 cây bút khắp thế giới đã được nhận giải thưởng này.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.