Wednesday, August 27, 2014

Đi câu cá nơi lãnh hải Mỹ - Mexico

image
Tối thứ Ba, 19 tháng Tám, tại Point Loma Sportingfishing ở San Diego, trên dưới 15 chiếc tàu lớn chen chúc nhau trên dòng nước phẳng lì khoảng vài chục feet gần bờ, chờ đón những người khách đi câu ngoài biển lớn.

Nước phẳng, nhưng lòng người không lặng. Trên tàu, thủy thủ đoàn tất bận dọn rửa con tàu vừa về đến cảng sau nhiều giờ, hay nhiều ngày trên biển. Dưới bến, hàng chục người đàn ông lũ lượt bước xuống con đường duy nhất dẫn xuống tàu.

image
Tàu New Lo-An đậu ở bến Point Loma Sportingfishing ở San Diego chờ đưa khách ra khơi câu cá.
Nhìn những khuôn mặt khuôn mặt rắn rỏi, đen sạm vì nắng gió, và dáng vẻ nhanh nhẹn của họ, người ta hình dung đến những chữ “giang hồ, tứ chiến.”

Gọi họ là “giang hồ” cũng đúng. Họ đổ về đây từ khắp nơi, người lái xe từ San Bernadino, Los Angeles, Torrance, người từ Arizona, Kansas, Missouri bay đến. Ba lô trên vai, tay cầm cần câu, tay kia xách đôi ủng lội mưa, hoặc cả hai tay bận rộn với chiếc xe đẩy cá nhân chất cao đồ nghề của một chuyên gia câu cá, họ lần lượt bước gần đến cánh cổng phía trong, rồi dừng lại ở chỗ nỗi với chiếc cầu gỗ dùng làm nơi cho khách xuống xuống tàu và lên tàu, xếp thành hàng thứ tự, chờ giờ lên tàu ra khơi.


image
Khuôn mặt nắng gió của Jack, một dân câu cá thể thao tiêu biểu.

Cũng là dân đi câu, nhưng những người này đến đây không vì muốn tìm cái thú tiêu khiển thanh tao của người ngồi bên bờ sông, thảnh thơi đọc sách lúc đợi “cá đâu đớp động dưới chân bèo,” mà muốn tham gia một sinh hoạt gay cấn, và một chuyến đi đầy thách thức.

Họ là những người “câu cá thể thao.”

Một kỹ nghệ lớn

Tại Hoa Kỳ, câu cá thể thao (offshore sportfishing), còn gọi là câu cá biển sâu (deep-sea fishing) hoặc câu cá lớn (big-game fishing) là một kỹ nghệ đáng kể, mang đến cho quốc gia hơn $115 tỷ về sản lượng kinh tế và tạo ra được hơn 828,000 công ăn việc làm.

Một khảo sát của U.S. Fish and Wildlife Service về những cuộc giải trí liên quan đến câu cá, và săn bắn động vật hoang dã của Mỹ cho biết hiện có trên 40 triệu người đi câu cá (thể thao) có giấy phép còn hiệu nghiệm, và trong vòng 5 năm qua, có ít nhất là 60 triệu người nhận rằng mình từng tham gia tích cực vào môn thể thao độc đáo này.

Trong khi đó, theo tổ chức American Sportfishing Association (ASA), nếu toàn thể ngành câu cá thể thao được xem là một công ty, nó sẽ sếp hạng 51 trong danh sách các công ty Fortune 500. ASA cũng cho biết đóng góp kinh tế của ngành câu cá thể thao đã phát triển nhanh chóng trong vài thập niên qua.

So với công nghiệp đánh cá thương mại (commercial fishing), dân đánh cá thể thao chỉ câu được khoảng 2% số cá, trong khi công nghiệp đánh cá thương mại câu 98%. Thế nhưng mỗi 100,000 pounds cá do giới đi câu thể thao bắt được, có thể tạo ra được 210 công ăn việc làm so với chỉ 4.5 việc làm của ngành đánh cá thương mại.

Muốn đi câu cá thể thao phải được tàu lớn đưa ra đại dương, rồi ở đó được hướng dẫn câu những loại cá lớn như cá ngừ (yellow fin tuna), cá kiếm (sword fish), mà con bé nhất, cũng nặng từ nặng từ 7, 8 ký trở lên, và con lớn nhất câu được từ trước đến giờ nặng hơn 201 ký.

Trung bình một tàu cung cấp dịch vụ câu cá thể thao chứa được khoảng 30 người đi câu, do một thuyền trưởng và thủy thủ đoàn chừng 5, 6 người, làm việc gần như 24/24 trong suốt chuyến đi để điều khiển tàu và phục vụ khách hàng. Tàu nào cũng trang bị dụng cụ tầm ngư (sonar fish finder), thùng chứa cá mồi, cần kéo mồi để tìm cá, và hầm giữ cá ở độ lạnh khoảng 28 đến 30 độ 30 độ F để giữ cho cá tươi cho đến khi về đến bến.

Giá trung bình của một chuyến đi đánh cá 2 ngày 1 đêm là khoảng $375 / một người, cộng với tiền ăn uống trên tàu, tiền làm cá và tiền típ, đưa tổng cộng phí tổn lên khoảng hơn $400 / một người.

image
Đoàn người đi câu đứng chờ giờ lên tàu.
Chi phí hơn $400 cho một chuyến đi, đối với những ai ở bên ngoài “thế giới” câu cá thể thao, thì "có vẻ đắt," nhưng đối với giới mê môn thể thao này thì “rất đáng đồng tiền bát gạo” vì chỉ cần chỉ tính số cá mang về không thôi “là cũng đủ lời rồi.”

Ông Nguyễn Thế Cường, một người Mỹ gốc Việt ở quận Cam cho biết năm nào ông cũng đi câu: “Phải đi một lần, bắt được con cá tuna lớn, xẻ thịt ra ăn sashimi, mới thấy là ăn sashimi cá tươi vừa mới bắt lên ngon như thế nào, không nhà hàng sushi nào bì được.”

Ông Tùng Nguyễn, người bạn đi cùng chuyến, phụ họa: “Tôi câu cả mấy chục năm nay rồi, từ câu hồ tới ra câu ở biển, rồi theo người ta đi những chuyến tàu ra khơi nửa ngày, hay một ngày, nhưng mấy chuyến đó câu khi được khi không, chỉ có chuyến đi hai ngày một đêm này là chắc ăn nhất, bảo đảm không câu được cũng có cá mang về.”

Ông Phong Võ, một người bạn khác giải thích: “Vì tàu ra khơi xa, lại biết tìm luồng cá nên lúc nào cả tàu nào cũng bắt được số cá đụng trần, mà mỗi người dù câu được bao nhiêu cũng chỉ được mang về mỗi loại cá 5 con, nên ai cũng có cá.”

Chuyến đi kỳ thú

Trong số gần 30 người đứng xếp hàng, chỉ có 4 người gốc Việt, và một phụ nữ duy nhất - là tác giả bài báo này. Đang chuyện trò vui vẻ, mọi người đột nhiên nhốn nháo khi có tiếng còi tàu rú lên.


image
Ba người bạn gốc Việt trên chuyến đi câu cá thể thao trên tàu New Lo-An khuya hôm 19 tháng Tư. Thế Cường (bìa phải), Tùng Nguyễn (giữa) và Phong Võ.

“Tàu mình đến rồi kìa!” Ông Tùng reo lên.

“7 giờ 30. Đúng giờ thật!” Người đàn ông khác liếc nhìn chiếc đồng hồ reo tay, buột miệng, rồi rõi mắt nhìn chiếc tàu trắng lớn, mang tên New Lo-An, mang những đàn pha làm sáng chói chang một góc bến, đang từ từ tiến vào bờ và tìm cách cập bến.

Vài phút sau, một đoàn người, mặt thoáng chút mệt mỏi nhưng hả hê và đỏ au vì nắng, vai đeo ba lô, tay cầm cần câu, bắt đầu rời tàu. Theo sau chân họ là các thủy thủ trẻ tuổi đẩy những chiếc xe màu xanh lớn chất đầy cá ra bãi đậu xe.

image
Người đi câu xuống tàu sau một chuyến đi vui nhưng vất vả.
“Ồ yellow fin tuna (cá ngừ) nhiều quá!” Mọi người tặc lưỡi trầm trồ.

“Chà họ bắt được nhiều thế thì còn cá đâu cho mình bắt nữa!” Một người khôi hài trước tiếng cười ồ vui vẻ. Dân đi câu quen ở bến này ai cũng biết New Lo-An là con tàu có số cá bắt được cao hạng nhì của Point Loma Sportingfishing.

Đúng tám giờ tối, mọi người kéo nhau lên tàu.


image
Hăng hái lên đường.
Đã ghi danh và trả tiền tàu trước, nhưng việc đầu tiên họ phải làm là máng cần câu của mình lên hai bên lưng tàu, rồi lên phòng ăn gặp người thủy thủ giữ sổ sách để điểm danh. Mỗi người đi câu được cho một số thứ tự, con số này sẽ được dùng để đánh dấu con cá họ câu được trong chuyến đi.

Đa số trong đoàn đi câu 31 người, đều đồng ý bỏ $10 đô la vào một cái hộp gọi là “Jackpot,” để dành làm tiền thưởng cho ai câu được con cá lớn nhất.

Jack, một người đi câu gốc Philippines, mà thủy thủ đoàn hầu như ai cũng quen mặt, kể rằng ông mới trúng jackpot cách đây 2 tuần, và “dùng tiền ấy để trang trải cho chuyến đi này.”

Trả lời câu hỏi của phóng viên Người Việt là có đi câu thường và có thường hay trúng giải không, Jack nói: “Có và có! Với tôi câu cá dễ lắm. Chỉ có câu con cá mập hai chân (two-legged shark) là khó thôi.”

Điểm danh và lấy số xong, mọi người đem đồ nghề của mình tranh nhau xuống lòng tàu để dành “phòng ngủ” mà một người nói đùa là “đã đến giờ vào khách sạn 5 sao.”

“Khách sạn 5 sao” là lòng tàu được chia làm 3 dãy giường chồng, với chỗ nằm có chiều dài chỉ vừa cho một người thấp khoảng 1.6 mét, và chiều cao không đủ cho bất cứ ai ngồi thẳng lưng. Những người sợ say sóng chọn nằm tầng dưới cùng, còn người không muốn ai nằm trên đầu mình chọn tầng trên cùng. Giường nằm tầng nào cũng chật cũng nhỏ như nhau, chỉ bỏ xong ba lô, và đôi ủng vào là hình như đã hết chỗ, nhưng chẳng ai có vẻ quan tâm.

Theo thời khóa biểu đã định, tàu sẽ rời bến lúc 9 giờ tối. Để câu được cá lớn, trong khi mọi người ngủ, tàu trưởng sẽ lái tàu đi đêm, ra đến vùng nước biển sâu, giáp ranh vùng biển giữa Hoa Kỳ và Mexico.

Đúng 9 giờ tối, tàu rời bến. Mọi người đứng tất cả trên boong hứng lấy làn gió mát mơn man, người lơ đãng nhìn ánh đèn của bến Point Loma lui lại sau lưng, kẻ quay nhìn ánh đèn của thành phố San Diego lung linh trên mặt nước trước mắt. Người khác chăm chú xem xét lại dụng cụ của mình để chuẩn bị cho phút "ứng chiến" lúc 6 giờ sáng.

Trước khi ra khơi, tàu ghé vào nơi mua mồi. Trong khi các thủy thủ dùng vợt để vớt những đám mồi lên từ hầm chứa cá, một thủy thủ khác tụ họp tất cả 31 người trên boong để thuyết giảng và dặn dò về vận hành của tàu.

Mồi là những con cá còn sống nhẩy lóc chóc, cá mòi, cá trích, cá sardine, đủ loại, từ 15cm đến 30cm. Thủy thủ đoàn xúc xong cá cho vào thùng chứa thì bài thuyết giảng cũng vừa hết, và tàu bắt đầu chòng chành lao vào đêm đen.


image
"Khách sạn 5 sao" trên tàu New Lo-An.
"Ai chưa kịp uống thuốc say sóng thì uống gấp đi nhe!" Một người nhắc bạn.

Đêm dần khuya. Mọi người lục tục kéo nhau hết xuống lòng tàu cố tìm giấc ngủ để dành sức ngày mai chiến đấu với đại dương và những con cá lớn. Với những ai mạo hiểm phiêu lưu vào thế giới câu cá thể thao lần đầu, thì đêm nay có lẽ sẽ là một đêm không ngủ.


Chợp mắt được vài giờ đồng hồ đã có tiếng viên thuyền trưởng vang vang trên loa: “Chào bà con, bây giờ là 5:30AM sáng, chúng ta đang ở ngoài khơi, mọi người dậy ngay để còn chuẩn bị cho một ngày câu cá bận rộn trước mặt.”

image
“5:45 sáng rồi, dậy chuẩn bị cần câu đi!”
Chẳng đợi giục lần nữa, mọi người ngồi bật dậy, mò mẫm tìm đồ nghề, ra khỏi giường làm vệ sinh buổi sáng, chuẩn bị một ngày “sportfishing.”

Thuyền chao mạnh, chúng tôi vừa đi vừa bám vào thang leo lên để khỏi choáng. Ôi sao đi câu khổ thế này!

Nhưng vừa leo được lên boong là thấy dễ chịu ngay. Gió biển lồng lộng như thổi bay đi những nỗi choáng váng, di hại từ mùi xăng khiến mọi người vật vờ trong đêm.

Biển đẹp quá. Mênh mông và xanh ngút ngàn, tứ phía chẳng thấy đâu là bờ. Chợt nhớ mấy câu hát quen thuộc:

Ra sông,
Biết mặt trùng dương, biết trời mênh mông
Biết đời viển vông, biết ta hãi hùng
Ra khơi,
Thấy lòng phơi phới, thấy tình thế giới
Thấy mộng ngày mai, thấy niềm tin mới...

Dù đó chỉ là niềm tin hôm nay mình sẽ... câu được cá.


image
Con mồi này tươi, hy vọng sẽ bắt được con cá lớn.
Trời chưa sáng hẳn, nhưng trên boong, đèn pha của tàu chiếu sáng choang mọi ngóc ngách. Nhiều tay đi câu dậy sớm đã sẵn sàng cần câu trong tay, hay đang xem xét lại bộ máy quay, chuẩn bị “chiến đấu.”

Nhiều người đang đứng sát vào hai chiếc bể dài và hẹp ở hai bên bồn chứa cá mồi, tay cầm móc câu, mắt đăm đăm nhìn những chú cá con đang bơi lội lăng quăng, không biết nỗi nguy hiểm đang chờ chực.

“Trận đánh” đầu tiên

Như đọc được ý nghĩ mọi người, viên thuyền trưởng lên tiếng nhắc nhở: “Mọi người sẵn sàng, nhưng chưa móc mồi ngay nhé! Chúng ta không muốn hết mồi trước khi gặp đám cá lớn. Có lẽ khoảng 15, 20 phút nữa sẽ có một luồng cá.”

Rồi ra lệnh: “Một người chuẩn bị ‘chumming,’ còn một người khác lên đây phụ tôi xem ống nhòm coi!”

Một chàng thủy thủ trẻ thoăn thoắt trèo ngay lên ngồi vào chiếc ghế quan sát cao ngất ngưởng trên tàu, hai mắt dán vào chiếc ống nhòm lớn đeo ở cổ.

Thế ra, trách nhiệm của thuyền trưởng không chỉ là đưa người đi câu ra khơi, tìm luồng cá, mà còn phải điều khiển cả đám thủy thủ lẫn người câu từng bước một để câu được số cá tối đa cho phép, không khác vị tướng cầm quân ra trận.

“Chumming!” Thuyền trưởng chợt la lớn.


image
Một thủy thủ dùng sào móc cá bị cắn câu đưa lên tàu.
Một thủy thủ nhảy phóc lên nóc bồn cá mồi, dùng vợt vớt cá lên, ném ra tứ phía. Những con chim lớn từ nãy giờ bay theo tàu, giờ đã sà xuống gần mặt nước. Cùng lúc đó, những tay đi câu chuyên nghiệp vội vàng móc mồi vào, chuẩn bị ném cần xuống nước.

Còn những người tay mơ thì vẫn đang ngơ ngác đứng nhìn cảnh tượng đột nhiên trở nên linh hoạt hẳn lên.

“Bà con sẵn sàng, chúng ta đã đến gần một đàn cá rất lớn. Nhớ là phải nhìn dây của mình, đừng để rối dây người khác, mất thì giờ gỡ rối là vuột mất đàn cá.” Lại có tiếng thuyền trưởng nhắn nhủ.

Nhưng tiếng ông chưa dứt thì đã có người la lớn: “Color, ở đây có color!”

Thoáng một cái đã thấy một thủy thủ ở gần đó cầm hào móc ngay được con cá to lên tàu.

Con cá ngừ (Yellow Fin Tuna) to khoảng 15 kg, giẫy giụa mạnh đập người lên sàn kêu bành bạch, máu ứa ra loang đỏ một khoảng tàu. Nhìn đồng hồ mới hơn 7 giờ sáng!

Cầm dao đâm vào đầu thêm vài cái nữa cho cá hết giẫy giụa, hỏi người câu cá: “Số ông là số mấy?” người thủy thủ kéo một miếng giấy nhựa có đúng số người câu bấm hai ba lần vào mang con cá, thẩy nó xuống hầm giữ cá, rồi đánh một gạch vào miếng bảng nhựa để đếm cá.


image
Hệ thống đánh số cá của tàu New Lo-An.


“Ở đây có Color!”

“Ở đây cũng có.”

“Ðây nữa, lẹ lên giùm, nặng quá!”

“Chờ chút đi, tôi chỉ có hai tay hai chân thôi!” Bị giục quá, một thủy thủ gắt lên.

“Ê, coi chừng rối dây này, mang cần qua bên kia!” Một người la lớn.

Ðến giờ thì quang cảnh hỗn độn không thể tả, người bận rộn móc mồi, quăng câu, người gồng hết sức mình để quay máy, cố kéo những con cá nặng có khi cả 2, 3 chục ký vào gần tàu, nhiều người bị rối dây vào với nhau, vừa cố gỡ vừa lầu bầu ca cẩm.

Có người quay căng quá dây đứt phựt, la lớn: “Trời ơi mất toi con cá lớn của tôi rồi!”

“Làm ơn nhìn dây của mình và đi theo cá, đừng làm vướng dây của người khác nha bà con!” Các thủy thủ luôn miệng nhắc.

Thủy thủ đoàn người nào người nấy quần quật, hết chạy từ bên nay qua bên kia tàu giúp người câu móc cá lên, đánh số, thả cá xuống hầm, rồi lại chạy qua bên kia giúp người khác gỡ dây. Khi có đám dây rối quá không gỡ nổi, họ lấy kìm cắt hết dây, chỉ chừa lại dây của cần câu nào có cá.

Sau khoảng 30 phút căng thẳng như vậy, tình hình từ từ dịu lại, rồi cuộc chiến lắng hẳn xuống khi thuyền trưởng ra lệnh: “Rút cần câu lên, cá hết đớp mồi rồi, để dành mồi đi chỗ khác, chúng ta sẽ cố đụng trần Yellow Fin Tuna sớm, rồi đi tìm câu Blue Fin Tuna.”

image
“Ủa, con cá của tôi đâu rồi?”
Mọi người rút cần lên. Sàn tàu giờ đây chỗ nào cũng đỏ thẫm màu máu, cá nằm ngổn ngang chưa kịp đánh số. Tổng kết trận chạm trán đầu tiên, “quân ta” thu hoạch được hơn 30 chú Yellow Fin Tuna lớn.

“Ngư dân” Nguyễn Thế Cường, lúc này đã câu được 3 con, tỏ ra lạc quan:

“Ðiệu này tàu mình đụng trần sớm, ai không câu được cũng có cá mang về nha!”

“Ngư dân” Phong Võ, câu được hai con trầm ngâm: “Chưa chắc đâu!”

Hai cậu trông rất trẻ tuổi lúc xếp hàng chúng tôi tưởng là người Philippines, nãy giờ câu được khá nhiều cá, ở đâu chạy đến làm quen: “Mấy cô chú người Việt Nam?”

“Ðúng rồi! Ồ tưởng tụi em người Philippines.”

“Tại tụi cháu đen quá!” Cậu bé xưng tên Tý, họ Lê, cười dễ dãi.

“Cháu cũng người Việt Nam nè, cô câu được mấy con rồi?” Cậu bé xưng tên là Jojo Phạm hỏi chúng tôi.

“Chưa đi câu bao giờ! Sáng giờ xem mọi người chụp hình quay phim thôi, chưa dám đụng vào cần câu đâu!”

Tý Lê hứa: “Ðừng lo, chút cháu sẽ câu dính cá rồi cho cô tập quay máy kéo cá lên...”

Cuộc chiến vãn rồi, mọi người lúc này mới có tâm trí hỏi thăm nhau hay rủ nhau vào galley (phòng ăn) tìm ly cà phê nóng, ly trà, hay gọi thức ăn sáng.

Thuyền vượt sóng được một lúc, thuyền trưởng lại lên tiếng: “Mọi người chuẩn bị trolling. Tôi sẽ kêu 4 số một lượt. Số người nào được kêu là phải đứng canh cây troll của mình!”

Trời ơi, sao nhiều từ chuyên môn quá vậy, làm sao học kịp, nào là chumming, trolling, color, rồi còn đụng trần nữa. Tìm ai giải thích cho mình bây giờ.

Còn nữa, tại sao có người câu được rất nhiều cá, người chỉ được 1, 2 con, cũng nhiều người không câu được con nào? Tại mồi, tại cần câu, máy quay hay tại người câu?

Vận hành của con tàu

image
Từ xưa, khi chưa có máy tầm ngư, bất cứ ai ra khơi đánh cá, điều đầu tiên phải học là bốn chữ: “Xem chim, tìm cá.” Giờ đây, dù đã có máy tầm ngư, cũng không thể không học cách tìm chim, vì một radar tầm ngư tốt có thể giúp thuyền trưởng tìm thấy một đàn chim cách khoảng một phần tư dặm, và một radar tầm ngư tuyệt hảo có thể tìm ra chim trước đó 6 dặm. Chim có thể hiện rõ trên màn hình, nhưng không máy tầm ngư nào, dù tốt đến đâu, có thể cho mình thấy rõ dạng cá.

Nhưng xem chim tìm cá như thế nào?

image
Thuyền trưởng của tàu New Lo-An, một thủy thủ mới 32 tuổi nhưng đã làm việc hơn 9 năm trong ngành Sportfishing, giải thích: “Thường khi dưới mặt biển có một đàn cá đang di chuyển, thì trên không bao giờ cũng có một con chim đầu đàn bay trước, ngay theo sau đàn cá, vì thế cần phải đưa tàu đến 250 feet của con chim đầu đàn này, rồi tùy trường hợp, ra lệnh cho thủy thủ đoàn phải ‘chum’ hay phải ‘troll.’”

Vẫn theo viên thuyền trưởng trẻ tuổi của tàu New Lo-An, mỗi tàu có một vận hành khác nhau, nhưng với kinh nghiệm của ông, trong trường hợp chim bay tản mát và màn hình máy tầm ngư cho thấy đàn cá “loãng,” không bơi sát vào nhau, thì ông cho tàu chạy chậm, ra lệnh “troll” để bắt thử vài con, xem đó là loại cá gì.

Chumming và Trolling

Tàu New Lo-An có 4 cần câu dùng cho trolling được buộc sát phía sau đuôi tàu, kéo mồi giả và được thả ở những độ sâu cũng như khoảng cách xa tàu khác nhau, vì thế khi một trong những cần này dính cá, các thủy thủ có thể đoán được đàn cá đang bơi gần hay xa và độ sâu của cá.

image
Nặng quá, nặng quá làm ơn giúp tôi với!
Còn trong trường hợp cần trolling, đã có cá đớp mồi, hoặc màn hình cho thấy luồng cá dầy thì thuyền trưởng sẽ cho tàu chạy vòng vòng để bao vây và ra lệnh “chum.” Chumming là động tác dùng vợt bắt cá mồi sống ném xuống biển, với mục đích làm cho đàn cá bơi chậm lại vì mải mê táp mồi, tạo cơ hội cho mọi người trên tàu tung cần.

Sau trận “giáp chiến” đầu tiên, tàu đi khá xa mà chúng tôi vẫn chưa gặp thêm đàn cá lớn nào đáng kể, trời mưa lâm râm, mọi người vẫn xẻ bao rác ra làm áo mưa, và chăm chỉ quăng cần mỗi khi có cá đớp mồi của cần troll. Nghe nói số thu hoạch sau trận chiến thứ ba đã lên tới 85 con, toàn Yellow Fin Tuna cỡ trung bình khoảng 25 lbs.

“Hôm nay tàu mình câu hơi chậm. Ðiệu này không biết có đụng trần không đây, nhưng chắc là không có đủ giờ đi tìm Blue Fin Tuna rồi!” Ngư dân Phong Võ than.

“Có thể không tìm được Blue Fin, nhưng chắc chắc tàu mình đụng trần mà! Kỳ trước ông Tùng mang về 9 con đó, không nhớ sao?” Ngư dân Thế Cường trấn an.

Gần bữa ăn trưa, không khí trên boong sôi động hẳn lên khi “ngư dân” trẻ Tý Lê câu được con cá Dorado (Mahi Mahi) khá lớn đủ màu sặc sỡ. Trong khi người thủ thủy cầm sào giơ cao con cá lên cho mọi người chiêm ngưỡng thì Tý Lê đứng bên cạnh mặt ngời hãnh diện.

Khoảng 1 giờ trưa, chúng tôi vẫn còn đang vai đeo máy ảnh, chân la cà tìm những tay câu được nhiều cá để hỏi chuyện và học kinh nghiệm, thì giật bắn mình lên khi nghe thuyền trưởng kêu lớn: “Số 9, 10, 11, 12 đâu, ra troll đi!”

Tôi nhanh nhẩu chạy đến đuôi tàu nói “số 11 đây!” thì bị một thủy thủ bảo cất máy móc đi, “đeo lỉnh kỉnh như vậy làm sao câu được.”

Tôi được trao cho trách nhiệm canh cần troll số hai. Người thủy thủ dặn: “Chị cầm cần câu này nhé, khi nào thấy cá đớp mồi thì kéo cá vào rồi la lên Color ở đây nhá!”

“Làm sao biết khi nào cá đớp?”

“Ðừng lo, đến lúc đó sẽ biết!” Người thủy thủ nói xong bỏ đi giữa tiếng cười thú vị của những “ngư dân” đứng quanh.


image
Câu được nhiều quá rồi, thủy thủ trở tay không kịp.
Tôi còn đang lúng túng cầm chiếc cần câu màu xanh được treo lủng lẳng ở thành tàu, nhìn sâu xuống mặt biển mà chẳng thấy dây câu đâu, rồi bỡ ngỡ nhìn cái máy quay bên cạnh, thì bỗng thấy bị giật mạnh mấy cái, và cần câu nặng trĩu trên tay.

“Phải cá giật không? Phải cá giật không vậy?”

“Ðúng rồi đó!” Ngư dân” Nguyễn Thế Cường ở gần đâu đó nói vọng qua, rồi la lớn: “Color” và thoắt một cái người thủy thủ lúc nãy trở lại, giục tôi quay cá lên.

Chiếc máy quay như bị kẹt một chỗ, và cần câu chúi mũi xuống biển trước sức vùng vẫy của con cá. Thấy vậy người thủy thủ nhào tới, nhấc cần câu cao lên, thả xuống rồi hét: “Lúc thả cần xuống thì quay máy, nhanh tay lên.”

Ngư dân Tùng Nguyễn khuyến khích: “Chị cứ chính tay mình kéo được một con cá lên đi rồi sẽ mê món thể thao này luôn!”

Trong lúc mọi người xung quanh vừa cổ võ vừa vui thú cười nhìn người phụ nữ duy nhất và suốt đời chưa bao giờ đi câu cá vật lộn với cần câu và máy quay, thì có tiếng thuyền trưởng: “Chumming!”

Rồi: “Chúng ta sắp gặp một luồng cá sâu khoảng 100 feet, nhưng đừng xài phí mồi quá nhé, để dành đi câu Blue Fin Tuna.”

Mọi tiếng cười im bặt, họ bu quanh lại hai chiếc bể dài chứa cá mồi, chăm chú móc những con cá bé giẫy giụa tìm cách thoát thân vào móc câu. Một thủy thủ nhẩy phóc lên nóc bồn cá mồi, dùng vợt vớt cá ném ra tứ phía.

Trận chiến thứ tư bắt đầu!

Hay, hên?

Ai đã từng phải giáp chiến với một con cá nặng gần 20 ký, giằng co với nó, nương theo nó khi nó kéo cần đi vòng vòng quanh tàu, rồi vừa thả vừa kéo để đưa được nó lên mặt nước thì mới hiểu thấm thía tại sao thú tiêu khiển này được gọi là “câu cá thể thao.”


image
Ngư dân Phong Võ khoe hai con cá vừa câu được
Thể thao không chỉ vì cần phải chịu được hơn 12 tiếng dãi nắng dầm mưa trên boong tàu lúc nào cũng tròng trành, mà còn cần phải có sức để kéo cá, biết đừng “già néo đứt dây,” có phản ứng nhanh nhẹn để móc mồi, thả cần, và tránh cho dây của mình không vướng vào dây của cần khác, và nhất là cần phải... hên và có số “sát cá.”

Ngư dân Nguyễn Thế Cường bình luận: “Cái trò đi câu này lạ lắm, ngay cả nhiều dân câu kinh nghiệm mà nhiều khi cũng không câu được con cá nào, còn người tay mơ thì lại được cá đớp mồi liên tục.”

Rồi giải thích: “Vì thế người ta nói cái hên chiếm 50% và kỹ thuật chiếm 50%.”

Chẳng biết yếu tố “hên” thực sự chiếm bao nhiêu phần trăm trong việc bắt được cá, nhưng không thể phủ nhận tầm quan trọng của kỹ thuật, trong đó dụng cụ đóng vai trò không nhỏ.

Mà thật, “nghề chơi cũng lắm công phu,” cần câu cá giá từ $30 đến gần $300 một cây. Máy quay (reel) giá từ $55 đến hơn $600 một cái, chưa kể móc câu, dây câu, mà mỗi loại dây chỉ kéo được tối đa một trọng lượng nào đó, nên muốn câu nhiều loại cá thì phải có vài cái cần khác nhau. Mồi giả cũng thế, muốn câu mỗi loại cá phải mua một thứ mồi riêng thì mới “dụ” được loài cá mà mình muốn bắt.

image
Nói đến kỹ thuật, giới rành kinh nghiệm cho rằng cách “móc mồi” là yếu tố quan trọng nhất.

Ngư dân xưng tên Jack, người Phillipines, người bắt được nhiều cá nhất (hơn 20 con) cho biết bí quyết của ông là lựa con cá mồi khỏe nhất, và “móc lưỡi câu vào gáy để cá bơi thẳng và nhanh, vì các con cá lớn chỉ thích đớp mồi đang bơi nhanh.”

Em Jojo Phạm không móc mồi vào gáy, mà móc vào gần đuôi cá, không bắt được nhiều cá bằng Jack, nhưng lại bắt được cá to hơn. Theo em, đó là vì “móc vào đuôi khiến cá bơi sâu hơn.”

Em Tý Lê, có dụng cụ câu “xịn” nhất, bắt cá được số cá tương đương với Jojo, nói móc mồi vào đâu “còn tùy trường hợp” tùy theo “trực giác” của người câu lúc đó. Em cho biết mình sinh ra trong một gia đình chài lưới ở Louisiana, và đi câu từ hồi mới 10 tuổi.

Khoảng 5 giờ chiều, khi thủy thủ đoàn cho biết vẫn còn thiếu khoảng 15 con Yellow Fin Tuna nữa mới “đụng trần,” cả tàu không còn ai hy vọng là hôm nay sẽ còn thì giờ đi tìm Blue Fin Tuna, những con cá chỉ tìm thấy ở những nơi biển rất sâu.

Trận giáp chiến cuối cùng trong ngày, tàu gặp một luồng cá Yellow Fin Tuna rất đông, thuyền trưởng ra lệnh cho xài mồi xả láng, mọi người móc mồi, quăng cần lia lịa, tiếng gọi “Color” huyên náo khắp nơi, nhưng thủy thủ đoàn chậm rãi dùng hào móc lên từng con để đếm vì không muốn vượt số cá đụng trần là 155 con Yellow Fin Tuna.

image
Theo luật đánh cá thể thao của Hoa Kỳ, khi câu cá tại lãnh hải Mỹ và Mexico, mỗi người đi câu, không cần biết câu được bao nhiêu con, chỉ được mang về tối đa 5 Yellow Fin Tuna, 5 Blue Fin Tuna, những loại cá nhỏ hơn cũng thế, riêng cá Dorado (Mahi Mahi) thì mỗi người chỉ được mang về tối đa 2 con.

Giải thích về luật đụng trần, một thủy thủ nói: “Chúng ta phải theo đúng luật thì cá mới không bị tuyệt chủng. Tôi năm nay 32 tuổi, và tôi muốn đời con cháu tôi vẫn được đi câu cá thể thao.”

Câu chẳng được bao lâu, một thủy thủ hô lên tàu đã đụng trần 155 con (31 người, mỗi người 5 con). Thế là những con cá đớp mồi về sau được xem xét kỹ xem có to đủ để trúng Jackpot không, nếu không, thủy thủ cắt dây thả cho về với biển khơi. Cả tàu vừa vui vừa tiếc hùi hụi, vui vì như vậy ai cũng có 5 con Yellow Fin Tuna mang về, tiếc vì những con cá sau này còn lớn hơn những con cá câu buổi sáng sớm. Tổng cộng tàu thả gần 30 con cá đã đớp mồi trở lại biển.

Em Jojo Phạm, bắt được thêm 4 con lớn trong vòng 20 phút, hớn hở khoe thành tích, dù 3 trong 4 con của em được trả về đại dương.


Hẹn mùa sau

Gần đến giờ phút chót, Jason Stevens, một ngư dân trẻ, cũng gốc chài lưới giống như Tý Lê, bắt được một con Yellow Fin Tuna gần 60 lbs, to nhất trong ngày, được cho phép móc lên tàu. Jason được tuyên bố là người trúng Jackpot.

image
Sau đợt câu cuối cùng, các ngư dân và thủy thủ đoàn mới cảm thấy thoải mái, kéo nhau vào galley uống ly bia để thư giãn sau một ngày vất vả. Mọi người cụng ly chúc mừng nhau, cùng ca ngợi thuyền trưởng và thủy thủ đoàn, rằng “thuyền trưởng phải giỏi và có kinh nghiệm câu lắm mới tạo điều kiện cho mình câu được 4 con trong một đợt.”

Không thể không ghi nhận vai trò quan trọng và tinh thần phục vụ của thủy thủ đoàn. Không có họ thì không thể có hiện tượng cả người không biết câu cũng có cá mang về. Họ làm việc hầu như 24/24 trong suốt chuyến đi để mọi người đạt được thắng lợi cao nhất và có cuộc hải hành thích thú, thoải mái. Tìm cá, trolling, chumming, móc cá, đánh số, gỡ dây rối, giúp đỡ những người mới đi câu lần đầu, xịt nước rửa tàu cho sạch sau mỗi đợt câu, sự hăng say làm việc chỉ có thể có được trong một tinh thần thể thao và yêu nghề cao độ.

Ðêm khuya, khi những ngư dân mệt mỏi lục tục kéo về lòng tàu để ngủ, thì thủy thủ đoàn còn phải thức đến hai, ba giờ sáng, chia và làm cá theo yêu cầu của từng người.

Ðúng 7 giờ sáng, tàu trả chúng tôi về Point Loma Sportingfishing, chuẩn bị đón đoàn người đi câu mới.

Trong khi chờ nhận và chất cá lên xe, ngư dân gốc Việt mới quen trao đổi số điện thoại, email, và hẹn nhau đến mùa sau sẽ “charter” (thuê bao) nguyên một chiếc thuyền chở toàn người đánh cá thể thao gốc Việt.

“Ði nguyên một đám người Việt mình cho đã!”

Nhưng phải đợi đến mùa sau mới được câu nữa thì lâu quá!

image




Hà Giang_NV

image
image

image

image

image

image

image

image

image

image

image


Feb 18, 2012
Fishing Joke. image. A woman goes into Wal-mart to buy a rod and reel. She doesn't know which one to get, so she just grabs one and goes over to the register. There is a Wal-mart associate standing there with dark glasses ...

Apr 02, 2013
YALESVILLE , CT – A new fishing technology that set a record for catching bass in Mexico is now showing its stuff in the U. S. It has out-fished shrimp bait in Washington State and beat top-selling U. S. lures three to one in ...
Oct 27, 2013
Nhiều người đi câu nhưng ắt hiếm người từng câu cá trên trời, tức câu bằng diều (kite fishing). Đây là loại câu cá có từ xa xưa, phổ biến tại một số nước vùng Thái Bình Dương và Florida , cho phép người câu đứng trên bờ ...

Jun 13, 2014
ORLANDO, Florida - Từng tháp tùng nhiều anh em trong giới câu cá chuyên nghiệp ở Nam California, cứ tưởng phong trào câu cá của nhóm người Việt ở đây là nhất nước Mỹ. Vậy mà khi được đi cùng một nhóm anh em câu ...

Apr 03, 2014
ORLANDO, Florida - Từng tháp tùng nhiều anh em trong giới câu cá chuyên nghiệp ở Nam California, cứ tưởng phong trào câu cá của nhóm người Việt ở đây là nhất nước Mỹ. Vậy mà khi được đi cùng một nhóm anh em câu ...

Sep 11, 2013
Tôi bỏ nghề câu cá từ lâu lắm rồi sau khi tôi đã trót lỡ buông lời thề độc không sát sanh hại vật nữa. Bây giờ tôi chỉ đi dòm cá hoặc xem người khác câu thôi. Người già về hưu có tiền hưởng nhàn bằng cách đi du lịch Việt ...

Jun 22, 2012
Trong loạt bài Mr. Bond góp cho viết về nước Mỹ, có chuyện câu cá nước ngọt lẫn nước mặn, câu từ Nam đến Bắc Cali, qua Alaska, hay xuống Mễ, câu về tới VN hay qua tận Thái lan... rồi chuyện đi lặn bắt bào ngư, bắt tôm ...


image

Lý do gì khiến đàn ông mua dâm?
Hãy cám ơn Trung Cộng
Lan Cao: The Lotus and the Storm
Nghĩ về di chúc của cụ Hồ
Người TC thích nhà cao cấp ở New York
Giỡn mặt với Obama, TC sẽ mất CSVN và Phi Châu.
Vụ thảm sát: Thế Giới chưa từng biết đến
Tình dục ở người tuổi cao
Những bức tranh xã hội trong ca khúc của Phạm Duy
Thông điệp McCain: 5-3-1
Tau chưởi
Đại tướng Mỹ Martin Dempsey thăm VN
Thái Bá Tân và những vần thơ năm chữ
Trăm năm trồng người...
Thiên Tài: Jennifer Lynh
Vĩnh biệt “Good Morning ….Vietnam”
Mạng xã hội toàn cầu và sức mạnh liên kết to lớn
Mỹ sẽ giám sát 'các đảo đá, đảo san hô, và bãi cạn...
Con tắc kè CSVN sẽ đổi màu ?
Thỏa thuận Thành Đô: bước lùi lịch sử thảm họa ch...
Hải quân Nhật với "song sát" đổ bộ Wasp và 22DDH t...
Thành phố của hươu tại Nhật Bản
Tàu chiến của Trung Cộng bắn tên lửa trong một cuộ...
Duyên - Nghiệp...
Đồng minh với Mỹ
Nhìn về phong trào 'thoát Trung'
Vĩnh biệt Robin Williams
Thằng ăn hại
Mỹ: Tách xa TC, lại gần VN
Cô gái bán báo xinh đẹp ở Sài Gòn
Thiết bị chống trộm của cảnh sát Anh
Bộ máy thuần hóa của CSVN
Tại sao người ta tàn nhẫn đến vậy?
Sự khác nhau trong văn hóa ứng xử giữa Sài Gòn và ...
Lớp học ngoại ngữ miễn phí của chàng trai bán bóng...
Tòa Án Úc: Tố cáo tham nhũng tiền polymer Việt Nam...
Không biết CSVN chơi trò bần tiện gì với Điếu Cầy ...
Hội nghị Thành Đô của đảng CSVN với CSTQ năm 1990
Việt-Mỹ: Vũ khí đổi lại cải cách?
Tại sao chúng ta cần nhà văn?

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.